2021-01-09 13:52:02

Võ Nguyên Giáp – Napoleon của Đông Dương

Tác giả:  TADEUSZ IWIŃSKI, 08.01.2021

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013)

Dù ông không học ở bất cứ trường quân sự nào nhưng tướng Võ Nguyên Giáp, một chính trị gia tài năng và một trong các vị anh hùng trên con đường dành độc lập của Việt Nam, đã chiến đấu hiệu quả với Nhật, Pháp và Mỹ. Ông đã và đang được coi là một trong các nhà chiến lược lớn nhất của thế kỷ XX, và ngay cả của mọi thời đại. Không có nghi ngờ gì về việc ông là một thiên tài của chiến tranh du kích.

Cũng như trường hợp của Hồ Chí Minh, rất nhiều thông tin của ông, nhất là thông tin về thời trẻ, là không được kiểm định. Ông sinh vào tháng tám năm 1911 (vài nguồn khác của Pháp ghi là năm 1912) trong một gia đình trung nông, ở An Xá thuộc tỉnh Quảng Bình, miền trung An Nam, khi ấy đang là thuộc địa của Pháp. Lúc ấy là thời kỳ chủ nghĩa dân tộc Việt Nam ra đời chống lại chính quyền thực dân. Ông đã tham gia vào các hoạt động này, trong đó có việc tổ chức bãi khóa nên đã bị tuyên án tù 3 năm vào năm 1930, nhưng sau đó ông được giảm án và chỉ bị ngồi tù vài tháng. Ông học ở cố đô Huế, sau đó học Sử và Pháp văn (ông nói thành thạo tiếng này) ở Hà Nội, trong trường trung học Thăng Long, một trường nổi tiếng về khuynh hướng chống thực dân, nơi trước đây ông Hồ Chí Minh cũng đã từng học. Năm 1934 ông đỗ cử nhân. Năm 1937 , trong thời kỳ Mặt trận Bình dân, ông đã tham gia vào đảng cộng sản, khi ấy đang hoạt động bất hợp pháp. Ngay từ khi học phổ thông, ông Giáp đã nổi tiếng về say mê các vấn đề quân sự, chiến lược và chiến thuật tiến hành chiến tranh quân sự và say mê các nhà lý luận và chỉ huy như Napoleon Bonaparte và Tôn Tử, người Trung quốc ở thế kỷ V, nổi tiếng ở châu Á và và là tác giả cuốn binh pháp đầu tiên trên thế giới. Do vậy ngay hồi học PTTH, ông đã được các bạn gọi đùa là “tướng” hay “Napoleon”.

 Tháng 5 năm 1940, cùng với ông Phạm Văn Đồng, một trong những người sáng lập Việt Minh, một phong trào cách mạng nhằm giành độc lập cho Việt Nam và sau này là thủ tướng trong 32 năm của nước này, như vậy tức làm lâu hơn thủ tướng Jozef Cyrankiewicz, ông đã đi Trung Quốc, nơi lần đầu tiên ông gặp Hồ Chí Minh. Khi ấy mối quan hệ giữa các lực lượng cách mạng của hai nước này rất khăng khít. Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Nhật đã vận dụng các kinh nghiệm chiến tranh du kích của Mao Trạch đông và công tác chính trị với nông dân. Trước đấy một năm, ông đã yêu cô Minh Thái, một nhà hoạt động cùng quê ở Quảng Bình, mà sau khi từ Trung Quốc về vào năm 1943 ông không bao giờ gặp lại được nữa. Cô bị tra tấn và chết trong nhà tù như vài người thân khác nữa của ông, trong đó có con trai, cha và hai chị em gái. Tuy vậy, ông chưa bao giờ nhắc đến việc phải trả thù người Pháp.

