Tác giả: Mai Thị Thu Hồng
Mệt nhoài sau một ngày làm việc nơi xứ người, Hạ ngả người trên chiếc giường hẹp bên cái lò sưởi. Ở xứ Ba Lan này tuy rét cắt da cắt thịt nhưng được cái dễ kiếm tiền hơn ở quê nhà. Hạ lim dim mơ màng nghĩ đến ít hôm nữa sẽ thu xếp về thăm quê hương, nơi đó là một vùng đất khô cằn sỏi đá, nắng hạ chang chang, có con sông quê hiền hoà xanh thẳm, có rừng thiêng nơi một thủa sớm tối Hạ đi về. Nơi đó có ông bà Hai – ba mẹ của Hạ, tuổi già ốm đau đang ngày đêm mòn mỏi ngóng trông. Thoáng bên tai Hạ một giọng trầm quen thuộc: - Xa xôi quá về mần chi con. Ba nhớ bây, nhưng bây về ba lo lắm! Lo mà giữ gìn sức khoẻ nghe con, đất khách quê người, ốm đau lại khổ.
Hạ giật mình thức giấc. Đó là điệp khúc Hạ thường nghe mỗi khi gọi điện về nhà. Khi người ta bị đau chân, người ta chẳng thể nghĩ được gì ngoài cái chân đau của mình. Nhưng ông bà Hai thì không thế, dẫu đến khi nằm một chỗ trên giường, vẫn đau đáu lo lắng cho con. Dẫu biết rằng, một ngày kia, con người ta ai chẳng phải rời xa thế giới này, nhưng Hạ vẫn luôn tự an ủi mình để đón nhận tâm lí ấy. Rồi đến lúc Hạ phải chấp nhận sự thật nghiệt ngã, sẽ không còn nhìn thấy những người thân yêu đã sinh ra mình trên mảnh đất quê hương, vào mùa nắng hạ đổ lửa cũng như mùa thu hương gió nồng nàn khiến nỗi nhớ thương khắc khoải hơn bội phần. Những lời dặn dò của ba lúc chia tay như thứ triết lý sống ghim sâu vào cuộc đời Hạ: “Vạn vật sẽ tan biến theo thời gian, chỉ có tình yêu thương là ở lại. Hãy sống có trách nhiệm với đời và dành tình yêu thương cho những người xung quanh con còn khổ hơn ba. Con ạ!
Bởi được sinh ra vào mùa hạ, nơi miền nắng hạ chang chang nên Hạ được ba đặt cho cái tên mộc mạc ấy. Quê hương nơi Hạ sinh ra đầy nắng gió. Đó là xóm Z, một vùng quê nghèo trên mảnh đất Quảng Bình. Đa phần người dân nơi đây không có ruộng cấy cày, đất đai lại cằn cỗi. Đến con lợn cũng phải nuôi đầy năm mới bán được. Thế nên nghề chính của họ là lên rừng đốn củi, kiếm sống qua ngày. Ba mẹ Hạ cưới nhau cũng trên mảnh đất ấy. Rồi Hạ lớn lên trong sự bủa vây tứ bề của nghèo khó.
Tuổi thơ của Hạ gắn với những tháng ngày cơ cực, đói ăn. Hơn 10 tuổi, Hạ đã biết ra đồng mò cua bắt ốc và đạp xe lên rừng chở củi về chợ bán. Tuy nhọc nhằn vất vả nhưng Hạ không than thân trách phận một lời, vẫn hồn nhiên như cây cỏ mọc lên từ đất quê nhà, vẫn chắt chiu từng củ khoai bẻ nửa, đọt ngấy sau vườn, trái sim chín mọng mỗi khi đạp xe lên rừng đốn củi. Vật chất thiếu thốn nhưng cuộc sống quanh Hạ vẫn rộn rã tiếng cười. Tối về nhà, Hạ lại miệt mài đèn sách. Thương ba mẹ, Hạ hứa với lòng sẽ học thật giỏi, nhất là môn tiếng Anh mà Hạ được cho là có năng khiếu. Cái nghèo đeo bám càng hun đúc ước mơ trở thành nhân viên một công ty nước ngoài có thu nhập khá để Hạ giúp ba mẹ thoát nghèo.
