2016-09-08 03:31:30

Sự tích Vịnh Hạ Long

      Xưa kia xứ Lĩnh Nam bên bờ Đông Hải chưa có người ở, chỉ có giống rồng cư trú. Bên Tây núi non hiểm trở có họ rồng hét ra lửa, gọi là Hỏa Long, an cư; bên Đông giáp biển có họ giồng phun ra nước, gọi là Thủy Long, lạc nghiệp. Cả hai họ rồng đều giỏi phép đằng vân, tức đi mây về gió. Lãnh thổ được phân định rõ ràng. Dọc biên giới trồng nhiều đa cổ thụ, có cây to rồng cuốn khổng xuể. Hai bên chung sống hòa bình kể đã mấy ngàn năm. Nhưng tiếc thay, trên đời chưa có thứ gì có thể trường tồn mãi mãi được.

     Đây nói miền Đông xứ Lĩnh Nam, trong cái động đá có một gia đình Thủy Long trú ngụ. Chồng là Long Chủ, vợ là Long Nữ, sinh được con trai, đặt tên là Tiểu Long. Tiểu Long còn nhỏ, mới ở tuổi sắp đi học, chơi thân với ong vò vẽ, thường ngày thích rủ ra biên giới nô đùa dưới dặng đa. Một buổi sớm Tiểu Long đương ngủ, bỗng tỉnh giấc vì tiếng quát tháo ỏm tỏi, từ phía biên giới vọng về. Mở mắt ra đã chẳng thấy cha đâu. Tiểu Long dạy, rồi theo mẹ cũng ra biên giới. Ở đó hai họ nhà rồng tụ tập đông nghịt, cãi nhau dữ dội. Chú rồng con tần ngần nhìn những cây cổ thụ vĩ đại bị nhổ qua đêm, tung cả gốc rễ, nằm ngổn ngang, mà chẳng hiểu tại sao. Thế là hết chỗ chơi.

     Nguyên nhân của sự xung đột là do bên Hỏa Long tìm thấy một tấm bản đồ cũ, theo đó biên giới phải di dịch mấy dặm, tất nhiên là về phía đông, chạy qua động nhà Tiểu Long, đúng chỗ kê cái bàn thạch để tiếp khách. Long Nữ thường ngày rất điềm đạm, nhưng nghe rõ sự tình thì không nhịn được, quát: „Động này từ bao đời thuộc về ông cha ta. Muốn ăn cướp được, phải bước qua xác ta. Bản đồ của các ngươi hãy mang ra mà chùi cái chỗ ở dưới đuôi”. Long Chủ nghe thấy lật đật chạy từ trong đám đông ra, nạt vợ: „Về động ngay tức khắc! Hoạch định biên giới để vua và các quan làm. Đừng có thêm dầu vào lửa. Đàn bà con gái biết gì”. „Mẹ con mình về” – Long Nữ bực bội dắt Tiểu Long về động. Sau đó thì ngoài biên giới cũng im ắng dần, cứ như việc mẹ con Long Nữ bỏ về có ảnh hưởng gì đến thời cuộc.

