Đào Nhật Tân.
Như thường lệ, cứ năm hết Tết đến, tôi lại khăn gói về cố hương thăm cha mẹ. Nhà tôi có tám anh chị em. Lớn lên mỗi người một phương, không phải mỗi lúc về được. Trước Tết ở nhà chỉ có cha mẹ già và tôi. Vì thời gian về ngắn ngủi, lại về có một mình, tôi chẳng muốn đi xa. Ở quê làng nước người ta còn bận ruộng vườn, buôn bán, làm công ty... , chẳng biết chơi với ai. Internet không có, ti vi của ta xem không quen. Tôi đành suốt ngày quanh quẩn trong nhà, thỉnh thoảng giúp mẹ nấu ăn, rửa bát, chỉ lấy việc đọc sách làm vui. Nhà tôi có cái sân gạch to, sung quanh trồng nhãn bốn mùa lá rụng, thành thử tôi có thêm việc quét sân. Cha tôi sợ tôi buồn, bảo: „Ra Hà Nội mà chơi mấy ngày cho khuây khỏa, sắp Tết về cũng được”. Nhưng với tôi Hà Nội người như kiến cỏ, cũng chẳng có gì để xem, mỗi cái đền Ngọc Sơn và con rùa chết!
Ở quê tuy vậy không phải là không có những việc hay. Một hôm sáng sớm tinh mơ đã có người chửi rất tục tĩu như chửi mất gà. Nhưng thường chửi mất gà là đàn bà. Đằng này người chửi lại là đàn ông. Nguyên đường vào làng một bên la cái ao, một bên là giếng nước cũ. Giờ chẳng ai dùng nước giếng ấy nữa vì nước ô nhiễm không thể nào tưởng tượng nổi. Dưới ao có anh trồng hoa sen, dưới giếng có một ông thả hoa súng. Nghe nói mùa hè sen, súng nở , mấy con cá vàng nổi lên rất đẹp. Những người trồng đều là do công tâm, muốn đẹp làng chứ không vì lợi lộc gì. Vậy mà hôm ấy có kẻ nào phá tan giếng hoa súng của người ta, thân lá nổi phềnh phềnh. Ông trồng hoa súng tức phát điên, chửi ầm ĩ làng nước. Tôi lẩm bẩm: „Cũng lạ, trời rét như cắt ruột, thằng nào điên hay sao mà lại nhảy xuống giếng mà nhổ hoa”? Một bác nông dân giải thích: „Nó không cần nhảy xuống giếng. Chỉ cần buộc cái liềm vào đầu gậy, đứng trên bờ lia”. „Nhưng mục đích gì mà nó lại phá ao hoa của người ta”? Câu hỏi này thì không có ai trả lời được.
Cũng đoạn đường vào làng này, năm ngoái có hàng hoa bằng lăng. Nhưng năm nay chẳng còn thấy cây nào. Không có nhẽ cũng có thẳng buộc liềm vào gậy mà lia? Tôi liền hỏi cho ra nhẽ. Nguyên cạnh đường có một gia chủ làm ăn phát đạt, xây một cái nhà kiểu cổ, tầm cỡ và kiểu cách rất giống ngôi đình. Một lần có người khách ở phương xa đến, ngạc nhiên hỏi: „Ô hay, làng này có hai đình à”? Liền nhận ngay được câu trả lời: „Ngu! Làng nào lại làng có hai đình”? Dân chúng gọi gia chủ ấy là Đại gia. Năm ngoái nhân dịp „Tết trồng cây”, noi gương các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước, trưởng làng đến nói chuyện lễ phép với Đại gia, xin tài trợ một ít cây trồng cho đẹp làng. „Các chú muốn trồng cây gì”?- Đại gia hỏi. „Em không biết. Cái đó tùy bác”. „Thế thì tôi tài trợ cho mấy cây bằng lăng” - Đại gia đồng ý, rồi đặt cho người ta trở về. Lại còn trả công cho người trồng. Ngoài ra còn trồng thêm một cây phượng vĩ. Nhưng chưa đầy một tháng sau, trưởng làng lại đến nói chuyện: „Em xin bác cho chúng em chặt dãy bằng lăng của bác đi”. „Đấy là cây của làng rồi, chứ không phải của tôi nữa. Nhưng vừa mới trồng, sao đã chặt đi”? „Để lấy chỗ mở đường và làm bãi đỗ xe”. „Ừ , các ông là lãnh đạo, thích chặt gì thì chặt. Nhưng để lại cho tôi cây phượng vỹ”.
