Hiện số người Việt còn trụ lại ở Nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng là khoảng 120 người, trong khi lúc đông nhất lên đến hơn 400 người.
Mới đây, trong chuyến công tác tới vùng đất nóng nhất của cuộc khủng hoảng Ukraine -Donbass - nhóm phóng viên Việt Nam đã có dịp tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp những người Việt Nam vẫn đang trụ lại ở đây với muôn vàn khó khăn.
Bà con Việt kiều tại Donetsk chụp ảnh cùng nhóm phóng viên Việt NamVẫn những cái bắt tay hồ hởi, vẫn những nụ cười hiếu khách, bà con người Việt đang còn sinh sống ở thành phố Donetsk đã đón nhóm phóng viên tới thăm trong một buổi chiều muộn, sau một ngày chợ. Đây là khu dân cư có nhiều căn hộ của người Việt, nằm ở phía Tây Bắc thành phố, gần sân bay Donetsk.
Hầu hết các gia đình bà con còn trụ lại đây là những người đã mua được căn hộ riêng, mua được xe cộ và cuộc sống vốn đang rất ổn định. Họ chỉ đầu tư vào việc mua, bán hàng hóa ở chợ và đầu tư cho con cái học hành chứ cũng không mấy người có tích lũy tiền mặt.
Tuy nhiên, cuộc sống của bà con giờ đây đang trong muôn vàn gian khó và cũng không ít hiểm nguy và việc vì sao bà con vẫn trụ lại đây, thì mỗi người lại có một hoàn cảnh khác nhau.
Anh Nguyễn Văn Long, sang Donetsk từ năm 1988, có 3 con, đều đang học ở Donetsk cho biết: “Nhà tôi vì có con cái đang học dở năm thứ 5 đại học nên phải chờ cho các cháu học xong, lấy bằng tốt nghiệp để có thể đi làm hoặc về Việt Nam rồi sau đó mới đi đâu thì đi.... Mọi người vẫn ở lại đây nhưng nếu chiến sự lại xảy ra thì chắc chắn là chúng tôi phải rời đi thôi”.
Khu vườn trồng rau để cải thiện cuộc sống của một Việt kiều tại Donetsk
Anh Vũ Văn Cương, quê Hải Dương, sang đây từ năm 2000 cũng vì mục đích mưu sinh nên lý do anh còn ở lại đây là: “Tôi sang đây cũng được hơn chục năm rồi. Chúng tôi sang đây để mưu sinh nhưng không ngờ lại có chiến tranh. Nhà tôi và các cháu sẽ phải sơ tán khỏi vùng này để tránh bom đạn. Còn một mình tôi ở đây vẫn phải bám trụ để trông nhà, trông hàng chứ không còn cách nào cả”.
Anh Trịnh Văn Tiên, uỷ viên Ban Chấp hành Hội người Việt tại Donetsk, người đã nhiều lần thông tin cho chúng tôi qua điện thoại về tình hình bà con ở đây, giờ cũng vẫn trụ lại với cùng những nguyên nhân đó. Anh vẫn là “đầu tàu” của cộng đồng để khi có việc gì lại thông tin tới bà con hoặc tiếp nhận thông tin của bà con để cùng nhau tìm cách tháo gỡ.
Anh Tiên cho biết: “Đến thời điểm này, tiếng đạn pháo cũng đã bớt rồi, bà con cũng bắt đầu lại đi ra chợ làm ăn, nhưng chợ búa bây giờ cũng kém, không bán được vì dân không có tiền. Bà con cũng đành cố gắng làm lụng để trang trải cuộc sống. Còn bây giờ, nếu bảo đi sơ tán tiếp thì, những người có điều kiện thì họ đã đi rồi, còn những gia đình không có điều kiện thì đi hết tiền cũng phải quay về”.
Một khu nhà có nhiều người Việt sinh sống nhiều năm nay
Có lẽ, đó là câu trả lời cho những thắc mắc lâu nay của nhiều người về việc vì sao bà con mình không đi sơ tán hết ngay khi chiến sự nổ ra. Cái khó vẫn luôn luôn hiện hữu khi bối cảnh chung của Donetsk hiện nay vẫn đang là “thời chiến”, dù Hiệp định Hòa bình Minsk-2 vẫn đang có hiệu lực.
Giờ đây, làm gì, đi đâu mọi người cũng phải nhớ trở về nhà trước 10h đêm, bởi từ 10h trở đi là giờ giới nghiêm, vốn đã được áp đặt từ hơn 1 năm nay. Hơn nữa ra đường trong thời điểm này là hoàn toàn không có lợi bởi những cảnh loạn lạc có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Những ngày gần đây, tiếng súng lại bắt đầu xuất hiện trở lại và nguy cơ tái diễn xung đột súng đạn là điều không tránh khỏi.
Thế nhưng, trong muôn vàn khó khăn đó, những người đồng hương nơi xa xứ này vẫn luôn gắn bó, đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau.
Một căn hộ của bà con người Việt bị trúng đạn pháo, rất may không ai bị thương
Nói về sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau và từ các cơ quan, đoàn thể, các nhà hảo tâm, anh Tiên cho biết: “Kể từ khi chiến sự xảy ra chúng tôi có nhận được sự động viên, quan tâm của chính quyền, Đại sứ quán, của các tổ chức... Cũng có những công ty đã tài trợ cả về vật chất và tinh thần. Chúng tôi cũng rất biết ơn và trân trọng sự động viên của họ.
Gần đây nhất, có ông Phan Đình Tâm là doanh nhân ở thành phố Hồ Chí Minh, khi biết khó khăn của bà con trong bối cảnh kinh tế bị phong tỏa, đi lại khó khăn, ông đã gửi tiền giúp đỡ 100 người bà con đang kẹt lại ở đây 100.000 Hryvnia để bà con làm giấy thông hành, đi lại, đề phòng chiến sự căng thẳng thì bà con có giấy tờ hợp pháp ra khỏi vùng chiến sự”.
Giờ đây, bên cạnh những khó khăn về mưu sinh hàng ngày, bà con người Việt còn gặp một trở ngại lớn nữa là chưa thể có đủ điều kiện cho các thủ tục, giấy tờ để có thể đi lại giữa các vùng của Ukraine, thậm chí là sang Nga khi có tình hình khẩn cấp. Việc cấp giấy thông hành là rất lâu với những quy định ngặt nghèo. Ngay cả những quyền lợi chính đáng để được nhận cứu trợ như những người dân sở tại cũng khó vì là người nước ngoài...
Khu sân chơi của trẻ em giờ luôn vắng bóng người
Bà con mong lắm một sự hỗ trợ kịp thời từ phía các cơ quan chức năng Việt Nam cả ở trong nước và ở Ukraine, ở Nga... để bà con yên tâm sinh sống và đặc biệt là an toàn trong những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra bất cứ lúc nào./.
Điệp Anh, Đoan Hải/VOV- Moscow
Bình luận