2016-07-28 04:11:05

Hãng điện thoại khổng lồ của Mỹ Verizon đã mua xác con tàu Yahoo. Tại sao con tàu này đắm?

Hai thành viên sáng lập Yahoo.

Yahoo. Nhà tiên phong của Internet. Một hãng lớn đã có lúc thử mua cả Google, Facebook và Twitter. Bây giờ thì chính nó bị mang ra bán. Tại sao họ đã bỏ lỡ các cơ hội cho việc kinh doanh đầy tương lai như vậy? HãngVerizon đã mua Yahoo với giá 4,83 tỷ USD. Đấy có thể coi là số tiền xu quá nhỏ, nếu so vào lúc đỉnh cao khi giá trị của Yahoo đã vượt con số 125 tỷ USD. Nói đúng ra thì Verizon chỉ mua phần internet của hãng này với tên gọi mà thôi – tức là phần tìm kiếm, trang mạng, quảng cáo kinh doanh. Yahoo của ngày nào vẫn còn một số hoạt động khác – trong đó phần tốt nhất là cổ phần vào Alibaba, tức "hãng Amazon của Trung Quốc".

Hãng Verizon có ý định kết hợp Yahoo với một ngôi sao đã tắt khác của internet – tổ hợp AOL (trước đây là America Online) mà hãng này đã mua vào năm ngoái với giá 4 tỷ USD.

Người ta có thể viết cả một cuốn sách về các tội, sai lầm và các cơ hội mà Yahoo không biết sử dụng. Cũng khó mà chỉ ra trong thời gian tồn tại của Yahoo khi nào thì mọi thứ sụp đổ. Nói chung thì lỗi là ở sự thiếu quyết đoán của các nhà lãnh đạo, các đầu tư không đúng hoặc không may. Nhưng chúng ta hãy xem lại từ đầu nhé.

Sự xuất hiện của Yahoo

Đó là vào năm 1994, khi hai nghiên cứu sinh của trường Stanford – các ông David Filo và Jerry Yang – sau nhiều giờ làm việc đã phát triển một đề án do tự học. Đó là danh sách các đường link mà họ gọi là "Giới thiệu về mạng quốc tế của Jerry và David". Đó là tiền thân của các trang tìm kiếm sau này. Dự án được quan tâm lớn và hai người sáng lập chủ yếu tập trung vào chúng và chính thức làm khởi nghiệp.

Năm 1995 hãng nhận được các tiền đầu tư của nhiều nhà đầu tư, trong đó có Sequoia Capital và SoftBank. Hãng phát triển máy tìm kiếm, thu được quảng cáo và mở rộng lĩnh vực hoạt động.

Việc khởi nghiệp bắt đầu thu lợi nhuận. Họ kéo được ông Tim Koogle của hãng Motorola về làm giám đốc điều hành. Ông này đã đưa hãng lên thị trường chứng khoán vào năm 1996, lúc đầu cổ phiếu có giá 13 USD, nhưng lúc kết thúc phiên nó có giá 33 USD. Các nhà sáng lập Yahoo không ra mặt và chỉ đóng vai trò chính trong việc phát triểnYahoo về mặt kỹ thuật và không phải lúc nào họ cũng có tác động đến chiến lược của hãng.

Còn các ông Larry Page và Sergey Brin, hai nhà sáng lập trẻ của Google vào lúc bắt đầu kinh doanh đã kéo được về hãng một người quản lý có kinh nghiệm là ông Eric Schmidt, nhưng cả ba đều tham gia lãnh đạo, mỗi người đều có ảnh hưởng thực sự đến hãng. Đến nay ta đã thấy, để một hãng internet có được thành công trên thế giới, phải cần có tầm nhìn xa của các nhà sáng lập và việc chọn các quyết định dũng cảm, không phải bao giờ cũng được chấp nhận ngay hay mang lại lợi ích ngay.

Nhưng lúc đó thì Yahoo chưa biết hay chưa nhận thấy điều này. Hãng phát triển tiếp các dịch vụ như thư điện tử e-mail. Họ cũng có cách nhìn xa. Sau bốn năm kể từ khi thành lập, vào năm 1999 họ đã bỏ ra 5,7 tỷ USD để mua đài phát thanh internet broadcast.com. Còn việc đài này nay đã thôi hoạt động thì lại là chuyện khác.

Năm 2000 trước khi quả bong bóng dot-com bị vỡ, giá thị trường của hãng Yahoo đã vượt con số 125 tỷ USD. Đó cũng là năm Yahoo thua tuyệt đối trong cuộc đua của các trang tìm kiếm mặc dù chính thức thì Yahoo chưa bao giờ tham gia vào cuộc đua này. Do việc cộng tác với Google, phần động cơ chính của việc tìm kiếm này đã được sát nhập vào trang mạng của Yahoo. Các nhà quản lý hãng đã coi mảng kinh doanh tìm kiếm này như đứa con ghẻ.


