Tác gia Phan Khôi (1887 - 1959) là gương mặt nổi bật trong đời sống báo chí
và học thuật Việt Nam những năm 1920 - 1940, nhưng lại là gương mặt xa lạ trong
đời sống sách báo và học thuật miền Bắc kể từ đầu những năm 1960 và cả nước từ
sau 1975 cho đến tận những năm cuối thế kỷ XX.
Tại hội thảo Nhận diện tác gia Phan Khôi được tổ chức ngày 29/8, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân nêu ra những lời đáp sơ bộ trước câu hỏi thông thường của công chúng thời nay: PHAN KHÔI LÀ AI?
Năm 1906, thi tú tài xong, Phan Khôi không tiếp tục con đường thi cử khoa bảng nữa. Ông chỉ học đến tú tài không vì học dốt mà ông thấy thế là đủ rồi. Ông ngả sang lối khác: trau dồi chữ quốc ngữ và học tiếng Pháp.
Và sau đó, ông có một sự nghiệp báo chí, văn chương nổi bật trong giai đoạn từ những năm 20 đến những năm 40 của thế kỷ trước.
Nhà báo đa tài, đa năng
Nhà báo Phan Khôi hoạt động báo chí ở nhiều phương diện, từ người viết báo,
người tổ chức các tờ báo, người tổ chức ra các sự kiện báo chí...
Với vai trò người tổ chức các tờ báo, Phan Khôi từng là chủ bút (tương đương tổng biên tập bây giờ) tờ Phụ nữ thời đàm, Tràng An, chủ nhiệm kiêm chủ bút Sông Hương, chủ nhiệm Nhân văn.
Ông là người gây ra các cuộc thảo luận, tranh luận về lịch sử quan hệ Pháp - Việt trên Đông Pháp thời báo (1928); thảo luận vấn đề phụ nữ trên Phụ nữ tân văn(1929); thảo luận về viết đúng Tiếng Việt (1929 – 1030); thảo luận về “học phiệt”, “quốc học” (1930 – 1932); thảo luận về người làm chính trị trên tờ Trung lập (1930)... cho đến thảo luận phê bình lãnh đạo văn nghệ (1956).
Ông cũng là người có khả năng viết các thể tài báo chí khác nhau: Khả năng của “người viết cột” (columnist) đứng chuyên mục tạo sức hấp dẫn cho tờ báo. Ông cũng thành công trong thể tài nghị luận, thành công không kém ở thể biếm, diễu - tức tiểu phẩm hài hay hài đàm nói chung. Ông còn thừa vốn liếng để viết đều đều các loại “tạp trở”, “dật sự”...
Về văn phong báo chí, ông chủ trương về một tiếng Việt thống nhất, lấy tư duy logic làm cơ sở kết cấu ý tưởng bài báo. Văn ông viết theo ngôn ngữ sống hiện tại, với khả năng sử dụng phương ngữ, đôi khi có xu hướng ngả về phương ngữ phía Nam.
Người Việt Nam đầu tiên lên tiếng về tác hại của Nho giáo Phan Khôi xuất thân học Nho giáo, nhưng ông là người Việt Nam đầu tiên lên tiếng công khai về tác hại kìm hãm phát triển xã hội của Nho giáo với loạt bài trên tờ Thần chung (1929) gây chấn động thanh niên thời bấy giờ. Ông đã dành nhiều năm suy tư và truy tìm bản chất xã hội của Nho giáo và nho gia, vạch ra những phương diện cần đả phá của Nho giáo và những mặt nên kế thừa ở truyền thống Nho giáo.
Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên nêu vấn đề phụ nữ, ủng hộ nữ quyền. Ông đề xuất rất nhiều tư tưởng đặt ra đối với sự phát triển của xã hội Việt Nam đương thời, như: nếu không giải quyết việc giáo dục trẻ em, nếp sống gia đình sẽ có vấn đề... Ông đưa ra các quan niệm về chính khách và quan chức; đối thoại với mức cải cách khá hạn hẹp của triều Nguyễn từ khi Bảo Đại nắm thực quyền (1933); phê phán chủ nghĩa thực dân Pháp; vạch ra nghịch lý giữa các chuẩn tư pháp thực dân với các chuẩn tư pháp quân chủ Việt Nam...
Phan Khôi còn được biết với vai trò một nhà sử học. Ông đưa ra luận giải, thảo luận, tranh luận về các giai đoạn, các vấn đề lịch sử Việt Nam như thảo luận về hiệp ước Việt – Pháp và sự thực thi nó (1928); tổ chức cuộc thi Quốc sử trên Thần chung (1929); khơi lại cuộc tranh luận về Truyện Kiều (1930); thảo luận về sự kiện Kinh thành thất thủ 1885 trên Tràng An (1935); thảo luận về Trần Cao Vân và một số vấn đề về lịch sử Việt Nam trên Sông Hương (1936 - 1937).
Với các trang hồi ức, ký ức, Phan Khôi là một nhân chứng về đời sống người Việt các thời đã qua, nhất là thời kỳ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.
