Quebonafide sinh năm 1991, là một rapper, ca sĩ và nhạc sĩ đình đám người Ba Lan với 2,4 triệu người theo dõi trên YouTube. Năm 2020, chỉ hai ngày sau khi ra mắt, MV “Bubbletea” của anh đã trở thành hit, đạt một triệu lượt xem và đứng thứ hai trên top Xu Hướng của YouTube. Điều thú vị là cả phần tiếng và hình của MV này đều chứa các yếu tố rất Việt Nam.
Là một người Ba Lan nhưng có vẻ Quebonafide rất “mê” văn hóa châu Á, đặc biệt là trà sữa. Năm 2020, anh đã thành lập một thương hiệu đồ uống mang tên Miss Ti với sản phẩm chủ lực là trà sữa đóng chai, trụ sở nằm tại Częstochowa, Ba Lan.
Có gì ở thương hiệu Miss Ti?
Các sản phẩm của Miss Ti đã xuất hiện tại nhiều mạng lưới siêu thị và cửa hàng tiện lợi mà đi đâu cũng có thể bắt gặp ở Ba Lan như Lidl, Shell, Żabka, Rossman, vân vân. Miss Ti từng có cửa hàng trà sữa pha tại chỗ ở Warszawa và Kraków, với giá dao động từ 14 đến 24 zł cho nhiều hương vị khác nhau. Nhưng rồi các địa điểm này đều đã đóng cửa và hãng chỉ tập trung vào sản phẩm đóng chai.
Trà sữa của Miss Ti được đặt hàng sản xuất tại Hàn Quốc. Quebonafide đã nhiều lần sang tận xứ sở kim chi để thăm dây chuyền trong nhà máy.
Quebonafide sang thăm dây chuyền sản xuất ở Hàn Quốc và chia sẻ trên trang cá nhân. Nguồn: Internet.
Miss Ti đã khéo chọn chiến lược kinh doanh tại Ba Lan như thế nào?
Định vị thương hiệu
Miss Ti đánh vào cả hai mảng đồ uống thông thường và đồ uống thuần chay. Hai sản phẩm chính của Miss Ti là Matcha Latte với sữa hạt hạnh nhân và trà sữa Milki Tea pha từ sữa UHT 12% đóng trong chai nhựa. Đồ uống của Miss Ti được xếp hạng A trong hệ thống Nutri-Score, hương vị không quá ngọt, được quảng bá là lựa chọn tuyệt vời cho những người có lối sống lành mạnh.
Hình quảng cáo trên Ding.pl
Đây là một chiến lược phù hợp ở Ba Lan vì ngay tại quê hương châu Á, trà sữa vốn đã hay bị “chê” là đồ uống nhiều ca-lo và kém lành mạnh. Chẳng qua tại châu Á đồ uống này vốn có một nền tảng văn hóa sâu sắc nên mới giữ vững sức hút tới tận bây giờ. Các quán trà sữa vốn là nơi tụ họp của các cô cậu học sinh, sinh viên châu Á sau giờ tan lớp. Trà sữa lan rộng từ Đài Loan sang các nước xung quanh thông qua những sản phẩm truyện tranh, văn học, phim ảnh “hợp gu” với giới trẻ châu Á.
Khi làn sóng trà sữa lan sang các khu vực như Mỹ và châu Âu, cùng với khoảng cách địa lý, yếu tố văn hóa bị “rơi rụng” và phai nhạt dần. Trà sữa chỉ còn là một trong muôn vàn loại đồ uống khác trên thị trường.
Với hương vị béo, ngọt, nếu không biết cách quảng bá phù hợp bằng những từ khóa như “thuần chay”, “không chứa gluten” thì những nhóm khách hàng vốn được đánh giá là có ý thức cao đối với thể hình và sức khỏe như người Ba Lan sẽ không để ý tới.
Miss Ti trong cửa hàng Żabka. Hình: Internet.
Hình ảnh, bao bì
Điều đáng chú ý là trên vỏ chai trà sữa, cái tên Miss Ti còn được dịch sang tiếng Trung (蒂小姐). Bao bì cũng ghi từ “trà sữa” và “trà matcha” bằng tiếng Trung nốt. Những chi tiết này có lẽ để khiến sản phẩm trông “uy tín” hơn trong mắt cả khách hàng người châu Á lẫn người Ba Lan. Người Ba Lan có thể nghĩ rằng món đồ uống này “nhập khẩu” hoặc pha chế theo kiểu châu Á nên chắc hương vị sẽ “chuẩn”. Còn nếu chỉ trình bày bằng tiếng Ba Lan thì khách hàng châu Á sẽ tự nhủ: “Người Ba Lan biết gì về trà sữa, chắc là chẳng ngon”.
Hương vị
Ngoài đồ uống, Miss Ti còn có các sản phẩm khác như kem, bánh mochi với các hương vị “độc lạ” của châu Á được người Ba Lan ưa chuộng. Trong khi người châu Á thích các vị như đường đen, phô mai, thì người Ba Lan cứ thấy một trong ba vị xoài, dừa và matcha là "đổ xô" tới. Các sản phẩm của Miss Ti chủ yếu sử dụng chính ba hương vị nói trên.
X-Kom đầu tư vào Miss Ti
Đến giữa năm 2022, X-Kom - một trong những cửa hàng phân phối máy tính và đồ điện tử lớn nhất Ba Lan - đã quyết định lấn sân sang cả mảng FMCG (ngành hàng tiêu dùng nhanh) và đầu tư vào Miss Ti. Michał Świerczewski, chủ tịch của X-Kom cho biết: “Tôi nhìn thấy tiềm năng rất lớn trong mảng FMCG, đặc biệt là các sản phẩm chưa xuất hiện nhiều trên kệ hàng như đồ uống kiểu Miss Ti.” Mục đích của X-Kom trong lần hợp tác này là đa dạng hóa nguồn thu và thử sức trong lĩnh vực mới. Đây cũng là một cơ hội tốt cho Miss Ti để mở rộng kinh doanh.
Miss Ti ra mắt truyện tranh
Đầu năm 2023, Quebonafide rục rịch kế hoạch ra mắt truyện tranh “Miss Ti”, nhân hóa cái tên này thành một cô gái châu Á “khiêm tốn, thông minh, can đảm và đáng tin cậy”. Bộ truyện được vẽ bởi Magdalena „meago” Kania, một nghệ sĩ đồ họa chuyên về hoạt hình và minh họa theo phong cách châu Á.
Nhìn chung, chàng ca sĩ trẻ tuổi này tỏ ra khá tinh ý trong việc quảng bá và định vị thương hiệu cho một thức uống châu Á vốn tương đối xa lạ tại Ba Lan. Chưa rõ Miss Ti sẽ đi xa được đến đâu, nhưng trong hiện tại các sản phẩm của hãng đã được rất nhiều người Ba Lan biết đến và tiêu thụ.
An Vu
Bình luận