Ngay từ ngày bé, đất nước Ba Lan đã trở thành cái tên thân thuộc với tôi. Du học tại Ba Lan, mỗi khi cậu về nghỉ hè đã trở thành điểm sáng để thu hút mọi người. Sinh ra từ vùng quê thuần lúa ngô khoai sắn, nhưng qua mấy năm sống ở Ba Lan, cậu như được lột xác. Da trắng, tóc để dài, quần loe, dép xì pô cùng với phong thái nghệ sĩ, cậu như một người từ hành tinh khác đến với vùng quê tôi. Cậu kể về đất nước Ba Lan, về lịch sử, con người và danh lam thắng cảnh nơi ấy như một đất nước bước ra từ huyền thoại. Lớn hơn chút nữa, tôi biết được kiến trúc, đặc biệt là các vĩ nhân làm rạng danh tên tuổi Ba Lan. Tôi tìm đọc các tác phẩm nổi tiếng của Heryk Sienkiewicz (1905 – giải Nobel Văn học), biết được phong cách kiến trúc Gotic như thế nào, thời kỳ phục hưng, nghe được nhạc Chopin, biết được nhà thiên văn học …, các vĩ nhân có các công trình, tác phẩm làm thay đổi thế giới, và cả giới quý tộc đầy tham vọng và quyến rũ. Tình yêu của đất nước có diện tích tương đồng với Việt Nam thân yêu nhưng dân số chỉ bằng non nửa cứ ngấm dần trong con tim tôi. Và một ngày đẹp trời, tôi đọc được thông tin về nền giáo dục Ba Lan. Con gái tôi đang có mong muốn được tìm hiểu và khám phá những nền văn hoá, giáo dục của các nước trên thế giới. Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 khiến lớp trẻ muốn hoà nhập nhanh với vốn liếng tiếng Anh thành thạo. Khi được cung cấp thông tin, tìm hiểu qua một số anh chị đã từng học tập và sinh sống ở Ba Lan, vợ chồng tôi đồng ý cho cháu chọn trường đạihọc Kinh tế Poznanlà nơi cháu sẽ học tập
Một mình vượt qua nửa vòng trái đất 3 năm trước, tuy có chút bỡ ngỡ song cháu hoà nhập rất nhanh. Dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư, con gái nhà văn Nguyên Hồng nói: “Cộng đồng người Việt tại Ba Lan rất tốt và thân thiện”. Qua giới thiệu của chị, tôi được làm quen với nhiều người. Họ là những nhà khoa học, giáo sư tiến sĩ, các nghiên cứu sinh tới Ba Lan học tập và lao động. Việc kết nối những người cùng niềm đam mê và nhất là những người tuy sống ở nước ngoài song trái tim luôn hướng về quê hương không khó. Qua Facebook, Zalo… mối thân tình ngày càng được xác lập. Qua câu chuyện của con và những người bạn hàng ngày, đất nước Ba Lan thanh bình có nền văn hoá cao khiến chúng tôi hoàn toàn yên tâm về việc lựa chọn của mình.
Và chúng tôi đã làm cuộc hành trình tới đất nước Ba Lan xinh đẹp.
Một góc thành cổ Warszawa.
Ngày đầu tiên tới thủ đô Vác-sa-va vào buổi tối. Một hành trình dài trên máy bay vẫn không ngủ được vì lệch múi giờ. Điều mà ở Việt Nam chưa từng có là Ba Lan 21 giờ trời chưa tối và 4 giờ trời đã sáng trưng. Ra phố khi trời vừa le lói ánh bình minh thấy vắng tanh. Nhìn ngắm phố phường trong không khí trong lành se lạnh và thoáng đãng thật khoái. Có thể tự do hít thở thật sâu và cảm nhận thật sâu để thấy một đất nước hoang tàn trong chiến tranh có thể khôi phục và xác định vị thế của mình nhanh và mạnh đến thế. Và sau tất cả, giờ họ sống chậm lại để cảm nhận giá trị của cuộc sống.