Chức trưởng làng ngày nay cũng như lý trưởng ngày xưa. Có chức sắc nhiều khi khổ chứ không phải lúc nào cũng hách dịch, đè đầu cưỡi cổ được người ta được. Tương truyền thời Pháp thuộc quê tôi có ông lý trưởng, gọi là cụ Lý Bá Cắu. Làm lý trưởng nhưng chữ nghĩa chẳng biết. Có lần bắt phu không đủ, quan trên về trừng phạt, sai đào hố chôn một chân cụ xuống đất đến đầu gối. Trời tháng lăm, nắng như thiêu như đốt. Cụ Lý bị chôn chân, đứng giữa trời, nón mũ nó không cho đội, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Cụ tay khua khoắng, nghiến răng nghiến lợi chửi : „Éo mẹ bố chúng mày! Ông mà ra được bây giờ thì có thằng chết...”! Ngày nay văn minh tất nhiên không có chuyện trưởng làng mù chữ. Anh nào cũng biết đọc biết viết cả. Có anh có bằng kỹ sư nông nghiệp. Còn đọc hiểu được bao nhiêu phần trăm ấy lại là vấn đề khác. Và cũng chẳng ai người ta chôn chân nữa. Nhưng anh trưởng làng tôi có lần bị huyện cúp lương vì việc làng có đánh bạc mà không báo cáo kịp thời. Ấy là không hoàn thành nhiệm vụ. Lương bị cúp thì tất nhiên phải nghĩ ra những phi vụ, dự án nọ kia để cứu vớt lại, chẳng hạn như mua bán ruộng đất, chặt cây mở đường, xây chỗ để xe...
Làng tôi vẫn còn cái loa công cộng như hồi chiến tranh chống Mỹ năm nào, nhưng thỉnh thoảng mới thấy oang oang, không vô duyên như một vài năm về trước. Tết đến thấy trên loa đọc lệnh cấm tàng trữ pháo và đốt pháo, trong khi đó quanh xóm tiếng pháo liên tục đùng đoàng. Giao thừa, ba bề bốn bên pháo đốt ầm ầm, sáng rực cả trời. Tôi hỏi cha tôi: „Cấm đốt pháo sao không bắt hoặc phạt người đốt pháo. Pháp lệnh không thi hành được thì ra pháp lệnh để làm gì”? „Để kiếm ăn – Cha tôi trả lời. - Tóm thằng có tóc chứ ai tóm thằng trọc đầu. Chúng nó lấy tiền đâu mà trả? Thịt người thì không ăn được. Vả lại bắt người đốt pháo sao cho xuể. Bọn công an chỉ săn bắt những thằng buôn pháo mới kiếm chác được. Năm sáu cân pháo là nó đã nhốt lại rồi. Trả một trăm năm mươi triệu thì nó thả”.
Cha tôi là trưởng tộc một dòng họ lớn, cũng như ông tôi, cụ tôi... Tôi vì là con trai trưởng, cũng có cơ sẽ nhận chức ấy, nên phải luyện tập dần. Mùng một Tết, phải vận bộ com lê, ngồi chỗ danh dự, làm ông bù nhìn gật gù tiếp khách. Tiếc rằng không có tục chọn trưởng tộc thông qua bầu cử. Họ to, suốt ngày người lũ lượt đến chúc Tết. Nước rót ra có khi khách chẳng kịp uống đã xin đi, nhường chỗ cho tốp khác. Nhưng thỉnh thoảng cũng nói được vài ba câu chuyện. Tất nhiên là tôi được hỏi: „Lương bổng mỗi tháng bao nhiêu”? Đành miễn cưỡng trả lời: „Tôi cũng như người đi câu. May giật được cá to thì bở, cả ngày cá không cắn câu thì xách giỏ về không”. Ông anh họ (họ ngoại tất nhiên) nói: „Tam nam bất phú. Nhà có ba anh em trai, thể nào cũng có một người ‘dính chưởng’. Nhà chú cũng thế”! „Nhà em ai dính chưởng”? – Tôi ngạc nhiên. „Chú chứ còn ai”! „Em dính chưởng thế nào”? „Lấy vợ ngoại quốc, không có con trai”. „Ngoại quốc hay nội quốc quan trọng gì. Hay dở cũng tùy người. Còn con cái thì sách có câu: Vô nam dụng nữ. Cơ bản chúng nó cứ phải ngoan. Con trai mà cờ bạc, rượu chè, trộm cướp, đâm thuê chém mướn thì trai làm gì”? - Âu cũng là nói chuyện cùng một thứ tiếng nhưng chẳng hiểu được nhau.