Thời gian lặng lẽ trôi qua, sức bà Hai yếu dần. Hàng ngày bà chỉ quanh quẩn ở nhà hết chăm mấy con gà, con lợn lại chui vào bếp. Ông Hai vẫn cặm cụi lên rừng đốn củi gánh về. Nhưng với sức ông, con đường đến rừng càng ngày càng trở nên xa hơn. Vẳng bên tai ông vẫn là những tiếng í ới gọi nhau của đám người lạ, của bọn trẻ chăn trâu bên nông trường, là tiếng vo ve quen thuộc của ong, của muỗi. Những vệt máu loang trên vạt lá sau cơn mưa chiều không làm cho ông Hai nguôi đi nỗi ám ảnh bị vắt rừng tấn công.
Năm Hạ sang tuổi mười sáu, những khoản tiền phải đóng đầu năm học và bộ áo dài đồng phục mơ ước của con gái càng khiến gánh củi đè lên đôi vai ông Hai nặng thêm.
Dõi theo dáng đi nặng nhọc và tấm lưng như còng xuống của ba, nỗi đau chợt nhói lòng Hạ. Một ý định lóe lên trong đầu cô: Hay là mình nghỉ học?
Một cánh chim chao lượn trên bầu trời rồi bay vút qua đỉnh đầu Hạ. Hình ảnh mái trường cấp III bên kia bờ đê bỗng dưng hiện về. Mái trường ấy luôn là niềm mơ ước thẳm sâu trong tâm hồn cô bé nhiều mơ mộng. Phía sau cánh cổng trường là một thế giới với biết bao nhiêu điều kì diệu. Thế giới ấy đã ấp ủ trong cô bé mới lớn từ lâu lắm.
Đang nhâm nhi bát nước chè xanh, chợt ông Hai quay mặt về phía Hạ:
- Ngày mai ba đưa con đến trường.
- Con muốn nghỉ học ở nhà để phụ giúp ba.
- Không! Con phải đi học tiếp. Cả đời ba vất vả là để cho con được đến trường. Nếu con nghỉ học thì ba thà chết còn hơn.
- Vậy thì con sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng ba. - Gục đầu vào vai ba, Hạ nghẹn ngào nhả từng con chữ.
- Ừ, con đi ngủ đi để sáng mai dậy sớm đến trường cho kịp khai giảng.
Như đứa trẻ đang mơ bất ngờ nhận được món quà lớn, Hạ ngoan ngoãn leo lên chiếc chõng tre cũ kĩ. Đêm đó, một cảm giác lạ lẫm nửa như vui sướng, nửa như xót xa ám ảnh khiến Hạ thao thức mãi. Tới gần sáng, Hạ mệt quá thiếp đi. Một giấc mơ đẹp len lỏi vào giấc ngủ của cô. Trong mơ, Hạ thấy mình mặc bộ váy áo thời trang công sở đứng trong văn phòng, đang giao dịch lưu loát tiếng Anh với ban lãnh đạo công ty đầu tư nước ngoài. Bỗng bụi tre sau nhà oằn mình ken két trong làn gió mạnh bất chợt thổi đến. Hạ choàng mình tỉnh dậy. Giấc mơ đẹp tan như bong bóng xà phòng vỡ vụn. Hạ nằm ngẩn ngơ một lúc rồi bật dậy, lấy bộ áo dài vừa mua chiều hôm trước treo trên mắc áo. Tay mân mê vuốt lại từng nếp gấp, lòng nôn nao rộn rạo niềm vui, chợt thấy ba đang ngồi ngoài sân, đầu gối quá tai bó lại từng bó củi, nước mắt Hạ trào ra rưng rưng.
Như lệ thường, sau buổi học đầu tiên, Hạ lại lên rừng đón ba để chở củi về nhà. Không giống như mọi lần, nhìn quanh cô chỉ thấy một gánh củi đặt ngay ngắn bên triền đồi mà chẳng thấy ba đâu. Lòng đầy lo âu, Hạ phóng tầm mắt nhìn về phía mấy quả đồi sim phía bên kia đường. Từ xa, trên lối nhỏ quen thuộc ấy, ba hiện dần ra với dáng hình liêu xiêu, tiều tuỵ trong vạt nắng nhạt hoàng hôn của núi rừng. Trên vai ba đè nặng thêm một gánh củi nữa. Thì ra đây là lý do ba đi sớm hơn và dặn Hạ đón muộn hơn thường ngày. Ba như con sâu đo đã chuyền hai gánh củi suốt mấy cây số đường rừng. Cắn chặt răng đến bật máu môi, Hạ hét to giữa núi rừng yên ắng:
- Ba ơi! Con nghĩ kỹ rồi, từ mai con không đi học nữa đâu.
