2016-11-13 07:51:54

Máu đóng cục (huyết khối tĩnh mạch, Trombofilia) – kẻ giết người âm thầm và tấn công bất ngờ

Khi đi máy bay lâu, hay sau khi bị gẫy chân có thể sinh bệnh huyết khối tĩnh mạch. Đây là một trong các bệnh nặng nhất về mạch máu. Bệnh hay có nguy cơ bị mắc ở tuổi cao, nhưng gần đây xuất hiện cả ở giới trẻ, ví dụ như ở phụ nữ hay dùng thuốc tránh thai. Nếu phát hiện quá chậm, bệnh có thể gây tắc máu ở phổi dẫn đến tử vong. Tại sao chúng ta chậm khi chữa bệnh này và liệu chúng ta có cách nào để tự bảo vệ mình hay không? – phóng viên của Onet, cô Ela Dziob-Radziszewska (EDR) phỏng vấn giáo sư Witold Tomkowski (WT), chuyên gia bệnh tim mạch, Chủ tich Quỹ Ba lan "Thrombosis" chống bệnh huyết khối tĩnh mạch.

EDR: Nhiều người Ba Lan đi nghỉ. Đi máy bay, xe ca, ngồi cố định lâu ở một vị trí rất thuận lợi cho bệnh huyết khối tĩnh mạch. Vậy làm thế nào để tự bảo vệ mình?

WT: Quan trọng nhất là khi đi du lịch, khi chúng ta bị ngồi cố định trong máy bay hay ô tô, thỉnh thoảng phải nghỉ để vận động chân tay. Khi đi ô tô cứ 1 tiếng đến 1,5 tiếng ta nên dừng xe. Tập nhún chân vài lần, ngồi xuống đứng lên và chạy một tý tại chỗ. Như thế nó kích thích bắp cơ và tuần hoàn máu. Còn nếu đi tàu thủy thì nên lên boong phơi nắng một chút.

Đây là điều cơ bản mọi người nên làm. Những người đã có bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu hay nghẽn động mạch phổi nên đặc biệt lưu ý hơn. Trước khi đi phải đi gặp bác sỹ gia đình hay bác sỹ chuyên môn phụ trách mình.

EDR: Có thể khuyên những người đi du lịch gì nữa?

WT: Họ nên chọn quần áo thích hợp. Tránh mặc các đồ bó, thắt lưng bó bụng, tất có nịt. Tốt nhất đi tất ngắn, dùng các loại tất mỏng có độ nén dùng cho các nhà thể thao tập môn chạy.

Thứ ba là chọn thực đơn. Nên tránh rượu lúc đi đường, hãy chọn nước khoáng hay nước có nhiều chất điện phân, ví dụ như nước cà chua.

EDR: Làm gì để phát hiện bệnh huyết khối tĩnh mạch sớm? Bạn nên lo khi thấy các triệu chứng gì?

WT: Có rất nhiều triệu chứng. Trước hết là đau, màu đỏ, cảm giác quá nóng một chân, chân to nhỏ khác nhau và bị phù. Bệnh có mức độ khác nhau. Ở nhiều bệnh nhân bệnh xuất hiện không có triệu chứng gì, chỉ có ở một số ít người mọi triệu chứng lại xuất hiện cùng một lúc. Do vậy kiến thức về bệnh rất quan trọng. Đáng tiếc là nền y tế Ba Lan không nhậy cảm lắm với bệnh này. Mà nếu phát hiện sớm, dùng các biện pháp chữa hợp lý hay chữa sớm thì bệnh sẽ khỏi với phần lớn bệnh nhân. Và ta tránh được các trường hợp đột nhiên ngất hay các hậu quả nặng nề như tắc động mạch phổi dẫn đến tử vong.

EDR: Đúng vậy, người ta hay bảo bệnh huyết khối tĩnh mạch là „kẻ giết người thầm lặng” mà.

