2014-09-08 11:52:19

Ptak - Con đại bàng trắng Ba Lan đã đủ lông đủ cánh.

Người Việt ở Ba Lan đã khá quen biết tên tuối của Trung tâm Thương mại-TTTM- Ptak, một công ty TNHH gia đình thành lập từ năm 1993 và người Việt ở Ba Lan và Đông Âu đã cùng nhau dồn về TP Ud (Łódż-tiếng Ba Lan có nghĩa là con thuyền, biểu tượng của TP cũng là con thuyền) để thuê quầy buôn bán hàng dệt may, giày dép và một số mặt hàng tiêu dùng khác ở đây. Người Việt là một lực lượng chính thuê quầy để kinh doanh bán buôn, bán lẻ hàng dệt may tại các TTTM của Ptak trong suốt hơn 20 năm qua.

TP Ud là là thành phố lớn thứ ba Ba Lan về dân số (728 892 người: 2011) và đứng thứ tư về diện tích (293,25 km²) và nổi tiếng về công nghiệp nhẹ như may mặc từ thế kỷ 19 đến nay. TP Ud còn là nơi đào tạo tiếng Ba Lan cho các lưu học sinh, nghiên cứu sinh của Việt Nam sang học tập tại Ba Lan trước đây và hiện nay.

Cuối thập kỷ 90 thế kỷ trước, chính thành phố này là nơi đầu tiên tiếp nhận gần 200 nữ công nhân dệt may từ Việt Nam sang làm việc. Đây là những công nhân đầu tiên mà Ba Lan nhận sang làm việc (không kể hàng ngàn học sinh đại học, nghiên cứu sinh, cao đẳng và công nhân kỹ thuật…).

Đến nay, TP Ud vẫn còn hàng ngàn công ty dệt may nhỏ và vừa hoạt động tích cực trong ngành dệt may, thời trang, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giá thành vừa phải, cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu đi nhiều nước khác.

 

Những hàng dệt may, giày dép tại các TTTM này vô hình chung đã phù hợp với ngành nghề của TP, mặc dù hầu hết hàng hóa kinh doanh tại các quầy hàng giai đoạn vừa qua là hàng từ Trung Quốc.

 

Ptak đã thành công rực rỡ nhờ biết tận dụng thiên thời địa lợi của TP Ud không phải chỉ vì ngành công nghiệp nhẹ của TP mà còn vì vị trí đắc địa của Ud ở Ba Lan và châu Âu: các đường oto cao tốc A2 nối Berlin và Tây Âu với Ba Lan và sẽ chạy sang phía Đông qua Belorutxia và tới Maxtcova được “ưu ái” chạy vòng xuống gần Ud. Đường A1 từ Gdansk-cảng lớn nhất Ba Lan-cũng chạy thẳng xuống nối với A2 đoạn gần TP Ud.

Tham vọng của TP Ud cũng như của Ptak là muốn phát triển nhanh thành trung tâm thương mại, không phải chỉ ngành dệt may, thời trang mà cả trung tâm Triển lãm Quốc tế, logistic của Trung và Đông Âu…trong đà phát triển mạnh mẽ của kinh tế Ba Lan.

Do đó, Công ty Ptak xây dựng liên tục hết trung tâm thương mại này đến TTTM khác.

Theo tác giả, có thể tạm chia thành các giai đoạn phát triển của Ptak như sau:

 

1993-khoảng 2003 là Ptak-hàng chợ, chủ yếu hàng Trung Quốc; tuy nhiên vẫn có hàng Ba Lan và từ một số nước khác.

2003-2013: Ptak Moda: nơi dành phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Ba Lan, hàng trung và cao cấp và bắt đầu với 2013: Ptak khánh thành Ptak Outlet là một tiếp nối các TTTM bán hàng trung cao cấp theo phong cách Hoa kỳ.

Hiện nay, Ptak đã có 2.500 quầy hàng trong khu vực rộng lớn của mình với đủ các hàng hóa từ thấp đến trung và cao cấp.

 

31/8/2014, Ptak khánh thành Ptak EXPO (với 3.500 gian hàng) trước hết với ngành dệt may thời trang cao cấp nhưng với tham vọng sẽ vươn lên xây dựng Trung tâm Thương mại Quốc tế rộng lớn, hiện đại đa ngành cùng với sự phát triển của TP Ud cũng như của đất nước Ba Lan.

