Khi máy bay của tôi đến bờ biển Việt Nam vào lúc hoàng hôn, người ta đang đốt các bụi cây, như mọi khi họ vẫn làm vào mùa khô. Máy bay dần hạ cánh xuống Sài Gòn, tôi có thể thấy đám cháy ngay bên dưới, và thật ngây thơ, tôi nghĩ mình đang chứng kiến sự tàn phá của chiến tranh.
Tôi chưa bao giờ đặt chân đến Châu Á, cũng chưa từng ở trong vùng chiến sự. Tôi là loại “xanh non” hết mức có thể, nhưng giờ đã sắp trở thành phóng viên chiến trường cho văn phòng tạp chí Time tại Sài Gòn. Hạ cánh giữa cảnh hỗn loạn của sân bay Tân Sơn Nhất trong một đêm nóng nực, nhớp nháp mồ hôi của tháng 03/1967, tôi thấy những ngọn lửa chập chờn, những vòng tròn cháy rực, thắp sáng bầu trời đêm, tôi đã không biết tại sao. Tôi nghĩ chắc là sân bay đang bị tấn công.
Đêm đó, nằm trên giường trong khách sạn Continental Palace cũ kỹ, thanh lịch từ thời thuộc địa, qua cửa sổ đang mở, tôi có thể nghe thấy tiếng súng nổ từ phía xa, nhưng khi ấy mọi người đã trấn an rằng đó chỉ là một vụ “H and I” – viết tắt của “harassment and interdiction,” tức quấy phá và can thiệp – lính Mỹ chỉ bắn bừa vào rừng với hy vọng giết chết Việt Cộng mà thôi.
Tám năm sau, cũng trong một đêm mùa xuân nóng nực và nhớp nháp, tôi sẽ nằm trên giường, trong cùng một khách sạn, với âm thanh của những quả tên lửa rơi xuống thành phố. Và khi máy bay trực thăng của tôi bay lên từ nóc Đại sứ quán Mỹ vào lúc hoàng hôn trong ngày cuối cùng của cuộc chiến, sân bay thực sự đang bị tấn công, và những đám cháy mà tôi thấy trên mặt đất quả thực là sự tàn phá của chiến tranh.
Nhưng trong Tháng Ba ấy, ngày này 50 năm về trước, các quan chức Mỹ đều trong tâm trạng phấn khởi, lạc quan. Chúng ta đang thắng thế. Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara nói rằng, “mọi phép đo định lượng đều cho thấy chúng ta đang chiến thắng trong cuộc chiến.” Từ Đại sứ Henry Cabot Lodge trong bộ vest trắng thanh lịch đến Tướng William Westmoreland trong bộ đồng phục nhàu nhĩ, với những lời lẽ ấy thì ngay cả những kẻ bán tín bán nghi nhất cũng phải tin, trước khi hết năm.
Hai năm trước đó, Tổng thống Lyndon B. Johnson leo thang chiến tranh, thay thế các cố vấn quân sự đơn thuần bằng các đơn vị chiến đấu chủ lực, cùng nhiều binh sĩ và thiết bị của Mỹ đổ vào Việt Nam mỗi ngày. Phía cộng sản đã đáp trả: năm 1967 chứng kiến sự thay đổi trong cuộc chiến, từ “bẫy chông” làm từ cọc tre vót nhọn, nay các tiểu đoàn bộ binh Bắc Việt đã được hỗ trợ bởi pháo hạng nặng của Liên Xô, bắn đi khắp Khu Phi Quân sự (DMZ) – một khái niệm trớ trêu nhất trong chiến tranh. Quân lực Việt Nam Cộng hòa (ARVN) vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu, nhưng lính Mỹ mới là người chỉ huy, đẩy các đồng minh Việt Nam của chúng ta sang một bên. Giờ đây nó đã là cuộc chiến của Mỹ.
Công việc của tôi là cố gắng hiểu phần nào những điều này, và tôi đã dành vài tháng tiếp theo để đi khắp đất nước, từ những cánh đồng lúa thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long, cùng với lính bộ binh đi khắp những ngọn đồi ở Tây Nguyên, và với thủy quân lục chiến đi đến tận phía bắc của miền Nam Việt Nam. Tôi dùng xe jeep, xe tải, máy bay vận tải bốn động cơ và vô số máy bay trực thăng ra vào trong các trận đánh đầy máu lửa, thường xuyên mang theo đạn dược tiếp tế, và trở về cùng những chiếc túi đựng thi hài của lính Mỹ.
