2016-09-06 08:46:58

Lê Bá Thự- Đường thơ “Đi về ngày xưa”

     Nhà thơ – dịch giả Lê Bá Thự là người anh – người bạn của tôi ở Hội văn nghệ xứ Thanh tại Hà Nội: Nguyễn Bao, Định Hải, Anh Chi, Trịnh Thanh Sơn, Đặng Ái …Ông là người yêu quý đất nước, con người, văn học Ba Lan. Một đất nước chúng tôi ngưỡng vọng từ thủa học trò qua những câu thơ đẹp của Tố Hữu: “Em ơi! Ba Lan mùa tuyết tan/ Đường bạch dương sương trắng nắng tràn”. Lê Bá Thự học đại học ở Vacsava rồi là Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam ở Ba Lan nhiều năm, ông coi Ba Lan là quê hương thứ hai của mình. Những năm đầu thế kỷ 21, nghỉ hưu Lê Bá Thự dồn tâm sức dịch nhiều tác phẩm cổ điển và hiện đại của nền văn học Ba Lan cho công chúng Việt Nam. Ông dịch thơ của Wislawa .Szymborska (Nobel 1996), Czeslaw Milosz (Nobel 1980), tiểu thuyết của các nhà văn Henryk Sienkiewicz (Nobel 1906),  Boleslasw Prus, Dorota Terakowska, Katarzyna Grochola, Jerzy Pilch, Katarzyna Michalak, truyện ngắn của các nhà văn Slawomir Mrozek, Olga Tokarczuk, Hanna Samson, Tomasz Jastrun… Bản dịch tiểu thuyết Hy vọng của Lê Bá Thự đã đoạt Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Hà Nội năm 2014,  Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã tặng bằng khen cho bản dịch tiểu thuyết Quà của Chúa của ông (năm 2010).  Đã hai lần (2013 và 2015) tiểu thuyết dịch của Lê Bá Thự được Đại sứ quán Ba Lan chọn giới thiệu với độc giả Việt Nam trong khuôn khổ Những ngày Văn học châu Âu tại Việt nam. Đặc biệt năm 2012 dịch giả nhà thơ Lê Bá Thự được Tổng thống Ba Lan trao tặng Huân chương Công trạng Cộng hoà Ba Lan vì đã có nhiều đóng góp trong việc giới thiệu văn học và văn hoá Ba Lan tại Việt Nam, góp phần tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Ba Lan.

     Nhìn dáng đi, cách giao thiệp, ung dung tế nhị của công chức ngoại giao cứ ngỡ Lê Bá Thự đã phai mờ tép cà rau má xứ quê rồi. Ấy vậy mà khi tôi lần giở những trang thơ của ông lại thấy đầy ắp hồn vía miền đồng đất xứ Thanh thấm đẫm trong cảm xúc. Tôi đã đọc “Hoa giẻ” (2002) nay được đọc tập mới “Đi về ngày xưa” mới ngộ ra cốt cách con người của nhà ngoại giao – dịch giả - nhà thơ Lê Bá Thự.

     Thơ Lê Bá Thự đau đáu tình quê hương, tình người, “mộc mạc mà man mác”, như nhà thơ Bằng Việt khen ngợi. Ông viết thơ cho mình, cho những hồi ức mà mỗi một đời người đến cái tuổi tri thiên mệnh này đều hoài niệm. Dù ai trong cõi nhân gian quê hương là chốn đi về cả phần hồn phần xác. Đó là thiên tính và tâm linh của mỗi người Việt có sẵn trong máu thịt chúng ta. “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi làm người” (Đỗ Trung Quân). Những bài thơ hay nhất từ thiên cổ đến nay là những bài thơ vọng nhớ quê hương; tình cha bóng mẹ đó sao. “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều” (Ca dao)

Và:

Đoái thương muôn dặm tử phần

Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa

(Nguyễn Du)

.... Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai

(Thôi Hiệu)

