2017-03-24 15:49:47

Chuyện tình xuyên thế kỷ (3)

 ( Tiếp theo Chuyện tình xuyên thế kỷ (2) )

      

Tôi ngồi lắng nghe chị kể, rồi hình dung ra những gì chị đã trải qua. Tính tò mò đã không cho phép tôi chỉ lắng nghe, mà không được hỏi rõ. Vì vậy, thay cho ngồi trầm tư với chị, tôi hắng giọng hỏi khẽ: 

      - Chị ơi, rồi tin tức của anh Minh, đơn vị phải nắm được để thông báo cho gia đình chứ?   

     Chị như chợt bừng tỉnh, chị kể tiếp: 

      - Sau 30 tháng 4 năm 1975. Những người chưa có giấy báo tử cũng có người trở về. Thậm chí có người đã báo tử, làm lễ truy điệu, truy tặng danh hiệu và sau mấy lần giỗ, vậy mà họ bỗng nhiên trở về. Chiến tranh là vậy, nhiều sự may mắn không biết sẽ dành cho ai, vì thế chị luôn chờ đợi và hy vọng. Anh Minh đã không thuộc diện đấy, vì anh mất tích trong một lần đi trinh sát cùng với hai người bạn nữa. Sau này qua bạn bè kể lại, vào đúng lúc bị lính thám báo phát hiện, do tương quan lực lượng quá lớn, buộc mấy anh em phải phá vòng vây thoát hiểm. Anh Minh đề nghị để anh ở lại yểm trợ, hai đồng đội phải trở về báo rõ tình hình địa bàn cho đơn vị. Mặc dù ai cũng muốn nhường con đường rút lui cho bạn, nhưng anh Minh là trưởng nhóm nên anh ra lệnh, các đồng đội anh phải nghe theo.      

      Giọng chị khản hơn bởi những giọt nước mắt ngày càng nhiều. Chị kể tiếp: 

     - Anh Tùng( chồng chị), hồi đấy cùng trong nhóm trinh sát. Anh đã kể lại, đúng lúc chia tay, anh Minh chắc nhìn thấy bọn thám báo bắn nên đã xô anh Tùng ngã. Anh Minh bị thương ở chân. Các anh vì nhiệm vụ phải quay về còn anh Minh ở lại cầm cự. Sau mấy giờ, đơn vị đưa quân lên tiếp viện, nơi xảy ra chiến sự chỉ còn vương vãi vết máu. Chẳng có gì để lại, dù là xác bên ta hay bên địch. Đơn vị chờ đợi chẳng có tin tức gì, vì vậy vẫn hy vọng anh có mặt trong những người được trao trả tù binh.  

      - Vậy rồi cũng không có tin gì sao chị? Tôi sốt ruột hỏi chị. 

     - Chẳng có tin tức gì. Mãi sau này đơn vị cử người mang tư trang của anh trao trả cho gia đình. Họ vẫn bảo chưa báo tử vì cần xác minh cụ thể. Trong ba lô, ngoài mấy bộ đồ chẳng có gì để lại, cái túi ni lông nho nhỏ trong đấy đựng túm tóc buộc sợi len màu đỏ của chị cũng không có. Chẳng ai biết gì hơn về sự mất tích của anh.  

      Suốt thời gian sau đấy, nỗi hy vọng anh sẽ trở về không chỉ riêng dành cho chị mà còn cả gia đình anh nữa. Chị tham gia các đoàn thể ở quê, chị lấy niềm vui và sự bận rộn của công việc làm niềm vui. Chị đã trở thành trưởng trạm y tế của xã, lại cũng là cán bộ lãnh đạo của hội phụ nữ. Chị sống âm thầm lặng lẽ với những ký ức về anh. Món kỷ vật anh tặng lúc chia tay chính là niềm an ủi để chị nuôi hy vọng ngày anh trở về...

       Tôi biết nỗi đau của chị. Tôi cũng hiểu nỗi đau của gia đình anh. Tôi muốn dừng câu chuyện ở đây vì sợ khơi thêm nỗi mất mát trong tâm hồn người phụ nữ ngồi trước mặt mình. Nhưng hơn 45 năm qua, nỗi hy vọng vẫn luôn tồn tại trong chị. Tôi đã không hiểu vì sao chị chấp nhận lấy anh Tùng. Có lẽ chị nhận ra điều này khi tôi bất chợt nhìn lên bàn thờ, bức ảnh của người quá cố như  muốn trả lời hộ chị những gì tôi đang phân vân.

      Câu chuyện về mối tình đầu của chị với anh Minh, câu chuyện về tình yêu của chị dành cho người chồng của chị đã thôi thúc tôi muốn biết thêm những gì giằng xé trong chị. Bởi rằng tôi nhận ra mối tình đầu xuyên thế kỷ của chị vẫn tồn tại trong chị... 

(Còn nữa)

Nguyễn Mai Lê

Sửa lần cuối 2017-03-24 14:52:10

Bình luận

Bình luận qua Facebook