2014-09-08 17:54:09

Vì sao rau an toàn bị “hắt hủi” ở chợ dân sinh?

Đa số người bán rau cho rằng, kinh doanh rau an toàn không có lãi, độ rủi ro lớn vì giá thành cao, đầu ra không ổn định.

Người bán không lấy rau an toàn về bán vì giá cả đắt, mẫu mã không đẹp, người mua không mặn mà vì chưa để ý hoặc ngại “vàng thau lẫn lộn”. Cơ quan chức năng lại chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển rau an toàn vào các chợ dân sinh. Vì thế rau an toàn vẫn chưa có chỗ đứng tại các chợ.

Mỏi mắt tìm rau sạch ở chợ

Dạo một vòng qua các chợ dân sinh, rau sạch, rau an toàn gần như vắng bóng. Quan sát bằng mắt thường có thể thấy, đa số rau ở các chợ đều non, xanh mơn mởn, rất bắt mắt, giá cả phải chăng. Khi khách hàng có nhu cầu hỏi mua rau sạch, rau nào cũng được các tiểu thương giới thiệu là rau sạch, rau trồng ở vườn, rau quê…

Tại chợ Hôm, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), rau muống ngọn non, dài xanh mơn mởn. Nhìn những mớ rau được xếp cẩn thận, xanh mướt rất ngon ai cũng muốn mua. Bên cạnh rau muống là rau ngót, lá xanh non mượt mà, cành vươn dài. Rau mồng tơi hiện nay lá cũng quá to, ngọn cũng vươn dài… Tuy nhiên nếu nhìn kĩ, các ngọn rau dài đều nhau, lá rau mỏng, khoảng cách giữa các lá thưa do cành vươn quá dài.

Rau an toàn không bán được ở chợ đầu mối và các chợ bán lẻ. (Ảnh: M.Đ)

Tại chợ Ngọc Lâm, Long Biên, rau xanh cũng được bày bán dưới mác là rau quê, rau trong vườn... Thậm chí, những loại rau thập cẩm mà người dân quê hay ra vườn hái là rau dền cơm, rau mồng tơi, rau đay, rau muống… về nấu canh cũng được các tiểu thương lấy từng mớ mỗi loại trộn lẫn nhau rồi bày bán theo rổ. Khách hàng mua bao nhiêu cũng có

Theo tiết lộ của một tiểu thương bán hàng tại chợ Ngọc Lâm, Long Biên: “Cả chợ này không có ai bán rau an toàn cũng chẳng có rau quê, rau vườn. Lấy đâu ra lắm rau quê, rau vườn mà ngày nào cũng có bán?” Tiểu thương ở đây cũng không lấy rau sạch về vì giá cao không thể bán được. Hơn nữa mẫu mã rau sạch không được ngon mắt như rau chợ.

Bác Mai Thị Thắng ở Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội cho biết: “Tôi đi chợ cũng hay để ý tìm rau an toàn để mua, nhưng chẳng đâu có. Thôi thì cứ chọn rau quê mà người ta giới thiệu. Ở chợ này chỉ có như thế, không mua thì nhịn ăn rau à? siêu thị lại xa, chả nhẽ ngày nào cũng bắt con nó nghỉ làm trở đi mua thực phẩm?”.

Ngoài bác Thắng, nhiều người còn cho rằng, họ không chọn mua rau sạch với giá đắt ở các chợ vì lo ngại "vàng thau lẫn lộn". Có lẽ chính bởi lí do như vậy nên cho đến giờ, thị trường rau sạch vẫn đang lơ lửng.

Cả người bán và người mua đều dửng dưng

Theo quan sát, rau an toàn không bán được ở chợ đầu mối và các chợ bán lẻ, cũng chưa chợ nào có khu dành riêng bán rau an toàn. Đa số người mua ở chợ đều không phân biệt được rau nào là an toàn. Ngay cả ban quản lí các chợ cũng không quan tâm, có đơn vị cho rằng không có chức năng kiểm soát rau an toàn hay truy xuất nguồn gốc hàng hóa. 

Bên cạnh đó, đa số người bán buôn rau cho rằng, kinh doanh rau an toàn không có lãi, độ rủi ro lớn vì giá thành cao, đầu ra không ổn định, trong khi không nhận được ưu đãi nào so với bán rau thông thường.

Thực tế cho thấy rằng, hiện nay trên thị trường, chưa có được một sự quy hoạch đầy đủ và tổng thể cho việc bán rau sạch. Người nông dân và người phân phối sản phẩm đều không tìm được tiếng nói chung về chất lượng và giá cả sản phẩm... Cùng với đó là việc người tiêu dùng, tiểu thương đều thờ ơ với rau sạch, nên mặt hàng này khó tìm được vị trí của mình ở các chợ.

Thiết nghĩ, để rau sạch tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường thì sự nỗ lực từ phía các bên liên quan là vô cùng quan trọng. Không chỉ là sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng mà cả người sản xuất, người tiêu dùng và nhà tiêu thụ đều cần phải thay đổi thói quen, cách nghĩ và cách làm của mình đối với việc trồng và kinh doanh rau sạch, rau an toàn./.

CTV Minh Đức/VOV.VN

Sửa lần cuối 2014-09-08 15:51:51

Bình luận

Bình luận qua Facebook