     Vấn đề tranh chấp biên giới chắc có thể giải quyết được bằng phương pháp hòa bình, nếu như sau đó không xảy ra những việc đáng tiếc. Bấy giờ dân Thủy Long bên Đông nuôi phượng hoàng, dân bên Tây nuôi Kỳ Lân. Khi đa và cổ thụ ở biên giới bị nhổ rồi, chẳng có gì cản trở, phượng hoàng bên Đông sang bên Tây bới móc kiếm ăn. Dân Hỏa Long không dung, vác gạy đuổi chúng chạy tán loạn, bay mất sạch. Đến trưa một con kỳ lân bên Tây lạc sang bên Đông, lon ton chạy từ phiến đá này sang phiến đá khác rồi dừng lại ngửi, chẳng biết ngửi gì? Thủy Long Vương trông thấy, liền lôi trong kho ra cái máy ném đá đã cũ kỹ, thời xưa dùng để công thành, đặt tảng đá vào, nhún mình, nhảy lên đáng rầm một cái. Tảng đá bay vun vút, phang trúng vào mông con kỳ lân. Con vật bất thình lình trúng đạn, kếu đánh ẳng một tiếng rồi cắm đầu chạy như điên như dại, một mạch mấy chục dặm mới dừng, quay cổ lại nhìn như muốn hỏi: „Ta có tội gì đây”? „Khà khà..., trúng rồi”. – Thủy Vương khoái chí cười ầm cả lên. Thế là cuộc xô xát về biên giới lại bắt đầu, còn dữ dội hơn cả buổi sáng. Chỉ thấy tiếng quát tháo, chẳng ai chịu nghe ai. Hai vua của hai bên cũng nghển cổ, nhổ vào mặt nhau. Cuối cùng Hỏa Long Vương đuối lý, tức tối tóe cả khói ra đằng mũi, hét lớn: „Thế thì sẽ để cho Trời phân xử”! – Trời phân xử theo tục lệ của rồng nghĩa là chiến tranh, bên nào thắng, bên ấy phải. Rồng ở cả hai bên bỗng câm tịt, hốt hoảng nhìn nhau. Chiến tranh thì sẽ nhiều kẻ tan xương nát thịt. Nhưng sự việc đã đi quá xa. Lỡ lời nhiều khi không cứu vãn được. Hai vua hẹn nhau sáng hôm sau khai chiến.

