2016-05-11 14:37:09

Vụ ""biển chết"" ở miền Trung, thực tế đã rất tồi tệ!

Tranh biếm họa Biển Chết của Salas

Đã hơn một tháng trôi qua, hiện tượng cá chết hàng loạt tại ven biển Miền Trung vẫn tiếp tục xảy ra. Đó là điều hết sức đau lòng! Sự thiếu quyết liệt và thiếu minh bạch trong chỉ đạo xử lý của các cấp lãnh đạo, rõ ràng, đang làm trầm trọng thêm hậu quả của vụ việc. Những con số thống kê về số lượng cá chết, về thiệt hại của ngư dân, thực ra, vẫn còn rất nhỏ nếu đem so với những gì mà vùng biển này đang phải gánh chịu.

Sự ô nhiễm độc tố đã và đang càn quét cả hệ sinh thái ven biển từ Hà Tĩnh vào đến Huế. Việc ngư dân Quảng Bình mới đây phát hiện các rặng san hô dưới đáy biển bị bao phủ bởi một lớp mùn xám, rất có thể, là do xác tảo và vi sinh vật,… lắng xuống, gây ra. Vùng ven biển là cái nôi ương nuôi ấu trùng và con non của biển cả. Các rặng san hô (vốn rất dễ bị chết do ô nhiễm) là khu vực trú ẩn, sinh sản và cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào cho rất nhiều loài sinh vật biển. Cho nên, việc gây hại đến vùng ven biển và các khu hệ san hô sẽ tác động trực tiếp, lâu dài đến nguồn lợi hải sản ven bờ cũng như ngoài khơi của vùng biển này. Bài học từ vụ việc cho phép ngư dân Trung Quốc vào khai thác cá cảnh trong các rạn san hô biển ở vùng biển Phú Yên-Khánh Hòa những năm 1980 vẫn còn đó. Tàn phá các hệ sinh thái, nhất là khu hệ sinh thái san hô chỉ cần trong phút chốc, nhưng để phục hồi nó phải mất tới hàng chục, thậm chí hàng trăm năm.

Thực tế là, số cá bị chết dạt vào bờ chỉ là phần nhỏ so với tổng số cá và các loài hải sản khác bị chết trong vùng biển ô nhiễm. Hơn nữa, các loài hải sản nói chung đều có đặc tính tích lũy các “chất lạ” mà cơ thể không tiêu hóa được, dẫn đến, một lượng lớn cá và các loài hải sản khác bị nhiễm độc vẫn đang tung tăng bơi lội ngoài khơi. Bởi thế, nguy cơ nhiễm độc và ngộ độc cho con người khi ăn phải các loài hải sản này là rất lớn. Xin nói thêm rằng, các loài cá chết bị nổi lên sớm, bị sóng đánh dạt vào bờ là do chúng có bóng hơi, sự phân hủy sau khi chết tạo ra nhiều bọt khí trong tế bào, trong hệ thống mao mạch và dồn vào làm căng bóng hơi khiến xác của chúng không chìm xuống. Còn rất nhiều các hải sản khác “nặng” và không có bóng hơi, chết bị chìm xuống biển sâu nên chúng ta không thể nhìn thấy hết.

“Biển chết” không chỉ ảnh hưởng đến ngư dân, mà dĩ nhiên còn ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế biển khác. Việt Nam là quốc gia nằm trong Top 5 các nhà xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Vụ việc này, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín quốc tế cho khu vực xuất khẩu thủy sản. Mức độ ảnh hưởng đến đâu, phụ thuộc lớn vào thái độ ứng xử, phương án xử lý và sự minh bạch thông tin của chúng ta. Báo chí tại nhiều nơi, nhất là các nước nhập khẩu sản phẩm của chúng ta, đã và đang theo dõi vụ việc này. Đó là điều chắc chắn.

Đặt giả thuyết rằng, độc chất này là từ nguồn xả thải thường xuyên của Formosa gây ra, với lượng xả thải lớn tới hàng chục ngàn m3/ngày, thì suốt hơn một tháng qua (từ ngày 4/4/2016) hậu quả của việc xả thải này đối với môi trường biển Miền Trung khủng khiếp ra sao? Muộn một ngày, hậu quả càng nghiêm trọng. Vì sao vẫn chưa có một quyết định khoanh vùng và đình chỉ các hoạt động nghi nghờ để tiến hành điều tra, xác minh theo tình trạng khẩn cấp? Một nguồn độc tố lớn như vậy, nếu do xả thải thường xuyên hoặc định kỳ, kết hợp với chế độ thủy triều ven biển đổi chiều lúc Bắc Nam, lúc Nam Bắc trong năm, thì hậu quả cho giải sinh thái ven biển Bắc Trung bộ là không thể tưởng tượng nổi.

