Dịch giả Nguyễn Chí Thuật tại Đại hội toàn thế giới Các dịch giả văn học Ba Lan, Kraków, 2017.
Mới đây, trong lời giới thiệu „Các nhà ngữ văn Ba Lan xuất sắc là người nước ngoài đóng góp tuyệt vời vào việc quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Ba Lan trên thế giới” (Chuyên mục „Cùng tiếng Ba Lan đi vào thế giới” - Đài phát thanh Quốc gia Ba Lan) đã nêu tên 5 người tiêu biểu, trong đó có dịch giả văn học Ba Lan tại Việt Nam, giáo sư Nguyễn Chí Thuật. Danh sách những người được nêu tên gồm:
Giáo sư Yi Lijun (Trung Quốc)
Giáo sư Estera Choi (Hàn Quốc)
Dịch giả, nhà nghiên cứu Luigi Marinelli (Italia)
Giáo sư Tokimasa Sekighuchi (Nhật Bản)
Giáo sư Nguyễn Chí Thuật (Việt Nam).
Trong số 5 người kể trên, hai người được vinh danh Đại sứ tiếng Ba Lan ở nước ngoài là giáo sư Yi Lijun (Trung Quốc, năm 2008) và giáo sư Việt Nam Nguyễn Chí Thuật (năm 2019). Vừa qua, trong chuyên mục „Cùng tiếng Ba Lan đi vào thế giới”, hai người được chọn trả lời phỏng vấn (và bài phỏng vấn này đã phát trên đài) là giáo sư Tokimasa Sekighuchi (Nhật Bản) và giáo sư Nguyễn Chí Thuật (Việt Nam).
Giáo sư ngôn ngữ học Ba Lan, giảng viên Đại học Tổng hợp Jagielloński, Władysław Miodunka, nhà khoa học có công đào tạo nhiều thế hệ các nhà Ngữ văn Ba Lan người nước ngoài, cho rằng rất cần phải lắng nghe những người này vì họ luôn có những ý kiến thú vị về con đường dẫn họ đến với tiếng Ba Lan, những phát hiện giá trị của họ về văn học Ba Lan và những nghiên cứu sâu của họ về lịch sử Ba Lan.
Theo quan điểm đó, Cơ quan Nhà nước Ba Lan về Trao đổi học thuật (viết tắt là NAWA) và Ban Nước ngoài Đài phát thanh Quốc gia Ba Lan phối hợp mở chuyên mục „Cùng tiếng Ba Lan đi vào thế giới” nhằm mục đích giới thiệu chân dung một số người nước ngoài từng được đào tạo ngành Ngữ văn Ba Lan nay đã và đang công tác tại nước mình, những người có công lớn trong việc quảng bá ngôn ngữ, văn học và văn hóa Ba Lan. Họ góp phần vào việc nâng cao vị thế của tiếng Ba Lan trên thế giới, nhờ đó các lớp học tiếng Ba Lan và các khoa Ngữ văn Ba Lan đã được mở ra và duy trì đào tạo tại nhiều quốc gia, trong đó có các nước lớn ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tác giả bài viết nhấn mạnh việc một số nhà Ngữ văn Ba Lan ở nước ngoài bỏ công sức dịch những tác phẩm văn học Ba Lan được liệt vào loại khó đọc ngay cả đối với độc giả Ba Lan. Ngoài ra họ cũng là những người dày công nghiên cứu và công bố các công trình có giá trị liên quan đến văn học, về đất nước và con người Ba Lan, đưa Ba Lan gần lại với độc giả nước mình. Họ đã và đang vượt qua những thách thức không nhỏ để quảng bá văn hóa Ba Lan trên thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà Ba Lan coi họ là các vị đại sứ thực thụ của ngôn ngữ và văn hóa Ba Lan ở nước ngoài.
Bài giới thiệu tập trung khắc họa chân dung bốn nhà Ngữ văn Ba Lan châu Ấ và một người châu Âu. Đó là giáo sư Đại học Bắc Kinh Yi Lijun, giáo sư Đại học Ngoại ngữ Hankuk Seul Estera Choi, nhà nghiên cứu, dịch giả Italia Luigi Marinelli, giáo sư Đại học Ngoại ngữ Tokio Tokimasa Sekighuchi, giáo sư Đại học Tổng hợp mang tên Adam Mickiewicz (Poznan, Ba Lan) Nguyễn Chí Thuật. Động cơ cũng như con đường đến với văn học Ba Lan của họ không giống nhau, sự lựa chọn của họ không phải đối với ai cũng là lựa chọn có ý thức, song tất cả đều có một nét chung là tình yêu lớn lao dành cho văn học và đất nước Ba Lan.
Trong phần viết về giáo sư Việt Nam Nguyễn Chí Thuật, bài giới thiệu đề cập quá trình học tập, công tác và một số thành tựu về dịch thuật, nghiên cứu, giảng dạy của giáo sư, nhấn mạnh nét riêng của nhà Ngữ văn Ba Lan, dịch giả văn học Ba Lan tại Việt Nam này. Giáo sư Nguyễn Chí Thuật sang Ba Lan từ năm 1970, mới đầu học tiếng Ba Lan ở Kraków, sau tiếp tục học khóa dự bị rồi theo học ngành Ngữ văn Ba Lan tại Łódź. Từ năm 1987 đến 1990, ông làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Khoa Ngữ văn Ba Lan Đại học Tổng hợp Warszawa. Trước đó ông có 10 năm dạy tiếng Ba Lan tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội). Từ năm 2005 đến 2020 ông giảng dạy văn học Việt Nam và ngôn ngữ Việt cho sinh viên ngành Ngữ văn Việt tại Đại học Tổng hợp mang tên Adam Mickiewicz (Poznań, Ba Lan). Là người vô cùng yêu mến văn học Ba Lan, ngay từ những năm còn là sinh viên cho đến tận hôm nay, ông luôn nhắc đi nhắc lại rằng văn học Ba Lan là một phần cuộc đời ông, dịch văn học Ba Lan ra tiếng Việt đối với ông là một định mệnh.