WT: Đúng là vì thế vì có khi trong một thời gian dài bạn không thấy triệu chứng gì lớn. Có thể hơi đau một tý đùi hay bắp chân mà bệnh nhân không để ý. Theo kinh nghiệm riêng của tôi khi nghiên cứu về bệnh và tìm các nguyên nhân thì tôi thấy có hiện tượng huyết khối tĩnh mạch nằm sâu trong chân ở các người bệnh trước đó đã biết là bị nghẽn động mạch phổi. Thế hóa ra là họ đã bị huyết khối ở tĩnh mạch sâu mà khi khám không thấy có tý dấu hiệu bên ngoài nào! Vì thế rất quan trọng là khi bệnh nhân có bất cứ điều gì khác thường thì nên đi khám ngay, cái đó rất có lợi cho mình. Tôi còn phải nhấn mạnh là bệnh đông huyết-nghẽn mạch là một trong ba bệnh hay gặp nhất và nguy hiểm nhất của hệ tuần hoàn cùng với nhồi máu cơ tim và bệnh tai biến mạch máu não.

EDR: Ai có nguy cơ mắc bệnh này nhất? Người già, trẻ, phụ nữ hay nam giới?

WT: Tần số xuất hiện các triệu chứng bệnh (tôi nói về bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu và tắc nghẽn động mạch phổi, gọi chung là bệnh đông máu-tắc nghẽn), là khoảng từ 200-300 trường hợp/100 000 người, tức hàng năm có gần 100-120 nghìn người Ba Lan mắc bệnh này. Người già (trên 80 tuổi) có nguy cơ cao hơn.

Chỉ có 40% bệnh nhân chết vì tắc động mạch phổi được chẩn đoán sớm mà thôi. Ở Liên minh Châu Âu, số người chết ước tính vì bệnh tắc động mạch phổi mỗi năm là khoảng 500 nghìn người. Vậy tính theo dân số Ba Lan, chúng ta có vài chục nghìn người chết mỗi năm do bệnh này. Con số đó nói lên tầm quan trọng của bệnh. Thời gian từ lúc có các dấu hiệu đầu tiên đến lúc chẩn đoán bệnh chính xác ở Ba Lan lâu hơn nhiều so với các nước Tây Âu.

EDR: Nếu ta bị thương, ví dụ như gẫy chân thì hình như vấn đề này có thể xuất hiện?

WT: Trong trường hợp bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu thì các nguy hiểm lớn nhất đợi ta là khi phải nằm bệnh viện để mổ xương, ổ bụng hay lồng ngực. Khi đó các bác sỹ phải đánh giá các nguy cơ xuất hiện rối loạn đông-tắc mạch máu và chọn biện pháp dùng thuốc hay các phương pháp khác để đề phòng – ví dụ như cho đi các loại tất chân dài chống đông máu. Hoặc sử dụng đồng thời cả hai biện pháp. Còn nếu bệnh nhân nhập viện do trụy tim, khó thở, bệnh cấp tính, nhiễm trùng hay bệnh khớp thì ở các khoa đó người ta cũng phải áp dụng các biện pháp đề phòng bệnh này. Phần lớn các ca phẫu thuật lớn về xương kéo theo nguy cơ lớn xuất hiện các biến chứng loại này. Do vậy, ở các khoa ngoại việc phòng bệnh đông huyết khá phổ biến (cho 60-70% bệnh nhân), nhưng ở các khoa khác thì các bác sỹ ít đề phòng nó hơn và chỉ có khoảng 30% bệnh nhân được có áp dụng biện pháp phòng bệnh này.

EDR: Vậy tại sao các bác sỹ ít biết về bệnh như thế?

WT: Lý do là họ có quá ít kiến thức khi học đại học, không có thông tin và ít đọc. Mà lẽ ra mỗi bệnh nhân khi nhập viện phải được xét và phân loại xem nguy cơ mắc bệnh đông huyết theo các cấp: "ít", "trung bình" hay "cao".

EDR: Hình như giữa bệnh ung thư và bệnh huyết khối tĩnh mạch có mối quan hệ với nhau?

WT: Bệnh bệnh huyết khối tĩnh mạch có mức khác đối với các bệnh nhân bị ung thư. Nếu bệnh nhân mắc ung thư ác tính lại có bệnh huyết khối tĩnh mạch hay tắc động mạch phổi thì việc này làm giảm việc chữa lành bệnh hay giảm cách chữa thích hợp. Việc các bác sỹ chữa và bệnh nhân bị ung thư biết về vấn đề này có thể quyết định sự sống còn. Do vậy, nhận biết đúng bệnh huyết đông ở phổi và chọn cách chữa đúng ở bệnh nhân bị ung thư rất quan trọng.