     Mỗi người có một quê hương, mỗi nhà thơ đều có nơi chốn đi về để hồn vía cảm xúc, tài năng sáng tạo khởi nguồn. Nói về Tố Hữu ta thấy nghĩa tình sông Hương, Núi Ngự “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên”. Nói về Hoàng Cầm ta mơ vùng Kinh Bắc sương khói đa tình: “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng”. Nói về Quang Dũng ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp xứ Đoài : “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm”. Nhà thơ – dịch giả Lê Bá Thự có cái làng Nguyệt Lãng ở Phủ Thiệu tận xứ Thanh để thương nhớ. Con đường thơ của ông chỉ đi về ngày xưa ấy, dù cả phần đời ông tung tẩy khắp bốn phương trời: “Tiếng ve lại rộn bờ tre/ Dắt tôi thẳng lối đi về ngày xưa” (Đi về ngày xưa).

     Làng Nguyệt Lãng một vầng trăng đang trôi nằm ở vùng đồng bằng Sông Mã, sông Chu, miền đất cổ đầy huyền thoại. Ở đây có núi Đọ di tích đồ đá cũ, trống đồng Đông Sơn văn minh Lạc Việt, có thành nhà Hồ, làng nhiễu Hồng Đô. Có bao danh tài: Dương Công Phụ, Dương Đình Nghệ, Lê Lợi, Lê Văn Hưu, Nguyễn Mộng Tuân, ... ghi dấu son trong lịch sử dân tộc Việt.

     Vùng đất miền Trung cần lao, thủy chung nuôi dưỡng hồn cốt, nhân cách của dịch giả - nhà thơ Lê Bá Thự. Hồn cảm của ông tha thiết một mạch thơ trong trẻo nhân hậu về làng Nguyệt lãng yên bình có tên đẹp như người con gái Phủ Thiệu: “Làng Nguyệt Lãng một vầng trăng đang trôi/ Cây đa giữa làng như trong thần thoại”.

     Lê Bá Thự luôn khắc vào tâm trí: “Mình là con nhà nông/ Đi tỉnh học phổ thông/ Bạc tiền thì chẳng có/ Toàn là đi chân không” để nỗ lực phấn đấu thành người có ích cho đất nước. Rời lũy tre, cánh đồng, dòng sông của làng quê nghèo Lê Bá Thự thành công chức ngoại giao, ăn cơm tây, nói tiếng tây, sống ở Thủ đô nhưng mãi mãi “Tôi vẫn con nhà nông”  trọn vẹn nghĩa tình. Cách nghĩ, cách cảm thuần phác, lời thơ giản dị, nặng về tự sự kể lể, Lê Bá Thự giãi bày những hoài niệm của đứa con xa quê. Ông nhớ cánh đồng rào rạt trận mưa, nhớ dòng sông cồn sóng mùa lũ, xanh trong mùa cạn, nhớ cây đa óng ả ánh trăng, nhớ đom đóm đêm lập lòe bờ rào, bụi cỏ. Cao hơn cả là dáng mẹ tảo tần ngồi nhai trầu lúc rảnh việc ngơi làm

Mẹ tôi bỏm bẻm nhai trầu

Da mồi tóc bạc nhuốm màu thời gian

... Xa nhà thương mẹ ốm đau

Lá trầu rụng úa, buồng cau héo rầu

(Đi về ngày xưa)

     Giọng điệu lục bát truyền thống hợp với lối kể tự sự, nâng chở cho bao tình của đứa con xa ân nghĩa với mẹ cha

Mẹ tôi tần tảo suốt đời

Thương con mẹ chẳng một lời kêu than

Mất mùa bom đạn gian nan

Lặng thầm mẹ vượt muôn vàn đắng cay

(Mẹ tôi)

     Nỗi nhớ cồn cào dồn vào mạch thơ những câu đẹp như ca dao tục ngữ:

Con đi khắp bốn phương trời

Lòng con lắng đọng những lời mẹ ru

.... Lời ru thấp thoáng vầng trăng

Suốt đêm chú Cuội, chị Hằng bên con

(Lời ru của mẹ)

   Đồng môn


Nỗi nhớ tràn đầy, những chi tiết nhỏ trong đời sống thời ấu thơ, quả cà, hoa giẻ, cơn mưa, áo tơi bỗng ngời sáng trong vòm trời ký ức: “Chiêm bao toàn thấy hoa cà, hoa xoan”

                           