Đặt gánh củi ngay ngắn bên cạnh gánh củi trước, ông Hai nói với chất giọng ấm áp:
- Sức ba chừng đó ăn thua chi. Con được đi học là hạnh phúc vô bờ của ba. Ráng mà học cho tốt nghe con.
- Không! Con xin ba! Ba cho con nghỉ học. Con ghét học rồi ba ơi.
Trời bỗng dưng tối sầm, sấm chớp nổi lên ầm ầm. Rồi mưa đổ xuống như trút nước. Những hạt mưa rừng quất vào mặt hai cha con rát buốt. Nhưng có lẽ với Hạ, mưa rừng chớp giật cũng không đáng sợ bằng gánh củi trên vai ba. Gánh củi ấy không chỉ là mồ hôi, là nỗi nhọc nhằn của ba mà còn là niềm thương, nỗi đau, nỗi ám ảnh suốt cuộc đời Hạ. Nước mắt hòa cùng nước mưa chảy tràn trên má Hạ. Ông Hai giả vờ ngó lơ đi hướng khác. Nhưng Hạ biết, chẳng riêng gì lúc này, nước mắt chảy trong lòng ba suốt cả cuộc đời cơ cực. Hạ là gánh nặng của ba? Hạ cảm thấy như mình có lỗi, tình yêu thương ba trỗi dậy trong cô dạt dào đến nghẹn ngào.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, sức khỏe của ông Hai yếu dần theo từng gánh củi. Một buổi chiều định mệnh, khi chỉ còn ba tháng Hạ sẽ thi tốt nghiệp phổ thông thì nhà xảy ra chuyện. Sau bữa cơm, Hạ vừa xuống bếp phụ mẹ nấu nồi cám lợn, chợt nghe tiếng chén vỡ, ghế xô, người đổ huỵch. Hạ và bà Hai vội chạy lên nhà. Một cảnh tượng hãi hùng hiện ra trước mắt hai người. Ông Hai nằm còng queo trên sàn, mặt trắng bợt, mắt trợn ngược, miệng rỉ máu, chân tay mềm như bún. Hạ luống cuống gọi xe cấp cứu đưa ba vào bệnh viện.
Sáng sớm hôm sau, bác sỹ trực cho biết, ông Hai bị tai biến mạch máu não. Để cứu ông khỏi tình trạng sống đời thực vật, bệnh viện phải tiến hành khoan sọ để hút máu đông bên trong. Chi phí cho cuộc đại phẫu rất lớn. Ông Hai không có thẻ bảo hiểm. Tài sản thì chỉ có mỗi cái nhà ba gian cấp bốn, cái bếp lợp rạ và mảnh vườn con. Bán nhà thì cả gia đình Hạ phải vào rừng dựng lều để ở. Không bán thì đào đâu ra tiền để cứu ông Hai? Kiệt sức vì lo nghĩ, bà Hai đổ bệnh nằm giường. Cả nhà chỉ còn trông chờ vào đôi vai gánh vác của Hạ.
Bình minh nhô lên, nắng vàng trải nhẹ chân trời phía đông. Nhưng trước mắt Hạ là cả bầu trời u ám, xám xịt. Cầm cánh tay mềm oặt của ba mà lòng Hạ quặn thắt. Hạ cắn chặt môi, nhưng không ngăn được đôi dòng nước mắt cứ ứa ra chảy tràn trên má. Giọng Hạ lạc đi, thì thầm:
- Ba ơi! Con không thực hiện được ước muốn của ba nữa rồi. Con đành phải bỏ học thôi. Con có thể gác lại ước mơ, nhưng con không thể mất ba.
Tiếng còi xe cứu thương bỗng hú lên, xé toạc không gian yên ắng, như chà xát thêm nỗi đau trong tâm hồn non nớt của Hạ. Tiếng còi chói tai ấy mãi đến tận bây giờ vẫn thường văng vẳng như điệp khúc buồn khiến Hạ nhói tim.