     Long Chủ về đến động, phàn nàn cùng vợ: „Dân cư trong nước thưa thớt. Hàng ngàn năm nay chẳng ai lo việc võ bị, binh thư cũng không kẻ nào chịu học, toàn học những thứ nhảm nhí. Bây giờ có biến thì làm thế nào”? - Rồi rút từ vách đá xuống quyển sách dày, bụi bám đầy, thổi đánh phù một cái, bảo con – Sách này là binh thư do cụ nội nhà ta soạn ra, gồm 36 chương, 360 hồi, 3600 trang. Cha muốn con học theo, sau này gắng sức mà làm rạng danh nòi giống. Sách rất uyên thâm, chỉ tiếc rằng chưa có ai đọc cả”. „Chưa ai đọc thì sao biết sách uyên thâm”? – Tiểu Long ngạc nhiên. „Cha biết được vì ông nói thế; ông biết là do cụ truyền lại; mà cụ thì chắc chắn là biết sách uyên thâm vì chính tay cụ viết ra”. „Thế thì cụ nhà ta cũng là rồng có tài”. „Chứ sao nữa. Nhưng cũng chỉ vì tài mà nên vạ” – Long chủ thở dài. „Sao lại vì tài mà nên vạ, thưa cha”? „Ngày xưa cụ ở trong Hội Long Văn, tức là Hội những người biết viết. – Long Chủ giảng giải – Hội có đến tám nghìn sĩ tử, nhiều hơn cả số rồng biết đọc trong nước”. „Chữ nghĩa nước mình rắc rối, con thấy khó đọc lắm”. „Không phải thế - Long Chủ lại giải thích. – Mù chữ không phải là không biết đọc. Đọc nhưng chẳng hiểu gì cũng là mù chữ. Vì rồng biết viết hơi nhiều, mà rồng biết đọc hơi ít, nên các cụ có viết ra cũng chẳng ai đọc”. „Vậy thì viết ra làm gì”? „Thế mới nên chuyện. Nguyên xưa kia cố Thủy Vương bị bệnh ghẻ kinh niên. Hội Long Văn do Vương lập ra không phải để viết văn mà để gãi ghẻ. Gãi trúng chỗ ngứa thì được chút bổng lộc; vô phúc gãi phải chỗ không ngứa thì vạ gió tai bay. Nhưng khổ lắm, các cụ cứ thích nhập Hội, vì rằng thỉnh thoảng được vua ban ân và đi đến đâu cũng được dân chúng đồng tâm cong đuôi lên vẫy. Mà đã có Hội thì phải bầu ra Hội trưởng. Mỗi sĩ tử viết tên rồng mình muốn bầu vào tàu lá chuối rồi ném vào cái thùng. Lúc kiểm phiểu mỗi cụ được đúng một phiếu. Chỉ có một cụ được hai phiếu. Riêng cụ nhà mình chẳng được phiếu nào, thế là được bầu ngay làm Hội trưởng”! „Ô – Tiểu Long ngạc nhiên. – Con tưởng ai nhiều phiếu nhất thì được bầu”. „Tục lệ ngày xưa nó khác – Long Chủ nói. - Bây giờ phong tục tập quán bị đảo lộn lung tung. Cụ nhà mình được bầu làm Hội trưởng nhưng không biết gãi ghẻ. Muốn thoái thác lại chẳng nghĩ được mưu kế gì hay, bèn khuyên vua giải tán Hội. Lúc ấy Thủy Vương đương bị con ghẻ bằng con ba ba ra sức cắn. Năm sĩ tử xúm vào gãi cũng không lại. Nghe cụ nói đến giải tán hội, Vương nổi giận lôi đình, ra lệnh bắt cụ đi phát vãng, bây giờ ta gọi là đi cải tạo, ở tận Nam Hải. Rồi cụ mất ở đấy. – Nói đến đây Long Chủ rơm rớm nước mắt – Ngày mai cha mẹ ra trận, con ở nhà phải đọc cho cha nửa trang binh thư của cụ”. Long Nữ vẫn mặc cho hai cha con trò chuyện, giờ nghe chồng nói mình cũng phải ra trận thì giãy nảy: „Sao? Lý gì mà tôi cũng phải đi? Sách binh thư của cụ viết thế ư”? „Sách của cụ đã ai đọc mà biết viết gì – Long Chủ nói. – Nhưng mình cũng phải có lòng yêu nước chứ”. „Sao bảo đấy là việc của vua và các quan. Tôi đàn bà con gái biết gì”! „Trai thời loạn, gái thời bình. Chỉ tiếc rằng mẹ mày là rồng nữ”. „Sao ngày trước không tìm rồng nam mà cưới, lại cưới tôi”? „Mẹ mày dở hơi. Cưới rồng nam thì sinh thế nào được Tiểu Long”. Tiểu Long không hiểu tại sao, nhưng thấy cha mẹ cứ cãi nhau như vặt thịt thì buồn lắm. Vả lại chưa biết chiến tranh nguy hiểm đến mức nào. Chỉ thấy cha rất muốn mẹ đi cùng, liền nói: „Mẹ không biết đánh nhau. Nhưng nếu có Thủy Long nào bị thương, mẹ có thể băng bó cho”. Cuối cùng Long Nữ cũng đồng ý theo chồng ra trận.

     Sáng hôm sau Tiểu Long tỉnh giấc thì bố mẹ đã đi rồi. Ăn sáng xong, nhớ lời cha dặn, cũng giở binh thư ra nhưng không bụng dạ nào mà đọc được. Liền quẳng đấy, chạy ra khỏi động. Chợt có bạn thân là ong vò vẽ bay đến. Vò vẽ hỏi: „Nghe nói hai họ nhà rồng đánh nhau to. Tiểu Long định đi đâu”? „Ta muốn ra đấy xem, may ra có thể hỗ trợ gì cho cha mẹ”. „Cho ta đi với” – Ong vò vẽ nói. Tiểu Long dựng đuôi lên cho vò vẽ bám bào, rồi lũn cũn chạy ra bờ biển, nơi hai họ nhà rồng giao tranh. Giống rồng chiến tranh bao giờ cũng trên mây. Tiểu Long còn nhỏ, chưa học được phép đằng vân, đứng dưới đất nghển cổ nhìn, chẳng biết bên trên việc gì xảy ra. „Tiểu Long hãy chờ đây, để ta lên do thám”. – Vò vẽ nói rồi bay vút lên không trung.

