Trong bối cảnh thương mại điện tử toàn cầu đang phát triển mạnh cùng với những cạnh tranh khốc liệt, các công ty đang ngày càng tìm cách thu hút khách hàng thông qua các cách tiếp cận, trải nghiệm hấp dẫn. Sự phát triển của công nghệ sẽ làm thay đổi lớn đối với cục diện thương mại điện tử trong những năm tới. Với xu hướng công nghệ 5G mới (tốc độ nhanh hơn gấp 10 lần so với 4G; băng thông cao và độ trễ gần như bằng 0), kéo theo lượng người tiêu dùng sử dụng công nghệ ngày càng tăng trong tương lai. Theo thống kê, lượng mua bán trên thương mại điện tử gia tăng nhanh chóng trong những năm qua (từ 1.336 tỷ USD vào năm 2014 lên 3.453 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến sẽ tăng lên 4.878 tỷ USD vào năm 2021).
Dự báo thương mại điện tử sẽ phát triển mạnh thời gian tới dựa trên một số đặc điểm:
(1) Thời đại của Internet of Thing (IoT): IoT là sự kết hợp giữa sản phẩm, dịch vụ và khách hàng. Dự kiến vào năm 2021, có khoảng 70 % doanh nghiệp thương mại toàn cầu sẽ sử dụng IoT để nâng cao trải nghiệm của khách hàng, đồng thời đáp ứng thói quen mua sắm ngày càng thay đổi của khách hàng trong những năm qua.Ví dụ như hiện nay, Amazon đang dẫn đầu trong việc áp dụng tự động hóa vào quy trình của mình (sử dụng robot đóng gói, vận chuyển, quản lý kho…) bằng việc áp dụng IoT.
(2) Không phụ thuộc vào một khu vực cụ thể: Việc bán các sản phẩm trực tuyến ngày càng phát triển vượt qua ranh giới địa lý. Các công ty ngày càng có xu hướng mở rộng, thâm nhập thị trường nhằm tăng doanh số sản phẩm thông qua việc quảng bá những sản phẩm mới tại một thị trường mới (điển hình là công ty Xiaomi của TQ).
(3) Trải nghiệm mua sắm được nâng cao: Khoảng 76 % khách hàng hiện nay mong muốn các công ty thương mại điện tử hiểu nhu cầu, mong muốn của khách hàng. Điều này dẫn đến các công ty bán lẻ toàn cầu đầu tư mạnh vào các phương pháp trực tuyến và kỹ thuật số để tăng cường sự tương tác của khách hàng.
(4) Thương mại điện tử trên điện thoại di động (M-commerce): Với việc số lượng người sử dụng điện thoại thông minh trên thế giới gia tăng mạnh, dự kiến sẽ trên 4.78 tỷ người sử dụng vào năm 2020, sẽ là yếu tố thúc đẩy thương mại điện tử.Theo đó, các nhà bán lẽ sẽ áp dụng các công nghệ như: Công nghệ dự đoán di động, sử dụng các ứng dụng web lũy tiến (PWA), sử dụng các trang di động tăng tốc (AMP) giúp người dùng trải nghiệm web nhanh hơn trên điện thoại thông minh, sử dụng giao tiếp trường gần (NFC) trong thanh toán.
(5) Thương mại điện tử thực tế tăng cường: Cho phép người dùng có những trải nghiệm sản phẩm như thực tế tại cửa hàng (như thử đồ trang điểm, xem đồ nội thất phù hợp…) với việc sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR).
(6) Trí tuệ nhân tạo (AI): Các công ty đang có xu hướng áp dụng trí tuệ nhân tạo, trong đó sẽ giúp tạo ra một hệ thống “tự học” về trải nghiệm khách hàng nhằm giúp các doanh nghiệp thương mại cung cấp những sản phẩm, dịch vụ phù hợp và phát triển nguồn dữ liệu khách hàng.
Việt Nam là thị trường thương mại điện tử tiềm năng và tiếp tục là nơi cạnh tranh khốc liệt của các hãng thương mại điện tử trong và ngoài nước. Cùng với các nước ASEAN, thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á được dự đoán sẽ chạm mốc 102 tỷ USD vào năm 2025. Thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á nằm trong xu hướng phát triển chung của thế giới nhưng cũng có đặc điểm, xu hướng phát triển cụ thể: (1) Các công ty chuyển tiếp từ giai đoạn thu thập dữ liệu khách hàng sang sử dụng dữ liệu này nhằm phát triển chiến lược kinh doanh; (2) Thương mại điện tử trên mạng xã hội (social – commerce) phát triển nhanh chóng; (3) Các nền tảng thương mại điện tử đang toàn quyền trong việc cung ứng và sẽ bổ sung nhiều dịch vụ mới nhằm thu hút lượng khách hàng (ví dụ như đẩy mạnh dịch vụ vận chuyển của Alibaba, Lazada…); (4) Do thương mại điện tử trong khu vực chưa được kiểm soát chặt chẽ, các quốc gia bắt đầu kiểm soát thương mại điện tử (thông qua việc đánh thuế đối với lĩnh vực phát triển mạnh mẽ này); (5) Các công ty vẫn tiếp tục tận dụng các cửa hàng truyền thống bên cạnh hệ thống mua sắm trực tuyến do việc mua sắm tại các trung tâm thương mại vẫn tiếp tục là xu hướng phổ biến tại thị trường Đông Nam Á.
(Nam Khánh tổng hợp)
Bình luận