2021-04-01 05:35:07

Jurij Gagarin đã hy sinh ra sao

Marcin Jamkowski


© photo: ITAR-TASS / source: PAP

Ông không có bằng lái xe, không biết cách dùng dao dĩa bên bàn ăn và rất sợ bay vào vũ trụ. Nhưng Jurij Gagarin phải đóng vai người anh hùng Liên Xô không sợ gì hết. Chính quyền Liên Xô không muốn mất ngôi sao vĩ đại, đã quyết định giữ Gagarin càng xa vũ trụ càng tốt. Họ đã cho phép ông thử máy bay MIG mới.  Ngày 27/03/1968, ông đã lái chiếc máy bay phản lực lần cuối cùng.

„Đôi khi mọi người va chạm nhau trên trái đất và bị gãy cổ. Điều như thế có thể xảy ra cả ở đây...”

 

Ngay trước khi bay vào vũ trụ, có một chuyện khá thú vị về Jurij Gagarin. Trong thư gửi cho vợ ông viết: „Anh hy vọng là không bao giờ em đọc được những lời này, nhưng đôi khi mọi người va chạm nhau trên trái đất và bị gãy cổ. Điều như thế có thể xảy ra cả ở đây…”.
Đó là lá thư vĩnh biệt. Gagarin đã được nghe về các thất bại của chương trình vũ trụ, về các tai nạn của những tên lửa đầu tiên. Ông biết rất rõ mình là con thỏ thí nghiệm và nếu chuyến bay không thành công thì sẽ không có một ai biết về điều ấy cả.

Ngày 12/04/1961, cách đây gần 60 năm, Gagarin đã bay vào vũ trụ. Ông là người đầu tiên chinh phục nó. Với các công dân Liên Xô, ông đã trở thành một người anh hùng không có gì bàn cãi. Và ông đã phải mãi mãi là người anh hùng như vậy. Không có ai được quyền biết về những phút nghi ngờ của ông. Người ta cũng dấu biệt những đoạn trong tiểu sử không phù hợp với kiểu tuyên truyền Xô viết của ông.

Ông Lew Danilkin, tác giả tiểu sử của nhà du hành vũ trụ „Jurij Gagarin” đã viết về con người thực của người đầu tiên bay vào vũ trụ. Cuốn sách khi được xuất bản ở nước Nga, như ta có thể hình dung, đã gây ra một sự chú ý lớn cũng như gây ra rất nhiều tranh cãi.

© Dostarczane przez Newsweek Polska

 

Phi công lái máy bay phản lực MIG ở vùng băng giá gần biên giới Liên Xô-Na Uy

 

   Tuyên truyền kiểu Xô Viết trong tiểu sử chính thức của Jurij Gagarin nói về xuất thân nông dân của nhà du hành vũ trụ đầu tiên: mẹ ông vắt sữa bò ở nông trang tập thể, còn bố là người thợ mộc giản dị. Trong thực tế thì cha mẹ ông, trong hoàn cảnh Liên Xô thời đó, đã có được một nền giáo dục chắc chắn, và quan trọng nhất là họ đã truyền cho con việc ham thích đọc sách và khao khát tìm hiểu kiến thức. Gagarin như vậy rất nhanh chóng lên theo các bậc thang công danh: tốt nghiệp phổ thông công nghiệp (technikum), gia nhập câu lạc bộ hàng không, học ở trường hàng không ở Orenburg và Học viện Kỹ thuật Hàng không ở thủ đô và vào cuối những năm 50 của thế kỷ XX, ông đã trở thành phi công lái máy bay phản lực MIG ở vùng băng giá gần biên giới Liên Xô-Na Uy, không xa Murmańsk. Chính từ đó, một phi công nổi bật về lòng dũng cảm và thận trọng trong các phi vụ khó khăn ở biên giới đã lọt vào danh sách 20 người xuất sắc tham gia vào một chương trình bí mật, chuẩn bị cho chuyến bay vào vũ trụ. Họ được huấn luyện chủ yếu ở Thành phố Ngôi sao, nằm cách 50 km về phía bắc của Moskva, tại trung tâm huấn luyện-khoa học cho đội ngũ phi hành gia Xô-viết.

