Vào thứ Sáu (26/5/2023), giá khí đốt của châu Âu trên sàn giao dịch ICE ở mức 25,62 EUR mỗi megawatt giờ. Lần cuối cùng mức giá như vậy là vào ngày 27 tháng 9 năm 2021 đã gây sốc vì quá đắt, vì mức giá bình thường cho đến tháng 7 năm đó là dưới 17 euro. Đó là lịch sử, còn bây giờ giá đang giảm chứ không tăng. Có lẽ họ thậm chí sẽ trở lại dưới 20 euro.
Trong khi đó, giá điện trung bình tại Ba Lan vẫn ở mức 109,10 euro cho mỗi megawatt giờ. Giá điện rẻ nhất là từ 14,00 đến 15,00 với 75,15 EUR mỗi MWh, và đắt nhất trong khoảng từ 20,00 đến 21,00 có giá 160,04 EUR.
Còn giá điện tính trên cơ sở TGE, tức là TGEBase, được tính toán trên cơ sở giá trung bình theo giờ dựa trên hợp đồng theo giờ, khối hoặc cuối tuần lên tới 508,68 PLN. Đây là những hợp đồng không có giá quy định, đồng thời không ký hợp đồng vào năm ngoái, chủ yếu là với các doanh nhân, những người sau đó muốn cộng chi phí vào giá sản phẩm và dịch vụ của họ.
Phần Lan có giá điện rẻ nhất. Giá trung bình vào thời điểm này là 7,01 EUR mỗi MWh. Trong giờ đắt nhất, 8:00-9:00, điện ở Phần Lan có giá 52,47 EUR mỗi MWh, vẫn rẻ hơn 30% so với ở Ba Lan vào giờ rẻ nhất (14.00-15.00). Từ 1 giờ đến 5 giờ sáng ở Phần Lan, các nhà máy điện thậm chí còn phải trả thêm tiền cho người thụ năng lượng, từ 2 đến 9 xu cho mỗi MWh.
Ở Đức giá điện rẻ hơn ở Ba Lan hơn 56%. Còn ở Cộng hòa Séc và Slovakia là 33%. Sau Ba Lan, năng lượng đắt nhất ở châu Âu là ở Hy Lạp, với giá 94,33 EUR mỗi MWh (rẻ hơn 13,5% so với Ba Lan).
Hiện châu Âu đang hướng tới việc cung cấp khí đốt cho ngành công nghiệp điện vì rẻ hơn so với than đá. Ngoài ra, điện hạt nhân và sử dụng năng lượng tái tạo còn cho giá thành rẻ hơn nữa.
Tại Phần Lan, 47% lượng điện đến từ các nhà máy điện hạt nhân, và 44% từ năng lượng tái tạo (năng lượng gió và thủy điện). Tại Đức, 55% lượng điện từ RES (bao gồm 26% quang điện và 22% năng lượng gió), 12% từ khí đốt, và 18% từ than, chủ yếu là than non (15%).
Tại Ba Lan, hơn 90% nhà máy điện đang hoạt động sử dụng các nguồn tài nguyên không thể tái tạo như than đá và than non. Do đó, việc giá than tăng có tác động đáng kể đến việc tăng giá điện. Nguyên nhân chính khiến giá nguyên liệu thô này tăng mạnh là do thị trường thiếu than nội địa chất lượng cao, các vấn đề hậu cần cho đường sắt, cũng như giá than trên thị trường thế giới tăng. Ngoài ra, giá phải trả cho khí thải CO2 đã tăng hơn 50% kể từ đầu năm nay, điều này cũng góp phần làm tăng giá thành điện của các nhà máy điện của Ba Lan sử dụng tài nguyên than.
Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến việc tăng giá điện là cách tiếp cận sai của chính phủ đối với năng lượng tái tạo. Đạo luật được công bố trên Tạp chí Luật học vào ngày 1 tháng 7 năm 2016 đã ngăn chặn việc xây dựng các tua-bin gió và có tác động đáng kể đến việc tăng giá năng lượng. Nó xác định các điều kiện, thủ tục, cũng như vị trí cho phép xây dựng các tua-bin gió trong vùng có các khu dân cư. Đạo luật này có thể đã ngăn chặn hoàn toàn sự phát triển của các dự án gió vì các nhà đầu tư không thể xin giấy phép xây dựng.
Nguyên nhân dẫn đến giá điện tăng cao còn được cho là do sự độc quyền trên thị trường năng lượng của Ba Lan. PGE (Polska Grupa Energetyczna) chịu trách nhiệm sản xuất một nửa sản lượng điện, trong khi những công ty nhỏ hơn đã phải rút khỏi cuộc chơi. Một điều đáng lưu ý nữa là, cho đến nay, PSE (Polskie Sieci Elektroenergetyczne S.A.) luôn áp dụng nguyên tắc giới hạn quyền lực để không phải mua điện của nước ngoài. Với giới hạn này, PSE coi như đặt quyền bảo hộ cho các nhà máy điện của Ba Lan. Mặc dù các nhà máy điện trong nước cho ra sản phẩm điện cao hơn giá điện mua ở nước ngoài thì chúng vẫn được vận hành hết công suất.
Tất cả những yếu tố trên đã góp phần làm tăng giá điện đáng kể, gây bất bình trong đại bộ phận người tiêu dùng - cá nhân và chủ doanh nghiệp sản xuất.
Xuân Nguyên (Theo các báo Ba Lan)
Bình luận