2022-12-16 03:30:27

Những nguy hiểm khi trẻ em dùng máy tính hoặc điện thoại thông minh liên tục

Đến nay, các bậc cha mẹ mới chỉ biết đến tác hại đối với mắt của đứa trẻ khi sử dụng liên tục điện thoại thông minh hoặc máy tính. Trong khi đó, một mối nguy hiểm khác còn lớn hơn đồi hỏi chúng ta phải chú ý đối với con em mình, đó là chứng “rối loạn ám ảnh cưỡng chế”.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng máy tính và điện thoại thông minh kéo dài với khả năng phát triển chứng “rối loạn ám ảnh cưỡng chế” (OCD) ở trẻ em. Theo đó, nguy cơ phát triển tình trạng này tăng lên sau mỗi giờ nhìn chằm chằm vào màn hình. Nghiên cứu được công bố vào ngày 12/12/2022 trên "Journal of Adolescent Health" (Tạp chí Sức khỏe vị thành niên). Hơn 9,2 nghìn trẻ em từ 9-10 tuổi đã tham gia. Kết quả cho thấy 4,4% số trẻ tham gia đã phát triển chứng bệnh OCD.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì?

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế bao gồm sự tái diễn những suy nghĩ xâm nhập (bị ám ảnh), cũng như sự ép buộc, tức là nhu cầu phải thực hiện một số hành động nhất định lặp đi lặp lại. Ví dụ, các triệu chứng của OCD bao gồm: rửa tay quá nhiều do sợ vi trùng, sắp xếp đồ đạc cẩn thận, kiểm tra đi kiểm tra lại cùng một thứ, chẳng hạn như xem cửa đã đóng chưa, bắt buộc phải đếm (trong những trường hợp rất đơn giản) hoặc có những suy nghĩ không mong muốn, rằng hình như mình đang làm tổn thương bản thân hoặc người khác. Những người mắc chứng OCD không thể kiểm soát những suy nghĩ và hành vi của họ. Các hoạt động lặp đi lặp lại có thể chỉ mang lại sự nhẹ nhõm trong thời gian ngắn, mặc dù không nhất thiết phải như vậy.

(Người mắc OCD thường sắp xếp mọi thứ ngăn nắp đến mức hoàn hảo)

Mặc dù ít khi đe dọa đến sức khỏe nhưng OCD khiến các hoạt động sinh hoạt thường ngày, công việc, học tập và những mối quan hệ xung quanh người bệnh bị ảnh hưởng. Khi mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, người bệnh có thể ý thức được sự quá mức, vô lý của các ý ghĩ hay hành vi của bản thân nhưng hoàn toàn không thể chống lại.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là hội chứng khá ít gặp, chỉ xảy ra khoảng 0.05% dân số thế giới. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ là 1.8% và nam giới là 0.5%. Hội chứng này xuất hiện chủ yếu ở người từ 15 – 25 tuổi và gặp nhiều hơn ở những đối tượng có trí tuệ, trình độ cao. Khoảng nửa triệu trẻ em và thanh thiếu niên ở Mỹ mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Trò chơi máy tính và sự phát triển của OCD

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi lượng thời gian trẻ em ngồi trước màn hình trong hai năm. Họ phát hiện ra rằng nguy cơ phát triển OCD của một đứa trẻ tăng 15%. mỗi giờ khi ngồi chơi game trên máy tính (tính trung bình mỗi ngày).Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra việc ngồi trước màn hình có thể làm tăng tâm lí cầu toàn của người chơi thông qua nhu cầu muốn thắng trong trò chơi hoặc đánh giá quá cao các mối đe dọa về bạo lực đang hiện trên màn hình. Điều này dẫn đến suy nghĩ căng thẳng và phát triển thành nỗi ám ảnh.

Một kết quả khác được đưa ra: 11% nguy cơ phát triển OCD tăng lên sau mỗi giờ xem phim. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng cho việc xem video trực tuyến, không phải trên TV. Tiến sĩ Jason Nagata từ Đại học California (chủ trì đề tài nghiên cứu) nhấn mạnh rằng điều này có thể là do các cơ chế mà các nền tảng trực tuyến thí dụ như YouTube cho phép hiển thị bắt buộc những nội dung rất giống nhau. Nó làm cho đứa trẻ chỉ tập trung vào một lĩnh vực hoặc chủ đề nào đó, do vậy có thể dẫn đến sự phát triển nỗi ám ảnh và sự ép buộc.

Ông cũng nói thêm rằng, trẻ em dành nhiều thời gian chơi trò chơi điện tử có thể bị nghiện những trò chơi này ở một mức độ nào đó. Những đứa trẻ này cảm thấy ngày càng có nhu cầu chơi game nhiều hơn và không thể dừng lại ngay cả khi chúng đã cố gắng hết sức. Điều đó giúp phát triển những suy nghĩ ám ảnh về trò chơi.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chưa có kết luận việc gửi tin nhắn, thực hiện cuộc gọi video hoặc sử dụng mạng xã hội có nguy cơ phát triển chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế hay không. Có thể là do trẻ em trong độ tuổi này không thường xuyên sử dụng các công cụ đó.

Xuân Nguyên (sưu tầm)

(Nguồn: https://tvn24.pl/ciekawostki/zdrowie-siedzenie-przed-ekranem-smartfona-i-komputera-a-ryzyko-zaburzen-obsesyjno-kompulsywnych-u-dzieci-6508319)
Sửa lần cuối 2022-12-16 02:30:27

Bình luận

Bình luận qua Facebook