Tết đến, anh chị em, con cháu về đông đủ cả; chưa hết Tết, bầu đàn thê tử đã đi. Nhà lại vắng teo. Trước hôm lên đường, tôi ngồi đàm đạo cùng cha mẹ. Cha tôi nói: „Chúng tôi còn sống, anh còn thấp thoáng. Sau này chúng tôi mất rồi, chắc anh cũng chẳng về nữa”? „Sao bố lại dạy thế? Sống chết là mệnh trời. Người trần mắt thịt biết sao được mà tính chuyện quá xa xôi”. „Người ta sống, phải nghĩ đến tổ tiên. Nếu không thì sống trên đời này làm gì”? „Câu hỏi ấy các nhà hiền triết đã đặt ra từ thời thượng cổ đại. Đến nay vẫn chưa ai có được câu trả lời thỏa đáng. Với con thì đối xử với người sống mới khó, chứ với người đã khuất, ai mà chẳng tốt được”. „Anh chẳng khác Bá Di, Thúc Tề ngày xưa, lên núi Thú Dương ăn cỏ vi, chứ không chịu ăn thóc nhà Chu. Không ăn thóc nhà Chu nhưng ở đất nhà Chu”. „Con so thế nào được với Bá Di, Thúc Tề. Con là công dân thế giới, không phải lên núi Thú Dương mà ở, cũng không phải ăn cỏ vi để sống. Sau này chết chắc không phải vì chết đói”. Mẹ tôi nói: „Bố mẹ đã cao tuổi lắm rồi, trái nắng trở trời... Sang năm cố cho ‘mẹ nó’ về”. Tôi trả lời: „Vâng, con cũng định sang năm cho nhà con về”. Cha tôi hỏi: „Liệu có đủ tiền không”? Tôi cười: „Dạ, nếu ăn tiêu có kế hoạch, chắc là đủ”. Thói thường trước khi bay, tôi ra Hà Nội dừng chân, gói gém đồ đạc một hai hôm rồi mới ra sân bay. Mẹ tôi nói: „Sáng mùng sáu bay thì chiều mùng năm ra Hà Nội cũng được”. „Nhưng mùng năm là ngày ‘con nước’. Con số ‘quý nhân phù trợ’, đi ngày không lành cũng không sao. Chỉ sợ cha mẹ ở nhà áy náy”. „Đúng thế – Cha tôi nói . - Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Vì vậy tôi lên đường chiều mùng bốn Tết.
Ra Hà Nội tôi ở nhờ người anh em trong một tòa nhà cao ngất trời. Đứng ban công thấy khói sương mù mịt, chẳng khác gì Tôn Hành Giả đứng trên đám mây. „Việt Nam mình xây được tòa nhà này thì cũng hiện đại nhể„. -Tôi trầm trồ khen ngợi. Gia chủ nói: ”Đây là bọn Hàn Quốc xây. Mình xây gì, đến tầng mười đã không có nước cứu hỏa”. „Hà Nội bây giờ lại tăng gia nuôi gà”? „Hà Nội ai lại nuôi gà”. „Tôi đứng ban công rõ ràng nghe thấy tiếng gà gáy”. „À, chắc người ta tải gà từ quê lên, nhưng chưa kịp thịt”. Tôi có việc ra phố, đi thang máy xuống cứ như máy bay hạ cánh, đau hết cả tai. Sống ở đây trừ người anh em tôi và một số công dân nước ngoài, chắc nhiều đại gia và những nhân vật danh giá. Cùng đi thang với tôi có hai vị mặc com lê, cà vạt, nom rất trí thức, chuyện trò ròn rã: „Tôi là bạn của ông Trọng, chả lẽ tôi lại công kích ổng”. „Hôm qua có người quen điện cho tôi, đề nghị: Giáo sư phải nói với Thủ tướng cho ông Bộ trưởng này nghỉ việc. Nhưng tôi không làm việc đó. Tôi không phải là nhà chính trị”... - Tiếc rằng các vị chỉ đi thang có vài tầng, nếu không chắc còn nghe được nhiều điều thú vị. Xuống sảnh tôi thấy lối ra cửa kính đóng chặt. Bên ngoài có mấy người muốn vào, nhưng loay hoay cũng không được. Cạnh đấy có cái vành móng ngựa, một cô gái đẹp như tiên đương ngồi. Tôi hỏi: „Em ơi, làm thế nào ra được phố”? Cô gái trả lời: „Anh cứ đi ra, cửa sẽ tự nhiên mở”. „Giỏi nhỉ - tôi khen ngợi. - Chẳng kém gì Tề Thiên Đại Thánh”. Ngày xưa Tề Thiên Đại Thánh thần thông quảng đại, cùng hai em kết nghĩa hộ tống thày Đường Tăng là người nước Đại Đường bên Đông Thổ, sang Tây Thiên bái phật cầu kinh. Dọc đường ở nhờ nhà một vị đại tiên rồi ăn trộm nhân sâm. Nửa đêm thày trò bỏ trốn. Nhưng cửa giả đã bị bọn đồ đệ của đại tiên đoán được, khóa chặt. Tề Thiên Đại Thánh cầm gạy sắt chỉ một cái, cánh cửa tự nhiên cót két mở.
