2016-09-19 18:47:54

Cảm nhận về Trung thu 2016 ở chùa Nhân Hoà- Ba Lan 

Chủ nhật - 18/9/2016), tại Chùa Nhân Hoà gần thủ đô Vac Sa Va - Ba Lan, Trung thu muộn hơn so với lịch, nhưng hết sức đông vui và ý nghĩa. Có thể nói đây là ngày hội của bà con xa xứ có đông các cháu bé nhất. Đấy là các công dân được sinh ra chủ yếu trên đất nước Ba Lan hiền hoà, nơi gần như mọi gia đình gắn bó như chính quê hương của họ.

Có nhiều lý do để cộng đồng người Việt chọn Chùa Nhân Hoà làm nơi tổ chức trung thu cho bọn trẻ. Một trong những lý do đấy là khuôn viên của chùa rộng rãi, thoáng mát, có nơi vui chơi, có bãi đỗ xe và quan trọng là có những con người thích làm việc"Chùa"để mang lại niềm vui cho người khác.

Hàng trăm thiếu nhi và phụ huynh đã đến dự .( Ảnh QV)

Những phụ huynh dành buổi chiều chủ nhật để đưa con cháu về đón trung thu muộn, có thể vì lý do gì đấy( giả thiết thôi) họ có chút không hài lòng. Cũng có thể lắm chứ, vì với hàng trăm cháu bé, đương nhiên phải kèm theo hàng trăm phụ huynh đi cùng. Làm sao tránh thiếu sót chỗ này, chỗ nọ. Nhưng, nếu nhìn lại các điểm vui chơi không ai biết rằng chỗ các cháu đang chơi kéo co, ngày hôm trước còn là khoảng đất đá nhọn lởm khởm. Để đổ cát và san bằng những người tình nguyện sau khi lễ Phật đã ở lại để nhặt từng viên đá nhỏ, cạy từng viên đá nhọn cắm sâu trong đất bằng chính bàn tay mềm mại của họ... Những ngôi sao năm cánh, thứ quà trung thu không thể thiếu được, những trống bỏi, những mặt nạ và nhiều món quà khác được chuyển từ Việt Nam sang kịp ngay trước ngày tổ chức ở chùa. Khi vận chuyển các món quà được dồn ép lại, vì thế phải ngồi lắp ráp tỷ mỉ từng bộ phận để có phần quà hoàn chỉnh. Những người làm việc"Chùa" đã hết sức tỷ mỷ dành cả khoảng thời gian quý báu của buổi chiều thứ 7, nhưng ai cũng vui vẻ mà chẳng chút kêu ca... Tất cả những gì mọi người nhìn thấy từ trang trí, bàn ghế, bãi vui chơi v.v.v... Không phải ngẫu nhiên mà như vậy, xin đừng phàn nàn chê trách vì sự tận tuỵ để có cuộc vui ý nghĩa cho các cháu đều xuất phát từ chữ "tâm" của mọi người tham gia.

Khâu ẩm thực cũng là một trong những việc được mọi người quan tâm nhất. Với thời gian từ 13h- 17h, các cháu và phụ huynh cũng đã cần"nạp thêm năng lượng". Những đĩa xôi vò, những khay bánh cuốn, những đĩa bánh dẻo, bánh trung thu, những nồi chè thơm ngon và các loại quả, cả mâm cỗ Trung Thu tượng trưng...còn nhiều loại khác nữa vừa mang ý nghĩa trung thu cổ truyền, vừa mang nội dung phục vụ tận tình khách đến dự... Tất cả những thứ đấy đều do mấy anh chị em hay vào chùa tự tay nấu và thao tác. Thứ gì cần đặt mua, thứ gì tự tay làm để tiết kiệm và hợp khẩu vị. Không thể kể hết các việc trong lễ hội này. Những thứ dù rất nhỏ như bày cỗ, bưng bê thức ăn, thu dọn rác, rửa bát chén, vệ sinh khu vực chùa.v.v.v...những thứ sau khi hàng mấy trăm người vui vẻ ra về, những người làm việc"Chùa"lại tự giác chẳng ai bảo ai thu dọn sạch sẽ, trả lại không gian trang nghiêm và yên tĩnh chốn Phật đường...