EDR: Vâng, còn rượu và thuốc tránh thai có ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh huyết khối tĩnh mạch ra sao?

WT: Uống thuốc tránh thai bao giờ cũng tăng nguy cơ đông huyết-tắc mạch. Khi đó nguy cơ mắc bệnh tăng chừng 5 đến 6 lần với các phụ nữ trẻ. Nhưng tần xuất về biến chứng của bệnh đông huyết-tắc mạch ở phụ nữ trẻ lại ít hơn so với dân cư nói chung. Do vậy, không có mối nguy cơ chung. Ngược lại, các bác sỹ cho đơn thuốc tránh thai bao giờ cũng nên hỏi các phụ nữ trẻ xem họ có bao giờ đã bị bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu hay chưa, hoặc trong gia đình họ đã có ai bị bệnh này không. Nếu có rồi thì bác sỹ nên cho làm một loạt xét nghiệm xem thuốc tránh thai loại đó có gây thêm nguy cơ mắc bệnh cho họ không.

EDR: Thế nghĩa là bệnh này có yếu tố di truyền ạ?

WT: Trombofilia là bệnh mà ta có thể chia ra loại bẩm sinh và bị mắc bệnh. Loại bẩm sinh sẽ liên quan đến di truyền. Nếu trong gia đình đã có ai bị bệnh, thì nên nghĩ đến việc làm một số xét nghiệm để khẳng định hay loại trừ có bệnh trombofilia bẩm sinh. Không may là hiểu biết của xã hội về vấn đề này còn rất ít, kiến thức chung về bệnh không nhiều.

EDR: Vấn đề lớn nhất khi điều trị bệnh này là gì?

WT: Chúng ta có nhiều loại thuốc, khá đơn giản khi dùng, có loại tiêm dưới da, có loại truyền qua máu, có loại thuốc uống. Vấn đề duy nhất ở đây là các thuốc viên loại mới nhất, tác động trực tiếp đến việc đông máu giá khá đắt. Ngược lại, nếu nói về kết quả điều trị và độ an toàn khi điều trị thì chúng tôi có kết quả khá tốt. Nhờ việc dùng các thuốc thích hợp, chúng tôi đã hạn chế việc mắc lại bệnh đông huyết-tắc mạch về con số 2%, các biến chứng sau khi đó chỉ còn rất ít, mức 1%.

EDR: Bệnh huyết khối tĩnh mạch hay bị nhầm với bệnh gì?

WT: Nếu không làm xét nghiệm siêu âm hệ mao mạch nằm sâu, đây là cách xét nghiệm rẻ nhất để chẩn đoán bệnh thì bệnh này có thể bị nhầm với rất nhiều bệnh khác như: thành mạch yếu, thay đổi do bị viêm, sưng hệ bạch huyết, túi Becker...

EDR: Vậy tại sao ít người đi khám và coi thường các triệu chứng như thế?

WT: Theo tôi đấy là do hiểu biết của mọi người về bệnh quá ít. Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu và chứng minh được là nếu bệnh nhân biết một số thứ về các triệu chứng bệnh thì các kết quả dương tính của các xét nghiệm về bệnh huyết khối tĩnh mạch tăng lên đáng kể.

EDR: Giá trung bình chữa bệnh này ở Ba Lan là bao nhiêu, liệu mọi người có đủ tiền chữa bệnh hay không?

WT: Khó có thể nói chính xác, mọi thứ phụ thuộc vào loại thuốc sử dụng. Nếu thoạt đầu ta chữa dùng thuốc heparyn, sau đó dùng các thuốc thuộc nhóm vitamin K, thì các thuốc này rất rẻ. Ngược lại, nếu dùng các thuốc thế hệ mới nhất, thì tiền thuốc hàng tháng cỡ hơn một trăm złoty.

EDR: Thưa giáo sư, ông tham gia Quỹ Ba lan chống bệnh huyết khối tĩnh mạch có tên là THROMBOSIS. Trong thực tế Quỹ này làm việc gì?

WT: Hiện chúng tôi hoạt động giáo dục cho xã hội và cũng cho giới bác sỹ nữa, tăng sự hiểu biết về bệnh. Chúng tôi cũng chia sẻ các thành tựu mới về chẩn đoán và chữa bệnh, phổ biến các biện pháp phòng bệnh. Rất tiếc là Quỹ trong thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là sự quan tâm của các nhà tài trợ về hoạt động này hướng đến đông đảo dân chúng bình thường, chứ không phải chỉ cho lớp người giầu.