Cũng vì lên Hà Nội sớm một ngày, tôi có thời gian gặp lại mấy bạn cùng học ở Ba Lan năm xưa. Bọn tôi hẹn nhau tại một quán cà phê sang trọng ở Hà Thành. Đường phố đã lên đèn. Ngồi ngoài hiên gió lạnh, nhân viên phục vụ mời vào nhà trong. Nhưng bên trong, ngày đông tháng giá mà muỗi lượn nghênh ngang tựa máy bay. Muỗi Hà Nội bây giờ hình như là muỗi công nghiệp, to lắm chứ không như ngày xưa. Loại này đốt thì chỉ có chết. Bọn tôi lại chạy ra ngoài hóng gió, gọi bia. „Quán có bia ngoại không”? „Dạ, không”. „Có những loại bia gì”? „Có bia Hà Nội và bia Trúc Bạch”. „Hà Nội với Trúc Bạch khác nhau như thế nào”? „Hà Nội có nghĩa là trong lòng một con sông, còn Trúc Bạch là hồ ở trong lòng Hà Nội”. „Thế thì cho bia Trúc Bạch”! Một cậu bạn khoe: „Bọn em vừa đi làm cò mồi về”. „Tớ có chú em rể làm cò mồi nhà đất trúng lắm”. „Nhưng đây là cò mồi sách”. „Thế nào là cò mồi sách”? „Có một nhà văn rất nổi tiếng, móc ngoặc với nhà xuất bản nổi tiếng, giới thiệu, quảng cáo sách. Bọn em ngồi dự, cũng ra câu hỏi, đi đi lại lại, cầm lên đặt xuống, giả vờ mua...”. „Mà buồn cười lắm. Có đứa ngồi xuống nghe. Đến lúc tác giả bắt đầu diễn thuyết, giới thiệu thì nó cắp đít, đứng dạy, bỏ đi”. „Có bán được nhiều không”? „Cũng kha khá. Được khoảng hơn chục quyển”. „Em mua hai quyển, nhưng lại bỏ quên ở taxi”. „Anh có truyện Trần Bình Trọng hay. Em đã gửi cho báo Văn nghệ Quân đội, nhưng chúng nó bảo truyện hơi nhạy cảm”. „Mẹ bố chúng nó. Trần Bình Trọng đánh nhau với quân Nguyên thì không hiểu nhạy cảm ở chỗ nào? Mình viết nhiều, nhưng toàn những thứ linh tinh, chủ yếu là cho vui, cũng như bọn mình tán phét với nhau ở đây. Chỉ có mỗi truyện này viết là nghiêm túc, tra khảo cẩn thận, công phu. Ấy là vì cũng có ý cổ vũ lòng yêu nước của dân mình. Nhưng chúng nó cai trị, đăng hay không là quyền chúng nó. Có khi chúng nó chờ mình đút tiền thì chúng mới đăng. Bỏ đồng tiền thật để mua lấy cái danh hão thì đây không thể làm được ”. „Ô, hình như có thằng chép lại của anh, đã đăng ở đâu đó rồi. Để em về kiểm tra lại”. „Có ai có liên lạc gì với ông Trần Vũ học luyện kim ở AGH trường mình ngày xưa không”? „Có đấy. Anh ấy giờ rất thành đạt, gọi là Vũ Thép”. „Tưởng là Vũ Nhôm”? „Vũ Nhôm nó bắt mẹ nó rồi”. „Vào Đà Nẵng cứ thấy những xe tải chất đầy thép chạy nhắng thành phố là của anh ấy đó”. „Vừa mới hôm nọ anh Vũ gọi điện cho em”. „Vũ nào? Vũ Thép hay Vũ Nhôm”? „Vũ Nhôm. À quên, Vũ Thép. Nhưng nói tiếng Quảng Nam. Em chẳng hiểu gì cả, chỉ vâng vâng dạ dạ”. „Thế sao không nói tiếng Ba Lan”. „Tiếng Ba Lan mai mọt hết rồi, có khi còn khó hiểu hơn”. „Nó Bắt Vũ Nhôm rồi liệu có đến Vũ Thép không”? „Thấy động thì chạy đi nước ngoài mà chữa bệnh”. „Chạy đằng trời. Trịnh Xuân