Chẳng còn cách nào khác, còn người còn của. Hạ bàn với mẹ đem cầm cố cái sổ đỏ, tài sản đáng giá duy nhất của gia đình để lấy tiền cứu ba.
Mẹ đau ốm liên miên, ba nằm viện. Cả nhà không thể trông chờ vào số tiền vay, tiền bán lợn và tiền từ những gánh củi Hạ thay ba hàng ngày vào rừng kiếm về. Lãi mẹ đẻ lãi con, món nợ ngày một lớn. Cả nhà Hạ không lúc nào yên với các khoản tiền phải chi trả cả gốc, cả lãi và duy trì cuộc sống.
Đúng lúc gia đình Hạ quẫn bách nhất thì bỗng dưng “cò” đưa người ra nước ngoài tìm đến. Với bao lời có cánh, “cò” vẽ ra viễn cảnh trời tây, rằng tiền dịch vụ không phải đưa trước mà sẽ gửi về nước trả dần từng quý, rằng thu nhập mỗi tháng bằng vài năm mẹ nuôi lợn, Hạ kiếm củi cộng lại…
Với vốn tiếng Anh đủ giao tiếp, Hạ đồng ý đi ra nước ngoài theo đường dây của “cò”. Ngày đi, Hạ dặn dò em gái:
- Em ở nhà phụ mẹ chăm ba giúp chị nhé!
- Cả nhà giờ trông chờ vào mỗi chị. Chị đi, mọi người lo lắm.
- Em khờ quá! Chị không đi thì nhà sẽ bị thu, tiền đâu ra chữa trị cho ba, và lấy gì ăn nữa chứ. Chị có đi mất đâu mà lo. Năm sau chị sẽ về thăm nhà. Em hãy cố học giỏi, đừng dở dang như chị nhé!
Con bé ôm Hạ chặt cứng. Nước mắt nó thấm đẫm một vạt tay áo Hạ. Nhìn thẳng vào mắt em gái, Hạ choàng hai tay ôm lấy bờ vai run rẩy của nó.
- Cho dù điều gì xảy ra, em cũng không được nghỉ học. Em phải nghe chị, cố đi hết con đường học hành trước mắt. Em đã từng kể chị nghe về giấc mơ được làm cô giáo đó sao? Từ nay, giấc mơ của em luôn chở theo mong mỏi của chị. Đừng làm chị thất vọng nhé!
Quệt nhanh những giọt nước mắt vương trên má, Hạ dúi vào tay em gái mấy đồng tiền cuộn tròn, và một tờ giấy gấp đôi. Trong đó Hạ ghi những lời dặn dò nó phải làm để chăm sóc ba, giúp đỡ mẹ trong những ngày Hạ xa nhà.
Không dám vào nhìn ba, chào mẹ, thậm chí không dám cả ngoái đầu nhìn lại đứa em, Hạ xách giỏ, tất tả ra đi trong một chiều nắng hạ trải trên cánh đồng chỉ còn trơ những cuống rạ vừa gặt.
Đã ba mùa hạ trôi qua, Hạ vẫn đành lỡ hẹn với người thân. Hạ nhớ ba, nhớ mẹ, thương em nhiều lắm. Nhưng những món nợ ở nhà và cuộc sống hối hả tại Ba Lan cuốn Hạ đi như chiếc lá mỏng manh bay trong cơn gió. Để có tiền cứu ba, giúp mẹ nuôi em ăn học, hàng ngày Hạ phải làm việc từ sáng sớm tinh mơ đến lúc hoàng hôn ngả bóng, mùa đông trong cái lạnh thấu xương, nơi tuyết rơi trắng trời.
Hạ tằn tiện ăn tiêu, tích cóp từng đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi và nước mắt để gửi về giúp nhà và trả nợ. Sức khỏe ba khá lên cùng món nợ vơi đi, làm nhẹ dần gánh nặng trên đôi vai Hạ.
Tần tảo chăm ba, chăm mẹ giúp chị, em gái Hạ mỗi ngày mỗi chững chạc trưởng thành. Nghe nó khoe kết quả học tập đạt loại giỏi và ước mơ được làm cô giáo sắp trở thành hiện thực, Hạ hạnh phúc như thấy sự hy sinh của mình được đền bù xứng đáng.