Nhưng tôi chủ yếu đi bộ cùng với binh sĩ, làm quen với các sĩ quan và lính tại ngũ. Tôi đã thấy kẻ thù linh động thế nào, hỏa lực của chúng ta tàn phá khủng khiếp ra sao, và tại sao các phép đo định lượng của McNamara chỉ là ảo tưởng. Quân đội gọi các hoạt động này là các nhiệm vụ “tìm diệt”, nhưng cá nhân tôi thì thấy rõ dù chúng ta có thể hủy diệt mọi thứ, chúng ta cũng không thể chiến thắng. Cứ mỗi ngôi làng bị đốt cháy, chúng ta lại tạo ra thêm nhiều kẻ thù hơn, và mặc dù quân đội thường xuyên ném bom khu vực phía bắc DMZ, không có bằng chứng nào cho thấy phía bên kia sẽ bỏ cuộc.
Ở Sài Gòn, tôi đã được tham dự những buổi “họp báo lúc 5h chiều”, trong đó các quan chức Mỹ thông báo với báo chí về tiến trình của cuộc chiến – rất nhiều vũ khí của kẻ thù đã bị thu giữ, rất nhiều kẻ thù đã bị giết, nói chung là thống kê thương vong. Các cuộc họp báo này ngày càng khác xa với những gì tôi cùng đồng nghiệp nhìn thấy trên những cánh đồng, những ngôi làng bị cháy rụi, thường dân bị thiêu đốt, những đợt thả bom napalm, và thật khó lòng có thể giành được “trái tim và lý trí” người dân bằng những hành động quân sự hủy diệt ngu xuẩn, luôn là thứ công cụ kém hiệu quả nhất này. Tôi đã thấy số lượng thương vong đối phương bị thổi phồng khi được báo cáo lên cấp trên. Tôi đã chứng kiến tham nhũng ăn sâu trong chính phủ miền Nam mà chúng ta đã lập nên.
Không phải là các quan chức Mỹ này đang nói dối chúng ta. Như nhà báo Sebastian Junger đã viết về sự lạc quan của người Mỹ ở Afghanistan, họ chỉ đơn giản là đang mời ta tham gia vào “một âm mưu” của sự ảo tưởng viển vông.
Tôi đã đến Sài Gòn mang theo suy nghĩ rằng chúng ta cần phải có lập trường chống lại chủ nghĩa Cộng sản Liên Xô và Trung Quốc, như chúng ta đã làm ở bán đảo Triều Tiên. Nhưng khi thời gian trôi đi, tôi không còn chắc chắn về điều nó nữa. Tôi dần nhận ra, đối với người Việt Nam, cuộc chiến lâu dài chống Pháp, và bây giờ là chống Mỹ, đã hòa quyện thành một, và đấu tranh chống chế độ thực dân còn quan trọng hơn là lựa chọn giữa chủ nghĩa Cộng sản hay chống Cộng. Tất nhiên, người Mỹ đã chẳng xem mình là thực dân, nhưng dưới góc nhìn của người Việt, thật khó mà nói lên sự khác biệt. Các đồng minh Việt Nam của chúng ta không bao giờ có thể rũ bỏ được cáo buộc rằng họ là tay sai của một thế lực ngoại bang, trong khi kẻ thù của chúng ta, mặc dù cũng phụ thuộc không kém vào vũ khí và đạn dược của nước ngoài, lại có thể ẩn mình tốt hơn dưới danh nghĩa chủ nghĩa dân tộc.
Còn với những người nông dân ở vùng quê, xin dẫn lời Graham Greene trong tiểu thuyết kinh điển về Việt Nam của ông, “The Quiet American” (Người Mỹ Trầm lặng) – cuốn sách mà tất cả các phóng viên chúng tôi luôn để trong túi: “Họ chỉ mong có đủ gạo ăn,” ông viết. “Họ không muốn bị bắn. Họ muốn một ngày như bao ngày. Họ không muốn những gã da trắng đi xung quanh và dạy bảo họ về điều họ muốn.”
