Mấy hôm nay báo chí đưa tin về vụ bắt hai container (công) thuốc lá lậu mà điểm xuất phát là Việt Nam. Theo họ nếu số thuốc này nhập vào được sẽ làm thiệt hại cho Ba Lan 24 triệu Zl (6,4 triệu USD).
Ai cũng biết thuốc lá và rượu là những mặt hàng không được khuyến khích tiêu dùng nên có biểu thuế rất cao. Đọc vụ bắt thuốc lá này làm tôi nhớ lại giữa những năm 90, khi ấy Ba Lan còn nghèo, rất nhiều người nghiện rượu pha cồn ra uống. Một hôm có anh được coi là thông minh và rất nhanh nhậy trong việc làm ăn đến rủ tôi đưa lậu cồn từ VN sang. Những năm ấy hàng tuần tôi vẫn có công quần áo, có tuần còn thêm cả công dép từ Sài Gòn (SG) sang Ba Lan (BL). Khi đến BL hải quan chỉ mở công ra, rạch bao hàng ở đầu công để xem có đúng mặt hàng đã được khai báo hay không. Máy soi cả công thì chưa có, như vậy việc đưa những can cồn vào phía trong công đâu có khó gì. Nhưng đêm nằm nghĩ lại thấy không ổn nên tôi mới gọi anh đến: Anh có biết cồn 90 độ cháy ác như xăng? SG thì rất nóng, nếu khi cẩu công lên tầu do ma sát mà cồn bốc cháy ngay giữa cảng thì sao? Ai đỡ đòn này hay anh em mình ngồi tù? Và câu chuyện buôn cồn kết thúc.
Một vài năm sau, khi các khu công nghiệp ở SG đang nở rộ có chú em đến rủ đi xin tiêu hủy rác thải của khu công nghiệp. Theo chú ấy cho biết mỗi xe rác đem tiêu hủy sẽ được trả năm triệu, nhưng mình không cần hủy mà có chỗ bán lại luôn và kiếm thêm được một vài triệu (lâu rồi không nhớ chính xác bao nhiêu nữa). Như vậy chả phải làm gì mà tiền cứ vào túi đều đều. Nhưng rồi bản tính nhát chết tôi bảo: Em làm một vài xe thì được, chứ làm lâu dài thì thế nào cũng bị phanh phui, không cẩn thận là bị ngồi tù về tội lừa đảo hay chiếm đoạt tài sản XHCN đấy. Vụ tiêu hủy rác thế là được chôn sâu vào lòng đất.
Có lúc tôi cũng đi lấy công cho mọi người, tuy không nhiều, nhưng khi thấy một chiến sỹ “tuổi trẻ tài cao” nhẩy vào làm thì bỏ luôn, vì tôi biết không thể làm được như họ. Tôi hiểu cách họ làm và tiền được đưa vào túi rất nhiều, rất nhanh. Nói thế không có nghĩa là tôi làm hoàn toàn trong sạch mà cũng có chuyện khai giá thấp nhưng ở mức hải quan chấp nhận được, còn chuyện làm dấu củ khoai để đóng vào các bộ hồ sơ bằng tiếng BL thì không bao giờ.
Được một số năm thì chiến sỹ ấy bị bắt. Sau khi được thả ra với những đồng vốn kiếm được từ BL chiến sỹ này về VN đầu tư vào bất động sản và lên như diều gặp gió. Trớ trêu thay, một lần có chú em làm cùng mời tôi đi ăn, đến nơi chú ấy mới nói có mời thêm chiến sỹ kia và hỏi tôi có thấy phiền hà gì không. Tôi thì ngồi với ai chả được có gì mà phiền với chả hà. Khi chiến sỹ ấy đến và được chú em giới thiệu cho biết tôi là người làm cùng, chiến sỹ ấy gật gù đúng giọng một đại gia. Nghĩ cũng phải, nhìn tôi ai chả đoán không đi quét rác thì cũng kéo xe chở hàng ở BL. Báo hại, khi chiến sỹ ấy về rồi chú em phải xin lỗi tôi về cách xử sự của anh ta và không quên chua thêm một câu: Hội trẻ sớm thành công dễ có thái độ như thế anh ạ.
Những chuyện đại loại như vậy thì nhiều. Có lúc ngồi nghĩ lại thấy lúc ở chiến trường chả sợ gì bom đạn mà sao nghĩ đến nhà tù là cứ run cầm cập. Không sợ bom đạn nhưng lại sợ chính lương tâm mình, chả dám lường gạt ai dù chỉ vài xu. Như thế không giầu được cũng chả có gì tiếc nuối, thôi thì bằng lòng với những gì mình đang có.
Để khép lại bài viết tôi muốn nói lời xin lỗi những người làm giầu một cách chân chính, tôi không có ý quy kết ai giầu cũng là người liều lĩnh, bất chấp luật pháp. Rất nhiều người làm giầu bằng trí tuệ và sức lực của chính mình. Cũng không ít người trong số họ sống rất có tâm, có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Những con người như thế đáng để chúng ta trân trọng và vinh danh họ là việc rất nên làm.
FB Vũ Công Tô.
Bình luận