2016-06-28 05:34:10

Ông bạn chơi bài bridge của tôi

Chủ nhật, sáng ra tôi mới dậy, còn chưa biết sẽ làm gì trong ngày thì nhận được SMS: „Chiều nay mày có muốn chơi bridge không? – P. Kowalski”. P. Kowalski là tên viết tắt và họ ông bạn chơi bài nhiều năm của tôi. Đương lúc „bế tắc”, nhận được lời mời đi đánh bài thì mừng, không thể chối từ được.

Bàn chơi bridge

Bridge là một kiểu chơi bài lô-gich bắt nguồn ở Anh Quốc từ thế kỷ thứ XVIII, rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu. Hàng năm có tổ chức giải vô địch thế giới. Lối chơi này không xâm nhập được vào Việt Nam và đấy là điều đáng tiếc. Tuy vậy trong số ít ỏi những kì thủ bridge người Việt xưa nay, có một người có cống hiến đáng ghi nhận, đó là... vua Bảo Đại! Thời lưu vong ở Pháp, cựu hoàng đam mê bridge , từng nghĩ ra một miếng đánh cực kỳ thông minh và nổi tiếng, đến tận ngày nay vẫn được dùng. Các tạp chí về bridge trên thế giới thỉnh thoảng vẫn đăng lại với tên là „Miếng đánh Hoàng Đế” và chú rằng, do hoàng đế An Nam là Bảo Đại nghĩ ra.

Chơi bridge tương đối khó. Muốn chơi tốt, ngoài trí tuệ bẩm sinh còn phải khổ công luyện tập. Nhưng đã học được rồi, lại có bạn chơi thì rất ham, khó lòng bỏ được. Tôi chưa thấy làm việc gì hay chơi trò gì thời gian lại trôi nhanh như đánh bridge. Không chỉ tôi thấy thế. Tương truyền ở Ba Lan thời trước thế chiến thứ hai có ông Tổng thống cũng ham chơi món này. Một lần đi công du trong nước bằng tầu hỏa. Khi tầu đỗ ở một nhà ga, dân chúng biết tin, tụ tập, giương khẩu hiệu đón chào. Lúc đó Tổng thống đương cùng cấp dưới đánh bridge. Viên cận vệ vào thông báo: „Thưa Tổng thống, dân chúng rất đông dưới sân ga, đương mong chờ Tổng thống. Xin Tổng thống ra đáp lễ”. Tổng thống mải chơi, bảo: „Mày thay mặt tao ra mà vẫy người ta”! Viên cận vệ gãi đầu gãi tai, hỏi: „Nhưng mà thủ hạ... biết nói gì”? Tổng thống trả lời: „Nói gì cũng được, thích nói gì thì nói”. Tầu đỗ rồi tầu lại chạy. Tổng thống quên cả mình đương là Tổng thống, chẳng đáp lễ ai, cứ chơi tràn.

Bàn bridge cần bốn kỳ thủ, chia thành hai phe. Hai người cùng phe gọi là đối tác, người phe bên kia gọi là đối thủ. Muốn chiến thắng thì hai đối tác phải hợp nhau, quen cách đánh của nhau và rất hiểu nhau. Muốn hiểu nhau, lại phải chơi với nhau nhiều. Tôi và Kowalski từng là đối tác nhiều năm, nên không chỉ biết nhau về bridge, mà còn nhiều thứ. Ông bạn nguyên là Giáo sư, Tiến sĩ, đương kim Viện trưởng Viện hàng không ở một trường đại học kỹ thuật tầm cỡ bậc nhất Ba Lan.

Đầu tiên phải nói, Kowalski cực kỳ đúng giờ. Hẹn năm giờ kém mười năm thì đúng năm giờ kém mười năm bấm chuông hoặc gửi SMS báo: „Tao đến rồi”, „Mày ở đâu”?, „Tao đương chờ dưới nhà”... Chưa hề có chuyện „tao quên”, „hỏng xe”, „tắc đường” hay bất cứ lý do gì. Âu đấy cũng là do bệnh nghề nghiệp. Tôi xưa kia từng là sinh viên khoa điện. Thày tôi thường nói: „Sinh viên các anh các chị cũng giống như dòng điện, chỗ nào điện trở nhỏ là lách”. Giáo sư lên lớp giảng bài mà lề mề như tôi, muộn mươi mười lăm phút thì sinh viên chúng chạy sạch.

