2017-04-16 15:50:16

Về lễ Phục sinh

Lễ Phục sinh là một ngày lễ quan trọng nhất và lâu đời nhất của Thiên chúa giáo, kỷ niệm ngày Chúa sống lại – vào ngày chủ nhật đầu tiên sau khi trăng tròn lần đầu của mùa xuân (tức rơi vào khoảng giữa ngày 21-3 và 25-4 hàng năm). Lễ tôn giáo trong ngày Phục sinh bắt đầu bằng cuộc hành lễ và cầu nguyện vào sáng sớm. Ngày hôm đó cả gia đình ngồi ăn bữa ăn sáng long trọng, sau khi chúc lẫn nhau. Lễ Phục sinh là kết thúc của một Thời kỳ kiêng cữ (Wielki Post) và tuần lễ trước lễ Phục sinh gọi là Tuần lễ lớn (Wielki Tydzień). Đây là thời điểm của niềm vui (biểu tượng là màu trắng của khăn hành lễ). Trong dịp lễ Phục sinh có kèm theo nhiều nghi thức tôn giáo hay dân gian (ban phước cho thức ăn, vẽ trên vỏ trứng, té nước śmigus-dyngus). 

Lễ Phục sinh có một truyền thống rất lâu đời. Sau một thời gian dài kiêng khem giữ gìn (post) – hồi trước được tuân thủ rất nghiêm ngặt – mọi người rất mong đến thời điểm được thay đổi. Người dân còn nhớ rất nhiều tập quán phong tục của ngày lễ này mà nhờ có chúng các ngày lễ này rất vui.

Phong tục và tập quán trong Lễ Phục sinh

Cành hoa may mắn (Palemki na szczęście)

Tuần lễ lớn - đại (Wielki Tydzień) bắt đầu bằng Ngày chủ nhật cành cọ (Niedziela Palmowa). Các cành hoa – là các nhánh cây các loại được trang trí bằng hoa, lá cây, lông chim nhuộm mầu... Sau khi được ban phép thánh mọi người dùng nó đánh nhẹ vào những người trong gia đình để họ may mắn cả năm. Gắn cành này lên các tranh trong nhà hay cho vào bình chúng sẽ bảo vệ gia đình khỏi các sự bất hạnh hay ác ý của hàng xóm.

Dọn nhà đón lễ

Trước lễ mọi gia đình đều dọn dẹp nhà của sạch bóng. Việc dọn dẹp còn mang một ý nghĩ tượng trưng – ta đuổi mùa đông cũng như mọi điều xấu và bệnh tật ra khỏi nhà.

Dìm Judas, người phản bội Chúa

Vào ngày thứ tư của Tuần lễ lớn, các trẻ em chủ yếu là nam dìm hình nộm Judas làm bằng rơm và quần áo cũ. Hình nộm được kéo lê trên các phố, mọi người dùng gậy đánh và sau đó ném xuống ao hay vũng nước để thực thi công lý.

Lắc chuông, trống (Wielkie grzechotanie)

Khi chuông nhà thờ vừa dứt, tiếng đập chuông ở các cánh cửa vang lên. Trẻ con chạy trong các phố lắc các trống nhỏ gây tiếng động ầm ỹ và dọa người đi đường. Đến nay vẫn còn phong tục tặng trẻ em những chiếc trống lắc nhỏ (grzechotki).

Đám ma súp chua và cá trích (Pogrzeb żuru i śledzia)

Vì trong giai đoạn kiêng khem trước lễ Phục sinh mọi người không được ăn thịt, các món ăn chính là súp chua (żur, żurek) và cá trích (śledź) nên trong hai ngày cuối của giai đoạn này họ vui mừng đổ thứ thức súp này xuống đất, đóng con cá này lên cây vì trong sáu tuần lễ dịp kiêng khem, chúng đã „đuổi” thịt ra khỏi thực đơn.

