Câu chuyện mà tôi kể xảy ra nhiều năm
trước đây, nhưng chính vì thế mới nên nghe,
trước khi người ta hoàn toàn quên hẳn
Miền Bắc Việt Nam 1967
Có lệnh tổng động viên. Kể cả những người ngót bốn mươi như Bác Tịnh và bố thằng Nam cũng lên đường tòng quân, cứu nước. Một hôm cu Nam đương đi ngoài ngõ cạnh nhà bác thì bác gái ngó qua cửa sổ nhìn thấy, liền ra gọi:
- Nam ơi!
- Dạ, bác gọi con?
- Vào đây bác bảo.
Đây cũng cần nói thêm, họ hàng nhà bác Tịnh với nhà cu Nam hơi rắc rối. Cha bác
và bà nội Nam là hai chị em ruột, vậy đáng ra bác phải gọi bố thằng Nam bằng anh. Nhưng hai người đổi ngôi cho nhau, vì bác nhiều tuổi hơn, ngoài ra lại lấy bác gái! Bác gái với bố thằng Nam là hai chị em con chú con bác. Bác gái tên thật là Tèo, nhưng từ ngày lấy chồng thì lấy tên chồng, không ai gọi cái tên cúng cơm ấy nữa. Cha mẹ bác chẳng may mất sớm. Bác phải ở với chú ruột, tức ông nội Nam. Nhưng đấy là những việc xa xưa, Nam không chứng kiến. Khi nó chào đời thì bác đã về nhà chồng rồi. Lớn lên chỉ thấy bố thương bác hơn cả các cô ruột nó, nên cũng quý bác và cứ xưng con với bác là vì như vậy. Nghe nói thời con gái bác rất đẹp. Nhưng nhà nông lam lũ, giờ mới ngót bốn mươi mà trông bác cứ như bà cụ, da đen nhẻm, răng vẩu vời. Bác trai đi bộ đội thì bác gái cũng vất vả như u thằng Nam, một nách bốn đứa con, cơm không bao giờ đủ ăn, áo chưa bao giờ đủ mặc. Nhìn cái dáng khổ sở của bác, thật khó đoán rằng, bác cũng là người đàn bà ghen tuông ra phết.
Hồi bác trai còn ở nhà, một thời được phân công phụ trách cái máy bơm nước của hợp tác xã nông nghiệp ở ngoài đồng. Bác đẵn tre, dựng lều cạnh máy, đêm đêm ngủ ở đấy để canh.
Làng bên có một cô gái tên là Bèng không đến nỗi xấu, nhưng tuổi gần ba mươi mà chẳng chồng con gì. Thời buổi loạn lạc, những cô gái đứng tuổi, không chồng kiểu cô Bèng nhiều lắm, bởi vì trai tráng đi đánh nhau chết vãn, các cô còn lấy được ai? Một dạo làng nước đồn ầm lên rằng, cứ xẩm tối cô Bèng lại lảng vảng gần lều bác Tịnh. Bác gái ghen lồng ghen lộn. Nửa đêm bác vác cái sào dài bốn mét đi rình. Ra đến cổng làng tình cờ gặp cô em họ. Cô này ngạc nhiên hỏi:
- Đêm hôm chị vác sào đi đâu?
- Ra chỗ máy bơm nước. – bác nói - Bắt được chúng nó nhì nhằng với nhau, tao
đâm chết cả hai.
- Cái sào dài ngoẵng thế kia thì đâm chém gì. Sao chị không chặt lấy một đoạn
làm gậy?
- Nó là cái gạc gàu cái, chặt ra mai lấy gì mà tát nước?
Cô em cười, bảo:
- Đâm một lúc chết hai mạng người thì đi tù, việc gì phải đi tát nước mà lo?
- Tù cái máu lờ!
Cô em lại ngặt nghẽo một hồi rồi mới nói tiếp được:
- Thế thì chị em mình quay về lấy hai các gạc gầu con. Em đi giúp chị một tay.
Bác nghe thấy bùi tai. Nhưng khi hai người về đến nhà, cô em lại gàn:
- Thôi chị ạ. Những lời đồn đại chắc đâu đã đúng. Ai dễ gì cướp được chồng mình.
Chị làm thế chỉ tổ cho thiên hạ người ta chê cười...
