2017-12-16 17:10:29

Thêm một Hiệp hội ra tay hỗ trợ doanh nghiệp vùngWólka Kosowska

     Ắt hẳn không phải ai cũng biết là trong Wólka Kosowska có một hiệp hội đã được đăng ký chính thức và đang hoạt động với tên gọi „Hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp vùng Wólka Kosowska – Wólka Center” do ông Trần Trọng Hùng giữ cương vị chủ tịch Ban chấp hành, các ông Büyükbayrak Sait, Hoàng Xuân Bình và Han Baohua giữ cương vị phó chủ tịch và một số người Việt khác có tham gia ở các cương vị khác.

Ngày 15/12/2017 một số đại diện của Hiệp hội nói trên đã đến gặp ông Piotr Dziedzic - Giám đốc Ủy ban phòng chống Tội phạm Kinh tế thuộc Bộ Tài chính Cộng hòa Ba Lan nhằm thảo luận về một số vấn đề mang tên „Chương trình Sửa chữa”. Chương trình này đã được đề xuất từ cuộc gặp gỡ trước đây tại Phòng quản lý thuế tỉnh Mazowiecki. Ông Marcin Kopczyk – Giám đốc Sở Hải quan- Phòng thuế tỉnh Mazovia, người đang trực tiếp chỉ đạo cuộc kiểm tra tại Wólka cũng có đến cùng tham gia cuộc gặp mặt.

Trong 2 tiếng đồng hồ, hai bên đã bàn bạc thẳng vào vấn đề đang nóng hổi ở Wólka Kosowska. Ông Trần Trọng Hùng đã thay mặt hiệp hội gửi tới ngài Giám đốc Piotr Dziedzic đề xuất „Chương trình Sửa chữa”, đồng thời nói rõ thêm về sự thành công chung của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống ở Cộng hòa Séc và chính quyền quản lý thuế ở Cộng hòa Séc (Quê Việt cũng đưa ra một số thông tin trong bài viết „Phải thích ứng với hoàn cảnh mới” của ông Trần Quốc Quân).

Ông Piotr Dziedzic cũng trình bày những điểm ông quan tâm để có thể tiến tới được sự phối hợp của các bên. Cả hai bên có nhiều điểm thống nhất, đặc biệt là về vấn đề đang tồn đọng đã lâu là phải làm thế nào giải thể bằng được khu vực gọi là „chợ đêm”, nơi mà chuyên bán hàng nhái và hàng quốc cấm, mặc dù các cơ quan công quyền đã bắt giữ rất nhiều lần những người buôn bán lậu ở đây, tịch thu hàng hóa trái phép của họ, nhưng rồi khu chợ này vẫn cứ tồn tại, có vẻ như trêu tức người những người thi hành công vụ. Do vậy lần này, Sở Hải quan- Phòng thuế tỉnh Mazovia đã đưa ra đề xuất mới về cách thức kiểm tra những doanh nghiệp đang buôn bán ở Wolka: kiểm tra liên tục, không nương tay.

Ngoài ra khu vực này cũng khá „nổi tiếng” về những phi vụ tổ chức kiếm lơi nhuận bất hợp pháp từ những những cuộc chơi cá cược, những sòng bạc hay những casino trái phép, với số lượng tiền quay vòng khổng lồ và tất nhiên là nhà nước Ba Lan không thu được một đồng xu thuế nào từ những hình thức „kinh doanh làm ăn’ này của những người dân xuất xứ từ Châu Á.

Rất may là ở Wólka Kosowska không thấy xuất hiện những chuyện làm ăn phi pháp liên quan đến những vườn trồng cần sa và cũng không có những hộp đêm (mà rất hay liên quan đến những chuyện buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ) với những tên gọi như người Ba Lan thường biết đến là „Agencja towarzyska - Hãng bạn bè trò chuyện ban đêm”, nhưng các cơ quan an ninh Ba Lan luôn cảnh giác và cảnh báo là phải làm sao để khu vực này cũng không được phát triển những chuyện buôn bán những đồ vật nguy hiểm như dao, kiếm, mã tấu v.v...

Ông Piotr Dziedzic cũng khuyến cáo thêm về việc nhập hàng từ các cửa khẩu biển của Ba Lan như Gdansk, mọi việc phải được tiến hành phù hợp với những quy định trong hoàn cảnh mới.

Phía hiệp hội cũng lần lượt trình bày cho các cơ quan chức năng biết về các điểm chính của Chương trình Sửa đổi và nhấn mạnh là họ cần thời gian 6 tháng để triển khai chương trình này, mang tính chất giáo dục những kiến thức cơ bản cũng như nâng cao ý thức cho mọi người dân biết về quyền lợi cũng như trách nhiệm trong việc đóng thuế nói riêng và khi điều hành doanh nghiệp nói chung.

