2015-10-12 21:52:50

Ba mươi năm.

Lời tựa của Nguyễn Xuân Nhung: Ký ức thời gian.

Cách đây 50 năm các anh đã sang Ba Lan từ Việt Nam - đất nước qua bao cuộc chiến tranh.

Trong số khoảng 200 LHS khoá 65, vẫn chỉ toàn con trai, mà có đến 40 người được gửi đến thành phố cảng Gdańsk (gọi là trójmiasto) để học những ngành liên quan đến biển: đóng tầu, lái tầu, đánh cá biển, kinh tế biển. Đây là khoá LHS Việt Nam đầu tiên đông nhất sang Ba Lan học các ngành kỹ thuật.

Tuyển gấp một số lượng đông, đi nhiều nước, trong điều kiện chiến tranh, sang học những ngành khó, những thử thách tưởng có người không vượt qua được. Bây giờ họ đang ở đâu, làm gì ở Viêt Nam, ở nước ngoài và ai còn ai, mất nào ai biết?

Có 3 anh khoá 65 đang định cư tại Ba Lan là chắc chắn: anh Nguyễn Đình Dũng, anh Lê Nhị Hồng và anh Ngô Văn Vỵ đều từng học ở Bách khoa Gdańsk. Mỗi người một khả năng, mỗi người một tính cách, mỗi người một cuộc sống, có thể nói họ đều thành đạt. Anh Dũng - nhà thơ Lâm Quang Mỹ là nhà thơ đa quốc gia. Anh Hồng là nhà thơ cộng đồng từng có thơ trình làng, anh giới thiệu khá nhiều tên tuổi các nhà văn, nhà thơ Ba Lan để chúng ta biết thêm về nền văn học phong phú, đa dạng của Ba Lan. Anh Vỵ người Việt sớm và tích cực hội nhập bằng hoạt động xã hội và tình yêu say đắm với bao cô gái tóc vàng, từng ứng cử vào hội đồng nhân dân tỉnh Mazowiecki. Chính các anh đã điểm cho bức tranh cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan thêm sinh động. Cuộc sống mà, trăm người quen có mấy người là bạn, chục người bạn có mấy người là thân, trong số bạn thân có mấy người trở thành là tri kỷ.

Nói về nhà thơ Lâm Quang Mỹ, là bạn đồng trang lứa cùng ở với nhau 1 ký túc xá sinh viên, có lúc chiếc bánh bẻ đôi, thư nhà cùng đọc, lao động hè gom tiền về phép giữa lúc Mỹ đánh phá ác liệt. Ở Việt Nam những năm bao cấp cuộc sống thật khó khăn, chúng tôi đã đến với nhau, giúp nhau tìm kế mưu sinh. Còn kỷ niệm nào đẹp hơn thế?!

Nói về ký ức thời gian qua nửa thế kỷ thì rất nhiều, nhưng chia sẻ được với nhau chính là sự tương đồng trong suy nghĩ. Trân trọng kỷ niệm thời gian, có lúc đem thơ các anh ra đọc. Cứ mỗi lần đọc lại bài thơ „Ba mươi năm” của Lâm Quang Mỹ tôi vẫn giữ nguyên cảm xúc ban đầu: anh đã viết những điều mà thế hệ chúng tôi ai cũng thấm thía có gì rất đặc trưng, tự hào và thiêng liêng, ngây thơ và dại khờ, cam chịu nhưng bền chí, trong sáng và thuỷ chung, Bài thơ đã thực sự gây ấn tượng cho bạn đọc, giầu tính nhân văn, là tư liệu lịch sử quý hiếm. Tôi muốn bạn đọc, đặc biệt các anh chị LHS những năm kháng chiến chống Mỹ một lần nữa hãy nhớ về một thời được gọi là „ký ức thời gian” để chúng ta chiêm nghiệm, cùng chia sẻ cảm xúc theo ý mình.


Khóa 65.

Ba mươi năm

Thân gửi các bạn cùng sang Ba lan du học khóa 1965. 

Rời Đất nước một chiều thu Hà nội. 
Con tàu đưa ta tới chân trời xa... 
Tạm biệt Tổ quốc nghèo (nhưng giàu những lời ca!) 
để ước mơ trải dài theo con đường sắt... 
Những huyền thoại trong sách học trò 
đang hiện lên trước mặt: 
Trung hoa bao la, đẹp như khúc Đường thi. 
Bai-can mênh mông. Bát ngát Xi-bê-ri. 
Mat-xcơ-va choáng ngợp hồn thơ dại... 
Và Ba-lan, nơi ta dừng lại, 
Tới tận bây giờ đã ba mươi năm! 

Ba mươi năm của bao cuộc thăng trầm. 
Đã từng say sưa, đã từng day dứt... 
Có lúc sống ngay gần kề cái chết 
Thật, Giả, Trắng, Đen, chỉ khác có ngôn từ 
Ta đã sống nhờ cái khờ dại ngây thơ 
và hay nói những điều mình không nghĩ thế !

Ba mươi năm qua đi, một thời non trẻ.
Ba mươi năm của ba cuộc chiến tranh.
Bạn có trải qua những đêm lạnh thiếu chăn,
bát mì sợi và đĩa rau muống luộc, 
chiếc xe đạp lốp mòn dây chun buộc, 
lai con đi, đạp vội trước hàng quà... 


Lớp chúng mình "tù gian khổ sinh ra" 
nhưng chẳng chịu để đói nghèo khuất phục, 
biết trả giá cho cái vinh cái nhục, 
giữ lại cho mình một góc của riêng ta.

Ba mươi năm như một thoáng trôi qua.

Trên thảm cỏ xanh rờn bao kỉ niệm

vẫn e ấp những nụ Hoa tim tím

như Tình Yêu trong trắng, âm thầm.

Và Em, 
Em đã cùng anh trong ba mươi năm. 
từ cái nhìn ban đầu chao nghiêng vành nón, 
bao buổi hẹn hò, bao lần đưa đón... 
vẫn một màu Hoa Trắng ấy, ngày xưa... 
vẫn cái gì dìu dịu trong mưa; 
vẫn cái gì lâng lâng trong nắng... 

Dưới đáy Đại-dương-thời-gìan, 
những Hạt Trai lóng lánh 
Ba mươi năm, ta vẫn giữ cho mình.

Warszawa. Mùa thu 1995 

Lâm Quang Mỹ.


Sửa lần cuối 2015-10-12 19:59:14
  • Ho Chí Hưng Ho Chí Hưng Bài thơ hay với nhiều cảm xúc. Tuy vậy về lời tựa cần chính xác lại là năm 1965 đến Ba Lan học tập chỉ có 120 Lưu học sinh không phải 200 như trong lời tựa và anh Ngô Văn Vỵ không đến Gdansk học đóng tàu mà đến học tại Đại học bách khoa Poznan. 2015-10-17 18:05:11
  • Trà Lý Trà Lý Số LHS chính xác là bao nhiêu? nhưng là đông nhất cho đến thời điểm ấy, phải kể thêm số NCS, TTS có thể không phải 200 nhưng chắc không phải 120. Anh Ngô Văn Vỵ học ở BK Gdańsk, khoa đóng tầu được 2 năm thì chuyển về Poznań. 2015-10-19 09:46:13

Bình luận

Bình luận qua Facebook