Czesław Miłosz sinh ở Šeteniai, khi đó còn thuộc Đế quốc Nga, sau đó lần lượt thuộc Ba Lan, Liên Xô và hiện nay là Litva. Kí ức về tuổi thơ của nhà văn in đậm trong tiểu thuyết Dolina Issy (Thung lũng Issy). Ông học Đại học Stefan Batory ở Wilno, Ba Lan (nay là Vilnius, thủ đô của Litva), đăng những bài thơ đầu tiên trên tạp chí của trường. Năm 1933, ông xuất bản tập thơ Poemat o czasie zastyglym (Bài ca về thời gian bị đóng băng, giải thưởng Hội Nhà văn Ba Lan 1943). Từ 1935, ông làm việc cho đài phát thanh Ba Lan, in tập thơ Trzy zimy (Ba mùa đông). Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, ông viết thơ chống phát xít, xuất bản trường ca The world: a naive poem (Thế giới: bản trường ca ngây thơ) đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác.
Sau chiến tranh, Milosz hoạt động ngoại giao, làm việc ở New York, Washington D.C.. Năm 1951, vì bất đồng chính trị, ông xin tị nạn tại Pháp. Tiểu luận Zniwolony umysl (Trí tuệ bị cầm tù) là tác phẩm nổi tiếng đầu tiên của ông được phương Tây biết đến. Năm 1952, tiểu thuyết Zdobycie wladzy (Giành chính quyền) đoạt giải thưởng Văn chương châu Âu. Năm 1960, Milosz sang Mỹ, trở thành giáo sư tại Đại học California tại Berkeley, năm 1970 nhập quốc tịch Mỹ. Ngoài sáng tác, Milosz còn dịch Kinh Thánh từ tiếng Do Thái cổ sang tiếng Ba Lan và thơ của nhiều nhà thơ châu Mỹ.
Năm 1980, ông nhận giải Nobel vì "các sáng tác thể hiện nỗi đau khổ của con người không được bảo vệ trong một thế giới mà họ đã phải đến sống sau khi bị đuổi khỏi thiên đường". Trong hơn 20 năm sau giải Nobel, Milosz vẫn tiếp tục sáng tác, viết thơ, tiểu luận, dịch... Ông nhận được rất nhiều giải thưởng của Ba Lan, Mỹ, là tiến sĩ danh dự của Đại học California, Đại học Cơ đốc Dublin, Đại học New York,.... Milosz được coi là một trong những nhà thơ Ba Lan vĩ đại nhất, sánh ngang với Adam Mickiewicz.
Ông mất tại Krakow ngày 14 tháng 8 năm 2004.
Sáng tác của Milosz gồm cả tiếng Ba Lan và tiếng Anh.
Nguồn: https://vi.wikipedia.org
/>
BÀI CA VỀ NGÀY TẬN THẾ
Trong toàn bộ những bài thơ của thi hào Ba Lan CZESLAW MILOSZ, Giải Nobel Văn chương năm 1980 mà nhà thơ, dịch giả Tạ Minh Châu chọn và dịch trong tuyển thơ này có một bài thơ tôi chọn như là chìa khóa hay như một đề dẫn để mở cánh cửa bước vào ngôi nhà tư tưởng của CZESLAW MILOSZ :
Bài ca về ngày tận thế
Vào ngày tận thế
ong lượn vòng trên hoa sen cạn
người đánh cá vá tấm lưới chài lấp lánh
cá heo nhảy vui trên biển
chim sẻ con hút nhụy ngon lành
và rắn có da vàng, vẫn như cần có.
Vào ngày tận thế
phụ nữ cầm ô đi trên cánh đồng
gã say rượi nằm ngủ lăn trên rìa vạt cỏ
những người bán rau rao hàng vang khắp phố
con thuyền nhỏ buồm vàng tiến gần tới đảo
tiếng vĩ cầm ngân vang trong không gian
mở ra đêm sao bạt ngàn.
Những kẻ đợi chờ sấm, chớp
thành những người thất vọng.
Những kẻ chờ tín hiệu và tiếng kèn của thần tiên
không tin là đã xảy ra rồi.
Cho đến khi mặt trời và mặt trăng còn ở trên cao
Cho đến khi ong còn đến với hoa hồng
Cho đến khi trẻ con đỏ hỏn còn tiếp tục chào đời
Chẳng một ai tin chuyện đã xảy ra rồi.