Thỉnh thoảng chúng tôi cũng nhận các thư của mọi người mô tả quá trình mắc bệnh và cố gắng giúp họ. Ở Mỹ họ cũng có một quỹ tương tự được không chỉ ngành công nghiệp dược ủng hộ mà cả nhiều tổ chức khác nữa. Nhưng ở Ba Lan đến giờ rất tiếc là Quỹ chưa được một đề nghị ủng hộ nào.

Ở trên một trang mạng, người ta khuyên người đã bị bệnh phải:

1. Tránh đứng lâu và ngồi lâu. Nếu phải đứng, nên thỉnh thoảng đổi chân, dập gót mạnh, sau mỗi giờ tập động tác đứng lên ngồi xuống vài cái. Khi ngồi thay đổi vị trí thường xuyên và không gác chân lên nhau.

2. Khi nằm nghỉ giơ cao chân lên.

3. Giảm cân.

4. Buổi sáng và tối tắm nước nóng lạnh thay đổi. Bắt đầu bằng nước ấm, sau đó từ ấm sang lạnh rồi kết thúc bằng nước ấm (nhưng không quá nóng). Thời gian nước ấm chảy lâu hơn nước lạnh chừng hai đến ba lần.

5. Bỏ hút thuốc hay hạn chế hút. Chất nikotin làm hẹp mạch máu và vôi hóa mạch; nếu phụ nữ dùng thuốc hooc-môn tránh thai và hút thuốc, thì có nguy cơ bị bệnh này cao.

6. Không đi tắm hơi, không tắm nước nóng, không nằm sấp phơi nắng, không cạo lông chân bằng sáp nóng. Mùa đông đến chỗ làm thay giầy cao cổ bằng giầy bình thường.

7. Vận động sẽ cải thiện tuần hoàn và rắn bắp cơ. Nên nhảy dây, nằm làm động tác đạp xe và cắt kéo. Đi xe đạp, bơi, chạy (không nên: trượt tuyết, cưỡi ngựa, chèo thuyền, chơi tenis, tập tạ).

8. Chọn giầy tốt, là loại giầy gót không cao và thấp quá, có đế rộng. Tốt nhất cao 2,5-3 cm. Nếu bạn bị bệnh bàn chân bẹt, đệm thêm các miếng đệm vào trong giầy.

9. Không mặc quần áo lót và mặc quần chật. Không đi các loại tất ngắn hay tất chân cao có nịt quá chặt. Tham khảo ý kiến bác sỹ về đi các tất đặc biệt.

10. Ăn giàu chất xơ và vitamin C, tránh bị táo bón. Thực đơn có nhiều vitamin C và rutin (vitamin P). Vitamin P có nhiều ở một loại hạt bo bo (kasza gryczana), hành, cà rốt, chanh. Vitamin C có ở ớt đỏ, súp lơ xanh (brokuł), quả kiwi và cà chua. Để làm tăng tính đàn hồi của thành mạch nên uống chè bằng cây tầm ma gốc lạ (pokrzywa) và cây bồ công anh Trung Quốc (mniszek lekarski, danh pháp khoa học: Taraxacum officinale).

11. Bôi kem, mát sa bóp chân từ gót lên phía đùi.

NHV (theo Onet.pl và Internet)

Sửa lần cuối 2016-11-13 06:54:00
  • Mai Đức Thảo Mai Đức Thảo Xin cảm ơn bài viêt này rất hay cho cộng đồng, ở VN chưa quan tâm đúng mức cho bệnh này. Tôi là bác sỹ đang công tác tại một BV ở Hà Nội, tôi cũng đang nghiên cứu về lĩnh vực này, tôi thấy ở VN cũng gặp nhiều (BN nằm viện) nhưng chưa được quan tâm đúng mức, còn người dân hầu như không biết. Tôi rất muốn tìm hiểu thêm các nghiên cứu về lĩnh vực này, hội có thông tin nào không chỉ cho tôi biết với? Tôi xin cảm ơn 2017-04-22 14:33:52

Bình luận

Bình luận qua Facebook