Trong nửa đầu những năm 40, tình hình ở Đông Dương rất phức tạp. Ở khu vực này có các cọ xát về quyền lợi của các siêu cường của châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Chỉ cần nhắc việc là ngày 28/07/1941 quân đội Nhật đã chiếm toàn bộ Đông Dương của Pháp, nhưng đến ngày 9/3/1945 (cho đến lúc Nhật đầu hàng, về hình thức là vào hôm 2/9 năm đó) các hoạt đồng hành chính vẫn do chính quyền thuộc địa sở tại của người Pháp liên hệ với chính phủ ông Vichy nắm. Cũng trong ngày 2/9/1945, ở Quảng trường Ba Đình, sau cuộc Cách mạng tháng 8, Hồ Chí Minh đã tuyên bố độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với sự có mặt của các sỹ quan tình báo OSS của Mỹ!

Các chiến sỹ Việt Minh do ông Giáp chỉ huy không lâu sau đã có các cuộc giao chiến với lính Pháp. Trước đó một chút, ngày 1/8/1945, trong hội nghị ở Poczdam, ba cường quốc đã quyết định chia Việt Nam dọc vĩ tuyến 16 (tác giả viết nhầm: phải là vĩ tuyến 17- người dịch)  ra các phần chiếm đóng: miền Bắc thuộc quản lý tạm thời của quân Tưởng, miền Nam do người Anh nắm.  Các sự kiện ở Trung Quốc, nơi có xung đột giữa các lực lượng cộng sản với Quốc dân đảng thì cán cân nghiêng về phía đầu có ảnh hưởng rất nhiều đến tiến triển tình hình ở Đông Dương. Do vậy, không lâu sau, ưu tiên của chính sách của Hoa Kỳ ở Đông Dương là loại bỏ ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản trong vùng này, đặc biệt là ở Việt Nam.  Ngoại trưởng Hoa Kỳ George C. Marshall chính thức coi việc cộng tác then chốt về quyền lợi giữa Pháp và Hoa Kỳ là để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản tại đây.

Chiến thắng bước ngoặt ở Điện Biên Phủ

  Trong lúc này việc cộng tác giữa Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh ngày càng chặt chẽ. Theo sáng kiến chung của họ, vào tháng 5/1946 Mặt trận Liên Việt nhằm thống nhất Việt Nam đã ra đời. Dần dần, ông Giáp trở thành nhân vật thứ hai trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Minh. Ông đã đứng đầu hai cuộc hội đàm với Pháp ở Đà Lạt vào năm 1946. Nhưng bước ngoặt đã là các cuộc chiến với quân đội Pháp. Sau các đụng độ ở Hải Phòng và Hà Nội, đã nổ ra cuộc kháng chiến lần thứ nhất ở Đông Dương vào tháng 12 năm đó. Các đơn vị du kích của Quân đội Nhân dân Việt Nam chính thức từ tháng 12/1944 do tướng Giáp chỉ huy. Khi ấy ông thường nói:”Chiến tranh du kích là cuộc chiến đầu của đông đảo quần chúng ở một nước lạc hậu chống lại các đạo quân xâm lược được trang bị đầy đủ và huấn luyện tốt. mỗi người dân là một người lính, mỗi làng là một pháo đài”.

 Trong những năm kháng chiến tiếp theo, ông Giáp cùng với Hồ Chí Minh, vận dụng các kinh nghiệm của Trung Quốc, đã tạo ra và hoàn thiện chiến lược chiến tranh du kích dẫn tới việc thảm bại của Pháp và sau đó giành chiến thắng trong cuộc chiến với Hoa Kỳ cùng các lực lượng ở miền Nam Việt Nam. Nói tổng quan nhất, chiến lược này gồm ba giai đoạn chiến đấu dành độc lập. Trong giai đoạn đầu, đó là các hoạt động nhằm giành được sự ủng hộ lớn nhất của quần chúng để đạt mục đích cuối cùng, trong đó có việc học tiếng địa phương và hội nhập với dân dù chỉ trong khuôn khổ một công việc chung. Ví dụ như vào năm 1941, ông Giáp đã lập liên minh với ông Chu Văn Tấn, một người lãnh đạo du kích của dân tộc Thổ, một dân tộc thiểu số ở Đông Bắc Việt Nam. Trong giai đoạn hai, các đơn vị du kích tấn công các đồn bốt quân sự (chủ yếu ở cô lập) và trong giai đoạn ba, tập hợp thành các đơn vị lớn để kiểm soát một khu vực và vận động nhân dân tham gia vì mục đích của cuộc cách mạng.

