2020-03-27 07:51:10

Những bài học thời chiến

Marko Nikolic


Marko Nikolic (1987) là người Serbia, sống ở Việt Nam từ 2014. Là nhà giáo và nhà văn, tác giả của ''Phố Nhà Thờ'' (Nhã Nam), tiểu thuyết đầu tiên do người nước ngoài viết bằng tiếng Việt.

Anh là thạc sĩ trong lĩnh vực giảng dạy tại Đại học Belgrade, Serbia và Đại học Latvia và có thể sử dụng bốn ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga, Việt. Anh viết sách từ năm 14 tuổi và từng ra mắt hai cuốn sách tại châu Âu. Hiện tại anh sống ở Hà Nội. 

Trang cá nhân: www.marko.vn

Những bài học thời chiến

Vào ngày này 21 năm trước, các nước NATO bắt đầu chiến dịch ném bom quê hương Nam Tư của tôi - cuộc chiến cuối cùng của thế kỷ 20 ở châu Âu. Thời đó tôi 12 tuổi.

Hoạt động quân sự kéo dài 78 ngày này là giai đoạn cuối của chuỗi nội chiến đẫm máu ở thập niên 90 đánh dấu sự sụp đổ của Nam Tư thành sáu quốc gia độc lập. Nếu tôi chỉ có ký ức mơ hồ về chiến tranh ở Croatia và Bosnia thì tôi vẫn nhớ rõ vụ đánh bom của NATO. 

Tôi sẽ không bao giờ quên cảm giác sợ hãi khi lần đầu tiên nghe tiếng cảnh báo của còi báo động vào 8giờ tối, ngày 24 tháng 3. Một tiếng rền rĩ gây sợ thấu tận trong xương tủy. ''Máy bay thả bom của địch đang đến gần!''. Mọi người hoảng hốt, tắt đèn, đóng rèm lại và chạy xuống hầm tránh bom. Một sự yên lặng đầy đe dọa và cảm giác nơm nớp chờ đợi. Rồi tiếng máy bay và tiếng bom nổ vang lên từ xa.

Trong một tích tắc, cuộc sống đã thay đổi, sinh hoạt đã dừng lại, tất cả bị xáo trộn. Trái lại với tình hình hiện tại (đại dịch Covid-19) khi chúng ta có thể tiếp cận lượng thông tin đầy đủ trên khắp các phương tiện truyền thông (tới mức thông tin dồi dào có nguy cơ gây thêm nỗi sợ hãi hay truyền tin tức sai sự thật), năm 1999 thông tin về chiến tranh rất ít ỏi. Chúng tôi đã chỉ có hai cách để tiếp thu thông tin: xem ba kênh của đài truyền hình nhà nước hay nghe đài nước ngoài VOA (Voice of America).

Tôi vẫn nhớ như in những cảnh thảm khốc: một bệnh viện bị đánh bom, một tàu hỏa đầy hành khách bị trúng bom lúc băng qua cầu, một ngôi chợ ở quê tôi bị đánh bom, nhiều xác chết rải rác khắp đường... Ngay cả đài truyền hình nhà nước cũng bị trúng bom, khiến 16 phóng viên và nhà báo thiệt mạng. Các quan chức NATO đã luôn dùng thuật ngữ collateral damage (thiệt hại ngoài dự kiến) để đề cập đến các ca thường dân thiệt mạng. Hoạt động đánh bom của NATO đã gây khoảng 500 dân thường chết, phá hủy hơn 25.000 công trình và thả hơn 400.000 quả bom.

Nhưng sau một thời gian, chúng tôi dần quen sống trong hoàn cảnh mới. Những tháng ngày trong hầm tránh bom dần đỡ sợ hãi, không khí bớt đi tuyệt vọng. Nếu trong mùa dịch Covid-19 chúng ta giải trí bằng việc lướt mạng xã hội và chia sẻ những hình ảnh hài hước về "Cô Vy", thì năm 1999 chúng tôi đã chưa có smartphone hay mạng Internet. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không biết tìm kiếm niềm vui giữa thực tế bi kịch.

Chúng tôi nói chuyện, giao lưu với các hàng xóm tại hầm, tận hưởng sự gần gũi và những mối quan hệ xã hội. Lũ trẻ em chơi nhiều trò chơi như trốn tìm hay trò chiến tranh bằng cây súng nhựa. Nếu thoạt đầu chúng tôi chạy xuống hầm ngay khi nghe tiếng còi báo động, thì sau một thời gian chúng tôi chỉ làm thế khi nghe tiếng máy bay địch. Các không kích và tiếng bom nổ dần trở thành điều bình thường. Chúng tôi bớt sợ một phần vì biết nếu bị đánh bom và trúng ''xấu số'' thì không tránh cái chết được. Như người Việt nói: trời gọi ai nấy dạ. Khi đánh giặc cùng một kẻ thù vô hình thì không thể làm gì hết ngoài việc ẩn mình và chờ đợi.

