Truyện ngắn, Giải Nhì - Cuộc thi truyện ngắn Báo Quê Việt - 2019
Tác giả: Nguyễn Đức Thảo
FB: Tadek Tadek
Ảnh minh họa: Một quầy hàng trên chợ "Sân vận động 10 năm" tại Ba Lan những năm cuối thế kỷ 20 (nguồn: internet)
Anh lầm lũi bước, kéo theo chiếc xe chất đầy những thùng quần áo.
Cú điện thoại sáng nay của chị gái làm anh mất thăng bằng. Vậy là đích thực vợ anh đã bỏ anh để theo người khác. “Cậu không biết chứ mợ ấy không ở nhà nữa đâu. Tuần may ra về một lần, còn lại thì ở nhà chú kia rồi. Đấy, chị nói bao nhiêu lần mà cậu không tin...”- chị gái tức tưởi.
Anh sang đây đã khoảng chục năm. Ở quê khổ quá, ruộng chỉ được hai sào một đầu người, không đói nhưng không thể dành dụm được tí gì. Vậy là vợ chồng bàn nhau vay mượn họ hàng rồi lo cho anh đi. Sang đây rồi, không có vốn liếng, anh làm nghề kéo xe thuê cho các chủ hàng người Việt trong trung tâm bán buôn thương mại. Sau vài năm trả hết nợ, anh quyết định tự thuê quầy kinh doanh. Vốn ngắn, không có ai hỗ trợ, chỉ trong thời gian ngắn, anh mất hết và lại trở lại nghề kéo xe thuê. Trong nhà trọ thuê chung với vài người khác, anh cao tuổi nhất. Những tối mùa đông dài đằng đẵng, khi lũ thanh niên túm tụm chơi bài “tiến lên”, anh nằm nhớ vợ, tình yêu từ thuở còn để chỏm. Cô bé hàng xóm xinh xắn hiền lành đã làm chàng trai bao đêm mất ngủ. Anh mơ đến một ngày anh về với số vốn vừa phải, và cuộc sống của vợ chồng anh sẽ thay đổi. Phải thay đổi! Tay anh “đập bàn” quyết liệt trong ý nghĩ.
Anh đơn độc. Từ một người đàn ông thích chuyện trò, thậm chí tếu nữa, anh trở nên âm thầm. Thỉnh thoảng những dịp Tết nhất hay hội đoàn cộng đồng, anh tham gia cho có lệ. Những dịp đó anh gặp cô, người phụ nữ tuy không có nhan sắc cho lắm nhưng ấm áp. Cô thương anh, cảm mến anh. Đời cô ngang trái. Chồng bỏ cô lại với đứa con trai. Một thân một mình, cô bán hàng ở chợ tỉnh lẻ nuôi con. Nhiều lần cô muốn anh về ở cùng và nương tựa nhau lúc tắt lửa tối đèn. Cô cho anh số điện thoại. Đã nhiều khi trong lúc cô đơn, anh bấm số, lưỡng lự rồi lại tắt máy. Anh không muốn vì thương người vợ đơn côi ở quê nhà.
“Anh không nghe thấy à? Ra kho lấy ngay bốn kiện hàng về cho khách đi chứ!”-tiếng gọi the thé của cô chủ trẻ người Việt làm anh choàng tỉnh. Anh cắn răng kéo chiếc xe ra kho. Chất lên xe bốn kiện hàng quần áo, anh lầm lũi kéo về. Chỉ bốn kiện quần áo mà sao nặng như bốn thùng chì vậy. Dừng xe lại để thở, anh bấm số điện thoại quen thuộc mà bao lần anh bấm rồi tắt. Nhưng lần này với cử chỉ quyết liệt như không phải của mình, anh bấm nút gọi.
***
Chao ơi, tháng tám ở châu Âu mà nắng dữ nắng dội.
Cô mở hàng từ sáng sớm với hy vọng khách sẽ đến mua khi trời còn mát. Ở cái chợ tỉnh lẻ này, mùa hè ít khách. Quần áo, sịp, áo lót cô lấy từ Trung tâm thương mại người Việt về còn đầy ắp. Không có khách nên tâm trí của cô hướng tất cả về chuyện làm cô mất ngủ cả tuần nay.