  Tướng Giáp trong thời gian ấy kiêm nhiệm các công việc chỉ huy các đơn vị du kích, an ninh và công an. Ông cũng chịu trách nhiệm về các hoạt động tuyên truyền ở địa phương. Trong các cuộc chiến đấu với Pháp, đi theo kế hoạch đã vạch ra, các lực lượng Việt Minh đã giành được các thắng lợi, chủ yếu ở quy mô nhỏ. Họ tránh các cuộc đụng độ đối mặt. Chính các nhà sử học và phân tích của Việt Nam cũng tự thừa nhận là “cho đến khi còn tránh được các cuộc chiến trực tiếp thì còn là bên có ưu thế”. Nhưng vào năm 1950, tướng Giáp, khi được sự hỗ trợ của Trung Quốc, đã quyết định mở một chiến dịch đánh trực diện với quân đội Pháp ở châu thổ sông Hồng, cách Hà Nội không xa. Đó là một chiến dịch không thành công và quân cách mạng chịu các tổn thất lớn. Trong tình hình này, tướng Võ Nguyên Giáp đã rút lui các đơn vị của mình lên vùng rừng núi và quyết định duy trì các hoạt động ở khuôn khổ giai đoạn một và hai theo kế hoạch. Do vậy, trong các bài phát biểu của mình, ông bắt đầu nhấn mạnh là chiến thắng có thể đến sau nhiều năm, không được tấn công (dù câu này nói ra với chiến sỹ thì thật là kinh khủng), và Việt Nam không thể cho phép mình chịu tổn thất nhiều hơn quân thực dân. Cách đánh này sau nhiều năm lại quay trở lại trong cuộc chiến với Mỹ và các quân đồng minh.

Các sử gia quân sự đều thống nhất là quân Pháp trong một thời gian dài đã cố gắng để dẫn đến đụng độ trực tiếp với các đội quân du kích, dựa vào ưu thế kỹ thuật của mình trên địa hình phẳng. Ở Tây Bắc, cách Hà Nội 300km, không xa biên giới với Lào, tại thung lũng Điện Biên, nơi hãy còn các công sự của quân Nhật, đã xảy ra cuộc chiến kéo dài 170 ngày, từ ngày 20/11/1953 đến 7/5/1954. Lúc đầu, có vẻ như tướng Christian de Casteries sở hữu đại bác, xe tăng hạng nhẹ và cả các máy bay rải bom napalm sẽ ở thế thượng phong, nhưng sau một thời gian mới hóa ra là quân Pháp đã nằm trong bẫy. Tướng Giáp đã tập trung đến 70 ngàn quân, 20 súng phòng không và khoảng 100 tiểu liên (viện trợ của Trung Quốc và Trung Quốc còn gửi cố vấn quân sự sang nữa). Hàng nghìn người Việt dùng xe đạp đã chở hàng tấn dụng cụ và đạn dược lên các quả núi ở xung quanh cho phép bao vây trong vài tháng trời. Ngược lại quân Pháp trong mùa mưa gặp rất nhiều khó khăn về tiếp tế và chịu các trận bắn của các khẩu đại bác được ngụy trang. Hơn nữa quân đội Việt Nam đã tìm ra các kỹ thuật đào đường ngầm và hào hiệu quả mà sau này cả quân Mỹ cũng không đối phó được. Ngày 7/5/1954, hơn 11 nghìn quân Pháp đã phải đầu hàng, trong đó có một nửa bị thương. Thiệt hại về phía Việt Nam lớn gấp vài lần. mặc dù vậy, có thể coi là tướng Giáp đã hoàn thành phần lớn mục tiêu về chiến lược trong giai doạn ba của mình.

 Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa lớn về tượng trưng và tâm lý. Lần đàu tiên, quân đội của một quốc gia thực dân đã phải nhận thất bại kinh hoàng. Nhà sử học người Pháp, ông Jean-Pierre Roux đã viết “đây là thất bại duy nhất của quân đội châu Âu trong toàn bộ lịch sử của quá trình phi thực dân hóa”. Không có nghi ngờ gì nữa, đây là một lời động viên quan trọng cho các dân tộc ở châu Á và châu Phi đứng lên giành giải phóng. Ta chỉ cần đưa ví dụ về cuộc kháng chiến 8 năm ở An-giê-ri (1954-1962) cũng chống Pháp đã dẫn đến độc lập của nước này với 1,5 triệu nạn nhân.

  Ngay ngày hôm sau, sau thành công ở Điện Biên Phủ, ngày 8/5/1954, cuộc Hội nghị ở Giơ-ne-vơ với sự tham gia của Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Trung Quốc, Việt Nam Cộng hòa và Mỹ đã bắt đầu họp, Mỹ khi ấy chỉ với tư cách quan sát viên. Sau hai tháng họp, cuối cùng họ đã đạt được thỏa thuận về ngừng bắn và tạm chia nước Việt Nam dọc vĩ tuyến 17, Bắc Việt Nam cộng sản (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và miền Nam không cộng sản (Việt Nam Cộng hòa). Pháp rút các đơn vị cuối cùng khỏi Đông Dương vào năm 1956. Giữa các thời điểm trên, đã có việc di tản khoảng một triệu người từ Bắc Việt Nam vào Việt Nam Cộng hòa.

 Hồi ức về thất bại tượng trưng nói trên của nước Pháp thỉnh thoảng lại về trên dòng sông Seine. Có hai lần: một của tổng thống Pháp Mitterand vào năm 1993 và một lần của thủ tướng Edouart Philippe vào năm 2018, các vị đại diện cao nhất của nước Pháp đã đến thăm chiến trường cũ, việc này đã gây tranh cãi của một số tầng lớp dân Pháp. Nhưng không có nghi ngờ gì là trận đánh này đã là điểm bắt đầu cho huyền thoại về ông Võ Nguyên Giáp, cả trên phạm vi thế giới.

  Viện trợ của Trung Quốc cho cuộc chiến của du kích cộng sản Việt Cộng ở miền Nam Việt Nam cũng không giảm đi với thành công của các đơn vị của ông Giáp trong cuộc chiến với Pháp. Nó còn ngược lại nữa. Chính quyền Bắc Kinh từ năm 1950 đã gửi đều đặn cho Việt Minh cả các chuyên gia quân sự lẫn chuyên gia hành chính. Sau đó gửi cả vũ khí nữa. Toàn bộ cuộc xung đột ở Việt Nam đã nhanh chóng trở thành cuộc xung đột quốc tế. Tổng thống Hoa Kỳ Dwight Eisenhower sắp hết nhiệm kỳ khi ấy đã chỉ ra là khủng hoảng ở Lào chính là nguồn gốc quan trọng nhất cho cuộc khủng hoảng ở Đông Dương. Người kế nhiệm ông là tổng thống John F. Kennedy vào tháng 5/1961 đã đồng ý gửi tiếp 400 lính Mỹ và 100 cố vấn quân sự. Con số này tăng đặc biệt nhanh từ tháng 3/1965, lúc lính Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, đó là điểm khởi đầu của sự can thiệp quân sự của Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Ở thời điểm đỉnh cao, số lính Mỹ ở đây lên đến con số 546 ngàn vào tháng 4/1968. Mỹ cũng có sự hỗ trợ quân sự không nhiều lắm của Úc, New Zealand, Nam Hàn, Philippin và Thái Lan nữa. Nhưng chính sách “việt nam hóa” do Nixon chủ trương, trong đó có việc tổ chức hệ thống các ấp chiến lược tỏ ra không là thay đổi bước ngoặt. Về phía bên kia, sự giúp đỡ của Giải phóng quân Trung Quốc đã tỏ ra có ý nghĩa đáng kể. Theo một số dữ liệu, vào các năm 1964-1970 họ đã gửi đến Việt Nam 30 ngàn quân. Ông Giáp đã nói nhiều lần về việc tham gia này. Sự giúp đỡ của Liên Xô đã muộn hơn và không lớn như vậy.

