2018-01-25 20:43:56

Giáo dục trẻ em trong gia đình bằng cách nào?


Hôm vừa rồi một chị bảo, giáo dục con cái bên này (Ba Lan) khó lắm ông ạ. Nó bị ảnh hưởng đi học ở trường nên về nói gì nó cũng hay cãi. Nhiều lúc tức, muốn đánh nó nhưng không dám đánh; nói thì ngày nào cũng nói, nói rát cổ thì mình nói mình nghe! Cứ như bên ta, “nói không nghe, thì que vào đít”, giáo dục thế là nhanh nhất! Bây giờ nó ngang bướng, nói nó không nghe, đánh nó không được, thì biết làm thế nào, hả ông?

Cha mẹ giáo dục con trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

- Phải tùy theo lứa tuổi. Con gà, con vịt thì sướng, trong trứng chui ra, chả phải học gì! Con người thì phải học mút vú mẹ, từ khi lọt lòng! Trẻ còn nhỏ phải giáo dục 100%, với nghĩa là cái gì cũng phải chỉ dẫn làm cho đúng; đi ra đường, bố mẹ cũng phải đi cùng hướng dẫn từng tí, không thể “thả rông” như trẻ quê ta... Nhưng trẻ lớn đến đâu, tự chúng làm được gì, bố mẹ phải lùi dần, quan sát, chỉ bảo khi cần. Đến lúc trẻ 16 – 17, bố mẹ chỉ nên làm “cố vấn”, cho đến lúc con cái tự lập được 100% là yên tâm.

- Phải tùy từng nội dung. Công việc sắp xếp, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn... thì cùng làm và hướng dẫn từng thao tác; tình cảm thì bằng trò chuyện, tâm tình; ăn mặc thì theo sở thích, đừng ép buộc; học hành, giờ giấc thì có kỷ luật, nhưng cách học thì để trẻ theo phương pháp nhà trường; nghi lễ thờ phụng ông bà là linh thiêng, phải theo phong tục quy ước... (Hồ Ngọc Đại gọi là mỗi CÁI phải có CÁCH giáo dục phù hợp).

- Về cách giáo dục. Không chỉ có NÓI và NÓI! Phương pháp giáo dục là bằng mọi cách tác động đến trẻ, sao cho nó hình thành nên những tính tốt, như cha mẹ mong đợi. Nhưng đứa trẻ là một cá thể độc lập, chịu nhiều tác động, và tự nó biết chọn lọc. Cha mẹ chỉ là một “kênh”, có vai trò, hiệu lực đến mức nào, phụ thuộc nhiều yếu tố lắm (không bàn ở đây). Bây giờ chỉ nói về các cách giáo dục của cha mẹ đối với trẻ.

+ Chấp nhận ảnh hưởng bởi di truyền. Không chỉ hình thái mà tính tình đứa trẻ cũng do di truyền từ bố mẹ một phần rất quan trọng (tính ương bướng, nóng nảy hay hiền lành, nhút nhát; tháo vát, mạnh bạo hay chậm chạp, e dè ...). Cái đó phải lựa theo đứa trẻ, đừng ép đứa này “học tập, theo mẫu” đứa kia...

+ Giáo dục bằng mẫu hành vi. “Dạy con từ thuở còn thơ”. Con người không gì là không phải học, mà học làm đúng ngay từ đầu là tuyệt. Học phát âm, nói cho chuẩn; học đi, đứng, ngồi, ăn, uống cho đúng, cho đẹp; học chào hỏi, cám ơn, xin lỗi, vứt rác đúng chỗ, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; học tự đánh răng, tắm rửa; học tự đi giầy, mặc quần áo, gấp chăn mền... Tất cả cần dạy ngay từ nhỏ và làm đúng, đẹp; trẻ thấy thích thú với kết quả việc làm và dần hình thành thói quen ngay từ nhỏ...Tất nhiên bố mẹ phải làm mẫu đúng, đẹp cho trẻ bắt chước và phải hình thành nên nếp sống trong gia đình, mới bền vững.

Khi trẻ đã đi học ở trường, cần có “góc học tập” gọn gàng và có kỷ luật giờ giấc học tập. Bố mẹ nhắc thực hiện giờ học và “Góc học tập” gọn gàng, ngay từ lúc học lớp Một cho thành nề nếp. Trẻ thấy như vậy là đẹp, ích lợi...

+ Trò chuyện cùng nhau. Lúc trẻ còn nhỏ thì bố mẹ kể chuyện, đọc sách cho con nghe và gợi mở cho trẻ kể lại, trao đổi; khi trẻ đi học về thì bảo trẻ kể mọi chuyện ở trường, ở ngoài xã hội cho bố mẹ nghe. Phải lắng nghe, khuyến khích trẻ nói, rồi bàn luận, chia sẻ cùng nhau những điều ý nghĩa... Trẻ càng lớn mà vẫn duy trì được những cuộc trò chuyện thoải mái cùng bố mẹ, là rất thành công!

