2017-04-04 13:10:11

Tổng thống Trump trong con mắt người Trung Quốc


Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: Scott Olson/ Getty Images)

Dư luận Trung Quốc từng hâm mộ Tổng thống Trump sau khi ông đắc cử, nhưng tình thế hiện nay đã khác sau khi ông có những phát biểu đụng chạm đến lợi ích của Bắc Kinh.

Khi ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2016, nhiều người Trung Quốc hâm mộ ông. Tuy nhiên, sau đó danh tiếng ông giảm mạnh ở Trung Quốc vì tân Tổng thống Mỹ có những tuyên bố thường xuyên trên Twitter về các vấn đề gây tranh cãi như Đài Loan và Biển Đông. Đây không phải lần đầu tiên quan điểm của Trung Quốc về một nhà lãnh đạo Hoa Kỳ bị suy giảm nhanh chóng.

Cách đây một thế kỷ, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson cũng lâm vào tình cảnh tương tự với Trung Quốc, sau khi ông tái cử thành công. Ban đầu, nhiều trí thức Trung Quốc ngưỡng mộ Wilson, một nhà khoa học chính trị và Hiệu trưởng Đại học Princeton. Nhưng đến năm 1919, Wilson ủng hộ Hiệp ước Versailles, chuyển quyền kiểm soát lãnh thổ cũ của Đức ở tỉnh Sơn Đông cho Nhật Bản, mà không đưa về Trung Quốc. Vì vậy, hình ảnh của Wilson nhanh chóng mất bóng ở Trung Quốc.

Vào năm 1916, khi Wilson được bầu nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ lần 2, Trung Quốc đang trong tình thế rất khó khăn. Tuy nước cộng hòa Trung Hòa Dân Quốc được thành lập vào năm 1912, nhưng đất nước bị phân mảnh. Những phe phái quân sự kiểm soát các khu vực khác nhau, còn các thế lực nước ngoài đang âm mưu chiếm các vùng lãnh thổ của Trung Quốc.

Nhìn chung, Trung Quốc vào năm 2016 không cần sự bảo vệ của Mỹ. Họ muốn một Tổng thống Mỹ bận tâm vào các vấn đề trong nước, và không quan tâm đến sự trỗi dậy của Trung Quốc, như cựu tổng thống Obama. Bằng cách đó, Trung Quốc có thể thay đổi quan hệ quyền lực ở châu Á vì lợi ích của mình mà không phải lo lắng về sự can thiệp của Mỹ.

Trước cuộc bầu cử, ông Trump đã thường xuyên cáo buộc Trung Quốc về các vấn đề kinh tế, thương mại. Nhưng ông Trump ít quan tâm đến chính sách đối ngoại, khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc thấy yên tâm. Việc ông nói rằng ông sẽ cam kết ít hơn những người tiền nhiệm trong việc ủng hộ các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Á, như Hàn Quốc và Nhật, là điều được những người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc đón mừng.

Cũng giống Wilson, ông Trump có một số người ủng hộ đơn thuần bởi vì nhân cách không giống chính trị gia. Nhiều người Trung Quốc thích việc ông Trump nói hay đăng Twitter bất cứ những gì ông nghĩ, với cách nói “thẳng” khác biệt với phong cách của những chính trị gia kỳ cựu.

Cũng giống như người Trung Quốc ủng hộ một quan chức Mỹ khác, Gary Locke, người trở thành đại sứ Mỹ ở Trung Quốc vào năm 2011. Hình ảnh về Locke tự xách giỏ và tự mua cà phê ở Starbucks – những công việc đơn giản mà những quan chức cao cấp ở Trung Quốc thường sai khiến cấp dưới làm – đã thúc đẩy một loạt những bài đăng trên mạng ca ngợi ông là một quan chức đạo đức.

Những người hâm mộ ông cho rằng nước Mỹ khác Trung Quốc rất nhiều, khi mà các quan chức tham nhũng ở Trung Quốc và những đứa con được nuông chiều của họ được tận hưởng cuộc sống phú quý giống như các gia đình vương giả thời phong kiến.

Tuy nhiên hiện nay tình hình đã khác. Mặc dù phong cách liên lạc của ông Trump vẫn nổi bật, nhưng không còn hấp dẫn nữa khi Trung Quốc trở thành một mục tiêu trong những phát ngôn “bạo miệng” của Tổng thống Mỹ về những vấn đề nhạy cảm. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ không thể trông chờ việc ông Trump sẽ nhường đường bằng cách tránh qua một bên trong các vấn đề châu Á.

Theo Jeffrey N. Wasserstrom, Giáo sư tại Đại học California đăng trên Project Syndicate 2017

Dương Lương biên dịch

Nguồn: http://www.daikynguyenvn.com/the-gioi/tong-thong-trump-trong-con-mat-cua-trung-quoc.html

Sửa lần cuối 2017-04-04 11:19:42

Bình luận

Bình luận qua Facebook