 David và người khổng lồ Goliat

 Về dề tài chiến tranh ở Việt Nam, hay rộng hơn là chiến tranh ở Đông Dương đã có rất nhiều tư liệu bằng nhiều thứ tiếng. Trong đó ta nên nhắc tới việc mùa thu năm 1965, ở thung lũng Ia Drang đã có trận chiến trực tiếp đối mặt với lính Mỹ, và cả hai bên đều tuyên bố mình thắng. Trong hồi ký của mình, tướng Giáp đã phân tích chi tiết các bài học rút ra từ đó, cũng như diễn tiến của cuộc phản công lớn nhất trong lịch sử của cuộc chiến tranh này vào cuối tháng 1/1968, khi Việt Cộng đã tấn công 141 mục tiêu trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Đó là một trong những thời điểm quan trọng nhất của cái gọi là cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai. Nhưng các trận đánh ở Khe Sanh cũng như cuộc phản công mùa xuân năm 1972 đã không dẫn đến phân định rõ ràng về quân sự. Vẫn chưa hiện thực hóa giai đoạn ba bản kế hoạch của tướng Giáp, mặc dù vào cuối tháng 6/1970, quân đội Mỹ đã rút khỏi Căm-pu-chia sau các trận đánh căng thẳng giữa quân đội miền Nam và Việt Cộng cùng với các đơn vị quân miền Bắc. Lần đầu tiên đã bộc lộ một số khác nhau về quan điểm của ban lãnh đạo Việt Nam về chiến lược hành động tiếp tục, có lẽ do tình hình mới xuất hiện sau khi ông Hồ Chí Minh mất vào tháng 9/1969.

 Vào tháng 1/1973, Hoa Kỳ và Bắc Việt Nam đã nối lại các cuộc thương lượng và nhanh chóng ký Hiệp định Paris nhằm chấm dứt sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam. Sau hai tháng, đơn vị thường trực cuối cùng của quân đội Hoa Kỳ đã rời khỏi miền nam Việt Nam. Đoàn đại biểu của hai nước được dẫn đầu bởi các ông Henry Kissenger, cố vấn đặc biệt về vấn đề an ninh của tổng thống Hoa Kỳ và ông Lê Đức Thọ, một nhà ngoại giao và ủy viên Ban lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam (từ 1976, đổi thành Đảng Cộng sản Việt Nam). Quốc hội Na Uy cuối năm đấy đã trao cho cả hai ông Giải Nô ben hòa bình vì các đóng góp của họ. Người Việt Nam không nhận giải, lập luận là quá trình chưa kết thúc, và người Mỹ đã vi phạm các nguyên tắc đã thỏa thuận. Vào tháng 8/1974, tổng thống Nixon đã từ chức và vào tháng 4/1975, quân Khơ Me Đỏ đã tràn vào PhnomPenh, kết thúc về danh nghĩa cuộc chiến tranh ở Căm-pu-chia. Vào ngày cuối cùng của tháng 4, đã có cuộc sơ tán bằng trực thăng của đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn cũng như các lực lượng Việt Cộng và Nam Việt Nam đã chiếm Sài Gòn. Đó một mặt là trang kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, và cũng là kết thúc cuộc xung đột quân sự dài nhất sau Chiến tranh Thế giới thứ II (1945-1975). Thiệt hại về phía Mỹ là 59 ngàn quân, thêm vào đó là 5 nghìn quân đồng minh. Thiệt hại về người và của của phía Việt Nam không thể đánh giá được. Nó chắc là lớn kinh khủng.

