2014-11-01 09:54:35

  Lễ hội Halloween và ngày 1/11 hàng năm ở Ba Lan

     Ngày cuối cùng của tháng 10 dương lịch, vào khoảng chiều tối đến 12 giờ đêm ngày 31/10, trên thế giới diễn ra lễ hội hoá trang lớn nhất, với tất cả trang phục, đầu tóc kinh dị, rùng rợn, sực nức mùi chết chóc, lễ hội đấy gọi là: Lễ Halloween. Nguồn gốc và xuất xứ cũng như ý nghĩa của ngày lễ này chủ yếu từ các nước phương Tây, sau đấy lan ra các nước khác và ngày nay nó không còn xa lạ với giới trẻ trên thế giới, không phân biệt tôn giáo. Chữ Hallooween, nghĩa là " buổi tối vọng Chư Thánh" trong Kito giáo Tây phương. 

      Trong ngày lễ, mọi người tham gia đều dùng trang phục ma quái và bộ mặt hoá trang như ma quỷ nhưng chủ đề chính là sự hài hước mang tính chế giễu thách thức với quyền lực của thần chết. Cũng là cách giúp con người tự tin hơn khi đối diện với những chuyện không may trong  cuộc sống... Thứ không thể thiếu trong ngày này là các quả bí ngô màu vàng ươm, tròn trĩnh được đục khoét thành khuôn mặt con người. Tuỳ theo cảm hứng có khi họ sẽ tô thành màu đen hay màu hắc ám khác để khi thắp nến trong lòng quả bí gây ấn tượng nhất. Trong màn đêm, dưới ánh sáng mờ ảo của cây nến, khuôn mặt trên hình quả bí nhìn rất sống động. Các gia đình thường đặt các quả bí ngay bậc cầu thang vào nhà mình. Các bạn trẻ xách đèn lồng bí trên tay đi đó, đi đây trong ngày lễ. Truyền thuyết kể rằng có một người tên là Jack( có nhiều cách xây dựng nhân vật này, nhưng điểm chung về Jack giống nhau) khi sống rất lém lỉnh, ki bo, tham lam, không bao giờ giúp đỡ người khác. Gặp ai gã cũng lừa đến quỷ cũng không tha. Có lần gã đã lừa quỷ leo lên cây và khắc hình thánh giá lên thân cây làm quỷ không sao xuống được. Cuối cùng bằng sự thoả hiệp: "quỷ không bao giờ được bắt linh hồn của gã" vì thế gã xoá dấu thánh giá và quỷ trở về địa ngục...rồi cũng có ngày gã chết, vì lúc sống gã là người xấu xa nên không được lên thiên đường, khi xuống địa ngục gặp lại quỷ, nhớ tới lời giao kèo cũ, quỷ không bắt mà cho phép gã lang thang bên ngoài. Thấy Jack vật vờ trong đêm tối, quỷ thương tình cho ít lửa để soi đường, đấy là hòn than lấy từ bếp lửa không bao giờ tắt. Cứ thế gã xấu xa lang thang trong đêm tối, trong cái ranh giới không rõ ràng thực - hư, thiên đàng và địa ngục, hết ngày này sang tháng khác trong đói khổ và chỉ có duy nhất một ngày được mọi người quan tâm...Có lẽ vì thế để nhắc nhở con người khi sống nên tử tế, biết nhường miếng ăn, cái mặc, để không mắc sai lầm như Jack, khi chết không có chỗ nương thân. Lễ hội vì thế mang rất nhiều ý nghĩa trong cuộc sống làm người. Một điều thú vị là cứ vào đêm diễn ra lễ hội, các cháu bé hoá trang thành các hình ma đói khát, tay cầm lồng đèn bằng quả bí đục mặt người le lói trong ánh nến, đi gõ cửa từng nhà xin tiền, xin ăn và nhận lời chúc phúc. Cũng là cách để giảm bớt tội lỗi của con người mỗi khi lễ hội đến, và mọi người cũng được thể hiện sự chia sẻ lúc người khác gặp khó khăn.

    Ở Balan, ngày lễ này cũng giống như các nước khác. Bên cạnh đấy, bắt đầu sáng 01/11 là ngày dành riêng để đi lễ nhà thờ và ra mộ viếng người thân đã mất. Năm nay thời tiết không lạnh quá. Trời sáng sủa và không ảm đạm như các năm trước. Các cửa hàng và chợ, hoa và nến đã bán tấp nập cả tuần trước. Nhìn vào xe đẩy của các khách siêu thị mới thấy họ chú trọng ngày lễ rất chu đáo. Nhiều khi có cảm tưởng với đồng lương hưu ít ỏi của các ông bà già không biết có đủ chi phí cho những khoản họ mua sắm không? Cứ hình dung cả đất nước trong một ngày, già trẻ, gái trai, tay hoa, tay nến đồng loạt đi ra nghĩa trang. Những ngôi mộ đã được dọn rửa, lau chùi sạch sẽ. Những ngôi mộ chưa xây được nhặt lá, dọn cây. Có thể là người thân làm, có thể là người nhà hãng xóm tự nguyện của các ngôi mộ dọn sạch sẽ hộ, những linh hồn lưu lạc cũng được an ủi rất nhiều. Người Việt xa xứ khi chết cũng được đón nhận như người bản xứ. Những tấm bia đá, những ngôi mộ được cộng đồng góp sức xây dựng, đấy là những người con chẳng may ra đi không có người thân bên cạnh. Các tổ chức, hội đoàn Việt thường tổ chức viếng mộ kịp thời và chu đáo. Văng vẳng đâu đây lời cảm tạ của gia đình người quá cố, lời biết ơn của kẻ nằm dưới đất. Thứ tình cảm vô hình nhưng linh thiêng gắn kết những người còn sống với nhau...Một ngày duy nhất trong năm, nhưng là ngày ý nghĩa và nhân văn nhất trong năm. Chết không có nghĩa là hết, nó như một sự ra đi, một ly biệt không đối thoại cùng nhau do âm dương cách trở. Năm nào cũng vậy, sống với người Balan hiền hoà, văn minh lịch sự. Người nước khác khi sống và khi đã về với đất cũng hội nhập dần, hoà cùng phong tục của bạn. Những phong tục rất đáng nâng niu, đấy là quyền con người, quyền khi sống và khi chết, điều ta nên suy ngẫm!

     Ao ước của người xa xứ là đến một lúc nào đấy trên Tổ quốc của mình, mọi người cũng quý trọng nhau như xứ bạn. Trong cái sự giàu sang không lý giải của một số người, phần đông mọi người vẫn rất nghèo khổ. Lăn lộn có cuộc sống bình thường để con cái học hành, hoặc có nghề làm ăn lương thiện là nỗi niềm chung của tất cả những người làm cha mẹ. Ngày lễ Hallooween, ngày lễ người chết 1/11 có thức tỉnh lương tâm những kẻ như Jack hay không? Đấy còn chờ lời giải đáp từ chính bản thân từng người...!

           Vacsava - Ngày Halloween 31/10/2014

                        Nguyễn Mai Lê 

    ( Bài viết tham khảo trên mạng. Ảnh lấy trên mạng internet )

Sửa lần cuối 2014-11-01 08:50:51

Bình luận

Bình luận qua Facebook