  Vài năm trước tôi đã đến thăm Những vì sao, tên người Nga gọi tắt cho thành phố này. Các khối nhà hộp thời Xô-viết tường bong vữa, những người gác mặc các bộ quần áo thể thao không vừa cỡ, các máy tính thời tiền sử điều khiển bằng các băng đục lỗ và một cảnh thờ ơ. Khó có thể tin nổi là cách đây nửa thế kỷ, chính ở đây đã gắn với một chương trình vũ trụ Xô viết đầy tham vọng. Thế mà đúng đấy!

  Hai mươi ứng cử viên cho việc chinh phục vũ trụ đã dọn cùng gia đình đến đây. – Thành phố Ngôi sao sống như một thành phố bình thường. Có nhà trẻ, rạp chiếu phim và trường học, cả trường nhạc và ba-lê cùng 14 cửa hàng. – Chính quyền đã cố gắng để các nhà du hành vũ trụ tìm thấy ở đây căn nhà thực sự của mình – ông Iwan Siwak hồi tưởng với giọng xúc động khi dẫn tôi đi trên vùng này, ông trước đây là nhân viên của Thành phố Ngôi sao.

© Dostarczane przez Newsweek Polska

 

Có hai người thắng cuộc, đó là Herman Titow và Jurij Gagarin

 

  Chưa đầy một năm kể từ ngày mở cửa trung tâm huấn luyện đã có một kỳ thi vũ trụ tổ chức trên một trong những máy mô hình (symulator). Tối ngày 18/01/1961, ngày thứ hai của các cuộc thử thách khắc nghiệt họ đã công bố kết quả. Có hai người thắng cuộc, đó là Herman Titow và Jurij Gagarin. Trong con tầu vũ trụ xô viết đầu tiên chỉ có chỗ cho một người. Sau ba tháng suy nghĩ, hôm 8/4/1961, Ủy ban Quốc gia với sự thỏa thuận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã quyết định Jurij Aleksiejewicz Gagarin sẽ bay vào vũ trụ.

  Các đối thủ của ông, những phi công tuyệt giỏi hoặc là có lý lịch gia đình không tốt, hoặc cũng giống như Herman Titow, đến từ vùng Altaj xa xôi. Còn Gagarin? Ông sinh ra ở vùng đất gốc Nga, ở làng Kłuszyn gần Smoleńsk. Tại chính vùng đất này, cách đây 300 năm quân đội Ba Lan đã đánh bại quân đội Matxcova. Trong tâm trí dân Nga thì Kłuszyn là nơi thất bại của nước Nga già cỗi trước các sức mạnh của phương Tây. Gagarin sẽ phải là hình tượng của sự trả đũa, một thắng lợi trước phương Tây. Những người sáng lập ra nền thần thoại vũ trụ đã cố gắng sao cho có nhiều biểu tượng nhất. Gagarin sinh ngày 9/3/1934,  đúng vào ngày viện sỹ Siergiej Korolow công bố bài báo về các chuyến bay của con người vào vũ trụ. Với những người cộng sản thì biểu tượng này thật lý tưởng. Ngoài lý lịch tuyệt hảo và các kết quả huấn luyện loại ưu, thì Gagarin còn có một đặc điểm mà bây giờ ít được coi là có giá trị: ông thấp, chỉ cao có 1m57. Một chiều cao lý tưởng đối với buồng lái của con tàu Phương Đông 1, ở đó có rất ít chỗ.

Người Xô viết chúng ta bay vào vũ trụ!”

