2016-12-06 08:28:45

Bình luận của CNN - 4/12/16: Trong năm tới Pháp và Đức có thể chia rẽ châu Âu

Trong khi ở Mỹ ông Donald Trump chuẩn bị lên ghế tổng thống, bà Theresa May chuẩn bị cho nước Anh các điều kiện rắn cho Brexit, thì Liên minh Châu Âu có thể bị các rối loạn về chính trị tấn công.

Từ dải đất Rust Belt ở về phía đông-bắc nước Mỹ, nơi dân cư ủng hộ ứng cử viên Trump, đến các phong trào mỵ dân ở châu Âu, thế giới đã nhiễm loại virus đường lối "chính trị quốc gia hóa", nó vứt bỏ sự toàn cầu hóa và hợp tác quốc tế đã tồn tại suốt giai đoạn sau chiến tranh đến nay.

Liên minh Châu Âu bắt đầu bị lung lay nền móng. Ông thủ tướng Ý Matteo Renzi có lẽ sẽ bại trong cuộc trưng cầu dân ý về việc thay đổi hiến pháp ở nước này, kéo theo là việc ông ta phải từ chức và việc các đảng chống châu Âu ở đó mạnh lên (tin chính thức 5/12: thủ tướng Ý sẽ từ chức vì thất bại trong trưng cầu dân ý). Tại Áo thì nhà hoạt động trong Đảng Nước Áo Tự do (FPÖ), ông Norbert Höfer có thể sẽ trở thành tổng thống (Theo các thăm dò đầu tiên sau bầu cử hôm 4/12 thì ông Alexander Van der Bellen, cựu chủ tịch Đảng Màu xanh lá cây sẽ trở thành tổng thống Áo. Trong vòng hai ông đã thắng ông Norbert Hofer – người dịch).

Ông Geert Wilders, lãnh tụ Đảng Tự do (PVV) chống Hồi giáo và chống châu Âu của Hà Lan đã kêu gọi "Một mùa xuân châu Âu tràn ngập tình yêu nước", đồng thời nêu khẩu hiệu: "Nước Hà Lan lại trở nên vĩ đại!". Có thể trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng ba năm tới thì thủ đô Haga sẽ có chấn động. Theo thăm dò dư luận thì sự ủng hộ cho đảng ông Wilders hiện chỉ kém có Đảng Dân tộc vì Tự do và Dân chủ (VVD) của ông thủ tướng Mark Rutte.

Nhưng châu Âu đang lo nhất về kết quả bầu cử ở các nước giầu nhất và lớn nhất trong Liên minh không kể nước Anh là Pháp và Đức. Cả hai nước là động lực cho việc hợp tác ở châu Âu, thế mà giờ đây cả Paris lẫn Berlin đều đang phải tiến tới đọ sức với các đảng cánh hữu mỵ dân – Mặt trận Dân tộc ở Pháp và Đảng Lựa chọn khác cho nước Đức (AfD).

Mối lo ngại lớn hơn so với chủ nghĩa mỵ dân với Liên minh châu Âu là sự sụp đổ của việc hợp tác giữa Paris và Berlin, vì đây là nền tảng tồn tại của liên minh. Có thể là trong bầu cử cả Mặt trận Dân tộc ở Pháp và Đảng Lựa chọn khác cho nước Đức AfD đều không thắng cử nhưng các sự khác biệt về lợi ích của hai thủ đô này sẽ làm cho họ không đạt được một viễn cảnh chiến lược chung lâu dài. Nước Pháp đã phải lo tình hình nội bộ, nhường tay lái liên minh cho Berlin. Còn tình hình nước Đức đang khó, lại trong dịp này nước Anh đã quyết định rời khỏi cấu trúc chung của châu Âu.

Trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp, bà Marine Le Pen chắc sẽ bị ứng cử viên Đảng Cộng hòa ông François Fillon đánh bại. Mặc dù Mặt trận Dân tộc đã cố gắng rất nhiều để cải thiện bộ mặt của mình nhưng kết quả cuộc bỏ phiếu chính quyền tự quản năm 2015 chứng tỏ rất nhiều cử tri không ủng hộ phái cực hữu này. Trong vòng một Mặt trận Dân tộc dành được ủng hộ của sáu triệu cử tri nhưng đã thua trong vòng hai, khi đông đảo người Pháp tham gia đi bầu. Thông thường, số người đi bầu tổng thống ở Pháp khá cao, do vậy bà Marine Le Pen sẽ phải qua một cuộc chiến vất vả để vào được Điện Saint Elysee. Còn ông François Fillion, người có thể mang ra so sánh với bà Margaret Thatcher hay ông Ronald Reagan thì có chương trình kinh tế khác xa với các ý tưởng bảo vệ mậu dịch (như áp đặt thuế nhập khẩu cao - người dịch) của bà Le Pen. Song ở vài lĩnh vực khác thì họ lại có điểm chung. Cũng như bà Marine Le Pen, ông cựu thủ tướng Pháp này cũng muốn chấm dứt làn sóng nhập cư và đạo Hồi, ông đã hứa với người Pháp là sẽ giành lại niềm tự hào dân tộc. Ông Fillion không muốn có xã hội nước Pháp đa văn hóa, và Mặt trận Dân tộc cũng từng bước theo chặt ông, do vậy ý định tái quốc hữu hóa nền chính trị Pháp của ông sẽ bị đánh giá rất nghiêm khắc.

Tình hình ở nước Đức sẽ khác. Phe chống Hồi giáo và chống nhập cư AfD tuy sẽ lọt vào quốc hội Bundestag nhờ mức ủng hộ từ 11-15%, song ở trong quốc hội vẫn sẽ bị là thiểu số cô lập mà không một đảng nào muốn cộng tác. Phần lớn cử tri Đức sẽ không bị phái mỵ dân ảnh hưởng như ở phần lớn các nước Tây Âu khác.

Bà Angela Merkel chắc vẫn là thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ tư – đó thật là một thành tích đáng kể sau 11 năm nắm quyền, ngay cả sau cuộc khủng hoảng nhập cư khi nước Đức nhận đến hơn một triệu người. Bà chính trị gia này sẽ là "pháo đài cuối cùng" bảo vệ cho những người ủng hộ nền dân chủ trung hòa và việc toàn cầu hóa – không chỉ cho chính người Đức, mà còn cho dân cư các nước khác – điều này làm bà sẽ phải chịu áp lực rất nặng nề.

Trong khi nhiều nước chỉ lo giải quyết công việc nội bộ thì Berlin sẽ buộc phải nhận vai trò mà họ chưa bao giờ muốn làm – vai trò nhà lãnh đạo châu Âu. Người Đức đang đứng trước vô vàn thách thức: Brexit, nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, khủng hoảng nhập cư, khủng hoảng khối đồng euro và một ông tổng thống Trump khó đoán trước.

NHV (theo Onet.pl)

Sửa lần cuối 2016-12-06 07:30:39

Bình luận

Bình luận qua Facebook