    Trên mây hai bên đã dàn trận. Phía Hỏa Long cờ xí rợp trời, giáo gươm sáng quắc, rồng nào trông cũng oai phong lẫm liệt. Hỏa Long Vương đích thân đốc chiến. Giống rồng vốn có vảy cứng tự nhiên, giao tranh không cần mặc giáp. Nhưng Hỏa Vương là vua, muốn thêm phần cao quý, sai thửa bộ giáp trụ bằng vàng. Ra trận sợ vàng bị hỏng, lại khoác thêm bộ giáp sắt. Sắt thì cái dở là hay gỉ, phải quét thêm lớp sơn bảo vệ, rồi phết thêm lớp nhựa cây trong suốt cho bóng. Lại vẽ hưu vẽ vượn trang trí. Bên phải Hỏa Vương có năm rồng khỏe, gọi là ngũ hổ đại tướng, vác dao đứng hầu; bên trái có một rồng lớn, gọi là phiêu kỵ tướng quân, cầm giáo dài hộ tống. Hỏa Vương đứng trước ba quân, oang oang truyền lệnh: „Trẫm lấy đuôi buộc cờ vào làm hiệu. Khi dựng lên, các ngươi phải tiến; khi cụp xuống, các ngươi phải chạy cho mau. Ai trái lệnh chém ngay”. Hỏa Long Vương nói rồi nghe nguẩy đuôi, ngoái cổ nhìn, lấy làm đắc chí. Bên kia trận Thủy Long Vương sợ run, mặt mày tái mét, cắt không còn hột máu, bảo các tướng: „Đuôi thằng giặc già trông hùng dũng lắm, không phải đuôi thường. Trẫm coi nó dài hơn hôm qua! Không thể dùng sức mà địch nổi. Các khanh có mưu kế gì không”? Chúng tướng nhìn nhau, chẳng có ai nghĩ ra mưu kế gì. Bỗng một quân sư vốn là hoạn quan xuất thân, bước ra tâu: „Chúa công nó phải lắm. Cái đuôi hôm qua của nó là đuôi khác”! Thủy Vương ngơ ngác, hỏi: „Tiên sinh dạy gì mà lạ thế”? „Tôi nghe nói bên Tây có một hồ nước lớn trên đỉnh núi. Đấy rất nhiều cá mập. Thủa nhỏ Hỏa Vương đi tắm bị chúng cắn đứt đuôi. Từ đó phải đeo đuôi giả. Trong kho hắn có mấy chục cái đuôi dự trữ. Đuôi giả trông oai phong, nhưng không lợi hại bằng đuôi thật”. Thủy Vương nghe nói bấy giờ mới hơi vững dạ. Nhưng những việc xảy ra ngay sau đó chứng tỏ hùng hồn rằng gã quân sư hoạn quan nói láo. Đuôi của Hỏa Vương là đuôi thật và cố nhiên không thể dài hơn hôm qua. Chẳng qua Thủy Vương sợ quá, hoa mắt mà nhìn nhầm ra như thế.

     Trong lúc hai bên đương điều quân khiển tướng, dục dịch chuẩn bị giao chiến thì ong vò vẽ bay tới. Nhìn Hỏa Long Vương dưng dưng tự đắc, vò vẽ bực lắm, lao xuống, chui qua khe hở giáp trụ, bám vào đuôi y. Rồi giương ngòi, ra sức đốt, bơm lọc độc vào. Hỏa Vương vừa đau vừa ngứa. Muốn gãi nhưng ngón tay to quá, không lách qua được hai lần giáp trụ. Tháo giáp ra cũng không ổn, đánh nhau đến nơi rồi. Hỏa Vương loanh quanh trên đám mây, chẳng ngờ sơ ý trượt chân, ngã từ trên ngã xuống. Một tiếng nổ vang trời. Đất đá, nước biển bay lên mù mịt. Quân tướng Hỏa Long tưởng vua mình hóa phép thần thông, hò hét inh ỏi để trợ oai. Nhưng được một lúc thì im ắng dần, thấy chủ soái cứ nằm phủ phục dưới đất, không cựa quạy. Viên tướng đứng đầu ngũ hổ đại tướng linh cảm thấy việc chẳng lành, nói: „Hỏng hỏng. Sao đuôi Hoàng Thượng cứ cụp xuống mãi”. Nguyên là Hỏa Vương bị ngã đau quá, không thể nào dạy được, gãy mất cả đuôi. Hàng ngũ bên Hỏa Long đã có chiều lộn xộn. Bỗng viên phiêu kỵ tướng quân hét lên một tiếng, quẳng giáo rồi ù té chạy. Thế là hoảng loạn. Quân tướng Hỏa Long dẵm cả lên nhau mà tẩu tán. Nhiều rồng lửa chết oan. Thoáng một tý đã mất hút cả, chẳng còn mống nào.

