2021-10-24 21:54:35

Thay đổi thời gian ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Thay đổi thời gian từ mùa hè sang mùa đông sẽ rơi vào Chủ nhật cuối cùng của tháng Mười. Do đó, năm nay sẽ có thay đổi vào đêm 30 rạng ngày 31 tháng 10. Chúng ta cần đặt lại đồng hồ lúc 2 giờ sáng và lùi lại một giờ. Có nghĩa là vào ngày này, chúng ta sẽ ngủ lâu hơn 60 phút.

Ở Ba Lan, việc thay đổi thời gian từ hè sang đông hay từ đông sang hè đã được quy định từ năm 1977. Lí do là tận dụng được ánh sáng ban ngày. Tuy nhiên, những nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong thực tế điều này thường hoàn toàn ngược lại. Do việc điều chỉnh lại đồng hồ, hóa đơn tiền điện của chúng ta tăng lên vì phải sử dụng nguồn sáng nhân tạo nhiều hơn.

Trong nhiều năm, người ta đã muốn bỏ đi việc thay đổi thời gian. Bởi vì, thay đổi thời gian gây ảnh hưởng đến sức khỏe, trong khi đó những lợi ích về kinh tế không được chứng minh. Đối với cơ thể, ở một mức độ nào đó, việc chuyển đổi đồng hồ cũng có nghĩa là một sự can thiệp vào đồng hồ sinh học. Và điều này gây sốc cho cơ thể, cần ít nhất vài ngày để chuyển sang nhịp điệu mới này.

Những người bị bệnh mãn tính và những người có vấn đề về giấc ngủ có thể bị ảnh hưởng tiêu cực đặc biệt với việc thay đổi thời gian. Mỗi sinh vật có nhịp sinh học riêng để điều chỉnh hoạt động của nó. Nhịp sinh học, còn được gọi là chu kỳ sinh học, bao gồm các chu kỳ hoạt động của các cơ quan và hệ thống riêng lẻ ảnh hưởng đến tình trạng và sự phát triển của các rối loạn.

Tác động của thay đổi thời gian không chỉ chỉ mang đến cảm giác tồi tệ. Hoạt động của các cơ quan chức năng vào những giờ "không phù hợp" sẽ tác động đến tất cả các khía cạnh công việc của cơ thể, bao gồm bài tiết các enzym tiêu hóa, loại bỏ chất độc từ gan, chống lại các tế bào ung thư, tái tạo xương và tái tạo các mô riêng lẻ.

Sự không phù hợp giữa nhịp hoạt động và sự cảm nhận với chu kỳ sinh học tự nhiên hàng ngày của cơ thể làm gián đoạn các quá trình cơ bản và có tác động đáng kể đến chất lượng giấc ngủ. Trong khi thiếu ngủ là một vấn đề ảnh hưởng đến hầu hết tất cả mọi người theo chu kỳ, thì việc rối loạn nhịp sinh học còn khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn. Những tác động này rất nguy hiểm - sự tái tạo không đủ vào ban đêm không chỉ làm tăng khả năng tai nạn mà còn làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh nghiêm trọng, bao gồm tuần hoàn, trao đổi chất và ung thư.

Sự thay đổi về thời gian thường gây ra một loạt các chứng bệnh khó chịu được gọi là triệu chứng lệch múi giờ (Jet-lag). Đây là hội chứng rối loạn nhịp sinh học gây ra bởi sự thay đổi múi giờ. Nó ảnh hưởng đến những người bị thay đổi múi giờ nhanh chóng, ví dụ như đi du lịch bằng máy bay, và do đó ảnh hưởng đến nhịp điệu hoạt động và giấc ngủ của họ. Các triệu chứng như vậy cũng xuất hiện trong các tình huống tương tự, ví dụ: thay đổi giờ làm việc (đặc biệt là khi bắt đầu làm việc theo ca) hoặc chuyển sang lối sống ban đêm, và đối với nhiều người, họ cũng cảm thấy khi đẩy lên hay quay ngược kim đồng hồ.

Các triệu chứng Jet-lag bắt nguồn từ sự xáo trộn trong chu kỳ ngủ-thức thường là: Nhức đầu, cảm giác nặng nề trong đầu, chóng mặt, buồn ngủ quá mức, khó ngủ, cáu gắt, vấn đề với sự tập trung, mệt mỏi, hoang mang, tâm trạng tồi tệ, giảm sự thèm ăn, rối loạn dạ dày, tiêu chảy và táo bón.

Sự thay đổi thời gian ngủ và thức liên quan đến "cài đặt" lại đồng hồ cản trở hoạt động bình thường và quá trình đồng bộ hóa lại của chúng ta từ ​​vài ngày đến vài tuần.

Đã có những cuộc thảo luận về việc bãi bỏ thay đổi thời gian mùa hè và mùa đông từ lâu. Tuy nhiên, khi Nghị viện châu Âu đưa ra khả năng như vậy vào mùa xuân năm 2019, các quy tắc mới đã không nhận được sự ủng hộ ở các nước thành viên EU trong đó có Ba Lan. Đáng lẽ, lần cuối cùng đồng hồ được chuyển từ 2 sang 3 giờ sáng là vào đêm 27-28 tháng 3 năm 2021, nhưng các quyết định liên quan đến vấn đề này đã bị hoãn lại do đại dịch COVID-19.

Xuân Nguyên

(Nguồn: https://stronazdrowia.pl/zmiana-czasu-z-letniego-na-zimowy-sprawdz-dlaczego-jest-niekorzystna-dla-zdrowia-jakie-objawy-mozemy-odczuwac-przy-zmianie-czasu/ar/c14-13962292)

Sửa lần cuối 2021-10-25 07:21:30

Bình luận

Bình luận qua Facebook