 

  Từ sân bay Bajkonur ông đã xuất phát hôm 12/04. Đài phát thanh Moskva đưa tin: „Người Xô viết chúng ta bay vào vũ trụ!”. Trong thực tế thì Gagarin không lái tầu vũ trụ mà chỉ được chở vào vũ trụ, Lew Danilkin đã cải chính lời tuyên bố chính thức về sự kiện này. Toàn bộ chuyến bay được điều khiển từ mặt đất (điều không có gì ngạc nhiên vì hồi ấy không một ai biết cơ thể con người sẽ ra sao trong trạng thái không trọng lượng!), còn chiếc phong bì phủ sơn với các mã số mở bộ phận điều khiển bằng tay đã được để lại trên mặt đất. Họ làm thế có chủ ý để Gagarin không làm hỏng gì. Tốt hơn chở ông như một hành khách để có người anh hùng còn hơn là cho phép ông thử nghiệm.

  Tuy nhiên Gagarin chẳng quan tâm đến việc này. Mặc dù việc liên hệ vô tuyến với Quả Đất bị gián đoạn, nhưng băng ghi từ buồng lái cho thấy ông huýt sáo bài hát yêu nước do nhạc sỹ Dymitri Szostakowicz soạn: „Tổ quốc nghe, tổ quốc biết nơi người con của mình bay lên trời ở đâu”. Ông cũng gửi về các bình luận như: „Hành tinh của chúng ta nhìn từ vũ trụ vô cùng đẹp  – nó màu xanh thẳm” cùng, hiển nhiên, là hàng trăm báo cáo về tình hình các thiết bị trên tàu và số chỉ của các máy đo: áp suất, nhiệt độ và mức nhiên liệu.

  Gagarin cũng sống qua những khoảnh khắc hiểm nghèo trước khi đến Quả Đất, vì bộ phận hạ cánh không muốn tách rời phần còn lại của con tàu, do vậy toàn bộ rơi vào chuyển động xoáy nguy hiểm. May mắn là khi đi qua lớp khí quyển dày đặc của quả đất, cuối cùng bộ phận hạ cánh cũng tách ra được và trung tâm điều khiển – nhờ việc khởi động các động cơ điều chỉnh – đã lấy lại quyền chỉ huy buồng chở nhà du hành (kapsuła). Khi tàu Phương Đông về tới độ cao 7km, nhà du hành vũ trụ đầu tiên đã nhảy dù từ buồng đó ra – không ai muốn mạo hiểm dùng một cú hạ cánh quá cứng cả. Chuyến bay kết thúc thành công.


© Dostarczane przez Newsweek Polska

 

Đã có ba bản thông báo về chuyến bay của Gagarin...

 

  Bộ phận phụ trách tuyên truyền của Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô để để phòng mọi tình huống, đã chuẩn bị đến ba bản thông báo về chuyến bay của Gagarin: một bản khi thành công hoàn toàn (và nó đã được dùng), một bản về hư hỏng con tàu và buộc phải dừng chuyến bay và một là không thành công và sự hy sinh anh hùng của con người can đảm. Gagarin đã bay quanh Quả đất một vòng và ở trong vũ trụ đúng 108 phút. Việc hạ cánh bằng dù đã bị dấu kỹ trong một thời gian dài – vì nếu lộ ra thì Liên đoàn Hàng không Quốc tế sẽ không công nhận chiến công của Gagarin là chuyến bay quanh quỹ đạo đầy đủ, mà Liên Xô rất cần tiếng vang rộng rãi về sự kiện thành công này.

   Gagarin lập tức trở thành ngôi sao. Ông được phần thưởng đi nghỉ ở nhà an dưỡng, các danh hiệu cao nhất và một chiếc xe ô tô – Gaz-69, một xe địa hình kiểu quân sự spartańska. Lúc đầu xe không có ích gì cho ông vì cho đến lúc bay vào vũ trụ thì ông vẫn chưa có bằng lái. Với người xô-viết thì điều nhà chinh phục vũ trụ mà không biết lái ô tô là không thể hiểu được, nên chính quyền cấp cho ông một người lái xe. Sự kiện là vị anh hùng có người lái xe cho mình, đối với công dân là hoàn toàn dễ hiểu. Chiếc ô tô mang biển đăng ký JG-1, tức là Jurij Gagarin số Một. Vinh dự đó ngay cả các lãnh tụ đảng và quân đội cũng không có được ở quốc gia xô-viết. Nhưng Gagarin được thăng cấp cao hơn họ – ông vào đến tầng lớp VIP bất khả xâm phạm.