Sau bao năm chia tay, chồng cũ của cô lại liên lạc. Hắn bảo sẽ sang và muốn xin cô cho hắn cơ hội làm lại từ đầu. Những lời van lơn âm ẩm dư vị nước mắt làm cô khó nghĩ quá. Trong thâm tâm cô “xoá sổ” hắn từ lâu rồi. Con trai cô đang ở tuổi mười hai, tuổi rất khó dạy bảo, nhất là không có bố. Với câu hỏi “mẹ ơi, sao bố không ở với mẹ con mình?”, cô không biết giải thích thế nào cho phải. Nhiều khi cô nghĩ giá như trong nhà có người đàn ông...
Cô gặp anh vài lần mỗi khi đi lấy hàng hoặc có hội họp. Anh làm người kéo xe thuê cho những công ty buôn hàng vải của người Việt trong trung tâm thương mại. Anh thầm lặng, chỉ lắng nghe cô kể chuyện làm ăn nhà cửa. Vài lần khi đưa cô ra bến tàu, anh nắm tay cô xiết nhè nhẹ. Biết anh cô đơn, thương anh, cô ngỏ ý muốn anh về ở cùng mẹ con cô, nương tựa nhau những lúc vui buồn. Nhưng cô hiểu anh vẫn còn vương vấn lắm với người vợ ở quê nhà. Hồi trước cô còn chờ đợi điện thoại của anh nhưng dần dà mất hy vọng. Đêm đêm tiếng thở của cô đã dài lại dài thêm. Cô nén sự rạo rực trong tim lại và kẹp chặt bàn tay giữa hai đùi để dìm đi nỗi thèm khát.
Ngày nào chồng cô cũng gọi điện và van lơn. Hắn nói chuyện hàng giờ với con trai để rồi con thuyết phục mẹ. Cô suy nghĩ rất nhiều. Cô tham khảo ý kiến của mấy đứa bạn gái thì ba đứa khuyên nên quay lại cho con nó có gia đình đầy đủ, một đứa cho rằng chẳng nên hai lần lội xuống một con sông. Sáng nay hắn cũng gọi điện và hứa sẽ cùng cô tái lập một gia đình cho hắn, cho cô và cho con có được hạnh phúc. Cô nhận lời.
Tiếng chuông điện thoại làm cô bừng tỉnh. Khi nghe tiếng anh trong máy với những lời mà cô chờ đợi bao ngày đêm, cái nắng tháng tám bỗng như tắt lịm. Trong mắt mình cô chỉ thấy một màu đen đặc quánh của những giọt nước mắt không biết từ đâu mà ra nhiều đến thế.
***
Cô đứng chờ tàu đến trên sân ga. Cái sân ga tỉnh lẻ, nhỏ xíu bị kẹp bởi hai đường ray, hôm nay vắng ngắt. Có lẽ cái nắng dữ dội của tháng Tám đã xua đuổi đám hành khách hối hả của ngày thường, nên cô là người duy nhất trên sân ga hừng hực sức nóng như từ trái tim cô trào ra vậy.
Sau cú điện thoại của anh, cô khóc ròng. Cô giận Trời đã đẩy cô vào tình cảnh éo le. Cô thương thân, trách phận, giận mình, giận chồng và giận anh. Cô giận cả thế gian. Đêm về, khi con trai đã ngủ, cô âm thầm khóc. Những giọt nước mắt mặn chát không hề làm vợi đi nỗi buồn tủi mà lại tăng thêm cảm giác tuyệt vọng. Làm sao bây giờ, khi cô đã nhận lời cho chồng quay trở lại cuộc đời mình?! Làm sao đây khi con trai mừng quýnh từ lúc nghe tin bố sẽ cùng sang chung sống?! Cô đã chấp nhận hy sinh đi cái cơ hội làm cho mình hạnh phúc. Nhưng cú điện thoại của anh làm đảo lộn tất cả, kéo cô trở lại với nỗi khao khát muốn đổi đời. Các ngày sau đó là chuỗi những sự nhầm lẫn nực cười của cô khi bán hàng. Khách muốn mua quần lót thì cô đưa nịt vú, muốn quần cô đưa váy...Trong đầu chỉ vang lên mỗi câu hỏi: làm sao đây? Cho tới hôm cô nghe được cuộc nói chuyện giữa hai bố con. Con trai vô tình bật loa trên máy điện thoại. “Bố muốn được sang đó cho gần con thôi, chứ còn với mẹ con thì...”. Trên ngực cô tảng đá đang đè nặng bỗng tan biến đi đâu mất. Nụ cười tỏa sáng trên môi. Cô đã biết mình phải làm gì rồi. Cô gọi điện cho anh với quyết không để quá khứ vùi dập mình nữa. “Anh về đây với mẹ con em nhé. Cùng đói, cùng no, cùng lành, cùng rách!”. Cái nắng tháng Tám lại bùng lửa hừng hực chẳng khác gì quyết tâm của người phụ nữ.