                          Thoang thoảng đâu đây mùi thơm hoa giẻ

                          Hoa của tình quê của thời son trẻ

                         Thức dậy trong tôi những kỷ niệm làng

(Nơi sông Mã, sông Chu)

     Kỷ niệm của đôi bạn tuổi teen đi bắt đom đóm thắp đèn lung linh:

Nhớ quê anh nhớ mùa đom đóm

Trời tối như bưng

Hai đứa chúng mình chạy lăng xăng khắp xóm

Anh rưng rưng em rưng rưng

Trong chai sáng bừng đom đóm…

(Mùa đom đóm mở hội)

     Kỷ niệm đôi bạn giữa đồng quang mưa hè ập đến, đội chung một mảnh áo tơi:

Nhớ ngày tôi mặc áo tơi

Trời mua như trút em phơi đầu trần

… Hai người sánh bước say sưa

Áo tơi chung một giữa trưa ngày hè

(Áo tơi)

     Hương hoa giẻ dọc con đường làng quen mà ai không một lần thương nhớ.

Nàng cất giọng dịu dàng

Quê mình nhiều hoa giẻ

Nên chúng mình thương nhau

Như trầu vẫn thương cau

(Hoa giẻ)

     Câu thơ nhẹ nhàng, lời tỏ tình son sắt ấy dẫu không thành nhưng hóa ngọc ở trong ta. Những vần thơ giản dị, chắt lọc, thủ thỉ của Lê Bá Thự vào người đọc như một tâm nguyện để ta đi xa chân trời góc bể vẫn mong về. Ta về tìm lại cánh hoa giẻ vàng ươm, mùi hoa dịu dàng của một tuổi học trò:

Về quê tìm hoa giẻ

Hoa ngát thơm vườn nhà

Bóng người không thấy đâu

(Hoa giẻ)

     Cô bạn đi chung áo tơi đã xa vắng, chút đắng đót lắng đọng vào thơ:

Tôi về tìm lại người xưa

Người xưa chẳng thấy, thấy mưa trắng trời

… Chiều mưa đứng ở xóm Đình

Đơn côi lại thấy dáng hình ngày xưa

(Dáng xưa)

     Có hoang vắng, có cô đơn, buồn đấy nhưng thăm thẳm tình đời, nỗi buồn nuôi ta lớn khôn:

Đêm nay trên làng tôi trăng vẫn trôi

                                               Nhưng cây đa giữa làng đã chết rồi

 Ngồi ngắm trăng suông nhớ về kỷ niệm

  Vắng cây đa trống vắng một khoảng trời.

(Cây đa làng tôi)

     Đắng đót, nuối tiếc, giọng điệu thơ đang man mác trữ tình bỗng bật mở một rung cảm thế sự:

Ngày rồi!

Đêm quá ngắn

Tiếc một thời dát bạc ánh trăng

 

Đêm rồi!

Ngày quá vội

Tiếc một chiều ấm áp

Nắng trời

 

Lỡ rồi!

Tình quá muộn

Tiếc một thời giọt đắng

Vì yêu.

 

                                          (Tiếc)

 Tứ thơ hiện đại, câu chữ tụ ý như thơ của Wislawa Szymborska vậy. Nhà thơ Vân Long rất thích cái “sáng tạo tứ” của bài thơ này.

     Có một chuyện cười ra nước mắt, ngày nghỉ hưu sống ở Thủ đô, ông cán bộ ngoại giao vì “Quê hương là chùm khế ngọt” (Đỗ Trung Quân) hì hụi trồng một cây khế trên tầng cao (trên tum). Chăm sóc, đợi chờ lứa quả đầu. Thế mà: “Nhớ quê tôi trồng cây khế/ Ở quê khế mọc trong vườn/ … Bây giờ khế ngự trên tum/ … Chát chua bé xíu teo gầy” thêm một chút buồn góp vào nỗi nhớ của người đi xa quê.

