Nhiều loại thuế phí khiến giá ôtô lắp trong nước cao hơn 20% so với nhập
khẩu. Doanh nghiệp cũng gặp muôn vàn khó khăn khi gõ cửa ngân hàng, xin
cơ chế ưu đãi.
Tại hội nghị công bố chiến lược ngành công nghiệp ôtô Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức sáng 26/8, Chủ tịch Tập đoàn Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên nhận định, thị trường ôtô Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của số đông. Theo một khảo sát mà công ty nghiên cứu, ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, 90% người dân muốn có ôtô đi nhưng không mua nổi vì giá quá cao. “Làm sao người nghèo có thể sở hữu được ôtô ở Việt Nam bởi thuế phí quá đắt như hiện nay”, ông Huyên nói.
Lời nhận định của vị lãnh đạo doanh nghiệp từng viết tâm thư lên Thủ tướng kêu cứu xuất phát từ thực tế ôtô Việt Nam đang phải chịu loại 4 thứ thuế, phí gồm: nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng và trước bạ. Các mức thuế phí được điều tiết theo hình thức nhân tố này giảm thì yếu tố khác lại tăng. Do phải oằn mình chịu nhiều thuế phí, ôtô Việt Nam có giá quá cao khiến nhiều người không tiếp cận được. Sản phẩm ôtô lao đao vì thuế phí còn doanh nghiệp khổ vì chính sách không đồng bộ, vốn mỏng, nhân lực non yếu.
“Muốn giảm thuế, Bộ Tài chính lắc đầu bảo phải chờ Quốc hội. Ngân hàng cũng không giải quyết được vấn đề vốn. Làm ôtô mà chỉ được vay vốn 1-3 năm thì chúng tôi chịu”, ông chia sẻ.
Theo chiến lược ngành, sản lượng xe sản xuất trong nước năm 2020 là 227.500 chiếc, 2025 là 237.900 chiếc, năm 2035 là hơn 1,5 triệu chiếc. Giai đoạn 2021 – 2025, phấn đấu trở thành nhà cung cấp linh kiện ô tô cho khu vực và thế giới. Giai đoạn 2026 đến 2035 đáp ứng tới 65% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng trong nước.
Tại hội nghị, số đông các doanh nghiệp cho rằng do chưa có nền công nghiệp ôtô, người tiêu dùng vẫn phải sử dụng động cơ chất lượng thấp của Trung Quốc “chạy một hai năm đã bò lăn ra đường”. Bởi vậy, các doanh nghiệp cho rằng đã đến lúc Việt Nam phải có những giải pháp đột phá.
Chủ tịch Công ty cổ phần ôtô Trường Hải Trần Bá Dương cho rằng, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đang chịu nhiều thiệt thòi và phải cạnh tranh khốc liệt với một số nước trong khu vực khi chiến lược đưa ra quá chậm. Trong khi Thái Lan và Indonesia đã đạt sản lượng 1 triệu xe, cả nước mới chỉ được dự báo trên 130.000 xe, một con số quá khiêm nhường.
Theo ông Dương, để xe lắp ráp trong nước có lợi thế thì việc cần phải giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Ngoài ra, bộ Tài chính cần công bố lộ trình giảm thuế xe nhập nguyên chiếc từ ASEAN để nhà sản xuất yên tâm. “Doanh nghiệp Việt Nam đang khó khăn, chưa kịp lớn đã phải hội nhập. Chính sách thuế nếu không làm nhanh, quyết liệt, thị trường sẽ không phát triển kịp thời, nhà sản xuất sẽ chờ và không ai dám đầu tư cả”, ông Dương lo ngại.
Mặc dù đồng tình với chiến lược ngành do Bộ Công Thương tham mưu, song một lãnh đạo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (Vama) vấn đề thuế, cơ chế chính sách là trở ngại lớn để phát triển thị trường hiện nay. Bởi thực tế, xe sản xuất trong nước đang đắt hơn xe nhập khẩu 20%. Lãnh đạo Vama kiến nghị, các chính sách đưa ra phải có tính ổn định, giảm thiểu thủ tục hành chính phiền hà gây khó cho doanh nghiệp. “Việt Nam phải tạo ra thị trường, sân chơi bình đẳng của những người chơi trong ngành công nghiệp; giảm sự chênh lệch giá giữa sản xuất trong và ngoài nước”, đại diện Vama bày tỏ.
Công nghiệp ô tô Việt Nam từng bị coi là thất bại khi các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia có tỷ lệ nội địa hóa 40-70%, còn Việt Nam mới chỉ khiêm tốn 10%. Chiến lược ô tô bị đánh giá tụt hậu khi được soạn thảo vào giai đoạn 2010- năm 2012, đúng lúc thị trường ô tô đang đi xuống, do đó, các con số đưa ra chưa thực sự thuyết phục. “Sản lượng mỗi năm mà chiến lược đề ra chỉ bằng 2 tháng tiêu thụ ở Thái Lan thì công nghiệp ôtô không phát triển được”, ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch Công ty cổ phần TMT thẳng thắn.
Nhận được câu hỏi xoáy, song Tiến sĩ Dương Đình Giám - Viện trưởng Viện chiến lược - chính sách công nghiệp khẳng định Chiến lược và Quy hoạch này là để phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, chứ không phải để cho người Việt Nam có ôtô đi. “Nếu người Việt Nam cần có xe đi thì nhập khẩu là nhanh nhất”, ông khẳng định.
Trước nhận định sản lượng đưa ra trong chiến lược là lỗi thời, vị Viện trưởng cho hay, mỗi mục tiêu trong từng giai đoạn đều có sự tham vấn của doanh nghiệp. Ngoài ra, theo ông, quy hoạch sau này nếu không phù hợp có thể điều chỉnh tùy vào tình hình thực tiễn. “Năm 2013, sản xuất xe của Thái Lan đã đạt 1,2 triệu chiếc, đừng so sánh vì chúng ta không cạnh tranh với họ mà là tận dụng những cơ hội để phát triển ngành”, ông bày tỏ quan điểm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khẳng định tất cả các ý kiến sẽ được Bộ lắng nghe tiếp thu và phối hợp với Bộ Tài chính cùng đưa ra hướng giải quyết. Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng sản lượng đề ra trong giai đoạn đến 2035 như vậy là hợp lý bởi Bộ đã phối hợp với các ban ngành tính toán kĩ về mức sản lượng này. Theo ông Quang, sản lượng được đề ra dựa trên sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, cơ chế chính sách của nhà nước.
Theo Hoàng Lan (VnExpress)
Bình luận