2015-06-13 06:13:04

Tại sao không phải ai cũng bị bệnh ung thư?

   

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Nguyễn Hữu Viêm dịch từ Gazeta Wyborcza

Bệnh ung thư đã tấn công loài người từ khi loài người hình thành. Hơn nữa, nó tấn công con người bằng chính bàn tay của con người, chính xác hơn là bằng các tế bào của con người, vì thế mà nó thường thắng trận. Có thể nói nó hầu như là kẻ giết người lý tưởng. Nói là hầu như, vì không phải nó thắng tất cả mọi người, nhưng bao giờ cũng có thể nói là bệnh ung thư luôn thử tấn công tất cả mọi người.

Bạn đang bình thường và ngoài việc hơi mệt một chút, và bạn nghĩ rằng bệnh ung thư chả liên quan gì đến mình? Bạn nhầm rồi. Trong cơ thể chúng ta, trong mọi lúc, đều có các tế bào ung thư đang xuất hiện.

Khoa học hiện chưa biết rõ bệnh ung thư là gì và quá trình ung thư tiến triển ra sao, khoa học mới chỉ biết là bệnh ung thư xuất hiện khi các tế bào của chúng ta phát triển vô tổ chức. Giống hệt như một con ngựa, không nghe theo lệnh chủ và phóng ra khỏi chuồng để có một cuộc sống hoang dã. Thêm nữa là lúc đó nó trở nên bất tử và sinh sản vô tội vạ. Chúng vẫn buộc chủ cũ tiếp tục cung cấp thức ăn, săn sóc cho mình mặc dù lúc đó chúng đã trở thành quái vật.

Vậy lý do có phải là gien không?

Bình thường thì cơ thể con người có khả năng dập tắt sự hình thành của bệnh ở mức độ cơ bản. Các tế bào của con người luôn luôn bị phân chia, chúng thay đổi không ngừng trong cuộc đời chúng ta, ví dụ tế bào xương của con người cứ 7 năm thì thay đổi hoàn toàn. Hồng cầu chỉ sống có vài ngày, các hồng cầu mới sản sinh ra để thay thế chúng. Mỗi tế bào khi phân chia để hình thành các tế bào mới giống hệt mình thì chúng phải sao chép lại khoảng 3 tỷ các nucleotit, đó là các viên gạch nhỏ cấu tạo nên mã di truyền ADN của chúng ta. Con số thông tin đó rất lớn, nên khi mỗi tế bào lúc phân chia để tạo ra tế bào mới, số lầm lẫn xảy ra trung bình lên đến …120 nghìn lỗi! Một số lỗi này có lợi cho cơ thể, một số lỗi gây hậu quả nghiêm trọng, còn phần lớn không có lợi mà cũng chẳng có hại. Khi mà các thay đổi trên làm tế bào thay đổi các hành xử, không chịu nghe lệnh dừng lại mà cứ phân chia vô tổ chức, khi đó ta có một tế bào ung thư. Bệnh ung thư không phải có một dạng duy nhất, khi có các lỗi nói trên có thể xảy ra đến 200 các loại khác nhau, được gọi chung là bệnh ung thư.

Trong cơ thể con người mỗi ngày xuất hiện đến hàng trăm các lỗi gây ung thư như trên. Một số yếu tố về môi trường sống có thể thúc đẩy nhanh thêm quá trình tiến triển của bệnh ung thư như khói thuốc lá. Còn lại thì do chính con người gây ra. Như vậy trong mỗi con người các tế bào ung thư đã có sẵn và phát triển từ khi ta sinh ra, và ai cũng chết vì bệnh này chăng?

Không phải thế. Quá trình phân chia tế bào được mã hóa trong ADN của chúng ta có chứa một chương trình tự sửa lỗi, cho phép loại đến 99% các lỗi có thể có khi sao chép. Tuy nhiên quá trình này không hoàn hảo. Đôi lúc các lỗi bị tập trung quá mức cùng một lúc mà chương trình sửa lỗi nói trên không làm việc được nữa. Điều này liên quan đến sự lão hóa của cơ thể. Khi ta còn trẻ, cơ thể có khả năng dọn dẹp tốt các rác rưởi phát sinh, nhưng cùng với thời gian, khả năng trên mỗi ngày một chậm dần và kém chính xác hơn. Khi số rác chồng chất lại quá lớn, và chúng xuất hiện trong các gien thì nguy cơ bị bệnh ung thư tăng rất cao.

Cơ quan phục vụ dọn dẹp nói trên của cơ thể làm việc không chỉ với các tế bào ADN mà còn làm việc trên các đường phố trong cơ thể: các mạch máu. Đó là hệ thống tự phòng vệ của cơ thể. Chúng hoạt động không chỉ khi có các vi trùng hay vi rút xuất hiện trong cơ thể, mà cả khi có các tế bào lạ hay hoạt động không bình thường. Hệ thống này bình thường thì phải nhận ra các tế bào ung thư, vì chúng có dạng khác do có chứa các limfocit T và B. Song đôi khi vì các lý do khác nhau nên hệ thống phòng vệ hoạt động không hiệu quả. Một số loại tế bào ung thư có khả năng đánh lừa hệ thống phòng vệ nói trên.