Ngoài các công trình dịch thuật đáng ghi nhận như bộ tiểu thuyết „Búp bê” được coi là rất có giá trị trong toàn bộ lịch sử văn học Ba Lan hay tác phẩm „Hoàng đế” nổi tiếng thế giới của Ryszard Kapuściński, ông đã dịch và xuất bản ở Việt Nam bộ tranh truyện „Những cuộc phiêu lưu của dê con Ma-tô”, tác phẩm gối đầu giường của biết bao thế hệ độc giả Ba Lan. Ông cũng xuất bản hai tập thơ bằng tiếng Ba Lan: „Từ sông Hồng đến sông Visla và sông Warta” và „Xuôi dòng Warta”. Vì những đóng góp đó, ông được trao một số giải thưởng có giá trị tại Ba Lan và Việt Nam. Có thể kể: Giải thưởng Văn học dịch năm 2017 của Hội Nhà văn Hà Nội cho bản dịch tiểu thuyết „Búp bê”, Giải thưởng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam cho bản dịch cuốn „Hoàng đế” năm 2018, còn ở Ba Lan, trong cuộc thi thơ toàn quốc Ba Lan mang tên Jan Krzewniak năm 2016, ông giành giải cao nhất và giải thưởng tặng cho nhà giáo làm thơ của báo Tiếng nói giáo viên Ba Lan. Trước đó, năm 2011, ông đoạt Giải khuyến khích tặng cho tập thơ „Từ sông Hồng đến sông Wisla và sông Warta” tại cuộc thi thơ tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan thơ Quốc tế „Tháng Mười Một Thơ Poznań”. Năm 2013 ông được trao tặng Giải thưởng văn học của Ba Lan mang tên Klemens Janicki „Vì toàn bộ sự nghiệp sáng tác và những đóng góp cho văn học và văn hóa châu Âu”. Ông cũng được tặng Huy chương „Lao động chiến thắng tất cả” mang tên nhà phát minh Ba Lan nổi tiếng Hipolit Cegielski. Vì những đóng góp thiết thực cho việc đào tạo sinh viên Ba Lan, năm 2017, ông được trao Huy chương vì sự nghiệp giáo dục của Ba Lan. Đáng ghi nhận là năm 2019 giáo sư Nguyễn Chí Thuật được Hội đồng Tiếng Ba Lan của Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan đề cử và Chủ tịch Thượng viện Ba Lan ký quyết định phong tặng danh hiệu Đại sứ tiếng Ba Lan ở nước ngoài, trở thành người Việt Nam đầu tiên và người châu Á thứ hai được phong tặng danh hiệu cao quý này. Một năm sau, năm 2020, ông được trao phần thưởng của Hiệp hội Những người làm công tác sáng tạo văn học nghệ thuật Ba Lan.
Cần nhấn mạnh thêm rằng ngoài các công trình dịch văn học Ba Lan – Việt, giáo sư Nguyễn Chí Thuật còn có đóng góp nhất định vào việc quảng bá văn học Việt Nam ở Ba Lan, không chỉ thông qua các bài giảng và hướng dẫn tốt nghiệp cho sinh viên Ba Lan theo học ngành Ngữ văn Việt khi ngành học này được đưa vào đào tạo từ năm 2004 tại Đại học Tổng hợp mang tên Adam Mickiewicz ở Poznań. Ông đã chủ trì việc giới thiệu, dịch và xuất bản hai tập Truyện cổ Việt Nam và cho ra đời bản dịch tập thơ „Phía bên kia sự im lặng” của nhà thơ Việt Nam Mai Quỳnh Nam, thu hút sự chú ý của một số nhà phê bình, nhà thơ và bạn đọc Ba Lan. Ông cũng đã phối hợp với một số nhà văn Việt Nam chuẩn bị dịch tập Truyện ngắn Việt Nam và in tại Ba Lan trong tương lai gần.
So với nhiều nhà ngữ văn và dịch giả văn hoc Ba Lan khác trên thế giới, thành tựu nghiên cứu về văn học Ba Lan cũng như số lượng tác phẩm dịch của giáo sư Nguyễn Chí Thuật chưa phải lớn. Ngay tại Việt Nam, ông cũng không phải dịch giả nổi bật. Song nét khác biệt ở ông có lẽ là việc ông có 15 năm đứng trên giảng đường đại học Ba Lan, được phong giáo sư tại một trường đại học Ba Lan, làm thơ bằng tiếng Ba Lan và quảng bá văn học nước mình tại Ba Lan.
Tháng
10 năm
2020, sau 15 năm liên
tục giảng dạy tại Ba Lan, giáo sư
Nguyễn Chí Thuật đã
nghỉ hưu
và về hẳn Việt Nam. Hy vọng ông vẫn tiếp tục niềm
đam mê văn học Ba Lan để cho ra đời những tác phẩm
dịch có giá trị, đáp ứng mong mỏi của độc giả Việt
Nam, những người từ lâu đã
dành sự yêu mến và ngưỡng
mộ nền văn học của quê hương Sô-panh, của Adam
Mickiewicz, đất nước đã
sản sinh ra những cây bút văn
thơ kiệt xuất và
thiên tài âm nhạc được
cả thế giới biết tiếng.
Vác-sa-va, 3/2021
Quê Việt
Bình luận