2014-08-06 19:10:06

Nhân dịp 15 năm thành lập báo Quê Việt, gặp gỡ người nhà, tác giả Tuyết hoang.

    LTS: Cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan từ lâu đã biết đến anh Trần Quốc Quân, một doanh nhân thành đạt, một trong những người sáng lập báo Quê Việt và hiện nay là biên tập viên của báo. Thời gian gần đây anh làm cho nhiều người bất ngờ vì sự ra đời của tiểu thuyết Tuyết hoang và còn bất ngờ hơn nữa khi tiểu thuyết này không phải là một quyển sách „nhàng nhàng, bậc trung” mà là một tác phẩm đồ sộ, có sức lôi cuốn mạnh mẽ, một hiện tượng trong làng văn Việt Nam hiện nay. Nhân dịp kỷ niệm 15 thành lập báo, PV Quê Việt đã có cuộc trò chuyện thân mật cùng tác giả Trần Quốc Quân, người nhà của báo.

    Tác giả Trần Quốc Quân ký tặng sách trong buổi ra mắt tiểu thuyết Tuyết hoang ngày 22-6-2014.

    PV: Thời gian qua anh và tác phẩm Tuyết hoang đã có những buổi ra mắt trang trọng ở Việt Nam. Anh có thể kể cho bạn đọc QV về một kỷ niệm anh thấy khó quên nhất trong những buổi ra mắt ấy?

    Tác giả Tuyết hoang, Trần Quốc Quân (TQQ) Kỷ niệm tạo sự thích thú nhất cho tôi chính là buổi ra mắt sách ở Saigon. Tôi vẫn nghĩ Tuyết Hoang có lẽ thích hợp với lứa tuổi trưởng thành trong thập niên 1990 trở về trước. Nhưng hôm đó, rất nhiều bạn trẻ là sinh viên của các trường đại học đã đến dự và đặt ra những câu hỏi với những góc nhìn mới lạ, sắc sảo và rất thực tế về một thời đã qua. Điều này thật thú vị. Thời gian các câu chuyện diễn ra trong Tuyết Hoang đã thuộc về lịch sử rồi đấy chứ, nhưng thế hệ trẻ không hề thờ ơ với thời cuộc của cha, anh mình. Có thể họ chỉ thờ ơ, quay lưng lại với những gì vừa xơ cứng vừa giả dối thôi cũng nên.

    PV. Tuyết hoang, một kho tư liệu khổng lồ được tác giả thu thập và sắp xếp rất khéo léo. Công trình này vừa có những chuẩn mực như những tiểu thuyết thông thường lại vừa có những nét đột phá ấn tượng. Nét đột phá thì có thể hiểu vì anh chưa từng qua một lớp dạy viết văn nào còn chuẩn mực như những tiểu thuyết thông thường thì anh có bị ảnh hưởng bởi ai, tiểu thuyết nào không?

    TQQ: Tôi không nghĩ hễ qua trường lớp đào tạo thì lại không có “những nét đột phá ấn tượng,” ngược lại là khác. Nghĩa là, vừa có năng khiếu, vừa được đào tạo bài bản thì người viết sẽ càng tạo ra nhiều nét đột phá ấn tượng và riêng có hơn. Tôi chưa qua một trường lớp dạy viết văn nào nhưng không có nghĩa là tôi không tiếp cận, nghiền ngẫm các lí thuyết về văn chương, ít ra cũng ở cấp độ nền tảng cơ bản. Thời buổi xa lộ thông tin, điều này đâu có gì khó khăn. Hơn nữa, tôi cũng có cơ may được một nhà văn gốc Việt nổi tiếng đang sống tại châu Âu hướng dẫn những bước đi ban đầu để sau đấy tôi có thể tiếp tục tự tìm tòi, học hỏi trong lĩnh vực này. Tôi luôn cho rằng một người dù có tài cách mấy nhưng nếu không gặp những cơ duyên nhất định thì cũng khó có thể làm được gì. “Cơ duyên” của tôi chính là Victor Hugo, là Honoré de Balzac, là Guy de Maupassant và những kiệt tác của họ mà một hôm tôi bỗng muốn đọc lại. (Toàn những nhà văn của thế hệ xưa cũ, phải không?) Và dĩ nhiên là tôi đã đọc lại thật chăm chú và nghiêm túc với những cảm nhận mà hơn 20 năm về trước tôi không thể có được lúc tôi mới đọc lần đầu. Anh đọc Tuyết Hoang rồi, anh nghĩ sao, tôi có bị họ và văn chương của họ ảnh hưởng nhiều không?