Nhiều thứ không kể hết ở đây, nhưng thứ quan trọng nhất tôi muốn chuyển tải để mọi bậc phụ huynh được biết thêm là ý nghĩa của việc tổ chức Trung Thu cho các cháu. Chúng ta, những người đã và đang làm cha, làm mẹ, các con của chúng ta sinh sống ở xứ người, dù có cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần. Nhưng như thế không phải đã là tất cả, các cháu đều có nguồn cội Á Đông. Việc mỗi năm cứ đến rằm tháng tám, từ xa xưa đã có phong tục: Đêm trung thu, khi trăng rằm treo lơ lửng sáng nhất trên cao, ở hạ giới các cháu nhỏ rồng rắn cùng nhau tay cầm đèn ngôi sao, đèn lồng có hình các loại người hoặc thú chạy quanh đèn. Bọn trẻ miệng gọi nhau í ới, vui vẻ kéo về chỗ lễ hội người lớn bày ra hoặc ở đình làng, hoặc ở bãi đất trống. Tại đây bọn trẻ được xem múa lân, múa sư tử với trống chiêng rộn ràng náo nức. Tại đây bọn trẻ được thả sức nô đùa và chơi các trò vật nhau, kéo co, múa sạp...Tại đây sau khi nô đùa với bộ mặt đỏ phừng phừng và mồ hôi nhễ nhại, chúng vui vẻ ngồi bên mâm cỗ bày các loại hoa quả như bánh Trung thu, bưởi( hai loại không thể thiếu trong mâm cỗ), ngoài ra còn bao thứ khác nữa tuỳ từng vùng. Chúng phá cỗ, ăn uống, vui cười và hình như chúng lớn lên, khôn lên sau mỗi lần phá cỗ Trung Thu hàng năm. Chính nhờ các ký ức về các ngày trung thu người lớn dành cho bọn trẻ, nhờ vậy trong lòng các cháu niềm yêu quý quê hương, ông bà, cha mẹ cho dù đã khôn lớn, đối với chúng vẫn gắn bó vô cùng. Dù đi đâu xa, quê hương nơi có gốc rễ gia đình và tuổi thơ của mỗi người, nơi ấy vẫn là chốn bình yên nhất cuộc đời của họ.

Chúng ta dù đang sống trên đất người, dù mỗi gia đình vẫn quan tâm đến Tết Trung Thu của con cháu mình, chúng ta cũng có thể tự mua sắm và tổ chức cho riêng con cháu mình. Nhưng cái không khí náo nức ngày lễ của chúng lại thiếu mất sự ồn ào của chúng bạn, thiếu mất những đồ chơi và tiếng trống vang rộn ràng của múa lân, múa sư tử. Chúng thiếu sự đồng tâm hiệp lực trong cuộc chơi kéo co, thiếu nhiều thứ mà tuổi thơ các cháu phải gò mình trong khuôn khổ các trường lớp... Chính vì thế, những người lớn đã dành cho bọn trẻ không gian riêng để chúng hoà mình vào một phần không khí xưa, khi ông bà, cha mẹ của chúng đã được thưởng thức... Chính vì thế những người lớn ở Chùa Nhân Hoà đã dùng chữ"tâm" khiêm tốn của mình làm nên ngày Tết Trung Thu cho các cháu.

Thay mặt các cháu đến dự, cảm ơn chùa Nhân Hoà, cảm ơn: Trung tâm văn hoá tâm linh, Hội người Việt tại Ba Lan, hội phụ nữ, Văn trường Võ Quán... và xin cảm ơn các ông bà, các cô bác, các anh, các chị đã rất nhiệt tình. Cảm ơn các bậc phụ huynh đã tạo mọi điều kiện để các cháu đến vui chơi. Trung Thu vì thế rất ý nghĩa!


Vac Sa Va

19/9/2016 

Nguyễn Mai Lê - Ảnh của bạn bè trên FB

Sửa lần cuối 2016-09-20 04:33:35

Bình luận

Bình luận qua Facebook