Chỉ có cụ già tóc bạc, người có thể là nhà tiên tri
nhưng không phải vì cụ làm việc khác
tay buộc túm cà chua cụ bảo:
Sẽ không có ngày tận thế khác đâu
Sẽ không có ngày tận thế khác đâu.
Điều gì đã hiện ra trong bài thơ này hay nói cái khác là những gì đang diễn ra trên thế gian này? Đó là ong vẫn bay, hoa vẫn nở, chim vẫn hót vang, những đứa trẻ vẫn được sinh ra, con người vẫn lao động và sáng tạo trên đất đai này. Một ngày tận thế như những lời tiên tri với những tiếng kèn hiệu của Thánh thần hay sấm chớp đã không xẩy ra. Và không ít người đã tin “ ngày tận thế” đã không đến. Nhưng lời của một người nông dân bán cà chua làm cho tôi phải suy nghĩ. Người nông dân nói : “ Sẽ không có ngày tận thế khác đâu ”. Câu nói này cho tôi hiểu : không phải ngày tận thế không xẩy ra mà chỉ không có một ngày tận thế khác với ngày tận thế đã xẩy ra. Vậy ngày tận thế có xẩy ra không và xẩy ra như thế nào ?
Ở hầu hết các bài thơ trong tập thơ này, thi hào CZESLAW MILOSZ hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp nói về cái mà có thể cứu thế gian không gì khác ngoài Cái đẹp. Con người có thể sống trong đúng sai, trong xấu tốt, trong đói khát và bệnh tật, trong chiến tranh nhưng không thể vắng bóng Cái đẹp. Ông viết : “ bởi trong sự bất hạnh/ cũng cần có cái đẹp”. Tôi tin, thi hào CZESLAW MILOSZ đã gửi tới chúng ta một Thông điệp về Ngày tận thế. Đó là ngày khi mà Cái đẹp và Đức tin trong con người sụp đổ.
Thi hào CZESLAW MILOSZ không bao giờ ngưng nghỉ trong suốt cuộc đời sáng tạo thi ca của mình để chống lại bất công và sự độc ác của con người. Và vượt lên trên tất cả, thơ ông là một nỗ lực phi thường để bới tìm Cái đẹp đang bị làng quên và bị chôn vùi trong những trái tim mù lòa của con người giống như bới tìm những con người bị vùi dưới gạch đá, than bụi của những ngôi nhà bị sụp đổ bởi động đất hay chiến tranh và đồng thời là sự ngợi ca đời sống thế gian này. Mỗi bài thơ của ông là một bản Thánh ca. Nó vang lên trong đau đớn nhưng ngập tràn tình yêu và khát vọng.
Với ông, đời sống con người chỉ có thể còn tồn tại khi nó tồn tại cả hai : Cái đẹp và Đức tin. Cái đẹp hiển hiện trên mặt đất. Nó ở ngay dưới chân con người. Cái đẹp được tạo hóa sinh ra trước khi chúng ta sinh ra, để chúng ta với trái tim trĩu nặng tình yêu, cúi xuống trong hơi thở nồng nàn và mãnh liệt của mình để đón nhận và để được sống :
Xin hãy quỳ xuống đây, ghé mặt gần sát cỏ
và hãy nhìn vào ánh sáng kia từ đất hắt lên
Ở đó sẽ thấy tất những gì chúng ta từng vứt bỏ:
Sao trời, hoa hồng, bình minh và cả hoàng hôn
Còn Đức tin hiện ra khi con người biết ngước lên cao. Đấy là Thiên đường. Đấy là không gian thứ hai trong cách nhìn của ông :
Những căn phòng thiên đàng mới rộng lớn biết bao
bước vào trên những bậc thang không khí
trên những đám mây lửng lơ những khu vườn thượng uyển.
Linh hồn lìa khỏi xác và bay lên
vẫn nhớ rằng
có cao và thấp.
Chẳng lẽ lại là sự thật
chúng ta đã đánh mất niềm tin vào không gian thứ hai?
và đã tan biến đi cả Thiên đàng, Địa ngục?