Mỗi đêm, từ phương trời rất xa Hạ đoàn tụ với cả gia đình qua cái màn hình Iphone nhỏ xíu. Hạ muốn về quê thăm ba, thăm mẹ, thăm em lắm chứ. Nhưng cứ nghĩ đến khoản tiền phải chi để mua vé máy bay và khoản thu nhập bị trừ vì nghỉ việc lẽ ra có thể gửi về giúp nhà, Hạ lại tặc lưỡi, nuốt nước mắt vào trong.
Hôm mẹ gọi điện thoại sang bảo, sau gần một năm nằm bất động trên giường, ba đã hồi phục các chức năng vận động, Hạ mừng như chính mình được hồi sinh.
Hôm em gái gọi điện thoại sang bảo, ba đã ngồi được lên trên chiếc xe lăn mua bằng tiền chị dành dụm gửi về, những giọt nước mắt vui sướng chảy tràn hai bên má Hạ.
Hôm ba ghé đầu vào màn hình Iphone, ngọng nghịu khoe với Hạ: “Ba vừa trải qua đợt vật lí trị liệu, đang chập chững tập những bước đi đầu tiên bằng nạng.” Hạ đã lạc giọng hét lên: “Ba ơi! Con yêu ba. Năm nay con nhất định sẽ về thăm ba!”
Nghe giọng trong trẻo của nữ tiếp viên nói trên loa: “Chỉ còn ít phút nữa máy bay sẽ hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài…,” Hạ nghiêng đầu, ghé mắt qua ô cửa sổ nhìn xuống. Cảnh cánh đồng, ruộng nước, lũy tre, mái nhà… hiện ra phía dưới bụng máy bay khiến cảm xúc bâng khuâng, bồi hồi của người đi xa lâu ngày trở về thăm quê tràn ngập tâm trí Hạ.
Ngồi trên xe từ sân bay về nhà, Hạ như dán chặt mặt vào ô kính. Mỗi làng quê đi qua, mỗi con đường, ngã rẽ với Hạ thật gần gũi thân quen. Hương lúa, mùi cỏ quyện trong gió như mang hơi thở, tiếng nói của những người ruột thịt. Bóng mẹ tảo tần trên sân phơi thóc, hình ba oằn lưng cõng củi từ trong ký ức ùa về.
Đẩy cánh cổng xiêu vẹo, thấy mẹ đang lúi húi tưới cây trong vườn, Hạ nhào vào gọi lớn: “Mẹ ơi! Con đây.”
Bà Hai đứng lặng, rồi bỗng quẳng vòi nước xuống đất, nước văng tung tóe vào cả hiên nhà. Em gái Hạ từ dưới bếp chạy lên, trên tay vẫn cầm đôi đũa cả. Ba người vừa cười vừa khóc, ôm chầm lấy nhau như không muốn rời. Chiều muộn lãng đãng mây bay. Đám khói từ mái rạ bếp bay lên trên nền rạng hoàng hôn nhuộm đỏ chân trời. Cánh đồng trước nhà xanh mướt. Làn gió lướt qua khẽ lay những tàu lá chuối trong vườn như bàn tay vẫy chào, đón người con xa quê trở về.
Hạ buông tay khỏi vai mẹ, vai em chạy lên nhà gọi lớn: “Ba ơi! Con đã về với ba đây.” Chợt Hạ đứng sững lại. Ông Hai một tay vịn cửa, một tay nâng vạt áo chấm nước mắt, khẽ mắng: “Sư cha bây! Giờ mới chịu về thăm tau. May mà tau chưa đi để mi còn được thấy mặt đấy.”
Một điều kì diệu hiện ra trước mắt Hạ. Ông Hai bỏ tay vịn cửa, với chiếc nạng gỗ, chập chững bước từng bước nhỏ ra sân trong ánh mắt rạng rỡ của cả ba mẹ con.
Đi một nửa vòng sân, chừng như đã mỏi, ông Hai dừng lại giơ tay quệt mồ hôi trán. Hạ chạy tới đỡ ông Hai, ghé vào tai ông thì thầm: “Ba ơi! Con về ở hẳn với ba nhé. Con không muốn xa ba nữa đâu.”
Hạ vừa dừng lời, ông Hai buông thõng tay, cái nạng gỗ đổ kềnh xuống nền gạch. Ngước đôi mắt lo âu nhìn Hạ, ông Hai ngỡ ngàng …
Tháng 5/2019
Mai Thị Thu Hồng
Bình luận