Nhận ban phép cho thức ăn (Święconka)

Vào hôm Thứ bảy lớn (Wielka Sobota), một ngày được mong đợi từ lâu, mọi người mang các giỏ thức ăn, trong đó không thể thiếu con cừu con (biểu tượng Chúa sống lại), thịt và các loại xúc xích (dấu hiệu giai đoạn kiêng khem đã kết thúc). Họ mang theo cả gia vị từ cải đắng (chrzan), – vì „sự ngọt ngào tái sinh Chúa đã chiến thắng nỗi đau đớn, chịu đựng và cái chết”, bơ – biểu tượng của sự sung túc – trứng – biểu tượng của sự hồi sinh để nhận ban phép. Các thức ăn này sẽ được ăn vào sáng hôm sau, trong ngày Chủ nhật lớn. Nước cũng được ban phép.

Đặc biệt cho các cô gái

Các cô gái chú ý: nếu vào Ngày thứ bảy lớn (Wielka Sobota) họ rửa mặt bằng nước luộc trứng để mang đi ban phép, thì các nốt ruồi, tàn nhang và các khiếm khuyết sẽ biến mất đấy!

Ngày Chủ nhật lớn (Wielka Niedziela) – ngày của niềm vui

Bánh mazurek.

Sáng Chủ nhật lớn pháo nổ và chuông nhà thờ sẽ rung lên đánh thức các hiệp sỹ đang ngủ ở vùng núi Tatra, đánh động các trái tim khô cằn của những người hà tiện và các hàng xóm ác ý. Sau buổi lễ sáng ở nhà thờ về mọi người ngồi vào bàn ăn sáng. Đầu tiên họ chia cho nhau trứng. Trên bàn ăn không thể thiếu một loại bánh của dịp lễ phục sinh, bánh mazurek.

Ngày thứ hai té nước (Lany poniedziałek)

Ngày thứ hai té nước, hay śmigus-dyngus – là trò chơi mọi người đều biết. Có thể té nước vào tất cả mọi người và mọi nơi. Các cô gái nào bị ướt nhiều hôm đấy sẽ có nhiều cơ hội lấy được chồng. Còn cô nào bực bội khi bị té nước thì sẽ khó lấy chồng đấy. Có thể dùng quả trứng vẽ trên vỏ đổi để tránh bị té nước – vì thế mỗi cô gái chưa chồng đều cố gắng để quả trứng của mình đẹp nhất. Chàng trai hôm ấy tặng cô gái quả trứng vẽ vỏ là muốn cho cô gái biết anh ta thích cô. 

Tìm thỏ (Szukanie zajączka)

Sau bữa sáng các gia đình có thể cùng chơi trò tìm thỏ, tức là một điều bất ngờ dành cho mỗi người.

Quả trứng dịp lễ Phục sinh

Trứng là món ăn không thể thiếu trên bàn ăn trong dịp lễ Phục sinh, nó là biểu tượng của cuộc sống và sự sinh sôi. Tập tục vẽ trên vỏ trứng và chia trứng đã được ban phép đã có từ rất lâu. Người Ba Tư cổ xưa đã tặng những người thân vào mùa xuân các quả trứng nhuộm màu đỏ. Sau đó người Hy Lạp và La Mã đã học theo họ. Có một câu tục ngữ dân gian Rumani là:, „Khi nào chúng ta những người công giáo thôi nhuộm trứng mầu đỏ thì thế giới sẽ tận thế”. Các quả trứng màu sắc có một sức mạnh kỳ diệu đuổi đi các sự xấu xa, chúng là biểu tượng của trái tim và tình yêu.

Trứng cũng là một thực phẩm tuyệt vời, chứa mọi thứ cần thiết cho cơ thể: chất đạm, chất béo, muối khoáng và các vitamin, mỗi quả cung cấp 100 ca-lo.  

NHV (theo http://asksa.republika.pl/wielkanoc.htm lang="en-US">)


Sửa lần cuối 2017-04-16 13:59:46

Bình luận

Bình luận qua Facebook