Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tối 2-04-2011 tại nhà hàng Hạ Long, Warszawa, Trung tâm văn hóa Văn Lang, báo Quê Viêt và công ty VPmedia đã tổ chức đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ tài hoa này.
Khán giả tham gia đêm diễn chật kín khán phòng nhà hàng Hạ Long.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về cõi vĩnh hằng đã được 10 năm nhưng dư âm ông để lại là dòng nhạc Trịnh vẫn làm thổn thức hàng triệu trái tim người Việt ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Trong đêm nhạc, gần hai trăm khán giả yêu nhạc Trịnh đã được thưởng thức những ca khúc vang bóng một thời của ông qua các giọng hát Cộng đồng: Hồng Dân, Hồng Yến, Bùi Hùng, Đức Vượng và đặc biệt là của „nữ hoàng nhạc nhẹ” Lệ Quyên được BTC mời từ bên Pháp sang.
Các ca khúc được trình diễn trong nền nhạc của ban nhạc chuyên nghiệp gồm các nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc, Nguyễn Văn Toàn, Quyền Kim Trang, Nguyễn Văn Sơn và tay trống trẻ Nguyễn Việt Anh.
Ban nhạc chuyên nghiệp trong đó có nghệ sĩ Sacsophon Quyền Thiện Đắc đến từ Thụy Điển.
Nghệ sỹ Sacsophon Quyền Thiện Đắc đã „bén duyên” xứ này cũng có những bài hòa tấu cùng dàn nhạc những bản nhạc trữ tình của Trịnh Công Sơn.
Các tiết mục đã được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt bằng những trang vỗ tay kéo dài. Nhiều lúc khán giả vỗ tay theo nhịp điệu bài hát. Một số thành viên Câu lạc bộ VipolDance còn nhún nhẩy theo bài hát. Tiếc rằng họ không lên sân khấu để nhẩy phụ họa cho đêm diễn thêm phần sôi nổi.
Khán giả còn yêu cầu ca sĩ Lệ Quyên hát nhiều bài khác trong đó có bài „Tiếng sóng biển” của nhạc sĩ Dương Thụ, một bài hát gắn liền với tên tuổi của chị.
„Rất lâu rồi tôi mới lại có dịp say đắm thả hồn theo nhạc Trịnh như thế này. Các ca sĩ, nhạc công hôm nay thật tuyệt vời. Hôm nay đúng là một buổi ca nhạc chuyên nghiệp. Cám ơn Ban tổ chức, cám ơn các nghệ sỹ. cám ơn Lệ Quyên”. Một khán giả tâm sự. Tâm sự của vị khán giả này cũng là tâm sự của nhiều khán giả tham dự đem nhạc.
Trịnh Công Sơn và những ca khúc của ông mãi mãi sống trong mỗi trái tim người Việt.
Đêm nhạc đã thành công ngoài mong đợi của Ban tô chức.
Hồng Dân với ca khúc"Đường xa vạn dặm"
Hồng Yến trình bày bài "Để gió cuốn đi"
Bùi Hùng "Tiến thoái lưỡng nan"
Đức Vượng cùng dàn hợp ca.
Phút "lên đồng" cùng khán giả của Lệ Quyên,
Vài nét về Lệ Quyên:
"Lệ Quyên sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Bố là Nghệ Si nhân dân Sĩ Tiến (1915-1982), một soạn giả cải lương, mẹ là nghệ sĩ ưu tú Khánh Hợi, chú là cố nghệ sĩ ưu tú Sĩ Hùng, thím là nghệ sĩ nhân dân Tường Vi. Năm 1970, cô theo học khoa đàn bầu của Nhạc viện Hà Nội. Năm 1977, theo lời khuyên của thầy giáo Lô Thanh cô chuyển sang khoa Thanh nhạc và được theo học nghệ sĩ ưu tú Mỹ Bình.