Nhà văn ở nhiều phương diện
Phan Khôi - nhà ngữ học được thể hiện qua việc nghiên cứu Tiếng Việt được ông
làm từ khi viết cho Nam phong, Lục tỉnh tân văn, dựa vào một số công trình ngữ
học của một số học giả Trung Hoa, đồng thời dựa vào những quan sát của mình với
tư cách người bản ngữ (Tiếng Việt), lại cũng dựa vào những so sánh với tiếng
Pháp. Ông có những nghiên cứu đáng kể về Tiếng Việt mà Việt ngữ nghiên cứu
(1955) là công trình tổng kết của ông về lĩnh vực này.
Ông hoạt động phê bình văn học từ sớm (1918). Các bài phê bình văn học của ông tác động rõ rệt vào quá trình văn học như bài đề xướng một lối thơ mới (1932), bài nêu mốc 1933 đánh dấu “kỷ nguyên của thơ và tiểu thuyết” (đầu 1934); bài phê phán lối văn không thành thực, đặt vấn đề sự thành thực trong văn chương; bài khẳng định thành công của thơ mới (1941)... Phan Khôi cũng là người đề xuất công việc sửa văn, dọn vườn văn lẫn nhau trong làng văn làng báo...
Nhà thơ - Phan Khôi như con người đã “chín” trong truyền thống thơ cũ và khát vọng bước ra khỏi quỹ đạo thơ cũ. Phan Khôi không là tác giả xuất sắc của thơ mới nhưng lại được nhất trí ghi nhận là người khởi xướng thơ mới. Một số bài thơ Phan Khôi cho thấy lối thơ của người “lão thực” – tín hiệu hàng đầu là tín hiệu về giá trị của hồn thơ, tứ thơ dù hình thức khô, đanh, mộc chứ không đèm đẹp...
Ông còn viết tiều thuyết, hồi ức, hồi ký, tự truyện, viết văn chữ Hán. Ông dịch các tác gia Trung Hoa Tư Mã Thiên, Viên Mai, Lỗ Tấn, một số tác gia văn học Diên An; dịch Kinh Thánh (đạo Thiên Chúa), chủ yếu là Tân Ước; dịch quan điểm ngôn ngữ của J.Stalin...
Ông là tác giả tiêu biểu ở thể loại tiểu phẩm, hoạt kê, châm biếm với khoảng 1.000 bài.
Phan Khôi còn được biết đến như một nhà Trung Hoa học. Từng theo học hệ thống Nho học, có kiến giải về các học phái ở Trung Hoa cổ đại, nhưng được ông viết thì thường chỉ có các vấn đề di sản Nho giáo của Khổng Tử và của Tống Nho, nhưng đó là những kiến giải sâu, chủ kiến vững, được tiếp cận từ nhu cầu “thoát trung cổ luận” và “thoát Trung luận”, từ quan điểm tiến hoá, đòi canh tân, tiến bộ cho xứ sở.
Chính trị Trung Hoa từ quá khứ đến hiện tại, đương thời đều được Phan Khôi chăm chú theo dõi và là đề tài bình luận thường xuyên khi ông viết báo. Các tác gia, tác phẩm Trung Hoa được Phan Khôi dịch, giới thiệu (tính đến trước 1944) đều được nhấn mạnh ở khía cạnh chống chuyên chế...
Một người hướng thượng và nổi loạn
Về Phan Khôi “như một con người cụ thể”, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho
biết những vấn đề này chưa có các nghiên cứu chuyên sâu, ông mới chỉ dám phán
đoán lướt qua.
Phan Khôi có xuất thân là cậu ấm con quan, gia đình khoa bảng, theo Nho học từ nhỏ. Là con trai duy nhất trong gia đình, ông còn “gánh” trách nhiệm “nối dõi tông đường” rất nặng.
Qua hồi ức của nhiều người và qua các tài liệu sưu tầm được, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân phỏng đoán Phan Khôi có tính cách trung thực và hướng thượng.
Phan Khôi đánh giá cao các giá trị tinh thần, trí tuệ, vì thế đánh giá cao các giá trị phương Tây khi được tiếp xúc sách báo mới, thông tin mới.
Tính cách nổi loạn của ông thể hiện ở việc thấy bất công, bất hợp lý trong hệ thống hiện tồn thì lên tiếng phê phán chống lại. Thiếu Sơn từng nói ở Phan Khôi có nét “bất cận nhân tình” - Trọng chân lý hơn thầy, thẳng thắn, quyết liệt và không khoan nhượng, không thảo hiệp trong sự truy tìm chân lý. Hình như tính cách ấy có một cái gì thật khó dung hoà với nền văn hoá “duy tình”, “chín bỏ làm mười” của người Việt.
Không thể phủ nhận Phan Khôi là một người yêu dân tộc mình. Nhưng cũng hiếm ai như ông đã chỉ ra không thiếu một thói xấu nào của dân tộc mình. Một con người như thế thường bất hạnh. Nhưng tính cách ấy lại không sợ bất hạnh đâu.
Cái khoẻ khoắn, cái sức mạnh của tính cách ấy nằm trong sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm với nhận thức của mình.
Theo Vietnamnet
Bình luận