2014-03-14 07:28:02

An Nam ký sự 2014: Làng cổ Đường Lâm

Cổng vào Đường Lâm

Đường Lâm ở Sơn Tây là nơi còn mang nhiều dáng dấp của miền quê bắc bộ xưa kia, đã được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử quốc gia từ năm 2006. Gọi là làng nhưng thực ra là xã mấy làng gộp lại. Lâm nghĩa là rừng. Xứ này thời cổ chắc toàn rừng rú, có con đường đi qua nên đựơc đặt tên như vậy chăng?

Mua vé vào xong, chúng tôi hỏi: „Có hướng dẫn viên không”? Người nữ bán vé ới một tiếng. Một cô gái trẻ ngực ghim biển hướng dẫn viên tiến lại, hỏi: „Đoàn nhà mình có định thăm quan lâu không”? Đoàn nhà tôi chỉ có ba người: tôi, chú em và bạn trai của em. „Có gì cứ cho xem hết – Tôi nói. - Hướng dẫn viên trẻ đẹp thế này thì cứ đi đến tối cũng được”. Sau hỏi thì biết cô hướng dẫn viên đã tốt nghiệp khoa sử Đại học Quốc gia Hà Nội.

Vào làng phải qua cái cổng cổ kính, gỗ gạc có vẻ mục nát, tường xây, mái ngói. Nghe nói cổng được dựng từ hơn 400 năm. Trong làng thóang nhìn đường cũng đổ bê tông, dây điện chẳng chịt, nhà mới khá nhiều như bao làng khác. Không phải chuyên gia, không có người hướng dẫn, chắc chẳng mấy ai đoán được là làng cổ. Nhưng đây quả có ngôi đình cực đẹp. Trước đình có cái điếm cổ, người ta thuê làm quán bán cơm. Sân đình rộng xây gạch kiểu Bát Tràng, mỗi bên có một cái khánh lớn, một bằng đá một bằng đồng. Hai bên đình có hai cái giếng đối xứng nhau, gọi là giếng Mắt Rồng. Trong đình kèo cột chạm trổ công phu. Có treo mõ gỗ hình con cá kình. Một gian đình vẫn còn nền gỗ lát cách nền đất chừng một mét. Nền kiểu ấy tiếng cổ gọi là sạp. „Những đình khác – cô hướng dẫn viên nói - thì ít nơi còn sạp. Ngày kháng chiến chống Pháp bộ đội ta phải chuyển nhiều đình chùa thành kho chứa lương thực, đạn dược... nên sạp bị phá đi cả”! Tôi không đồng ý với lời giải thích đó: „Ngày kháng chiến chống Pháp làm gì có ai lấy đình chùa làm kho. Chỉ sau này hòa bình lập lại chính quyền cách mạng mới chống mê tín dị đoan, đình chùa miếu mạo nhiều ngôi bị phá tan tành, nơi nơi biến thành nhà kho, trường học, lớp mẫu giáo... Những việc ấy mới chỉ xảy ra có mấy chục năm, nhiều nhân chứng vẫn còn sống mà đã bị làm sai lệch hết cả. Thế mà lại đòi nghiên cứu những việc từ thời Hùng Vương dựng nước, An Dương Vương xây thành, thậm chí còn Sơn Tinh Thủy Tinh... thì đâu có được. Em đừng nghe người ta dạy thế”.