Thanh chạy sang Đức mà nó sang tận nơi bắt về”. „Đếch phải. Trịnh Xuân Thanh tự dẫn xác về đầu thú”. „Ấy là từ chỗ tối tìm về chỗ sáng”. „Thiệt hại ngoại giao vụ này rất lớn. Thiệt hại kinh tế cũng lớn. Nhưng sợ quái gì. Bắc Triều Tiên nó đã chết đếch đâu”. „Anh Vũ Thép bây thì chưa việc gì, vì là anh em đồng hao với thủ tướng. Có mệnh hệ nào cũng phải hết nhiệm kỳ này”. „Chưa biết được. Anh em đồng hao rất hay ghét nhau. Vớ vẩn nó cho một chưởng”. „Từ bên ấy vác tiền về đầu tư phần nhiều là chết. Anh Đặng Xuân A làm về cái nước thuốc chữa bách bệnh, cũng bị lừa mất khoảng nửa triệu eu”. „Anh A thì làm thế nào được ở Việt Nam”. „Anh A không phải bị bọn Việt Nam lừa mà bọn Tây lừa”. „Nói tóm lại là làm gì, ở đâu, với ai cũng cứ phải khôn. Cũng như bọn mình ngồi uống bia đây. Bia Việt Nam chỉ có ba độ, uống mãi chẳng say, cứ như đổ vào hang chuột. Thằng hàng bia liên tục khuân ra rồi nhấc vỏ chai đi. Chốc nữa biết đằng nào mà tính tiền? Nhưng tôi nhanh trí khôn, không cho nó nhặt nắp. Chốc nữa nó nói số chai nhiều hơn số nắp là không ổn”. „Chú thật là cao kiến. Tôi mà làm thiên tử sẽ phong cho chú làm đại đô đốc tổng nhiếp các đạo quân mã Lũng Tây”. „Gớm, ông tưởng chỉ mình ông khôn. Vỏ chai nó không mang đi đâu, chất đống ở chân tường đằng sau ông ấy”. „Nhưng nếu số vỏ chai không khớp với số nắp, cũng đếch trả tiền”. Uống bia suông với hạt điều mãi mãi xót ruột. Hỏi quán có gì ăn không thì trả lời rằng không. Mọi người lại rủ nhau đi quán khác ăn phở. Bấy giờ đã tương đối khuya. Hôm sau tôi phải bay sớm, nên xin phép bỏ cuộc. Tôi định đếm đống nắp chai trên bàn để tinh tiền thì một cậu bạn bảo: „Em nhanh hơn anh, đã trả rồi”. „Thôi sang năm ta lại gặp nhau. Tớ sẽ thanh toán”.
Sân bay người đi đông, nhưng thủ tục gửi hành lý cũng suôi sẻ. Tôi vào cửa trình giấy tờ xuất cảnh. Nữ đồng chí quan ải xem đi xem lại kĩ càng rồi ngẩng đẩu lên, thông báo: „Hộ chiếu của anh đã hết hạn”! Tôi giật bắn mình. Trước khi đi đã kiểm tra giấy tờ cẩn thận. Hay bị quáng gà chăng? Liền cầm lại hộ chiếu, chỉnh mục kỉnh, cũng xem đi xem lại, quả nhiên thấy ghi: „Có giá trị đến 2018-10-02”. Sực nhớ ra, nếu ghi kiểu này thì phải đọc như tiếng Ả Rập hay Thái Lan, từ phải sang trái, chứ không phải từ trái sang phải. Tôi nói: „Hộ chiếu của tôi còn hạn đến mùng 2 tháng 10 chứ không phải mùng 10 tháng 02”. Nữ đồng chí nghe ra, chẳng vặn vẹo gì thêm, đóng dấu xuất cảnh. Tôi mừng quá, vẫy chào cả những đồng bào không quen biết. Trước đó đã định vào quán ăn bát phở trước khi lên máy bay cho ấm bụng. Nhưng thôi, không la cà, chẳng ăn uống gì nữa, chạy biến vào máy bay -theo luật quốc tế là lãnh thổ nước ngoài - ngồi cho chắc ăn. Goodbye Vietnam!
Trương Đình Toe
Bình luận