Thời đó tôi còn quá trẻ để hiểu đầy đủ vụ đánh bom của NATO và các căn nguyên, tính toán chính trị đằng sau nó. Nhưng bây giờ, hai thập kỷ sau, khi suy ngẫm lại, tôi hiểu rằng trong chiến tranh, người dân vô tội thường phải thua thiệt và gánh nặng, trả giá đắt vì các quyết định chính trị của những kẻ ''giật dây'' từ trên ghế bành an toàn của mình. Chiến tranh là một thứ ác có khả năng làm lộ ra phần xấu xa nhất của con người và phá hủy nhanh chóng tình hữu nghị giữa các dân tộc. Những dân tộc của Nam Tư cũ (người Serbia, Croatia, Bosnia) có vô vàn điểm tương đồng về mặt văn hóa, ngôn ngữ hay tính cách, tuy nhiên chiến tranh và tuyên truyền đã làm mù mắt các người từng được coi là đồng xứ, là hàng xóm hay bạn bè, khiến họ căm ghét nhau, sẵn lòng giết nhau.

Khi lòng căm thù hoành hành thì người ta dễ mất bĩnh tính và sáng suốt, dễ quên các giá trị đạo đức và xuôi theo những bản năng xấu xa nhất. Mặc dù thế giới ngoài cuộc có khuynh hướng đen trắng hóa cuộc chiến tranh theo logic một bên là người tốt bên khác là kẻ xấu, trên thực tế mỗi bên đều có phần lỗi và, ở mức nào đó, tay nhuốm máu. Khi suy ngẫm lại một cách khách quan hơn, chúng ta có thể nhận ra lỗi sai và trách nhiệm của mình, tuy nhiên giữa nội chiến ác liệt người ta rất dễ bị chủ quan và thiên vị. Chiến tranh ở quê đã khiến tôi từ bỏ vĩnh viễn chủ nghĩa dân tộc, một hệ tư tưởng có thể lợi dụng lòng yêu nước để thao túng, chia rẽ và truyền bá sự thù ghét giữa các dân tộc.

Nhưng chiến tranh cũng đã dạy cho tôi những bài học tích cực hơn. Năm 1999 tôi đã tận mắt chứng kiến sự tháo vát và dẻo dai phi phàm của con người, khả năng thích ứng thật nhanh của họ với hoàn cảnh mới. Sau khi vượt qua cú sốc ban đầu, chúng tôi dần thỏa lòng với những gì ít ỏi vẫn có và quen sống đạm bạc. Khi cuộc sống bị xáo trộn và ta phải chịu mất mát rất nhiều, chúng ta phải tìm cái gì tốt đẹp để bám vào, dù nó nhỏ nhặt đến đâu. Từ đó, chúng ta giữ niềm tin lạc quan và quý trọng những gì ta vẫn có: sức khỏe, gia đình, tính mạng. Kinh tế bị tê liệt, đất nước bị tàn phá với những cây cầu, nhà máy, trường học thành đống đổ nát. Nhưng chúng tôi đã làm lại từ đầu, chúng tôi đã xây dựng lại tất cả và tái thiết đất nước.

Đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất xấu ở châu Âu khiến tôi lo lắng cho bố mẹ. Tôi gọi điện cho bố sau khi biết tin chính phủ Serbia cấm người dân lớn tuổi ra ngoài. Bố tôi không kêu ca và vẫn giữ tinh thần vui vẻ. Tình hình này khiến bố liên tưởng đến vụ đánh bom năm 1999. Bố tự trấn an: ''Năm 1999, chúng ta lo sợ vì có thể bị trúng tên lửa và chết bất cứ lúc nào. Bây giờ dịch này đỡ rồi vì việc duy nhất ta phải làm là nhốt mình ở nhà và chờ đợi hết dịch'', bố tôi kết luận với cảm nghĩ tích cực.

Marko Nikolic
(nguyên tác tiếng Việt)

Nguồn: https://vnexpress.net/goc-nhin/nhung-bai-hoc-thoi-chien-4073192.html

Sửa lần cuối 2020-03-27 06:47:45

Bình luận

Bình luận qua Facebook