Lễ khánh thành có sự tham dự của Ông Valexa-Nguyên Tổng thống nước CH Ba Lan và là người chủ trì Diễn đàn Kinh tế: 25 năm phát triển kinh tế của Ba Lan với sự tham dự của nhiều diễn giả, học giả và các doanh nghiệp.

 

Đến dự cũng có nhiều nhà tạo mẫu nổi tiếng thế giới như Kenzo, Fendi, ông chủ kênh TV Fashion lớn nhất thế giới về ngành thời trang…

 

Ông Antoni Ptak-Chủ tịch Tập đoàn Ptak- được Tổng thống Ba Lan Komorowski tặng Huân chương cao quý Chữ thập Bạc vì sự đóng góp to lớn của Tập đoàn với sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.

 

Đoàn đại diện của Đại sứ quán và cộng đồng cũng đến dự lễ. Nhìn thấy sự hoành tráng hoa lệ của sự phát triển của Ptak, so sánh với cộng đồng người Việt kinh doanh ở đây, ta thấy có nhiều vấn đề đáng suy nghĩ:

Suốt từ những năm 1990 đến nay, bà con ta vẫn kinh doanh những mặt hàng quen thuộc là hàng dệt may giày dép, hàng tiêu dùng chủ yếu nhập từ Trung Quốc; thậm chí tên gọi của TTTM này (Hala) còn gọi là Chinska (Trung Quốc); trong khi hồi đó chưa có người Trung Quốc nào đặt chân tới đây. Trước đây, các quầy hàng của người Việt là chủ đạo ở khu vực này; nhưng đến nay thì cộng đồng người Việt hầu như không có sự phát triển, tăng trưởng về số lượng quầy, khối lượng kinh doanh…thì các cộng đồng khác như Trung Quốc đang phát triển mạnh. Các gian hàng của người Ba Lan, hàng Ba Lan và hàng hóa từ một số nước khác tràn ngập và hoành tráng, moda hơn hàng Tàu của người Việt.

Ptak là tên dòng họ nhưng tiếng Ba Lan còn có nghĩa là con chim và biểu tượng của Tập đoàn cũng là hình con chim (trông hơi giống chim Việt trên trống đồng Việt). Nay con chim đó đã đủ lông đủ cánh, như con đại bàng trắng Ba Lan to lớn, dũng mãnh và còn bay cao bay xa hơn. Ngay biểu tượng-logo- của Tập đoàn cũng thể hiện sự phát triển: trước đây là đơn giản thì bây giờ thêm logo (về fashion và expo) được cách điệu một cách điệu đà và rất fashion-mốt, mặc dù cũng vẫn là hình tượng con chim!

Còn cộng đồng Việt từng đồng hành và là khách hàng chính của Ptak thì cũng đã trưởng thành từ nhiều năm nay nhưng cũng chỉ là chú chim chích châu Á nhỏ nhoi, chịu khó, cần cù, trung thực và lòng vẫn canh cánh nỗi niềm nhớ quê hương đất nước xa xôi. Nhiều người thấy kiếm sống nơi đất khách khó khăn đã trở về quê làm ăn.

 

Làm sao để bà con tiếp tục kinh doanh phát triển, để cùng với con cháu thế hệ thứ hai, thứ ba hòa nhập với Ba Lan, để con chim chích bé nhỏ tuy không thể nào sánh được với con đại bàng trắng đã lớn nhưng cũng không là gánh nặng và khó khăn cho bạn mà là niềm tự hào, là minh chứng cho sự hòa nhập của người Việt với Ba Lan.

Sự hòa nhập tốt của người Việt cũng sẽ là điều tốt cho chính Ba Lan để chứng tỏ với thế giới rằng Ba Lan là một nước có văn hóa đa sắc tộc trong tiến trình hội nhập quốc tế của Ba Lan với EU và thế giới.

 

Đây là vấn đề lớn cần sự hỗ trợ và phối hợp từ nhiều phía như chính quyền Ba Lan, EU từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp như Ptak, cộng đồng người Việt ở TP Ud và Ba Lan, các nước khác, từ Việt Nam; nhưng trước hết phải từ chính sự cố gắng của cộng đồng bà con tại TP của tương lai này.

 

Chúng ta sẽ còn nhiều dịp bàn đến các vấn đề này, cũng trong tương lai!

 

Thanh Đức

(Một số thông tin và ảnh: Tổng hợp từ web của Ptak và internet)

Sửa lần cuối 2014-09-08 09:48:56

Bình luận

Bình luận qua Facebook