Yahoo định thâu tóm Google, Facebook, Twitter


Năm 2001 ông sếp mới của Yahoo là Terry Semel. Đây là một thời kỳ tìm ý tưởng mới cho mình và cho cái mà ngành này gọi là "tự phân nhánh": Yahoo không biết quyết định sẽ là hãng internet-công nghệ hay là truyền thông. Khi ấy Yahoo đề nghị mua Google với giá một tỷ USD. Nhưng Sergey Brin và Larry Page nâng giá, đòi 3 tỷ. Nay thì Google có giá vượt 500 tỷ USD. Nếu khi đó cuộc mua bán này thành công thì không biết liệu giờ ta có „một hãng động lực” với một siêu sản phẩm hay giờ ta lại đang dùng trang tìm kiếm Bing của hãng Microsoft, vì Yahoo có thể làm hỏng trang tìm kiếm Google rồi? Không có câu trả lời nhất quán cho câu hỏi này.

Năm 2005 Yahoo mua trang ảnh Flickr và kết thúc dịch vụ Yahoo Photos. Trong khi Google phát triển các dạng quảng cáo mới bằng chữ hiện lên bên cạnh kết quả tìm kiếm, thì Yahoo vẫn cố chấp dùng dạng bảng quảng cáo mà người dùng đã chán. Năm 2006, Yahoo định mua Facebook với giá một tỷ USD, nhưng Mark Zuckerberg từ chối. Trước đó Yahoo cũng thử tranh mua YouTube với Google. Không thể chê Yahoo là không có nhậy cảm với các việc kinh doanh mới, nhưng hãng tỏ ra thiếu quyết đoán hay nói đơn giản là keo quá.

Yahoo đong đưa với Alibaba

Năm 2005, Yahoo với sự tham gia tích cực của Jerry Yang đã thực hiện một đầu tư có lẽ là tốt nhất và duy nhất của mình với thành công 100%. Họ bỏ ra 1 tỷ USD và cùng việc ngưng hoạt động ở Trung Quốc để mua 40% cổ phần của một hãng thương mại điện tử Alibaba. Hiện họ kiểm tra khoảng 15,4% cổ phần của hãng này với giá trị là 32 tỷ USD. Năm 2007 ông Jerry Yang, người đồng sáng lập, theo đề nghị của hội đồng quản trị đã lên nắm chức giám đốc. Ông định mua hãng Twitter, lúc ấy còn rất bé với giá 12 triệu USD, nhưng giao dịch không thành.

Thời ông làm giám đốc có thể liệt kê vào giai đoạn không thành công. Ông nổi danh vì chấp nhận việc thải người hàng loạt khi tái cấu trúc hãng, cũng như bỏ qua cơ hội tốt nhất để cứu vãn việc kinh doanh vì vào năm 2008 khi ông Steven Ballmer, giám đốc trước đây của Microsoft đến gặp Yang để hỏi mua Yahoo với giá 45 tỷ USD, nhưng ông Yang lại đòi cao hơn. Giờ thì ông Ballmer phải cảm ơn số phận may mắn vì chẳng bao lâu sau, cuộc khủng hoảng tài chính đã bùng nổ làm giá trị của Yahoo giảm đi đáng kể. Microsoft giờ thì không muốn mua nữa.


Chủ tịch Yahoo.

Marissa Mayer lên sân khấu

Sau ông Yang hãng Yahoo còn có hai giám đốc khác, và giai đoạn này có thể coi như giai đoạn tái cấu trúc, chấm dứt hoạt động của một số trang mạng bằng một số thứ tiếng và tìm kiếm trong tuyệt vọng các ý tưởng mới cho mình. Cuối cùng vào năm 2012, một ngôi sao của Thung lũng Silicon, một nữ quản lý giàu kinh nghiệm của hãng Google, bà Marissa Mayer lên cầm lái. Người ta kỳ vọng ở bà rất nhiều. Bà rất năng động trong quảng cáo, nhưng các nhà đầu tư phàn nàn vì bà không kéo thêm được các khách hàng quảng cáo mới. Bà đặt kế hoạch chia hãng ra phần internet và phần có cổ phần của Alibaba, song ý tưởng này thất bại do các khó khăn về thuế. Do vậy bà Mayer bắt đầu tìm khách hàng cho phần hoạt động internet.

Bà Mayer cũng thâu tóm được trang blog nhỏ Tumblr với giá hơn một tỷ USD. Sau đó lại hóa ra Yahoo đã trả quá đắt vì phải làm hai phụ lục cho số tiền mua này thêm hơn 700 triệu USD nữa. Tình trạng hãng không cải thiện gì do các hợp đồng không tính kỹ, đã ký với các đối tác khác, ví dụ như Mozilla.

Quý gần đây nhất Yahoo đóng sổ với con số lỗ 440 triệu USD trước thuế (netto).

Giờ thì mọi thứ đã thuộc về lịch sử. Hãng Verizon sẽ viết chương tiếp theo.

NHV (theo Onet.pl)

Sửa lần cuối 2016-07-28 02:12:26

Bình luận

Bình luận qua Facebook