Và trong suốt tập thơ này, chúng ta nghe được những hồi chuông cảnh báo rền rĩ của ông về sự độc ác, vô cảm, điên rồ và mù lòa của con người. Khi con người không còn nhận ra Cái đẹp ở trong chính ngôi nhà của mình, trên con đường của mình, trên cánh đồng của mình và nơi ngập tràn ánh Thiên thanh trên đầu thì Ngày tận thế đã đến. Cái Ngày tận thế mà tôi nhận thấy ông nói đến không phải là những sụp đổ vật chất mà là sự sụp đổ tinh thần. Cái ngày tận thế ấy là ngày tận thế của tình yêu thương, của nhân tính, của sự sáng tạo kỳ diệu. Khi bóng tối ngập tràn trong những con mắt của chúng ta thì lúc đó cũng là thời điểm Cái chết đến với chúng ta cho dù nó không một tiếng nổ, không có những khối lửa từ trời cao đổ xuống hay nước từ biển cả dâng lên. Nó im lặng, một sự im lặng khủng khiếp nhất biến chúng ta trở thành hoang thú. Và khi đó, ông nhìn thấy :
Tất cả những đất nước đẹp tươi
tất cả những con người
mà tôi thèm muốn
đã bay cả lên trời
như những vầng trăng lớn.
Với một trái tim lớn của một thi sỹ luôn ngập tràn nỗi thống khổ thế gian nhưng lại luôn vang lên những bản Thánh ca, thi hào CZESLAW MILOSZ cũng như những nhà thơ chân chính của nhân loại bước xuống thế gian này với sứ mệnh giản đơn : “Tôi nghĩ mình có mặt tại đây/ là để công bố bản báo cáo về trái đất này/ nhưng chẳng biết với ai/ Như thể tôi được cử xuống đây/ là để những gì xảy ra nơi này/ trở thành có nghĩa / bởi tự chúng hóa thành trí nhớ”. Và Cái đẹp thế gian được hiện ra trong giọng nói của nhà thơ. Giọng nói ấy luôn luôn gửi tới con người bản Thông cáo về Sự sống và Cái chết của nhân loại. Và sự tàn lụi của con người là sự tàn lụi theo cách mà thi hào CZESLAW MILOSZ cảnh báo. Và hơn ai hết, nhà thơ là những Hiệp sỹ bi thương và kiêu hãnh nhất với lưỡi gươm thiêng ngôn từ bảo vệ Cái đẹp và Đức tin. Những bài thơ họ viết như những Thánh ca còn lại mãi mãi khi Cái đẹp vẫn còn trên thế gian này :
Chúng tôi vẫn tồn tại- sách bảo
thậm chí cả khi họ vò nát các trang
hoặc khi ngọn lửa bùng lên liếm từng con chữ.
Những cuốn sách vững bền hơn cả chúng ta
những con người như hơi ấm yếu ớt
sẽ nguội lạnh cùng trí nhớ
tản ra và chết đi.
Tôi hình dung trái đất khi không còn tôi
có sao đâu, thật chẳng mất gì
tiếp tục vô cùng độc đáo
váy phụ nữ, khóm hoa nhài sương đẫm
bài ca trên thung.
Song những cuốn sách sẽ vẫn nằm trên giá
những cuốn sách được sinh ra tuyệt vời
bởi con người
và cũng bởi tầm cao và ánh sáng.
Đây là tuyển thơ thứ hai của nền thơ ca Ba Lan mà nhà thơ, dịch giả Tạ Minh Châu giới thiệu với bạn đọc Việt Nam. Cách đây mấy năm, nhà thơ, dịch giả Tạ Minh Châu đã cho ra mắt tuyển thơ của nữ thi sỹ Ba Lan Giải Nobel văn học - WISLAWA SZYMBORSKA. Và bây giờ là của thi hào CZESLAW MILOSZ. Đó thực sự là hai công trình lớn của nhà thơ, dịch giả Tạ Minh Châu, công trình của sự nghiên cứu văn hóa Ba Lan, nghiên cứu thơ Ba Lan và đặc biệt nghiên cứu thi pháp và ngôn ngữ của hai nhà thơ lớn Ba Lan thế kỷ 20. Chính vì vậy mà ở bản tiếng Việt, tôi đã được chạm tới vẻ đẹp sáng tạo thơ độc đáo và tư tưởng lớn của hai thi hào Ba Lan : CZESLAW MILOSZ và WISLAWA SZYMBORSKA. Và đúng như thi hào CZESLAW MILOSZ viết “ Những cuốn sách được sinh ra tuyệt vời” và “ Những cuốn sách vững bền hơn cả chúng ta”.
Xin cám ơn nhà thơ, dịch giả Tạ Minh Châu bởi những cuốn sách mà ông đã góp phần rất lớn để những cuốn sách ấy hiện ra trong ngôn ngữ dân tộc chúng ta ngập tràn Cái đẹp và Đức tin.
Hà Đông, ngày 24 tháng 8 năm 2016
Nguyễn Quang Thiều
Bình luận