Việc nuôi con ở nhà đang bị phó mặc cho mẹ, bà, và người giúp việc. Khi đến trường thì gần 100% giáo viên mầm non là nữ, điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến giới tính của đàn ông Việt trong thế kỷ 21.
Sai lầm lớn
Đã có những trường hợp cậu con trai học lớp 11 mà vẫn muốn ngủ với mẹ, bé trai học cấp 2 vẫn muốn “sờ ti” mẹ, nhiều đứa trẻ có biểu hiện phát dục sớm, nhiều ông bố bị con trai xa lánh, thậm chí xua đuổi vì con chỉ “dính” vào mẹ…. Thực trạng này đã đẩy không ít gia đình Việt vào những thảm kịch không ngờ do những sai lầm trong quá trình nuôi dạy con cái.
Có một thực tế là, đa số các ông chồng ở Việt Nam khi biết tin vợ có bầu là lao vào công việc với mong muốn kiếm được nhiều tiền để chu cấp cho con cái sau này. Trong khi đó, không phải bà mẹ nào cũng biết hoặc có thông tin đầy đủ về giáo dục con cái. Do vậy, việc giáo dục sớm cho trẻ trong giai đoạn từ 0-6 tuổi bị bỏ ngỏ ở nhiều gia đình, hoặc có chăng thì bị phó mặc cho người vợ, người mẹ.
(Ảnh minh họa)
TS. Nguyễn Minh Đức, chuyên gia giáo dục sớm, cho rằng việc giáo dục trẻ nhỏ trong 6 năm đầu đời rất quan trọng và người cha cần tham gia vào quá trình này bởi vì 90% trí tuệ của đứa trẻ phát triển trước 6 tuổi. Nếu các ông bố cứ mải mê làm việc, kiếm tiền và chểnh mảng việc nuôi dạy con cái thì họ có nguy cơ “mất" con lúc nào mà không biết.
“5 có” trong giáo dục sớm
Theo TS Đức, có 5 đức tính căn bản mà cha mẹ Do Thái nói riêng và cha mẹ ở nhiều nước trên thế giới nói chung đang dạy cho con cái của họ trong giai đoạn từ 0-6 tuổi đó là: Có tham vọng lớn, ý chí mạnh mẽ, ham hiểu biết, tư duy tích cực và trí tưởng tượng phong phú.
Mặc dù vai trò của người cha trong nuôi dạy con cái quan trọng là thế, nhưng hiện nay tỷ lệ đàn ông tham gia họp phụ huynh cho con ở trường mầm non hoặc tham gia các hội thảo về nuôi dạy con cái ở Việt Nam là rất thấp, chỉ khoảng 20%. Đa phần các ông bố Việt phó mặc việc nuôi dạy con cái cho vợ, bà, người giúp việc (cũng là nữ giới) và cô giáo. Họ không ý thức được rằng, để nuổi dưỡng một đứa trẻ thành công cần có 5 yếu tố đó là: Dinh dưỡng, nhi hoa, tâm lý, phương pháp dạy và kiếm tiền.
Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Mạnh Hùng, đàn ông Việt trong thế kỷ 21 này rất yếu và thiếu bản lĩnh và tình trạng này là do sự thiếu trách nhiệm của những người làm cha. Đa số đàn ông Việt rất lười biếng khi về nhà. Ăn xong là ngồi vểnh râu xem tivi, đọc báo, nghe đài, lướt web...
“Nếu muốn con thành tài thì các bậc cha mẹ cần coi việc dạy con là sự nghiệp của mình. Các ông bố cần tách con ra khỏi mẹ và "hút" con về phía mình trước khi con được 3 tuổi để đảm bảo sự cân bằng về tâm sinh lý của đứa trẻ,” TS. Hùng khuyến cáo.
Theo các chuyên gia về giáo dục sớm, các bậc cha mẹ ở Việt Nam đang có một quan điểm sai lầm là khi con còn nhỏ “không có gì phải dạy” và phó mặc việc chăm con cho người mẹ. Các ông bố cứ nghĩ rằng họ đi kiếm tiền rồi sau này khi con học cấp 2, cấp 3 thì mới bắt đầu dạy con.
“Nhiều gia đình trong lúc đi dạo chơi thì người mẹ bế con còn người bố thì đi bên cạnh. Đây là một sai lầm”, TS. Đức khẳng định.
Theo TS. Đức, người mẹ khi đi dạo chơi không nên bế con ôm vào lòng mà nên bế con quay mặt ra ngoài để rèn luyện tính tự lập cho con, giúp con phát triển khả năng quan sát thế giới xung quanh. Nhiều bà mẹ yêu con quá, giữ con như bảo bối nên nhiều đứa trẻ “dính” mẹ như keo, lớn rồi mà vẫn muốn ngủ cùng mẹ. Nếu không nhận thức sớm vấn đề thì nhiều bé trai sẽ có nguy cơ đồng tính và mất đi bản tính đàn ông.
“5 không” trong giáo dục sớm
Ngoài việc thực hiện yêu cầu “5 có” mà TS. Đức đề cập trên thì cần lưu ý vấn đề “5 không” trong giáo dục sớm, đó là: Không nữ tính hóa, không chăm sóc hóa, không vui chơi tự do hóa, không tiểu học hóa, và không quý tộc hóa. Điều này có nghĩ là để quá trình giáo dục sớm thành công rất cần sự tham gia của người cha ngay từ những ngày đầu. Cha mẹ cũng không nên cưng chiều con quá và cần rèn luyện cho con tính tự lập từ nhỏ. Việc vui chơi của con cái cần có cha mẹ hướng hướng dẫn và đồng hành cùng con. Cha mẹ cũng không nên ép con học quá nhiều và quá sớm sẽ khiến đứa trẻ ghét việc học và sau này sẽ rất dễ chán học khi đến tuổi đến trường…
Hiện nay, ngoài việc đứa trẻ được mẹ, bà, người giúp việc (cũng là nữ) chăm sóc ở nhà thì khi đến trường mầm non, có đến 99,9% giáo viên lại là nữ. Do vậy, TS. Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi “cần đàn ông hóa đàn ông Việt Nam”. Để làm được điều đó, người cha cần chủ động và tích cực tham gia vào giáo dục sớm cho con cái.
“Thay vì để dành 200 triệu đồng để sau này xin việc cho con vào một ngân hàng hay một cơ quan nhà nước thì hãy dành số tiền ấy đầu tư vào giáo dục sớm cho con. Khi con cái được giáo dục sớm, chúng sẽ phát triển toàn diện, thành công trong cuộc sống và tự quyết định được tương lai của mình khi chúng trưởng thành,” TS. Hùng chia sẻ.
Trong 5 vấn đề: Dinh dưỡng, nhi khoa, tâm lý, phương pháp nuôi con và kiếm tiền thì người mẹ không thể nào đảm đương toàn vẹn được. Người mẹ và người bố cần phân công trách nhiệm trong việc nuôi dạy con và có sự trao đổi thông tin với nhau mỗi tháng 1 lần để tìm ra phương pháp dạy con phù hợp.
Khi ở bên con, nếu cha mẹ chưa thể làm gì lớn cho con thì chỉ cần đơn giản là mỉm cười với con thì đó cũng là một món quà lớn đối với con rồi. Đừng mang stress hay giận giữ để dạy con. Cần xác định nuôi dạy con cái là một dự án vô cùng lớn của người cha.
Theo Nguyên An (Dân Trí)
Bình luận