2016-08-18 22:37:00

Máy bay rung lắc khi bay – tại sao? Thế có nguy hiểm không? Và nên chọn chỗ nào trên máy bay để bị lắc ít nhất?


Tại sao máy bay bị rung lắc?

     Nguyên nhân thay đổi đột ngột độ cao của máy bay có nhiều loại. Phổ biến nhất là khi tiếp xúc với các dòng khí có vận tốc khác nhau. Nó liên quan đến việc thay đổi áp suất khí quyển, sự dịch chuyển của các khối khí quyển, gió bất ngờ ở các vùng núi hay do bão.

Có một loại khác gọi là "rung lắc khi trời trong". Không khí trong bầu khí quyển dịch chuyển thành các dòng có vận tốc khác nhau. Các dòng này có chiều dài đến hàng nghìn ki lô mét, đồng thời bề rộng và chiều cao lại „chỉ có” vài kilomet. Các phi công lợi dụng tốc độ của chúng để tiết kiệm nhiên liệu, giữ cho máy bay bay trong dòng khí đó. Nhưng họ không thể quan sát bằng mắt hay qua các máy đo để xác định xem ở bên cạnh đó có các dòng khí khác hay không. Vì thế có thể xảy ra trường hợp họ tiến rất gần đến vùng giáp ranh và máy bay bị rung.

Hiện tượng này với hành khách là khá nguy hiểm vì xảy ra bất ngờ. Chính vì vậy mà trước mỗi chuyến bay, phi hành đoàn khuyên hành khách nếu không có việc cần đi thì nên ngồi có thắt dây an toàn trong suốt thời gian bay.

Điều gì xảy ra khi máy bay rung

Khi dòng khí có vận tốc khác chạm vào dòng khí mà máy bay đang bay sẽ gây ra thay đổi đột ngột chiều cao của đường bay. Nó có thể nâng hay hạ máy bay tùy theo hướng của các dòng khí đó. Trái với điều mà phần lớn hành khách nghĩ, máy bay không hề bị mất lực nâng. Máy bay sẽ không "rơi" hay chìm xuống hoặc mất ổn định đâu. Trong thực tế nếu máy bay tự nhiên tắt hết động cơ và tiếp tục bay thì sự thay đổi độ cao của máy bay vẫn còn kém nhiều so với các rung lắc nói trên, lực hút của quả đất không mạnh đến thế.

Cũng khác với ấn tượng của hành khách, khi đó thay đổi độ cao của máy bay chỉ cỡ một hay hai mét. Nếu ai đó kể cho bạn là máy bay tụt xuống đến vài trăm mét thì cái đó chỉ có trong chuyện cổ tích mà thôi. Ngay cả khi bị rung lắc mạnh nhất, thay đổi độ cao cực đại chỉ là 20-30 mét. Nó không ảnh hưởng gì đến việc giữ máy bay bay và không làm thay đổi một tý nào về đường bay của nó cả.

Trên trang mạng „Hỏi các phi công (Ask The Pilot)”, ông Patrick Smith là phi công và tác giả rất nhiều thông tin về bay nói:

- Trong thực tế thì một dòng khí mạnh nhất hay một vùng không khí vô cùng loãng cũng không thể nào máy bay bị xoay bụng lên trời, rơi vào vòng xoắn (korkociąg) hay bị cuốn vào không khí được. Khi đó khách ngồi trên máy bay không dễ chịu lắm và lo lắng, nhưng máy bay không bị vỡ ra đâu.

Các mức rung lắc

Phi công chia ra ba loại tùy theo độ mạnh nhẹ:

• Rung lắc nhẹ - gây ra thay đổi độ cao cỡ 1 mét. Đây là hoàn toàn bình thường, hầu như gặp hàng ngày, giống như ta đi trên đường mấp mô. Hoàn toàn an toàn với máy bay.

• Rung lắc trung bình – xảy ra ít hơn (trung bình vài tiếng trên một nghìn giờ bay). Độ cao thay đổi vài mét, hành khách đã cảm thấy rõ. Không ảnh hưởng đến an toàn của máy bay.

• Rung lắc mạnh – rất ít gặp (trung bình xuất hiện 5 phút trên mười nghìn giờ bay). Thay đổi độ cao từ 20-30 metrów, có thể nguy hiểm với hành khách không thắt dây an toàn. Không ảnh hưởng bất cứ gì đến an toàn của máy bay.

Các điều nguy hiểm nhất khi máy bay rung lắc là gì?

Theo các phi công và chuyên gia thì nguy hiểm nhất là với hành khách không thắt dây an toàn, khi bị tung lên có thể bị thương do va đập. Vì vậy nhất thiết phải đeo dây an toàn khi có đèn báo.

Trong toàn bộ lịch sử ngành hàng không dân dụng thì chỉ có một trường hợp máy bay bị phá hủy do rung lắc. Ấy là vào năm 1966, khi phi công lái chiếc Boeing 707 bay đến Tokio tự quyết định đổi đường bay một chút để hành khách được ngắm núi Phú Sỹ. Bỗng đột nhiên ở đó có gió núi bốc lên, tốc độ tới khoảng 220 km/h xé máy bay ra thành mảnh. Hiện nay thì kết cấu máy bay đã bền đến mức chịu được cả các cơn gió mạnh như thế.

Làm gì để tránh rung lắc

Phi công và các hãng hàng không đều muốn tránh hiện tượng rung lắc gây khó chịu cho hành khách. Trong phần lớn các trường hợp phi công có thể dự báo theo kinh nghiệm hay theo số chỉ của ra đa hoặc trao đổi thông tin với các phi công khác và bật đèn báo hiệu cài dây an toàn. Khi đã có rung lắc, phi công có thể xin đổi độ cao máy bay. Chỉ có các trường hợp "rung lắc khi trời trong" đã nói ở trên là khó dự đoán trước. Hiện có nhiều nghiên cứu để dự báo các rung lắc loại này. Ví dụ như Hãng nghiên cứu vũ trụ của Đức từ năm 2013 đang làm một thiết bị la ser cực tím cho phép phát hiện các dòng khí ở khoảng cách 30 kilomet.

Nên chọn chỗ nào ngồi trên máy bay (nếu có thể chọn)?

Theo ông phi công Patrick Smith thì về nguyên lý, các chỗ gần trọng tâm máy bay là phần cánh sẽ ít cảm thấy rung lắc nhất, còn các chỗ gần đuôi máy bay sẽ bị rung mạnh nhất. Trong vụ rung lắc hôm 25/1/2016 của máy bay American Airlines, tất cả các hành khách bị thương đều ngồi ở đuôi máy bay. Còn chính máy bay thì chẳng hề hấn gì và ngay ngày hôm đó nó lại tiếp tục hành trình.

NHV (theo wp.pl)

Sửa lần cuối 2016-08-18 20:38:47

Bình luận

Bình luận qua Facebook