Mõ hình cá kình trong đình Đường Lâm

Chúng tôi ghé thăm một ngôi nhà người thường dân được xếp hạng vào loại di tích giá trị. Ông chủ niềm nở tiếp đón. Thời xưa đây là nhà giầu, nhưng cái giầu của ngày xưa thì cũng rất là nghèo. Nhà bé nhỏ lụp xụp. Vào nhà chân phải bước cao qua ngưỡng cửa nhưng người cao đầu phải hơi cúi thì mới qua lọt. Sân trước nhà lát gạch, nhưng nền trong nhà bằng đất. Quanh tường nhiều giấy khen, bằng khen, ảnh bác Hồ, quyển lịch có ảnh cô gái trong quân phục công an... Ngoài ra có hai cái bảng gỗ viết chữ nho, nhưng đã rất mờ nhạt. Đấy là hai cái bài vị cúng tế trong gia đình do một người hay chữ viết tặng thời xưa. Kèo cột làm bằng gỗ xoan, không phải cột nào cũng thẳng. Và cũng khắc chữ nho, chạm trổ rồng phượng tinh vi. Quá giang phần nhiều là tre. „Cây này là nguyên từ thời các cụ tôi để lại”. – Ông chủ chỉ. Tôi hỏi: „Các cụ xây nhà này đã lâu chưa”? Trả lời: „Chúng tôi ở đây đến đời tôi là thứ mười bẩy”. Ông chủ nhà mời uống nước chè xanh, ăn bánh chè lam đặc sản của quê hương. Bộ tràng kỉ mà chúng tôi ngồi nói chuyện cũng thuộc loại di tích. Hồi xưa đội làm phim đã mượn để quay bộ phim „Việc làng”. Gia chủ đã nhiệt tình đến thế, lúc đi chúng tôi không thể không tế nhị để lại một chút gọi là công đức. Nghe nói gia đình ông chủ còn làm thêm dịch vụ ăn uống phục vụ du khách. Tôi bảo cô hướng dẫn viên: „Làng được công nhận là di tích thì nhân dân cũng có phần lợi”. Cô trả lời: „Thực ra chỉ có nhà này và một trong hai ngôi nhà đẹp nhất được nhiều du khách đến thăm, được người Nhật lập hồ sơ giúp đỡ bảo tồn và được trợ cấp hàng tháng. Những nhà khác được công nhận là di tích chỉ gây thêm phiền hà. Nhà cửa lụp xụp, rất là bất tiện, nhưng không được tự ý tu sửa mở mang. Con cháu sinh ra ngày một nhiều, yêu cầu của con người ngày càng lớn mà đành bó tay. Có lần bà con đã biểu tình đòi trả lại nhà nước bằng công nhận là di tích”.

Giếng nước trong làng (xây năm 1933)

Đường Lâm còn tự hào là quê hương của những hai vua Ngô Quyền và Phùng Hưng. Nhưng lại có nhà nghiên cứu cho rằng không phải vậy. Quê hương của Ngô Vương và Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đâu đó trong Thanh Hóa. Thông tin hai vua quê ở Đường Lâm là dựa trên văn của một bia đá. Theo nhà nghiên cứu này thì bia ấy là ngụy tạo. Nhưng dù thế nào mặc lòng, Đường Lâm vẫn có hai miếu thờ cho cả hai vua. Trước đền Ngô Vương có mộ của ngài (?) rất to xây theo trường phái Việt Nam hiện đại, nghĩa là đắp long ly quy phượng rất hoành tráng, nhưng xem kiểu cách làm thì chắc vài năm nữa sẽ bị nứt, lại trơ ra mấy thanh sắt gỉ như thường. Trong đền Ngô Quyền có treo cái biển sơn son chữ vàng óng ánh, cứ như để chép lời Bác dạy hay khẩu hiệu ca ngợi Đảng không bằng. Nội dung biển thì lại: „Cấm phụ nữa vào hậu cung”. Tôi đang ngắm nghía cái biển hiếm hoi thì ông thủ từ canh đền tiến lại hỏi: „Các bác là văn nghệ sĩ nhiếp ảnh? (!) – chả là tôi đeo cái máy ảnh to - thấy chúng tôi làm thế có đúng không”? Tôi trả lời: „Nếu như các cụ ngày xưa làm thế thì nay các bác nay cũng cứ thế mà làm. Đấy là phong tục, chẳng cần tranh luận đúng sai làm gì. Ngày nay người ta làm nhiều điều không phải. Ví dụ xưa kia làng vào đám (bây giờ gọi là hội làng), đàn bà con gái mà ra đình thì người ta đánh chết. Thế nhưng ngày này hội làng thì đàn bà ăn mặc xanh đỏ, lũ lượt ra đình làm ‘lễ dâng hương’, rồi quay phim chụp ảnh, phao lên là ‘phong tục cổ truyền’. Đành rằng nam nữ cũng nên bình đẳng, phong tục tập quán cũng có thể thay đổi, chỉ đừng nên nói đấy là ‘phong tục cổ truyền’. Nhưng mà ở đời này là như vậy đó. Người ta có quyền có thế, nói thế nào chẳng được”! Ông từ lại bảo: „Chúng tôi cấm vậy vì đây là chốn tôn nghiêm mà nhiều khi con gái váy ngắn, hở ngực, hở đùi, chẳng biết ý tứ gì cả, cứ thế xông vào”. „Vâng, như vậy chắc là không hợp lễ – tôi nói. – Tôi có lần đi chơi nước Hy Lạp bên Âu châu. Đấy có những tu viện rất nổi tiếng dành cho nam giới. Ngày xưa các tu sĩ muốn nuôi gà nuôi dê thì cũng phải gà trống dê đực. Nay thì du khách được tham quan và phụ nữ cũng được vào. Nhưng phụ nữ không được để vai trần, mặc váy ngắn hở đầu gối. Nếu ai chẳng may mặc váy ngắn lại muốn vào thì ngoài cửa có thể mượn được những tấm khăn to, quấn vào thắt lưng phủ lên váy mới được vào”. „Ồ, thế thì trên thế giới ở đâu người ta cũng thế nhỉ”.- Ông từ tỏ vẻ rất hài lòng.