Như vậy ở một số người hệ thống tự sửa lỗi hay hệ thống phòng vệ hoạt động tốt hơn người khác. Có thể đó là bí mật để họ không bị bệnh ung thư chăng? Chắc chắn một số người có hệ phòng vệ nói trên do di truyền, còn có một số người khác hay có mắc bệnh ung thư là một sự di truyền, phần lớn là mắc ung thư một bộ phận cụ thể nào, đó như vú chẳng hạn. Loại sau chắc có rối loạn ở một gien nào đó và ở một thời điểm chúng trở nên quan trọng cho quá trình xuất hiện bệnh ung thư ác tính. Các nhà khoa học đang tìm các gia đình như vậy và xin họ cho phép các thành viên cho phép lấy mẫu nghiên cứu. Có thể ADN của họ có chứa các thông tin cho biết các gien nào đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bệnh. Các nhà nghiên cứu cũng thống nhất là bệnh ung thư nếu xuất hiện khi còn trẻ thường là do các rối loạn bẩm sinh.

Điều trên cho phép giải thích phần nào việc tại sao một số người sống rất lành mạnh mà lại bị bệnh ung thư, còn một số người khác, dù chịu tác động mạnh của các yếu tố có hại (rượu, thuốc lá, ít vận động, ăn uống kém) mà lại không bị bệnh.

Vì bệnh ung thư đã ở cùng với loài người lâu như vậy và hơn nữa lại hình thành do chính hoạt động của các tế bào con người, nên các nhà khoa học còn tìm các giải thích độc đáo khác cho sự chung sống giữa con người và bệnh này. Phải chăng đây là do một hệ thống đã bị lãng quên nào đó, giống như máy phát điện dự phòng khi máy tính trung tâm điều khiển cơ thể bị hư hỏng chăng? Mới đây ông Paul Davies, nhà vũ trụ học làm việc tại Đại học Tổng hợp bang Arizona đã nêu ra kết luận này.

Nhóm nghiên cứu kỳ lạ gồm ba người

Ông Davies là một nhà vật lý thiên văn. 7 năm trước ông được mời tham gia vào một nhóm nghiên cứu trong một viện mới thành lập ở trường đại học nói trên. Ủy ban Quốc gia về bệnh ung thư Mỹ đã tài trợ cho viện của ông Davies cùng với 11 viện nghiên cứu khác, tập hợp các chuyên gia từ các ngành hoàn toàn khác nhau để tìm một cách nhìn nhận mới về nguyên nhân của bệnh ung thư. Ông Davies cùng với nhà sinh học thiên văn người Úc Charley Lineweaver, nhà khoa học Canada về ung thư, ông Mark Vincent lập thành một nhóm nghiên cứu ba người. Họ đi đến kết luận là ung thư không phải do một hoạt động không bình thường, mà do đã được lập trình từ trước. Thiên nhiên đã tự làm cho chúng ta như thế.

Do ung thư là chung cho mọi động vật và thực vật, nó phải tiến hóa từ hàng trăm triệu năm trước khi con người xuất hiện trên quả đất này, cụ thể là khi cả động vật lẫn thực vật có một ông tổ chung, ấy là các đơn bào.

Lúc đó các cơ thể đơn bào là bất tử và chỉ có toàn các ưu điểm, nhưng khi các cơ thể đa bào xuất hiện, thì sự bất tử của các loài chỉ do các tế bào sinh sản gồm trứng và tinh trùng đảm nhiệm, các tế bào bình thường khác không còn là bất tử nữa, ông Davies kết luận. Nhóm ba người này giả thiết là khi các yếu tố có hại cho sức khỏe (như phóng xạ chẳng hạn) xuất hiện, thì các tế bào bình thường lại có khả năng kích hoạt hệ thống sinh sản như chúng đã có từ thời xa xưa để tồn tại. Chính khả năng kích hoạt này theo họ là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư. Đó chính là lỗi của hệ thống tự phòng vệ. Điều nữa, là khi hệ thống này bị kích hoạt thì không có khả năng hãm lại được nữa. Và vì một số người chỉ cần một kích hoạt nhỏ là hệ thống này hoạt động trở lại, nên họ dễ bị bệnh hơn các người khác.

Giả thiết này của ông Davies làm thay đổi cách điều trị bệnh ung thư. Thay vì tấn công các tế bào ung thư như hiện nay và làm chúng hoạt động càng mạnh lên, chúng ta nên tập trung tháo gỡ, tấn công vào phần yếu của bệnh.