 Ông Võ Nguyên Giáp không tham gia trực tiếp vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh này, nhưng các kế hoạch chiến thuật và chiến lược do ông soạn ra đã được áp dụng. Trước đó ông đã quay về Hà Nội, trở thành Bộ trưởng Quốc phòng và Phó Thủ tướng. Trong nhiều năm, ông cũng là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay sau cuộc chiến ở Điện Biên Phủ, ông đã trở thành một con người-huyền thoại, và sau đó là tượng trưng cho chiến thắng quân Mỹ, một quân đội chỉ thua một trận này trong lịch sử của mình. Chính ông đã dùng sự so sánh câu chuyện về cuộc đánh nhau trong Kinh Thánh giữa David và người khổng lồ Goliat thể hiện như trên bức tranh của danh họa Michelangelo với cuộc chiến nói trên. Trong cuốn sách của mình “Chiến tranh nhân dân, Quân đội Nhân dân: cuộc kháng chiến của Việt Nam” ông đã viết như sau:” Lính Mỹ rất dũng cảm, nhưng dũng cảm không thì chưa đủ. David có thể giết Goliat vì anh ta đã quan sát xung quanh và biết là nếu đánh nhau bằng kiếm như Goliat thì anh ta sẽ bị chết. Nhưng nếu anh ta lấy hòn đá và dùng nỏ bắn thì có thể bắn trúng đầu Goliat, làm nó ngã xuống rồi giết. David đã vận dụng ý tưởng này vào cuộc đấu với Goliat. Người Việt Nam chúng tôi cũng làm như thế để chống lại quân Mỹ”.

 Con người từng được mệnh danh là “Napoleon đỏ” và anh hung dân tộc Việt Nam đã mất hôm 4/10/2013 ở Bệnh viện Quân đội trung ương 108, nơi ông phải nằm từ năm 2009, thọ 102 tuổi. Ông là một trong những người có công dẫn đến việc thống nhất đất nước này vào năm 1976. Nỗi lo sợ có “một Việt Nam thứ hai” đã ảnh hưởng rất lớn đến chính sách của Hoa Kỳ. Vào lúc tuổi đã cao, ông còn gặp gỡ với các chính trị gia hàng đầu thế giới, về một phía ví dụ như với ông cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara, còn phía kia với ông Fidel Castro. Ông đã để lại các cuốn sách và hồi ký ví dụ như “Chúng ta đã thắng ra sao” hiện đang được dùng làm sách giáo khoa ở các học viện quân sự. Ông phân tích trong cuốn sách ấy nhiều chiến dịch quân sự ông đã tham gia và phần lớn do ông chỉ huy, ví dụ như trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954), đặc biệt như ở Lạng Sơn (1950), Hòa Bình (1951-1952), Điện Biên Phủ (1953-1954), cuộc phản công Tết (1968), phản công mùa Xuân 1972 và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Họ cũng xuất bản cuốn “Những lời nói của đại tướng Võ Nguyên Giáp” mà tôi xin trích chỉ một câu ở đây:” Hãy làm cho kẻ thù bị lừa, không bao giờ bộc lộ ý định của mình. Đôi khi cái tưởng là chiến thắng hoàn toàn là không phải là thế, và thất bại cũng không phải là thất bại. Khi bạn tấn công, phản công hay áp dụng chiến thuật phòng ngự thì ý tưởng phòng ngự phải là chủ đạo, để bao giờ mình cũng ở vào thế chủ động”.

 Tang lễ của ông kéo dài hai ngày đêm (12 và 13/12) và có hàng trăm nghìn người tham dự. Theo nguyện vọng của mình, tướng Giáp đã an nghỉ trên hòn đảo Yến nhỏ ở bờ biển vùng Quảng Bình quê ông. Từ lúc ấy, địa điểm này đã trở thành điểm đến của nhiều cuộc hành hương chính trị.

Người dịch: Nguyễn Hữu Viêm

Nguồn: https://trybuna.info/swiat/vo-nguyen-giap-napoleon-indochin/?fbclid=IwAR0voaYwlMZoI3WZiif_hwuRbb6T1Y7nmE8E8F_1d23x-GdlUmQUvyQaNhQ

Sửa lần cuối 2021-01-09 12:58:11

Bình luận

Bình luận qua Facebook