Các điểm cụ thể của chương trình nói trên như sau:

1. Tổ chức các cuộc gặp gỡ đưa ra mọi thông tin với sự tham gia của các cơ quan chức năng và những ban ngành có liên quan thuộc Bộ Tài chính Ba Lan và các Hiệp hội (cụ thể là các doanh nghiệp).

Mục đích là để truyền đạt lại quyết tâm (kiểm tra, đưa hoạt động kinh doanh vào nề nếp) của Bộ tài chính Ba Lan, nhằm làm tăng sự minh bạch và hợp pháp của mọi hoạt động kinh doanh tại Wólka Kosowska và trên khắp Ba Lan. Như vậy người dân và các doanh nghiệp Ba Lan sẽ không còn thắc mắc là chỉ có họ chấp hành kinh doanh theo đúng luật pháp, còn người nước ngoài vẫn đang lạm dụng, buôn bán trái phép (bán lậu, bán rẻ hàng hóa) ở quốc gia của họ.

Mục tiêu cũng là làm cho các doanh nhân xuất xứ từ nước ngoài nhận thức được mọi quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến những công việc việc kinh doanh tại Ba Lan.

2. Thành lập một Nhóm đại diện chung bao gồm các đơn vị được liệt kê trong điểm 1 nói trên, để phối hợp và theo dõi tiến độ của Chương trình Sửa đổi.

3. Phân tích một trường hợp tương tự tại CH Séc, nơi chính quyền quốc gia này đã dần dần đưa ra mọi quy định rộng lớn hơn, liên quan đến những hoạt động buôn bán hàng hoá và dịch vụ. Các hoạt động ở quốc gia này đã mang lại nhiều sự thỏa đáng cho cả hai bên. Các doanh nhân Việt Nam đã tuân thủ các quy định và những hướng dẫn của chính quyền, nhờ đó họ có thể yên tâm tiếp tục hoạt động lâu dài tại CH Séc. Bộ Tài chính CH Séc đã ghi nhận mức tăng đáng kể về doanh thu ngân sách.

4. Tổ chức các hoạt động truyền bá thông tin bằng tiếng Ba Lan và tiếng mẹ đẻ của các doanh nhân đang hoạt động trong Wólka Kosowska. Các tài liệu thông tin sẽ được chuẩn bị dưới sự giám sát của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, việc chuẩn bị bản in và việc thực hiện các khuyến nghị sẽ được thực hiện bởi Hiệp hội Wólka Center, cùng hợp tác với các tổ chức khác trong các cộng đồng đang sinh sống và kinh doanh ở khu vực này. Chi phí của công việc xuất bản tài liệu này có thể sẽ được tự quyên góp hay hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp, nhưng Hiệp hội Wólka Center cũng sẽ rất vui lòng sử dụng khoản tiền quỹ nếu như Bộ Tài chính hỗ trợ được phần nào cho mục đích xuất bản tài liệu này.

Mục tiêu cụ thể:

• Xuất bản một Cẩm nang thông tin / hướng dẫn, bằng các ngôn ngữ khác nhau, bao gồm tiếng Ba Lan, tiếng Việt, tiếng Trung Quốc, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và những cẩm nang này sẽ được phân phát miễn phí cho các doanh nhân.

• Thành lập một trang web đa ngôn ngữ với các thông tin hiện hành cần thiết.

5. Kiểm tra, xác minh tiến độ thực hiện các khuyến nghị của Bộ Tài chính đối với các vấn đề khác giấy phép, sổ đăng ký tiền mặt, việc làm, hóa đơn mua bán v.v...

6. Tổ chức các cuộc họp định kỳ để tổng kết mọi tiến độ thi hành với sự tham gia của các ban ngành có liên quan thuộc Bộ Tài chính, đại diện các Đại sứ quán, Hiệp hội và các doanh nghiệp.

7. Duy trì kiểm soát (ở mức độ cho phép) các doanh nhân để xem xét tiến độ thích ứng với sự tuân thủ các nguyên tắc kinh doanh của Cộng hòa Ba Lan trong những thời gian tới.

Kết thúc buổi gặp mặt, hai bên thống nhất sẽ tổ chức một buổi gặp gỡ tiếp theo vào ngày 19/12 tới tại Wólka Kosowska.

Kính mời bà con cùng theo dõi về kết quả của những hoạt động này và hy vọng là phía Ba Lan và các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tìm được tiếng nói và biện pháp chung, để mọi doanh nghiệp vẫn có thể tồn tại lâu dài và mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho quốc gia sở tại.

Ngô Hoàng Minh

Sửa lần cuối 2017-12-16 15:42:48

Bình luận

Bình luận qua Facebook