Theo họ, bệnh ung thư đã phát triển từ hồi xa xưa, khi môi trường trên mặt đất có độ a-xít cao và có ít ô-xy hơn bây giờ. Vì vậy nhóm nghiên cứu đề nghị tiến hành các thí nghiệm áp dụng các trị liệu ô-xy và hạn chế chất đường trong thức ăn để hạ độ chua trong cơ thể. Phép trị liệu bằng ô-xy đã được tiến hành từ lâu rồi, không phải do các kết luận của nhóm ông Davies, và cho các kết quả rất khả quan. Ví dụ như khi tăng nồng độ ô-xy, các tế bào bệnh máu trắng bị tiêu diệt. Tuy nhiên các chuyên gia về bệnh ung thư đều nói nếu vậy thì đơn giản quá. Nhưng dù sao từ điều này có thể rút ra kết luận là hoạt động thể thao là có lợi: những người hay rèn luyện thì các tế bào được cung cấp ô-xy nhiều hơn và họ ít bị bệnh hơn?

Các vi khuẩn cũng tham gia chống bệnh

Khả năng bị mắc bệnh hay chống chọi tốt với bệnh cũng có liên quan đến hoạt động của các vi khuẩn trong ruột chúng ta. Trong những năm gần đây các nhà khoa học đã chứng minh vai trò của hệ vi khuẩn trong đường ruột con người với việc hấp thụ các chất dinh dưỡng, việc điều khiển hệ thống phòng vệ cũng như ảnh hưởng đến tâm lý con người. Và chúng cũng đóng vai trò cho việc xuất hiện bệnh ung thư nữa, chỉ còn chưa rõ là ở mức độ nào mà thôi.

Trong ruột người có rất nhiều vi khuẩn, phần lớn là có lợi nhưng cũng có mặt trái của nó. Các thí nghiệm trên chuột cho thấy các con chuột bị tẩy sạch vi khuẩn khỏi ruột ít bị u trong ruột hơn. Điều này chứng tỏ các gien gây ung thư có trong thành phần một số vi khuẩn đường ruột. Mối liên quan giữa bệnh ung thư đại tràng với các vi khuẩn đường ruột còn rõ hơn: ở những người mắc bệnh ung thư đại tràng, trong ruột có nhiều vi khuẩn loại EnterococcusStreptococcus hơn, và ít vi khuẩn loại LachnospiraceaeRoseburia hơn so với người khỏe mạnh.

Các vi khuẩn đó có tầm quan trọng ra sao: chúng tạo ra 10% năng lượng cần thiết cho các tế bào cơ thể hoạt động, làm các chất bột trong thức ăn lên men để biến chúng thành các sản phẩm dễ hấp thụ trong quá trình trao đổi chất như các a-xit béo chuỗi ngắn, propioniany và maślany.

Các chất này là nguồn năng lượng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng vệ của cơ thể, và gián tiếp tham gia vào cuộc chiến đấu chống ung thư.

Chất lỏng dạng bơ là nguồn năng lượng chính của màng ruột. Nó giúp hãm quá trình viêm nhiễm và làm cản trở quá trình ung thư ruột. Người ta đã chứng minh được là Roseburia là loại vi khuẩn sinh ra nhiều chất dạng bơ nhất. Vì vậy sự rối loạn trong thành phần vi khuẩn có thể làm chúng ta dễ mắc bệnh ung thư. Nên nhớ rằng các loại vi khuẩn này không phải từ bên ngoài xâm nhập vào, mà chính do chế độ ăn uống của chúng ta tạo điều kiện cho chúng hoạt động mạnh nhất.

Cũng có những bằng chứng về việc một số vi khuẩn sản sinh ra các chất gây hại cho màng ruột như khí, các độc tố, các gốc tự do tấn công tế bào ADN, dẫn đến sự phân chia vô tổ chức tức gây ung thư.

Còn việc mỗi chúng ta có hệ vi khuẩn trong ruột ra sao thì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố kể từ lúc mỗi chúng ta sinh ra. Ví dụ như khi mẹ sinh là đẻ thường hay mổ đẻ, được nuôi bằng sữa mẹ hay sữa bò, hồi bé chúng ta ăn gì, chế độ ăn bây giờ ra sao, chúng ta có mắc các bệnh cấp tính không…và rất nhiều yếu tố khác nữa. Mỗi người một khác, và vì vậy mỗi chúng ta có khả năng phòng và chống bệnh ung thư khác nhau.

Do vậy không phải ai cũng mắc và chết vì bệnh ung thư. Tuy vậy rất nhiều các nhà khoa học có cùng một ý kiến là nếu con người sống đủ lâu, thì ai cũng sẽ chết vì bệnh ung thư, vì tất cả mọi người khi bị tích tụ các tế bào ung thư quá nhiều, thì cơ thể già yếu không đủ sức hãm lại quá trính đó nữa.

Sửa lần cuối 2015-06-13 04:19:07

Bình luận

Bình luận qua Facebook