Đi thăm thành cổ, quảng trường chợ chính, Cung điện Hoàng gia, Công viên Lazienki Palace còn gọi là “Cung điện trên nước” …, những nơi bị hủy diệt trong chiến tranh, giờ được hồi sinh, đất nước của những anh hùng và những vĩ nhân… thấy mình thật may mắn.
Đất nước thanh bình thì con người cũng thoải mái, thân thiện là lẽ đương nhiên. Bất cứ lúc nào nếu bạn có ý định hỏi han một điều gì đó, bạn sẽ nhận được ánh mắt, nụ cười và sự chỉ bảo tận tình. Có điều hơi bất ngờ là người trung tuổi Ba Lan nói tiếng Anh không tốt lắm. Giao thông Ba Lan rất tiện lợi. Nếu bạn có Internet, bạn sẽ tra được thời gian và đoạn đường bạn cần di chuyển. Thời gian các phương tiện giao thông chính xác tới từng phút. Và người tham gia giao thông tự giác mua vé hoặc quẹt thẻ mà không cần nhân viên kiểm soát.
Đến thành phố Poznan, nơi con tôi sinh sống và học tập mới thấy mỗi vùng đất có cách phát triển khác nhau. Thành phố Poznan có tới gần một nửa dân số là sinh viên các trường đại học, là nơi thường xuyên tổ chức Hội chợ và triển lãm. Công trình kiến trúc cổ mang dấu ấn thời kì phục hưng đan xen với các toà nhà hiện đại hoành tráng. Sự tinh tế hài hoà của kiến trúc tổng thể khiến bất cứ ai tới thăm cũng đều ngạc nhiên. Sự đồ sộ, hoành tráng của xi măng cốt thép được hệ thống cây xanh tô điểm trở nên quyến rũ và sang trọng. Vì dân số Poznan đông sinh viên nên đường phố nơi đây được tiếp thêm sức trẻ. Nhìn những chàng trai, cô gái tràn đầy năng lượng đi lại trên phố thật thích. Họ có tuổi trẻ, có nhiệt huyết và trí óc đã lựa chọn thành phố đầy tiềm năng này để tích lũy kiến thức. Tại thành phố Poznan có một quán ăn của đôi vợ chồng người Việt. Có lẽ trời se duyên cho họ. Sự khiếm khuyết của mỗi người được người kia bù đắp. Nói chuyện một hồi mới thấy bản lĩnh và tình cảm họ dành cho thành phố này lớn đến mức nào. Anh Hùng và chị Thanh Hà là đôi vợ chồng tôi muốn nói đến. Mỗi người đã qua một lần đò, và mảnh ghép sau mới hoàn hảo và mãn nguyện. Tôi đọc trong câu chuyện họ kể, trong mỗi ánh mắt, hành động họ dành cho nhau tình yêu và sự cảm thông. Làm thế nào để cân bằng gia đình có con em, con anh và con chúng ta là việc vô cùng khó khăn. Vậy mà sau một thời gian gắn bó, các con anh chị đã coi nhau như người một nhà. Cô con gái của Thanh Hà nói với anh Hùng: “Con cảm ơn bố!” Anh Hùng đã khóc vì cảm động. Và khi con trai riêng của anh Hùng cưới vợ ở Việt Nam, người đầu tiên mà cậu thông báo là chị Thanh Hà. Sống xa quê, vào ngày lễ, Tết anh chị thường gọi bạn bè và các cháu sinh viên về nhà tổ chức ăn uống. Tấm lòng của anh đã xua tan cái lạnh băng giá của những người xa quê, trong đó có những sinh viên mới xa vòng tay cha mẹ như con chúng tôi.
Kết thúc bài viết, chỉ biết cảm ơn đất nước Ba Lan đã có chính sách ưu đãi phù hợp và tạo điều kiện cho những người trẻ đam mê cái mới, cái sáng tạo được học tập, được hoà mình vào môi trường văn hoá đỉnh cao để trở thành những con người trưởng thành hoà nhập cùng xã hội văn minh./
Hải Phòng 7/2019
Nhà văn Dương Thị Nhụn. Hội viên Hội nhà văn Hải Phòng..
Bình luận