Siêu sao của tuyên truyền

 

  Trong vòng bảy năm sau chuyến bay vào vũ trụ, ông là ngôi siêu sao của việc tuyên truyền. Ông đứng trên lễ đài Lăng Lê-nin duyệt đội diễu hành ngày 1/5 bên cạnh Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô, và được các vị nguyên soái gập mình chào. Khi ông làm chuyến đi vòng quanh cường quốc Xô viết, ở đâu cũng có thảm đỏ và đội danh dự và đám đông vẫy hoa chào. Hồi đấy, đã lan truyền các chuyện tiếu lâm kiểu: „Ai là cái người nhỏ bé và béo đứng gần Gagarin thế nhỉ”. Đó là tiếu lâm về Khơ-rut-sốp.

  Lối tuyên truyền cộng sản đã mô tả nhân vật một nông dân chất phác, người đã mơ được trở thành phi công và bay lên các vì sao, và chính quyền xô-viết đã tạo cho anh ta cơ hội ấy. Việc cuồng mê của các cô gái Nga trẻ với anh chỉ có thể so sánh được với sự điên cuồng của các người hâm mộ nhóm nhạc Beatles. – Làn sóng hâm mộ Gagarin hồi đó, mặc dù nó được hâm nóng theo kiểu tuyên truyền xô viết, nhưng nó là việc hâm mộ thực sự. Ở thời đó, thế hệ sau chiến tranh cần có một tấm gương anh hùng như vậy, một người từ tỉnh lẻ, đã lên tới được các vì sao và chứng tỏ cho thế giới về khả năng của người Nga.

  Sau chuyến đi vòng trong nước, đã đến lúc đi thăm các nước xã hội chủ nghĩa lân cận rồi sau đó cả đi Pháp, USA, Brasil, Úc và cả các nước ở châu Phi và châu Á nữa. Gagarin ở mọi nơi được các nguyên thủ quốc gia đón như một vì sao thực sự. Ở Anh, người ta đã đón ông ở điện Buckingham với bữa tiệc tối trọng thể của Nữ hoàng. Trong dịp này, mới hóa ra là Gagarin không biết cách dùng thìa dĩa ra sao. Thấy khó xử vì lắm loại dĩa và dao qúa, ông xếp tất cả sang một bên, cầm thìa và nói: „Và bây giờ tôi sẽ ăn theo kiểu Nga”. Tất nhiên là tuyên truyền chính thức dấu không viết về các chuyện như vậy.

  Lew Danilkin trong cuốn sách của mình không viết xấu về Gagarin. Nhà văn giải thích hiện tượng nổi tiếng của ông, nhưng cũng giải thích một phần lớn nó là sản phẩm của kiểu tuyên truyền xô viết. Trên các ảnh và cảnh trong các phim chính thức, Gagarin luôn là chàng trai mỉm cười và hai tay giơ cao lên với một cử chỉ chiến thắng.

  Sau hậu trường thì mọi thứ tuy nhiên không dễ chịu như vậy. Lúc đầu ông cảm thấy không tự nhiên với hàng nghìn bài nói với công nhân và nông dân, các thành viên tích cực của đảng. Có lúc ông bị các nhà tuyên truyền của đảng dùng sức lôi lên sân khấu trong các cuộc mít tinh tiếp theo. Các bắt tay với các thư ký đảng, các con tem bưu điện và các bức chân dung với hình mình làm cho ông lúng túng. Các cố vấn đảng và các sỹ quan an ninh KGB không một phút rời chú búp bê (maskotka) của quỹ đạo. Gagarin thực sự không có cuộc sống riêng nữa. – Ông là con rối, nhưng cũng là một người rất thông minh. Ông có các kế hoạch tuyệt vời, ví dụ như muốn bay lên Mặt Trăng  – Lew Danilkin nói.


