2022-04-01 20:32:01

Putin đã đánh giá thấp châu Âu khi đòi thanh toán khí đốt bằng đồng rúp

Một tuần trước, tổng thống Nga Vladimir Putin đã dưa ra một tối hậu thư, theo đó từ 1/4/2022, các nguồn cung cấp năng lượng từ Nga cho các nước thù địch với Nga (bao gồm cả EU) chỉ được thanh toán bằng đồng rúp, không được thanh toán bằng đồng euro hoặc đô la. Ông Putin đã cho Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga và chính phủ Nga có một tuần để tìm cách cho các nhà nhập khẩu khí đốt của Nga nhận được số lượng rúp cần thiết để thanh toán. Nhà lãnh đạo Nga cũng tuyên bố rằng số lượng khí đốt theo hợp đồng sẽ không thay đổi, cũng như các quy tắc xác định giá của nguyên liệu thô. Chỉ có đơn vị tiền tệ cho việc thanh toán thay đổi, tức là sang đồng tiền của Nga.

Hôm thứ 3 (29/3/2022), các nước G7 bao gồm Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản, Canada, Mỹ và Anh - đã kiên quyết từ chối yêu cầu này. Ngoài ra, Áo cũng không đồng ý thanh toán bằng đồng rúp.

Nỗ lực một phía của Nga nhằm thay đổi các điều khoản hợp tác là một kiểu trả đũa đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây và Hoa Kỳ đưa ra. Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu đã kiên quyết từ chối, bởi vì hầu hết các thỏa thuận đã ký với Gazprom không nói đến việc thanh toán bằng đồng rúp. Matxcơva có lẽ cũng bị bất ngờ bởi sự chuẩn bị của một số quốc gia là khách hàng, trong đó có Đức, đề phòng Nga ngừng cung cấp khí đốt.

Sau cuộc trò chuyện hôm thứ 4 (30/03) với tổng thống Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo rằng Nga đã đồng ý để khách hàng châu Âu sẽ tiếp tục thanh toán bằng đồng euro.

(Putin: Khách hàng châu Âu vẫn có thể thanh toán khí đốt bằng đồng euro như từ trước đến nay)

Vào thứ 5 (31/3), Putin đã ký một sắc lệnh về vấn đề này. Theo đó, các quy tắc mới dành cho "các nước thù địch" sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 4. Tất cả các khoản thanh toán cho nhiên liệu xanh phải được thanh toán từ các tài khoản đặc biệt trong các ngân hàng của Nga, mà qua đó tiền châu Âu sẽ được chuyển đổi thành rúp.

Tổng thống Nga đã ra lệnh cho chính phủ của ông, ngân hàng trung ương và công ty Gazprom chuẩn bị cho các tài liệu cần thiết để giúp cho việc chuyển đổi sang đồng rúp khi thanh toán khí đốt. Để mua khí đốt của Nga, khách hàng EU phải mở tài khoản bằng đồng rúp với các ngân hàng Nga. Họ sẽ trả euro vào một tài khoản đặc biệt tại ngân hàng Gazprombank (thuộc sở hữu nhà nước). Sau đó, ngân hàng này sẽ bán đồng euro trên sàn giao dịch chứng khoán Moscow MICEX, và số rúp thu được theo cách này sẽ được chuyển vào tài khoản thứ hai của khách hàng. Từ tài khoản "rúp" này, tất cả các công nợ liên quan đến việc quyết toán nguồn cung cấp khí đốt sẽ được giải quyết.

ông Putin cho biết nếu các khoản thanh toán theo cách này không được thực hiện, chúng tôi sẽ coi như khách hàng không thực hiện nghĩa vụ của mình, và Nga sẽ tạm ngừng cung cấp khí đốt cho khách hàng. Bằng cách này, các nhà nhập khẩu nhiên liệu xanh của châu Âu sẽ hỗ trợ việc định giá đồng tiền của Nga, khi giá trị của đồng tiền này đã giảm mạnh sau các lệnh trừng phạt kinh tế liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine được áp đặt.

Như vậy, tối hậu thư của Tổng thống Nga đã bị bác bỏ. Phương Tây quyết tâm không trả tiền khí đốt bằng đồng rúp và có đã kế hoạch để không phụ thuộc vào các nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Điều này cho thấy, rất có thể Điện Kremlin đã một lần nữa đánh giá thấp quyết tâm của EU và sự sẵn sàng gánh chịu chi phí của cuộc đối đầu với Nga.

Hiện tại, với việc các nhà nhập khẩu phương Tây từ chối mua nguyên liệu, các công ty Nga đang cố gắng chuyển hướng nguồn cung sang các thị trường khác, trong đó có  Ấn Độ. Cho đến nay, các công ty nước này hiếm khi mua nguyên liệu thô của Nga do giá vận chuyển cao, nhưng mức chiết khấu hiện tại (khoảng 30 USD cho một thùng dầu) đã làm các công ty Ấn Độ thay đổi. Một nỗ lực khác của Nga là chuyển hướng dầu, than và kim loại sang châu Á, chủ yếu là sang Trung Quốc. Vào năm 2021, 53% xuất khẩu than của Nga sang châu lục này. Tuy nhiên, vấn đề là những hạn chế về cơ sở hạ tầng. Các tuyến đường sắt của Nga không thể đảm đương lượng hàng ngày càng tăng đến phía đông, và trong lĩnh vực vận tải biển, các công ty địa phương đang phải đối mặt với sự tẩy chay của quốc tế và sự miễn cưỡng hợp tác của các công ty phương Tây (kể cả trong lĩnh vực dịch vụ vận chuyển hàng hóa).

Xuân Nguyên (Theo các báo Ba Lan)

Sửa lần cuối 2022-04-01 18:32:01

Bình luận

Bình luận qua Facebook