     Dòng cảm xúc quê hương ấy cứ lặng chảy tha thiết trong hồn thơ Lê Bá Thự. Dù ở đề tài nào, viết ở đâu, trong thơ Lê Bá Thự vẫn nồng ấm một tình quê, một tình người. Lê Bá Thự chiêm nghiệm đời mình để giải bày với thế gian vui buồn cuộc sống:

     Giọt vui con về thăm mẹ

     Giọt buồn lại phút chia xa

     … Giọt buồn đọng lại trong đêm

(Không đề)

     Lại có chút gì của Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ trong

 

bức tranh hoài niệm đồng quê. Thấm ngọt câu ca dao: “Cô em tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”  để Lê Bá Thự kể lại chuyện mình đi tìm người xưa:

Tối qua đi khắp đồng làng

Tìm cô múc ánh trăng vàng năm xưa

     Trời quang mây, đêm không mưa

Trăng vàng còn đó mà chưa thấy nàng

(Tìm cô múc ánh trăng vàng)

     Phận người bao thăng trầm được mất, kỷ niệm là chỗ dựa, cứu cánh nâng bước ta đi đến ngày mai. Lê Bá Thự thả hồn mê đắm, cần cù bung phá trên những trang văn, dòng thơ của đất nước Ba Lan kỳ ảo và hiện đại. Nhưng giọng điệu thơ của Lê Bá Thự lại thuần phác mộc mạc của dòng thơ chính thống rất cổ điển, dân gian nước Việt. Nhất là ở thể thơ lục bát xứ Thanh có nhiều nhà thơ điệu nghệ: Nguyễn Duy, Anh Chi, Lê Đình Cánh, Hồ Zếnh … Lê Bá Thự cũng điệu đàng nồng thắm những vần lục bát ông gieo. Ông chắt chiu những hạt ngọc buồn ngày xưa để soi chiếu phận người hôm nay qua những câu lục bát chiêm nghiệm tài hoa.

Tình xưa vẫn đọng hồn tôi

Bóng chiều đã ngả, người ơi – tím trời

… Vẫn còn hình bóng ngày xưa

Bê tông cốt thép vẫn chưa nuốt làng

… Dòn tan như một tiếng cười

Trong cà có cả đất trời quê tôi

… Nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ bà

Chiêm bao toàn thấy hoa cà hoa xoan.

 Lê Bá Thự về quê mỗi lần giỗ cha giỗ mẹ trong năm. Anh  rưng rưng trong lòng, vì anh cảm nhận, anh lại về với cha với mẹ, với khói lam chiều như thuở nào.

                         Con về với khói lam chiều

                   Với cha với mẹ như nhiều ngày xưa

                         Hôm nay giỗ bố trời mưa

                   Lam chiều khói tỏa, xin thưa, con về

                                          (Khói lam chiều)

     Thời gian lùi xa đem cho ta những kỷ niệm, những hoài niệm, nhưng thời gian cũng rất nghiệt ngã với con người, bắt con người phải tuân thủ những quy luật không thể cưỡng lại của tạo hóa. Trong bài thơ Thời gian, tặng các bạn đồng môn du học Ba Lan, Lê Bá Thự cho ta thấy rất rõ nỗi niềm này:

Bao giờ cho đến ngày xưa

Để tôi với bạn vẫn chưa có gì

Để ta vẫn tuổi xuân thì

Mộng mơ mơ mộng những gì bụng mong

Hồn trong như suối nước trong

Yêu nhau hơn cả phải lòng lẫn nhau

Bây giờ tóc đã trắng màu

Thời gian liệu có bạc đầu như ta?

 

     Quê hương mãi mãi là bến đỗ cho con thuyền thơ Lê Bá Thư. Đường thơ đi về ngày xưa còn dài lắm. Bạn bè, công chúng yêu thơ mong Đi về ngày xưa” như cung đàn bầu, khúc nhạc Sôpanh hát ru về nỗi nhớ, về tình yêu quê hương đất nước của nhà thơ – dịch giả Lê Bá Thự:

Tiếng đàn hay tiếng thu

Quê nhà xa muôn dặm

Hồn như cõi lãng du

Lòng chim vào tương tư

                                                  (Tiếng đàn chiều thu - Warszawa)

                                                                                                

Hà Nội,  2016

 Nhà thơ  Nguyễn Ngọc Quế


Sửa lần cuối 2016-09-06 06:51:49

Bình luận

Bình luận qua Facebook