    PV. Anh hỏi thật khó trả lời. Bối cảnh lich sử trong tiểu thuyết của anh và của những nhà văn nổi tiếng mà anh vừa kể thật khác xa nhau. Tuy nhiên cũng có thể nhận thấy cấu trúc tổng thể tác phảm Tuyết hoang có những nét gần giống như những tác phẩm của họ: Đồ sộ ,bạo liệt, có sức lôi cuốn mạnh mẽ.

    PV, Các báo trong nước đã nói nhiều về Tuyết hoang. Trong đó có một số bài với tiêu đề “có một làng Vũ Đại bên sông Visła”. Làng Vũ Đại thì phải có Chí Phèo, Bá Kiến. Vậy trong Tuyết Hoang, hai người đó đâu? Anh có thể chia sẻ với bạn đọc về điều này?

    TQQ. À, cảm ơn anh đã đưa ra câu hỏi thú vị dành cho… độc giả. Các bạn độc giả của tôi, tôi cũng muốn “ké” vào đây để hỏi thêm câu này: Chí Phèo, Bá Kiến là những tồn tại tất yếu của xã hội loài người từ xưa đến nay và cả sau này. Tức là dù muốn hay không, hai loại người này vẫn luôn ở đâu đó xung quanh chúng ta, chỉ là hình thức thể hiện mỗi thời mỗi khác. Các bạn sẽ xác lập thái độ như thế nào khi đứng trước Bá Kiến hay Chí Phèo thời nay?

    PV: Anh lại tiếp tục hỏi ngược một câu hỏi khó. Tôi đành phải học Chí Phèo một chút: Câu này để bạn đọc Quê Việt tự trả lời.

    PV. Là một trong những người sáng lập báo Quê Việt, đồng thời là một cây bút sắc sảo của báo. Quê Việt có dấu ấn gì trong Tuyết Hoang? Nhân dịp kỷ niệm 15 năm QV, anh có điều gì nhắn gửi đến độc giả của báo?

    TQQ: Suốt 15 năm nay, Quê Việt trở thành một phần những hoạt động của tôi. Có chương trình nào của Quê Việt mà tôi có thể bỏ qua được? Quê Việt cũng là một trong những nguồn thông tin để tôi được biết thêm về cuộc sống của người Việt Nam xa quê. Như vậy, làm sao trong Tuyết Hoang lại không có dấu ấn của Quê Việt cho được. Dấu ấn ấy không nằm trong một nhân vật, một câu chuyện nào cụ thể, mà nó lãng đãng, lẩn khuất đâu đó trong quyển sách. Hay còn gọi là cái hữu hình trong sự vô hình vậy. Chất lượng ngày càng tốt hơn qua các bài báo tôi viết và đăng trên Quê Việt trong suốt 15 năm qua cho thấy một điều Quê Việt chính là “trường đời” giúp tôi rèn dũa bút pháp và cách hành văn. Có thể nói không ngoa, Quê Việt là cái nôi nuôi dưỡng Tuyết Hoang, là bệ phóng đưa Tuyết Hoang đến với bạn đọc xa gần. Anh Long có thấy 15 năm qua nhanh không? Nhưng độ dài của 15 năm cũng cho thấy một điều quan trọng: Quê Việt là một tờ báo có sức sống, vì nếu không thì làm sao tồn tại được đến bây giờ trong một thế giới ngày càng “phẳng”, đúng vậy không anh?

    Thưa các bạn độc giả, Quê Việt là của các bạn. Các bạn muốn tờ báo, tức món ăn tinh thần của mình phải như thế nào, hãy cho chúng tôi biết. Những mong muốn chính đáng của các bạn cũng chính là của chúng tôi. Chúng tôi sẽ luôn cố gắng để thực hiện những mong muốn đó, cho chúng tôi và cho chính các bạn.

    PV. Cám ơn anh, chúc anh tiếp tục có những thành công trong kinh doanh và trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

    Ghi chú: Hiện tiểu thuyết Tuyết hoang đã có ở Ba Lan. Bạn đọc có thể đến mua tại văn phòng báo Quê Việt ( tầng 2, Trung tâm thương mại TM). Liên hệ :

    Nguyễn Hồng Hoa: 0048-886677390. - Dương Cẩm Tú: 0048-889887875.


    TT Thực hiện.

Sửa lần cuối 2014-08-12 04:45:21

Bình luận

Bình luận qua Facebook