2016-11-07 08:26:32

"Phải cấm bán hoa quả và chặt hết các vườn cây ăn quả"

Ai đã nói câu cực đoan này? Không phải đấy là câu nói của một người không bình thường đâu, mà đó là lời của Giáo sư Leszek Czupryniak, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Bệnh tiểu đường Ba Lan.

Liệu ta có thể đổ lỗi cho hoa quả gây ra bệnh cho 3 triệu người và 70 nghìn người chết mỗi năm? Ông giải thích:

- Mọi người vẫn nghĩ hoa quả rất tốt do có nhiều vitamin và chất khoáng, nên khác với kẹo hay đồ ngọt khác ta có thể ăn thoải mái. Nhưng không phải vậy, các loại đường đơn có trong hoa quả ngấm vào máu rất nhanh và làm tăng mức gluco trong máu, đây là con đường ngắn nhất dẫn đến mắc bệnh. Do số người mắc tiểu đường loại 2 trên thế giới tăng rất nhanh, ta nên tìm vitamin và chất khoáng trong rau chứ không phải trong hoa quả.

- Đường gluco cấp năng lượng cho mọi tế bào, nhưng ta có từ nhiều nguồn khác nữa như cơm, bánh mỳ…Nếu nhiều quá, nó vào máu và các tế bào thành mạch máu không hấp thụ nổi, nó phá hủy thành mạch, hình thành các cục đông là nguyên nhân nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não.

- Bệnh tiến triển rất thầm lặng. Trong ba triệu người mắc bệnh có tới một triệu người không biết mình đã mắc và chỉ biết sau khi vào bệnh viện do biến chứng. Quá nhiều đường làm hỏng thành mạch máu nuôi mắt, thận, chân, hệ thần kinh. Khoảng 90% người bệnh mắt kém đi, có 20% bị hư thận hay thận hoàn toàn không hoạt động. Hàng chục nghìn người có biến chứng ở chân, mười mấy nghìn trường hợp cưa chân mỗi năm. Khi đó ta chỉ có thể hãm lại quá trình biến chứng chứ không lùi được nữa.

- Để phát hiện bệnh, chỉ cần làm xét nghiệm đơn giản lượng đường gluco trong máu. Nếu kết quả không tốt, hãy làm lại lần nữa, nhưng nhất thiết phải làm. Tất nhiên không nhất thiết tất cả mọi người hàng năm phải đi làm xét nghiệm này. Nhưng nếu bạn đã trên 45 tuổi, quá cân, hay làm việc tĩnh ngồi một chỗ, áp huyết cao, lượng cholesterol cao hoặc trong gia đình đã có người bị bệnh thì nhất thiết phải làm xét nghiệm này mỗi năm, vì có đến 80% số người bệnh thuộc diện này.

- Nếu bệnh được phát hiện sớm, chi phí chữa bệnh chung sẽ rẻ hơn. Chi phí chữa bệnh chỉ chiếm 1/3 số tiền chi chung về bệnh. Việc chữa biến chứng bệnh tốn đến 3,5 tỷ zloty và số người chết vì biến chứng lên đến 20 ngàn mỗi năm. Chữa cho bệnh nhân khi bị nhồi máu cơ tim do biến chứng tiểu đường nhập viện mất mười mấy nghìn zloty, trong khi mất có vài zloty để thử máu và điều trị sớm. Đáng tiếc là thuốc chữa bệnh này ở Ba Lan không được bù giá, tuy nhiên chữa trước vẫn tốt hơn. Ví dụ bệnh nhân bị tiểu đường loại 1 nếu phát hiện và chữa sớm, có thể sống đến 30 năm không có biến chứng.

NHV (theo Onet.pl)

Sửa lần cuối 2016-11-07 07:27:36

Bình luận

Bình luận qua Facebook