Năm 1978, cô được mời đóng vai chính trong phim Kế hoach C76. Tháng 8 năm 1979, cô đi lưu diễn tại Mehico, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy... Năm 1981, cô giành được giải thưởng Người hát ca khúc Tiệp Khắc hay nhất tại Tiệp Khắc.
Lệ Quyên vào biên chế tại Nhà hát nhạc nhẹ Trung ương và trở thành lớp nghệ sĩ đầu tiên tại đây cùng với nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ, nghệ sĩ ưu tú Vũ Dậu, nghệ sĩ ưu tú Mạnh Hà, nghệ sĩ ưu tú Quang Huy, nghệ sĩ ưu tú Trần Bình, ca sĩ Ái Vân. Cô cùng với Ái Vân đã trở thành những ngôi sao lớn nhất ở Hà Nội tại thời điểm này. Cô nổi tiếng với nhiều ca khúc nước ngoài hát lại của các ca sĩ và ban nhạc Whiney Houston, Scorpions, Maywood và nhiều ca khúc khác như: Tiếng sóng, Biển ngày mưa ( Dương Thụ) Hơi thở mùa xuân ( Dương Thụ & Nguyễn Cường) Hoa sữa (Hồng Đăng), Đêm đông ( Nguyễn Văn Thương, ... Đặc biệt, ca khúc Tiếng sóng (Dương Thụ), cùng với ca khúc Họa mi hót trong mưa lcủa nhạc sĩ Dương Thụ viết riêng cho cô do Quang Minh hòa âm đã đưa cô lên đỉnh cao sự nghiệp.
Cuối năm 1987 cô lấy chồng là nhân viên của lãnh sự Pháp. Năm 1990 trong lúc sự nghiệp vẫn đang phát triển, cô đi theo chồng sang Pháp. Kể từ đó Lệ Quyên ở hẳn bên Pháp và thỉnh thoảng mới đi hát. Lệ Quyên sinh 3 con, 2 gái 1 trai.
Năm 2004, cô trở về Việt Nam lần đầu tiên và tổ chức 1 liveshow mang tên Trở về phố xưa. Nhạc sĩ Trần Tiến đã viết riêng 1 ca khúc tặng cô mang tên Thành phố muối mặn. Năm 2006, Lệ Quyên tham gia chương trình kỉ niêm 20 năm Nhà hát nhạc nhẹ Trung ương mang tên Nhạc hội tháng tư từ 10 đến 14 tháng 4 và diễn chung với những người bạn diễn cũ như Quang Thọ, Ái Vân, Vũ Dậu, Mạnh Hà ...
Ở tuổi 50, Lệ Quyên vẫn giữ được tiếng hát và nhan sắc. Tối 1/5/2010, tại sân khấu Dock Haussmann, số 50 đại lộ Président Wilson, Lệ Quyên tham gia biểu diễn tại Dạ vũ mùa Xuân, chương trình âm nhạc quy mô nhất những năm gần đây trong cộng đồng người Việt tại Pháp."( Nguồn: Internet).
Anh Lê Hồng Chương (đứng đầu, bên phải) cùng Lệ Quyên (cầm hoa) và BTC
Cách đây khoảng 30 năm, Lệ Quyên đã sang lưu diễn tại Ba Lan. Lần này chị được Ban tổ chức mời sang cùng anh Lê Hồng Chương, giám đốc Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp.
Phát biểu trong đêm diễn, anh Lê Hồng Chương bày tỏ ngiuyện vọng được chia sẻ kinh nghiệm với những người làm công tác văn học nghệ thuật trong Cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Sau buổi biểu diễn Lệ Quyên cho biết chị rất xúc động trước tình cảm của người Việt Nam tại Ba Lan dành cho chị cũng như cho các nghệ sĩ.” Cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan khác hẳn Cộng đồng Việt Nam tại Pháp. Người Việt ở đây rất thân tình. Đến đây như được trở về Việt Nam, ai cũng thấy quen quen. Rất mong được trở lại đây lần nữa”
Warszawa 03-04-2011.
Hải Long
Bình luận