+ Vui chơi cùng nhau. Lúc trẻ nhỏ, bố mẹ thường bày đủ trò, nào trẻ múa, hát, vui đùa cùng nhau, cùng xem TV “Bông hoa nhỏ” với nhau... Khi trẻ lớn cũng rất cần “bầy trò” để bố mẹ, con cái (và bạn bè nữa càng tốt) vui chơi với nhau: Cùng nhau đi xem phim, xem hát, đi picnic, du lịch, tham gia văn nghệ, thể thao tại cộng đồng...

+ Thăm hỏi, giao lưu. Những ngày nghỉ, dịp Giỗ, Tết cho con trẻ thăm ông bà, họ hàng, bạn bè. Ông bà ở xa thì gọi điện, gửi email, chat với ông bà, thăm hỏi, kể chuyện học hành, buồn, vui... Thỉnh thoảng ngày nghỉ, mấy con cháu tập trung ở nhà ông bà cùng thăm hỏi chuyện trò, cùng nhau làm cơm, ăn uống, vui đùa cùng nhau... Vắng ông bà thì mấy gia đình bạn bè tụ họp với nhau, cho trẻ giao lưu, rất tốt.

+ Làm việc cùng nhau. Trẻ 6- 7 tuổi rất thích tham gia vào việc nhà cùng bố mẹ. Hãy tận dụng mọi cơ hội, lôi cuốn trẻ vào “cùng làm việc” với bố mẹ, như: Cùng lau dọn nhà, cùng nấu ăn với mẹ, cùng sửa xe đạp với bố, cùng trang trí cây Thông Noel, cây đào ngày Tết; cùng bầy tiệc mừng sinh nhật, cùng làm cỗ đón khách...Trẻ 6-7 tuổi ngồi đưa cho mẹ con dao, cái rổ, bóc cho mẹ củ hành cũng thích; rồi dần tự làm món nem, món chả, tự nấu ăn một bữa... Bé xem bố sửa xe, đưa bố cái kìm, cái búa... đến chỗ tự sửa xe, tự sửa điện... trong nhà. Từ chỗ ra xem bố làm vườn, chăm cây, đến chỗ biết làm vườn... Khi trẻ đã lớn, cho đến khi trưởng thành, thấy mẹ nấu ăn, biết hỏi, con có cần giúp mẹ gì không ạ? Thấy bố sắp xếp đồ đạc, biết hỏi, con có thể giúp bồ gifv không?... Được như vậy coi như giáo dục thành công...

+ Chăm sóc lẫn nhau. Không cần phải “giảng bài thương yêu bố mẹ”! Mà thấy mẹ đi chợ về xách nặng, bố bảo con ra xách đỡ, rồi pha cho mẹ cốc nước... Bố ngã đau chân, mẹ bảo con hỏi xem bố đau không, đỡ chưa? Rót nước cho bố uống thuốc; xem bố cần gì, con giúp cho bố... Thấy mẹ ho, bố bảo, có thể mẹ bị lạnh, con lấy lọ dầu đưa mẹ xoa... Thế là giáo dục!

+ Tâm tình cùng nhau. Sao hôm nay đi học về muộn và buồn vậy, có chuyện gì phải không, con? – Con rơi đâu mất chiếc đồng hồ, tìm mãi không thấy. Mất rồi! – Con đã tìm rồi mà không thấy, con buồn thì có thấy được đâu! Thôi đừng buồn nữa. Rồi nói bố mua cho cái khác...Rồi một ngày nào đó, con lại hỏi mẹ, sao mẹ buồn vậy? - Con ơi, mẹ rất buồn ... Bố con bây giờ khác với mẹ lắm, thờ ơ, cáu gắt... làm mẹ tổ thương... Con: - Bố! Bố không yêu mẹ nữa hay sao, lại làm mẹ buồn, mẹ tổn thương? – Sao? Bố...Bố có làm gì đâu... Và cứ thế chia sẻ tâm tình nhiều hơn cùng nhau. Đó là giáo dục!

Tóm lại, giáo dục không phải NÓI và NÓI, mà là TỔ CHỨC CUỘC SỐNG, đưa trẻ vào thực hiện các việc làm, xử lý các mối quan hệ, biết giao tiếp, ứng xử, biết chia sẻ tâm tình, chăm sóc lẫn nhau... Từ đó trẻ TRƯỞNG THÀNH, có khi hơn cả ta mong đợi, có khi được vài chục phần trăm... Nhưng đừng vội lo, tương lai chưa biết ai hơn ai!

Warszawa, 20/01/2018

Mạc Văn Trang

Sửa lần cuối 2018-01-25 19:13:09

Bình luận

Bình luận qua Facebook