Là nhà khoa học có thành quả, có chức vụ, Kowalski cũng không phải là triệu phú hay tỷ phú gì. Nhưng cuộc sống có vẻ rất phong lưu. Tôi chưa hề hỏi: „Lương bổng của mày bao nhiêu?”, „Mày có bao nhiêu tiền?”... Vì theo phong tục của người ta, đấy là những câu hỏi rất thiếu tế nhị. Tuy vậy nhiều lúc trò chuyện, câu vào câu ra cũng bộc lộ rằng, y đóng thuế thu nhập cá nhân ở thang thuế cao nhất trong xã hội. Ngoài chơi bridge ở câu lạc bộ, tham gia các trận đấu, bọn tôi thỉnh thoảng còn tổ chức đánh hữu nghị tại nhà riêng. Đôi khi tôi đến nhà Kowalski chơi, thấy nhà cửa rất sang trọng. Có lần y đến đón tôi, đi chiếc xe địa hình kềnh càng, mới toanh. Rồi tự giải thích: „Tao bây giờ thỉnh thoảng chở thằng cháu nội đi mẫu giáo, phải mua cái này đi cho an toàn”. Nhưng tôi đoán không phải vì „thằng cháu”, mà bạn muốn an ủi tôi, vì xe tôi xấu hơn. Liền nói: „Tiền của làm ra để tiêu pha. Có tiền không mua nhà đẹp mà ở, không mua xe tốt để đi thì tiền của để làm gì”?

Kowalski điềm đạm lạ thường. Như đã nói, bridge là môn chơi khó, có chiến lược, chiến thuật, có phòng thủ, tấn công, có cả những nước đánh vào tâm lý đối phương. Nhiều khi bị thua, nhưng ngay lập tức rất khó xác định nguyên nhân. Có thể do sai lầm của một trong hai đối tác, có thể đối phương cao thủ hơn, có thể đấy chỉ là sự rủi ro thông thường? Song tuyệt đại đa số những người chơi là những kẻ hiếu thắng, ít ai chịu nhận khuyết điểm về mình. Chả trách trong bridge có câu: „Sai lầm bao giờ cũng thuộc về phía đối tác”! Trên bàn chơi phần nhiều thuộc thành phần trí thức mà đôi khi xảy ra những cuộc cãi vã rất gay gắt, chẳng ra thể thống gì. Các đối tác thề không bao giờ là đối tác nhau nữa. Nhưng tuần sau đến câu lạc bộ, thấy lại ngồi với nhau rồi. Riêng Kowalski là đối tác của tôi nhiều năm, nhưng chưa hề nói bất cứ câu gì làm tôi phật ý. Tôi cũng chưa thấy hắn văng tục bao giờ.

Tác giả bài viết (người ngồi giữa) trước giờ thi đấu bridge

Tuy ham chơi, Kowalski cũng là người có trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp. Có lần tôi gọi điện rủ rê. Y từ trối: „Tuần này tao bận. Đương là mùa thi”. Tôi cố gắng thuyết phục: „Sinh viên thi chứ mày thi đâu. Không tìm được thằng trợ giảng nào trông thi thay cho à”? Y khăng khăng trả lời: „Không được. Trưởng khoa không đồng ý”. Tuy nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ. Một lần Kowalski đến đón tôi như đã hẹn. Tôi vừa lên xe, thấy y lẩm bẩm: „Hôm nay đáng lẽ tao phải dự hội nghị khoa học ở Amsterdam”! Tôi ngạc nhiên, hỏi: „Sao lại bỏ hội nghị khoa học, đi đánh bridge”? Y nói: „Vì tuần trước đã chót hứa với mày rồi. Sợ mày không tìm được đối tác thay thế. Tao bảo thơ ký nó đổi vé. Mai bay”.

Răm sáu năm về trước, Ba Lan có quốc tang thảm khốc: máy bay chở vợ chồng Tổng thống và gần một trăm chính khách sang Nga dự lễ kỷ niệm 70 năm cuộc thảm sát Katyń, chẳng may bị rơi, khiến tất cả hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. (Cuộc thảm sát tàn bạo hơn hai vạn công dân và binh lính Ba Lan chạy loạn chiến tranh thế giới thứ hai sang Nga, ở Katyń và vùng lân cận, do Stalin và Bộ nội vụ Liên Xô là thủ phạm – T.Đ.T.). Các hãng truyền thông tới tấp phỏng vấn các chuyên gia. Kowalski là Giáo sư, Tiến sĩ, Viện trưởng Viện hàng không của một trường đại học danh giá, tất nhiên cũng được tìm đến. Hôm ấy bọn tôi trên đường đi đánh bridger. Ngồi xe nghe radio, thấy liên tục nói về việc máy bay Tổng thông bị rơi. Kowalski kể: „Mấy hôm nay tao nghỉ phép. Phóng viên của hãng thông tấn FM đến Viện tìm. Không gặp, nó lại xin thư ký số thiện thoại nhà. Vừa nãy nhấc điện thoại, tao biết ngay là việc phỏng vấn. Liền chẳng tự xưng danh tính, từ trối: „Ông Kowalski không gặp được. Ông ấy đương nghỉ phép”. Tôi hỏi: „Sao không muốn được phỏng vấn”? Y trả lời: „Vì dính dáng đến chính trị chính em, tao không thích”. Tôi nói: „Muốn nổi tiếng, phải chịu khó xuất hiện trên báo chí, radio, ti vi. Tìm những ông to mà chụp ảnh cùng”! Nhưng y trố mắt, có vẻ chẳng hiểu tôi nói gì.