© Dostarczane przez Newsweek Polska

 

Giữ Gagarina xa khỏi vũ trụ nhất có thể

 

  Ông chỉ trở thành đại tá không quân và một trong những người chỉ huy của Thành phố Ngôi sao, nơi ông làm việc về kết cấu tên lửa sử dụng nhiều lần. Các kế hoạch quay lại vũ trụ của ông có một lần suýt nữa hỏng hết – trong chương trình Sojuz ông đã được chọn làm phi công dự phòng để bay vào vũ trụ nếu bạn mình, ông Władimir Komarov hôm khởi hành không khỏe. Nếu ông đã bay thì chuyến bay đó sẽ là bước cuối cùng của ông vào vũ trụ – Komarov đã hy sinh trên con tàu Sojuz 1, vì con tàu không thể hạ cánh đúng theo kế hoạch. Chính quyền của Liên bang Xô viết không muốn mất một ngôi sao lớn nên đã quyết định giữ Gagarin cách xa vũ trụ nhất có thể. – Họ muốn sử dụng việc ông được nhiều người biết và cho ông chức vụ chính trị cao – Danilkin nói.

  Tuy vậy Gagarin không bỏ ước mơ được bay và cuối cùng đã thuyết phục được các cấp chỉ huy là ông có thể phục vụ Tổ quốc với tư cách một phi công lái máy bay chiến đấu. Họ đã cho phép ông bay thử các máy bay MIG mới. Không may là hôm 27/03/1968, trong một chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của máy bay MIG-15 từ sân bay Czkałowski, không xa Thành phố Ngôi sao, máy bay của Gagarin đã rơi và nhà du hành vũ trụ đầu tiên đã hy sinh tại chỗ. Mặc dù đã có vài cuộc điều tra độc lập (trong đó có hai cuộc do Cơ quan An ninh Nga KGB phụ trách) các nguyên nhân vụ tai nạn vẫn chưa được thống nhất. Người ta kể ra việc chuẩn bị bay không tốt và việc buồng lái không kín: phi hành đoàn phải thực hiện cuộc hạ độ cao đột ngột để làm áp suất trở về bình thường, nhưng khi thực hiện các phi công đã bị ngất. Một số khác viết về việc chuẩn bị của chính Gagarin không tốt vì lâu ông không lái. Người ta cũng xem xét một kịch bản tai nạn, theo đó một máy bay thứ hai bay vượt tốc độ âm thanh và bay quá gần máy bay của Gagarin đến mức làm máy bay của ông bị rơi vào một chuyển động xoắn không thể điều khiển nổi.

Bộ máy cấp ô-xy không kín

 

  Mười năm trước, một tiểu ban quân sự đặc biệt do đại tá Igor Kuzniecov đứng đầu lại phân tích nguyên nhân vụ tai nạn. Tiểu ban khẳng định là Gagarin và phi công thứ hai Władimir Seriegin đã bị bất tỉnh do bộ máy cấp ô-xy có lỗi và không kín dẫn tới máy bay bị rơi. Trong khi đó thì Jamie Doran và Piers Bizony, tác giả cuốn „Anh hùng của các vì sao”, tiểu sử của Gagarin, lại viết tai nạn chắc do những người điều khiển không lưu chuyến bay, do tình hình lộn xộn ở căn cứ đã cung cấp cho đội bay bản dự báo thời tiếp không được cập nhật.

  Thi hài Gagarin và phi công bay cùng ông được hỏa thiêu, vị anh hùng được an táng trên tường thành điện Kremlin, còn xác chiếc máy bay được hàn trong các thùng kín và cất trong một trong các căn cứ quân sự, và bằng cách này, cuộc điều tra chấm dứt. Với gia đình, người ta có gợi ý là nguyên nhân có thể do khủng bố, ông Danilkin viết. Lời giải thích này phù hợp hoàn toàn với vị anh hùng lý tưởng.

Nguyễn Hữu Viêm

Nguồn: https://www.msn.com/pl-pl/wiadomosci/historia/jak-zginął-jurij-gagarin/ar-BBKKvn8?ocid=spartandhp#page=1)


Sửa lần cuối 2021-04-01 03:37:46

Bình luận

Bình luận qua Facebook