Nghe cô vừa khóc vừa phân trần qua điện thoại, anh cắn chặt môi đến chảy máu. Vậy là hết. Ném phịch cái xe kéo sau kho, anh ôm mặt. Sao đời lại oái oăm đến thế? Một thằng người trong anh sát phạt anh về sự chần chừ không quyết đoán, thằng thứ hai thì lại phân trần, tìm lý do thanh minh. Lần đầu tiên anh khóc. Những giọt nước mắt đàn ông đắng như ký ninh vậy.
Anh như người bơi giữa hai làn nước, như bay lơ lửng giữa tầng không, như con thuyền khát khao bến bờ mà không thể có. Dù ở đâu, quê nhà hay ở đây, thì anh cũng đã trở thành kẻ đơn độc. Anh tự an ủi rằng chắc gì với anh, cô đã hạnh phúc. Anh tìm trong trí tất cả những yếu điểm của mình và của cô để tự minh chứng rằng có lẽ hai người không hợp nhau. Nhưng càng suy diễn như thế, anh càng thấy đau. Bỗng nhiên anh phát hiện ra từ vài năm nay những khát vọng mơ hồ nảy sinh trong tâm hồn là gắn liền với cô. Chả có người Việt nào như anh. Người ta sang đây một mình là cặp ngay với ai đó để khỏi cô đơn và dễ bề sinh sống. Mình thật là mù quáng- anh tự dằn vặt. Rất vô tình, anh đã thông cảm với vợ. Anh hiểu thế nào là sự cô đơn. Là đàn ông mà anh cũng khó bề chịu đựng nổi, nói gì đến người phụ nữ bao năm vắng chồng.
Ngày ngày anh kéo xe như kẻ mất hồn. Lũ thanh niên cùng nhà trọ chắc có linh cảm gì nên chúng ít ồn ào hơn, đun đẩy để anh ăn nhiều hơn. Thỉnh thoảng anh mua gì về, chúng cố tình không ghi sổ. Nhưng anh không để ý đến xung quanh. Tất cả mọi việc anh làm như cái máy. Cái máy không người bảo dưỡng.
Tiếng chuông điện thoại như kéo anh ra khỏi cơn mơ. Anh tỉnh hẳn khi nghe tiếng cô trong máy, những âm thanh gần gũi mà anh chờ đợi và đã mất hy vọng có khi nào còn được nghe thấy. Khi nghe cô nói: “em quyết rồi, Anh về đây với mẹ con em nhé...”, anh phải ngồi xuống bục cửa kho, hai tay giữ chặt điện thoại như sợ những lời ấy tuột bay đi mất.
Tàu hỏa từ từ tiến vào sân ga và dừng lại. Anh cùng vài hành khách xuống tàu. Mọi người chạy cho nhanh tránh cái nóng hừng hực của nền bê tông. Trên sân ga bé nhỏ, chỉ còn anh và cô. Anh ngượng nghịu trao cho cô bó hoa hơi bị héo vì nóng. Rồi không kìm được, hai người ôm chầm lấy nhau. Nụ hôn đầu của họ đẫm trong nước mắt. Và họ bỗng nhận ra sự ngọt ngào của những giọt nước mắt mà lâu nay tưởng chỉ có vị mặn và đắng.
Người quản ga đang đi về phía họ, nhìn thấy liền quay gót trở lại. Ông không muốn làm tan đi giây phút thật hiếm hoi như thế trên sân ga bé nhỏ này.
Vác-sa-va, 08/08/2018
Nguyễn Đức Thảo
Bình luận