Thời gian gần đây tình hình chính trị Ba Lan không yên. Thỉnh thoảng nổ những cuộc biểu tình rầm rộ, có đến hàng trăm nghìn người tham gia. Theo họ là để bảo vệ Hiến pháp bị nhà cầm quyền mới được bầu vi phạm nhiêm trọng. Nhà cầm quyền lem lém bác bỏ: „Không, chúng tôi hoàn toàn đúng luật, có vi phạm Hiến pháp đâu”. Hôm trước có cuộc biểu tình lớn kiểu ấy thì hôm sau tôi đi chơi bridge với Kowalski. Tôi hỏi đùa: „Thế nào, hôm qua mày có đi biểu tình, phản đối chính quyền vi hiến không”? Y nói: „Tao mặc kệ, biết đâu đến những việc ấy. Với tao đảng nào cầm quyền cũng được. Mình không làm gì nên tội, chẳng lẽ người ta lại bắt tù. Hơn nữa là chuyên gia thì chính quyền nào chẳng cần”.

Ba Lan lại mới bầu được anh Tổng thống rất trẻ tuổi. Cảm giác Tổng thống chẳng làm gì, chỉ người ta đưa gì ký ấy, rồi tiền hô hậu ủng lên núi... trượt tuyết! Đi nhiều mòn vẹt cả lốp ô tô bọc thép công vụ. Có lần đương trên đường đi, xe bất ngờ nổ lốp, lao xuống vệ đường, tý nữa thì chết. Nếu chẳng may chết thật, người sống chắc thể nào chẳng phải nghĩ cách đổ tội cho bọn khủng bố. Chiều hôm ấy tôi ngồi xem chương trình ti vi của một kênh tư nhân phát trực tiếp, trong đó có tường thuật việc xe chở Tổng thống đi trượt tuyết bị cố sự trên đường. Hay nhất là nghe độc giả gọi điện thoại, phát biểu. Những bình luận gửi bằng SMS hiện liên tục trên màn hình. Nhiều bình luận mỉa mai, pha trò rất khôi hài. Tôi cao hứng cũng lấy điện thoại bấm: „Tổng thống có biết chơi bridge không? Xin mời nhập hội bọn tôi. Đánh tiền chỉ một złoty một điểm”! Hôm sau đi chơi với Kowalski, tôi kể chuyện „mời” Tổng thống nhập hội bridge. Kowalski cười, nói: „Hạng người ‘nguyên thủy’ ấy thì chơi thế nào được bridge”!

Kowalski trông oai phong lẫm liệt, nhưng cuối cùng lại hóa ra lại là tay sợ vợ. Một lần tôi chơi brige hữu nghị ở nhà người quen khác. Hôm ấy không có mặt Kowalski. Trong lúc tán gẫu, một anh bạn kể: „Kowalski sợ vợ lắm”. Tôi ngạc nhiên hỏi: „Mày có nói khoác không đấy? Tao đến nhà gặp vợ nó hiền hòa, có thấy nó sợ hãi gì đâu”. Anh bạn kể: „Một lần bọn tao chơi ở chỗ nó. Ngồi đã yên vị, bài bản chia rồi, chuẩn bị đánh thì vợ nó vào ra lệnh phải sang phòng khác, chẳng biết lý do gì. Kowalski im thin thít, không dám cãi câu nào. Bọn tao lại phải lục tục, khuân đồ nghề sang phòng khác”. Tôi nói: „Nhưng nó là Giáo sư, Tiến sĩ cơ mà”. Anh bạn giải thích: „Giáo sư Tiến sĩ là ở trường. Ở nhà không phải là Giáo sư Tiến sĩ”!

Bạn tôi tuy chưa phải là con người hoàn hảo, âu cũng vì chút tình riêng mà tôi hết mực quý trọng. Nhiều vị cũng mang tiếng là Giáo sư Tiến sĩ, ra đường có vẻ quan cách, trong nhà treo ảnh chụp với ông to, trông thấy vợ thì hét ra lửa, nhưng tôi đây cũng không phục.

Trương Đình Toe

Sửa lần cuối 2016-06-28 03:35:51

Bình luận

Bình luận qua Facebook