Bố tôi đã quen thuộc với Đông Dương thuộc Pháp hồi thập niên 1920 -1930, và tôi thường xuyên viết thư cho ông vào năm 1967. “Năm nay gió mùa đông bắc đến sớm, sang tháng 9 thì trời mưa gần như mỗi ngày ở các tỉnh phía bắc. Con chẳng tài nào tả được tình cảnh khốn khổ ở cái chốn này,” tôi viết, “đặc biệt là trong các tiền đồn thủy quân lục chiến gần khu DMZ như Gio Linh và Cồn Tiên. Gần như không thể giữ mình khô ráo. Bùn nhiều tới mức nó bám lên ủng và quần áo của chúng con thành những lớp dày.” Tôi cũng kể cho bố về sự mất lòng tin ngày càng tăng của người dân miền Nam đối với chính phủ của họ, khi kết cấu xã hội cứ ngày một tan rã. Nhưng tôi chẳng dám kể cho ông về những viên đạn trong không trung mỗi khi chúng rít qua, hay về những trận đối đầu bất ngờ và chết chóc khi kẻ thù gặp nhau trong bóng tối, hay về những xác chết tái nhợt trong màn mưa.
Có những trận chiến diễn ra trên nhiều ngọn đồi không tên, chỉ được đánh số, 881, 875, theo chiều cao tính bằng mét của chúng. Chiến thuật của Bắc Việt là di chuyển lên một ngọn đồi, xây thành đắp lũy để chống lại bom đạn và pháo kích dữ dội, rồi sau đó dụ chúng ta lên ngọn đồi ấy trong những trận chiến vô nghĩa, nơi người Mỹ sẽ bị giết với số lượng lớn hơn bao giờ hết. Thương vong của người Việt luôn cao hơn so với chúng ta, nhưng họ biết rõ mình đang chiến đấu trên sân nhà, và rằng chúng ta sẽ là những kẻ mệt mỏi rã rời trước và sẽ phải rút quân về, giống như người Pháp vậy.
Chúng ta sẽ luôn giành được các ngọn đồi, bất kể cái giá phải trả là gì, và chúng ta có thể xem đó là chiến thắng bởi ta chưa bao giờ thua bất kỳ trận chiến tiêu hao nào trong số này. Như Michael Herr đã viết trong “Dispatches,” câu chuyện kinh điển về cuộc chiến, đây là “cuộc đối đầu giữa một vị thần giữ mảnh da thú trên tường trong khi chúng ta đóng đinh nó lại,” như mô tả về mục đích chiến tranh của Lyndon Johnson, và một bên “sẵn lòng chứng kiến máu đổ suốt 10 thế hệ, nếu đó là điều cần thiết để giành được thành công.”
Năm tôi đến cũng là năm Henry Luce, chủ sở hữu hai tạp chí Time và Life, qua đời. Ngày nay, người ta khó mà hình dung Time và Life đã từng có nhiều quyền lực như thế nào trong việc định hình suy nghĩ của thường dân Mỹ suốt thập niên 1960. Luce đã xem Việt Nam như là một phiên bản của Trung Quốc, vùng đất nơi ông sinh ra, nơi chỉ có thể bị mất đi khi chúng ta không đủ quyết tâm giữ nó. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi sau cái chết của ông. Khi căn cứ Cồn Tiên bị tấn công vào mùa thu năm đó, Time đã cho xuất bản trên trang nhất ảnh một lính thủy quân lục chiến co rúm người nấp trong chiến hào. Tiêu đề của bài báo ấy là: “Rising Doubts About the War” (Nghi ngờ gia tăng về cuộc chiến). Bài viết nói về tình hình ở Cồn Tiên, nhưng tiếp đó cũng viết rằng, “Ở nước Mỹ, cách xa 10.000 dặm, sự kiện Cồn Tiên đã bi kịch hóa tất cả những thất vọng dồn nén trong cuộc chiến đau đớn này. Mối ngờ vực lâu dài về chiến tranh Việt Nam của người Mỹ lại càng được củng cố hơn khi những hình ảnh đẫm máu và nhơ nhuốc bùn của Cồn Tiên tung tóe trên màn hình TV.”
Đó là vào tháng 10/1967, ba tháng trước trận Mậu Thân chết chóc. Chiến tranh vẫn tiếp diễn, nhưng vào cuối năm ấy, các phóng viên Time và người dân trên khắp nước Mỹ đã mất niềm tin vào một cuộc chiến mà chúng ta vốn dĩ đã thua.
H.D.S. Greenway là cựu phóng viên kiêm biên tập viên của tờ The Boston Globe, đồng thời là tác giả cuốn hồi ký “Foreign Correspondent”.
Nguồn: H.D.S. Greenway, “What I Saw in Vietnam”, The New York Times, 15/03/2017.
Người dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Theo Nghiên cứu quốc tế
http://nghiencuuquocte.org/2020/10/23/goc-nhin-mot-phong-vien-chien-truong/
/>
Bình luận