Bác nghe cô em, từ đấy đêm không đi rình bác trai và cô Bèng nữa. Nhưng cứ chồng về đến nhà thì bác lại tra khảo:
- Tại sao nó cứ lảng vảng gần lều ông?
- Từ ngày cách mạng thành công, tự do dân chủ, ai cấm được người ta đi lại
ngoài đồng? Hay là tôi thôi không canh máy bơm nước nữa vậy?
- Một đêm… - bác gái giãy nảy - người ta trả công bằng ba ngày đi làm. Thôi thế
nào được. Nhưng thấy những cái loại ấy, ông phải tránh cho xa.
- Thế u mày bảo nó đến gần, tôi phải vác lều mà chạy à?
Bác gái đuối lý, nguýt một cái rõ dài:
- Hứ. Ghét cái mặt!
Bác trai được đà tiếp tục:
- U mày chỉ được cái ghen bóng ghen gió. Nó chui vào lều mình mới sợ, chứ
nó chỉ đi xung quanh thì làm gì được mình?
- Chỉ được cái mồm lúc nào cũng huyên thuyên được. Chả trách cậu Cương cậu
ấy đặt cho là ông “Ba Voi” cũng phải. – “Cậu Cương” ở đây tức là bố thằng Nam. Bác gái nói vậy, nhưng cũng có phần yên tâm. Bác trai vì thế mà vẫn đi canh máy bơm bình thường.
Một thời gian sau không hiểu vì ai, bụng cô Bèng mỗi ngày một to ra. Đẻ được mụn con gái đặt tên là cái Bơm. Làng nước cười, bảo chắc phải hiểu là “Bơm nước”, đặt thế để làm kỷ niệm. Và cô Bèng nhất quyết đổ cái vạ cho bác Tịnh. Bác thì chối bay chối biến, quyết không nhận. Lại còn tuyên bố:
- Luận điệu của cô Bèng cũng chẳng khác gì những luận điệu tuyên truyền, vu
khống của đế quốc Mỹ.
Hồi ấy có phong trào chống tiêu cực. Một ông đảng uỷ xã được cử đến vận động bác:
- Thôi, anh cứ nhận đi. Nó là cái loại lẳng lơ. – Ông cán bộ nhếch mép cười tinh
quái. - Anh mà hủ hoá với vợ bộ đội mới sợ, chứ với nó thì tội tình gì.
- Vâng, anh nói cũng phải. – Bác Tịnh trả lời. – Nhưng cứ chờ cho con con nó lớn
xem đã. Nếu lưng nó gù gù thì chắc là con tôi, còn chân nó cong cong, vòng kiềng, khệnh khạng đích thực phải là con anh!
Ông cán bộ xã như bị ai bất bất ngờ vả vào miệng, không nói được thêm câu gì, chuồn thẳng.
Nhưng chuyện cô Bèng cuối cùng cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống vợ chồng của hai bác, nhất là bây giờ bác trai đã nhập ngũ thì tình cảm của bác gái càng có phần thêm sâu nặng. “Nếm chua cay tấm lòng mới tỏ/ Chua cay này há có vì ai/ Vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi/ Vì chàng thân thiếp lẻ loi một bề”. Bác có khác gì người chinh phụ ngày xưa. Bác trai thì cứ thư từ về nhà liên tục.
Bác Tịnh gái gọi thằng cu Nam vào nhà rồi bảo:
- Vào đây đọc thư của bác mày. Tao dạo này mắt kèm nhèm lắm.