Đường Lâm còn nuôi được loại gà trống thiến nặng đến sáu cân, gọi là gà mía, dùng để cúng thành hoàng. Hiện gà mía chỉ có một ông già giữ bí quyết nuôi. Có lần được phỏng vấn ông kể, một tháng trước khi giết phải nhốt gà vào bóng tối, chỉ cho ăn toàn ngô. Tôi hỏi: „Tưởng gọi là gà mía thì cho ăn mía, sao lại ăn ngô? Sao không gọi là gà ngô”? Cô hướng dẫn viên bảo không biết. Đường Lâm không phải chỉ có gà mới mang danh hiệu „mía”, mà còn có bà chúa Mía, ngôi chùa Mía. Chùa Mía cổ kính là một trong những chùa giữ được nhiều tượng cổ nhất nước. Nguyên nhân là ngày xưa loạn lạc, các làng khác hay mang tượng đến để nhờ rồi không mang về. Trong chùa có đến hai bộ tượng Tam thế, hai dãy tượng la hán, đức Phật gầy gò do nhịn ăn ngồi thiền, Quan Thế Âm Bồ Tát, Quan Âm Thị Kính... Cô hướng dẫn viên giới thiệu lần lượt, đến pho ngoài cùng thì ngắt lời, không nhắc đến. Tôi buột miệng hỏi: „Thế đây là ai”? Cô miễn cưỡng trả lời: „Bức tượng này thì các thày cô em cũng không biết là ai”? Nhưng biết rằng chùa Mía là do bà chúa Mía công đức xây nên. Ngày xưa bà chúa Mía khi còn là một thôn nữ nơi đây, một hôm đi cắt cỏ với các bạn gái gặp xa giá của chúa Trịnh Tráng đi qua. Các bạn bỏ chạy cả, chỉ có bà chúa tương lai đứng lại. Được chúa hỏi, người con gái còn làm thơ đối đáp. Trịnh Tráng yêu mến tài sắc, mang về cung, phong cho làm vương phi. Sau này bà về quê thấy đình chùa miếu mạo đổ nát hoang tàn, mới cung tiến mà xây nên chùa Mía.

Lang thang cuối cùng trời đã sắt tối thật. Chùa Mía cũng là điểm cuối cùng chúng tôi tham quan. Thương cô hướng dẫn viên phải lẽo đẽo theo cùng. Lúc chia tay tôi bảo: „Em cũng nên học bà chúa Mía mới được”! Cô hỏi: „Học thế nào”? „Nếu đi cắt cỏ thấy ai đi cái xe sang trọng đến thì chớ có mà bỏ chạy”. „Bây giờ đâu có những chuyện ấy”. „À nhưng mà em đã có gia đình chưa”? „Dạ, em chưa có”. „Vậy thì may quá. Trong ba anh, anh này là lái xe, anh này là trợ lý của anh, còn anh đây đương kim chủ tịch hội đồng quản trị. Chưa anh nào có vợ. Em muốn chọn ai thì chọn. Em tính sao”? Cô hướng dẫn viên cười ngặt nghẽo, nhưng chẳng biết chọn ai. Cũng may chứ cô mà chọn thật thì phiền hà. Sự thực là trong ba chúng tôi không ai làm nghề lái xe, không ai làm trợ lý và cũng chẳng ai làm chủ tịch hội đồng quản trị. Cả ba đã có vợ, không những thế mỗi người đều đã mấy con. 

03-2014

Trương Đình Toe.

Sửa lần cuối 2014-03-15 08:14:11
  • Nguyễn Hữu Viêm Nguyễn Hữu Viêm ..đặc sản của quê hương là "chè nam" hay "chè lam" ??? 2014-03-14 10:47:32
  • Trương Đình Toe Trương Đình Toe Cái này thì tôi chịu, bác Viêm ạ> 2014-03-14 20:59:50
  • Nguyen Huu Viem Nguyen Huu Viem Chè lam! :D 2014-03-16 08:01:15

Bình luận

Bình luận qua Facebook