     Đây lại nói ong vò vẽ đương đốt Hỏa Vương, bỗng nghe tiếng gió thổi ù ù, lấy làm lạ. Rút ngòi chui ra thì thấy mình đương bị rơi tự do. Liền vội vã vỗ cánh bay đi mà thoát nạn. Tiểu Long đứng dưới đất chờ tin bạn, đương nóng ruột, bỗng thấy một con rồng lửa lừng lững như quả núi, từ trên trời rơi xuống. Mặt đất rung chuyển. Tiểu Long không còn hồn vía nào, quay đầu ù té chạy về động, trèo lên giường đá, đắp chăn đá phủ kín đầu.

     Bên Thủy Long thắng to. Vua quan kéo nhau đi mở tiệc ăn mừng. Gã quân sư hoạn quan chuyên ăn gian nói dối, dựng đứng ra chuyện Hỏa Vương vị cá mập cắn đứt đuôi, nhưng vua tưởng y giỏi, phong làm thừa tướng, ăn lộc vạn hộ, thu thuế bạt mạng mà không phải nộp công quỹ một xu nào. Các quan lớn nhỏ đều được thăng thưởng cả. Vợ chồng Long Chủ thuộc đại đa số các rồng không công cán, nên cũng chẳng có thưởng phạt gì. Chỉ mỗi rồng được nhận một mảnh giấy vua ban, có đóng dấu ngọc tỷ, đem về dán đầy vách động làm kỷ niệm. Long Nữ lầm bầm: „Đấy chẳng qua là việc đem cái vạ thật đổi lấy cái danh hão”. Long Chủ nói: „Ra trận không hy sinh, mang được cái xác về cũng là vinh hạnh lắm rồi còn kêu ca gì nữa”.

     Quá trưa sang chiều vợ chồng Long Chủ mới về đến động. Tiểu Long từ trong chăn lổm ngổm bò ra. Thấy con, Long Chủ khoe: „Thắng rồi. Cha đã hoàn thành nhiệm vụ một cách vẻ vang. Còn con ở động đã đọc nửa trang binh thư của cụ chưa”? Tiểu Long chột dạ. Tưởng cha ra trận thì nhớ gì đến việc cỏn con. Nhưng đối với cha mẹ, bao giờ cũng phải trả lời đúng sự thật: „Sách dày 3600 trang, con biết đọc trang nào”? „Ừ nhỉ - Long Chủ nghĩ ra. – Cha quên không dặn con là sách có dày đến mấy, bao giờ cũng bắt đầu đọc từ trang một”. Tiểu Long được cha xoa đầu khen ngoan, bấy giờ mới cảm thấy thư thái trong lòng.

     Chuyện còn rất dài, nhưng xin tạm dừng ở đây. Chỉ thêm rằng, chỗ Hỏa Long Vương rơi xuống, cả một vùng đất bị lún, nước biển chảy vào, biến thành một cái vịnh cực đẹp, gọi là Vịnh Hạ Long.

Trương Đình Toe

Sửa lần cuối 2016-09-08 01:33:50

Bình luận

Bình luận qua Facebook