Khổ. Mắt bác kèm nhèm đã đành, các con bác cũng đi học, con gái lớn bác hơn Nam
những mấy tuổi mà cũng không đọc được thư của bố. Ngồi nghe thư, ngoài bác gái và lũ trẻ nhà bác ra, còn có bà nội Nam và mấy cô em bác trai. Thư mở đầu bằng câu: “Em Tèo và các con Công, Lương, Vương, Tường thân mến”. Thằng Nam phì cười. Nhà quê thủa ấy, vào tuổi hai bác, vợ chồng người ta gọi nhau là “thày nó” hay “u mày”, có ai gọi là “anh” với “em” bao giờ. Nhưng chỉ đọc thêm câu nữa, nó không còn bụng dạ nào cười được. Thư dài, lời lẽ rất là thống thiết lâm ly. Bác Tịnh kể cảnh khổ ải nơi thao trường. Chốn rừng xanh núi đỏ, ngày nắng như thiêu như đốt, đêm lạnh thấu xương… Thằng Nam bỗng cảm thấy thương bố nó cũng đương ở bộ đội với bác. Bác viết, có lần trên được hành quân phải ngủ lại đêm trên núi. Bộ đội cứ vài người một cạnh nhau nằm co ro trên đám cỏ. Không có chăn, phải lấy áo tơi nhựa mà đắp. Trời tối đen như mực, rừng thông gió thổi ào ào. Cái áo tơi nhựa sột soạt, bay mất… Trong rừng còn có những con vắt hút máu người không tanh. Bác liệt kê tất cả những anh em bên nội bên ngoại, ở làng mình, làng bên đương cùng đóng quân với bác, trong số đó tất nhiên nhắc đến bố thằng Nam. Rồi bác kết luận: “Thế là cả họ nhà ta lên rừng cho vắt cắn”. Đọc đến đây, mọi người đều oà nên khóc.
Mấy tháng sau, trước khi vào chiến trường miền Nam, bộ đội được về nhà nghỉ phép hai tuần lễ. Chú Cương, Bác Tịnh cũng về. Thằng Nam buồn rầu mang chuyện con vắt của bác Tịnh ra kể. Chú Cương nghe xong phá nên cười:
- Đúng là bác “Ba Voi”. Tao ở đấy nửa năm, nhưng nào có thấy con vắt
nào. Mà ông này cực giỏi bịa tạc, lắm những mưu mẹo quái quỷ. Đâu chỉ có nghĩ ra mỗi chuyện con vắt.
Chú Cương không kể khổ, chỉ nói chuyện vui để gia đình đỡ đau lòng. Nhưng trong thực tế cuộc đời người lính còn bi đát hơn chuyện con vắt của bác Tịnh nhiều lần. Khi ở quân ngũ bác Tịnh còn giả vờ mắc bệnh quáng gà, cứ xẩm tối bác bảo mắt mờ tịt, không trông thấy gì. Hành quân đêm phải có người cầm tay dắt bác, nếu không bác cứ nhảy xuống hố. Người ta điều bác vào nhà bếp làm anh nuôi. Một hôm phải ra giếng gánh nước. Bọn lính trẻ tỵ nhau. Bác mắng chúng một hồi rồi gương mẫu tự mình gánh đôi thùng ra giếng. Ra đến bờ ao cạnh đường, bắc lẳng quách đôi thùng xuống đấy rồi nhảy xuống mò... Bộ đội thời ấy ở trọ nhà dân. Ngày xưa nông thôn không có nhà vệ sinh như bây giờ, mà phải ra chuồng tiêu bên ngoài. Nhà chủ có thằng con trai mười bốn mười năm tuổi. Tối đến đi vệ sinh, bác tòan nhờ nó dắt ra. Xong lại dắt vào. Một lần thằng nhỏ cũng dắt bác đi vệ sinh như thường lệ. Vừa ra được một lát, người trong nhà thấy nó hô hán, sấp ngửa chạy vào, người ướt lướt thướt. Tưởng có việc cướp hay cháy nhà. Hóa ra bác Tịnh thay vì tiểu tiện vào lồi nước tiểu, bơm thẳng vào người nó… Nhà chủ cũng phải lắc đầu. Người ta mù lòa thế về thì đưa vào chiến trường để mà nướng quân? Nhưng cấp trên tất nhiên không tin, nghi là bệnh “tư tưởng”, tìm mọi cách chứng minh. Một chiều, gã Chính trị viên tiểu đoàn đến nhà trọ, thấy bác đương ngồi, mắt vẫn mở thô lố. Bác ra vẻ không nhìn thấy gì, chỉ nghe thấy động, hỏi: “Ai đấy”? Viên sĩ quan không trả lời, cầm cái que nhọn hoắt, cứ đâm đâm vào mắt bác. Thế mà mắt bác vẫn không chớp....
Nhưng ốm thật hay ốm giả cũng chẳng ai được giải ngũ. Tất cả đều nhận lệnh vào Nam chiến đấu, “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.
Trương Đình Toe
Bình luận