Ngay từ đầu, có lẽ, những người có trách nhiệm đã không nhận ra tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Cho nên, một thảm họa nghiêm trọng, cấp tính lại được xử lý như những vụ việc nhỏ, mãn tính. Việc ông Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo bộ TNMT đã “đi thăm” và “đi kiểm tra định kỳ” Formosa trong lúc “nước sôi lửa bỏng” là cách ứng xử thiếu thẳng thắn và không quyết đoán. Do đó, cũng dễ hiểu vì sao các cấp ngành và chính quyền địa phương đã không quyết liệt, lúng túng và bị động trong xử lý vụ việc này. Dù có thể miễn cưỡng giải thích sự “né tránh” của các vị ấy là do có những điều đáng lo ngại tại địa phương, nhưng thế giới công nghiệp hóa và toàn cầu hóa ngày nay đang yêu cầu ở những người lãnh đạo một thái độ ứng xử khoa học, thận trọng nhưng thẳng thắn và minh bạch hơn thế, trước các vụ việc tương tự. Hơn nữa, nếu các vị lãnh đạo xử lý vụ việc một cách thỏa đáng, nhất định, người dân sẽ tin tưởng vào chính quyền và sẽ không gây chuyện.

Điều đáng nói nữa là có những hành động “liều” và “khuyến liều” của một số lãnh đạo các cấp trong thời gian qua. Họ đã kêu gọi người dân xuống tắm biển và ăn hải sản tại các vùng biển ô nhiễm khi chưa xác minh rõ nguyên nhân ô nhiễm và chưa có căn cứ khoa học tin cậy để xác định sự an toàn. Đó là cách hành xử nóng vội, cần tránh và chứng tỏ họ vẫn chưa nhận thức đúng tình hình vụ việc.

Từ thực tế vừa qua cho thấy, phải đặt lại vấn đề về chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của hệ thống quản lý ngành dọc các Bộ, ban ngành và địa phương. Và, trong những trường hợp như thế này, việc thành lập một ban chỉ đạo liên ngành để ứng phó là rất cấp thiết. Đồng thời, cũng cần rà soát lại các quy định, quy chuấn về mồi trường và vấn đề xả thải công nghiệp hiện hành. Đành rằng, đã là chất thải thì sẽ bẩn, nhưng bẩn đến đâu là do quy định cho phép xả thải của chúng ta và do công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải của nhà sản xuất quyết định. Có thể nói, hiện không có một hệ thống xử lý nước thải nào làm sạch được một khối lượng nước thải chảy liên tục và lớn đến hàng chục ngàn m3/ngày mà không cần các hồ chứa lắng nhằm lưu nước thải lại một khoảng thời gian đủ lâu để xử lý trước khi xả thải. Bởi vậy, các công ty sản xuất thường “lách” bằng cách pha loãng nồng độ chất thải xuống dưới mức quy định cho phép của pháp luật hiện hành trước lúc xả thải. Điều này, lâu dài sẽ rất nguy hiểm cho vùng ven biển, một số độc chất sẽ bị sinh vật tích lũy, do đó, nguồn thực phẩm biển bị nhiễm bẩn và sẽ tác động trực tiếp đến con người.

Hy vọng rằng, các ban ngành chức năng sẽ quyết liệt, các cơ quan chuyên môn sớm làm sáng tỏ nguyên nhân và xử lý thấu đáo để không gây nguy hại lâu dài cho vùng ven biển Miền Trung. Đó là yêu cầu bắt buộc, là trách nhiệm mà thế hệ chúng ta phải “gánh” nhằm trao lại cho tương lai một môi trường và nguồn tài nguyên biển “lành lặn” nhất.

Vụ việc này cũng đang đánh động một điều rằng, vấn đề ô nhiễm công nghiệp là rất đáng lo ngại với chúng ta trong thời kỳ đầu công nghiệp hóa. Hơn thế nữa, chúng ta phải nhận thức rằng biển là “tài sản cố định” lớn nhất thuộc sở của dân tộc Việt Nam. Do đó, cần nâng cao trách nhiệm và hiểu biết của mọi người về biển và bảo vệ môi trường, cụ thể là nên tăng cường nội dung này trong chương trình giáo dục phổ thông. Đây không chỉ là đòi hỏi chung trong phát triển, mà chính là yêu cầu mang tính đặc thù, chính đáng đối với đất nước Việt Nam.

Nguyễ Thức Tuấn (NCS tại Ba Lan)

Sửa lần cuối 2016-05-11 13:07:49

Bình luận

Bình luận qua Facebook