Súp-lơ trắng được trồng ở Tiểu Á từ trước Công nguyên. Nó được đưa đến trồng ở Châu Âu vào thế kỷ 16 và đến Châu Mỹ trong thế kỷ 17. Ước tính diện tích trồng súp-lơ ở Ba Lan hiện nay là 6.600 ha.
Súp lơ trắng là một loại rau rất phổ biến trên bàn ăn của người Ba Lan, nhưng không nhiều người trong chúng ta nhận thức được nó có nhiều chất dinh dưỡng và là một loại rau ngon, bổ, rẻ, có thể mua ở bất cứ cửa hàng nào.
Trước hết, súp-lơ trắng là loại rau ít calo (100 g chứa khoảng 22 kcal), nên nó là một loại rau lý tưởng cho tất cả các chế độ ăn kiêng, giảm béo.
Súp-lơ trắng thuộc loại rau có chỉ số đường huyết thấp, đó là lý do tại sao nó được khuyên dùng trong chế độ ăn kiêng của những người mắc bệnh tiểu đường hoặc kháng insulin. Sau khi tiêu thụ, lượng đường trong máu không tăng nhanh, điều này cũng là do sự hiện diện của chất xơ. Là một thành phần của các món ăn, nó sẽ cải thiện cảm giác no, điều này có thể khiến bạn ít muốn ăn vặt hơn giữa các bữa ăn và giúp kiểm soát cân nặng.
Súp-lơ là nguồn cung cấp carbohydrate, chất xơ, protein và một lượng nhỏ chất béo. Chất xơ và nước có trong rau hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón hoặc trĩ. Tuy nhiên, người mắc các bệnh viêm nhiễm đường tiêu hóa, cần chế độ ăn dễ tiêu nên ăn súp lơ với lượng vừa phải. Nó không được khuyến cáo cho những người mắc hội chứng ruột kích thích do hàm lượng FODMAP cao.
Súp-lơ chứa các vitamin: A (ở dạng beta-carotene), C, E, B1, B2, B3, B6, K. Nó cũng là một nguồn khoáng chất - natri, kali, canxi, phốt pho, magiê, sắt, mangan , kẽm, đồng và axit folic.
Cả khi ăn sống và nấu chín, súp-lơ trắng là nguồn cung cấp các thành phần hoạt tính sinh học có hiệu quả trong việc ngăn ngừa ung thư đã được ghi nhận trong nhiều nghiên cứu (là nguồn cung cấp glucosinolates, đặc biệt là sulforaphane - một hợp chất có đặc tính chống ung thư mạnh). Các hợp chất polyphenolic chứa trong súp-lơ trắng có đặc tính chống đột biến.
Nhờ hàm lượng vitamin A, C, E - có đặc tính chống oxy hóa, súp-lơ hỗ trợ cơ chế bảo vệ tự nhiên chống lại hoạt động của các gốc oxy tự do. Những vitamin này rất quan trọng trong quá trình điều trị và phòng ngừa các bệnh mãn tính.
Súp-lơ trắng chứa hàm lượng lớn vitamin và khoáng chất, đặc biệt là axit folic – chất cực kỳ quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của bà bầu. Nó ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi đang phát triển.
Súp-lơ trắng là một trong những loại rau có tác dụng chống viêm mạnh mẽ. Chất histidine trong rau giúp da của ta duy trì mức độ hydrat hóa thích hợp (chống khô da) và làm giảm các khiếm khuyết dưới dạng mụn.
Cần chú ý là một số loại rau họ cải, bao gồm cả súp-lơ trắng, không được khuyên dùng cho các bệnh về tuyến giáp do có chứa chất gây bướu cổ (goitogen). Mặc dù, dưới tác động của xử lý nhiệt (nấu không đậy nắp), chúng bị phá hủy một phần.
Súp lơ có mặt trên bàn ăn của người Ba Lan quanh năm. Vào mùa hè, súp lơ tươi kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11. Súp lơ có thể được bảo quản trong tủ lạnh trong khoảng năm ngày, nhưng bạn có thể để đông lạnh trong vài tháng sau khi chia thành những mảnh nhỏ mà không bị mất chất bổ.
Theo truyền thống, súp lơ thường được dùng để làm salat, nấu súp hoặc luộc. Món súp-lơ luộc trộn với bơ và bột chiên (bułka tarta) kiểu Ba Lan được coi là một món ăn nổi tiếng trên thế giới. Ngày nay, súp-lơ cũng thường được chế biến theo cách của các nước vùng Địa Trung Hải, tức là cho vào lò nướng cùng với các loại rau củ khác (cà rốt, cà tím vv...). Món rau này thường là một phẩn trong món ăn chính trong bữa (cùng với khoai tây, thịt (cá) và rau nộm).
Một món ăn đặc biệt nữa là súp-lơ muối chua. Nếu bạn chưa có dịp thưởng thức món này hãy tự mình làm để sau đó không bao giờ quên được sự hấp dẫn của nó. Súp-lơ muối chua (thường là cùng với cà rốt hoặc ớt ngọt) có thể chế biến dễ dàng, không khác gì các món dưa cải hay cà rốt. Nhưng món này ngon ở chỗ là ăn rất mềm, nghọt và ròn, rất tốt cho những người khi những hàm răng đã quá yếu.
Ở Việt nam, loại rau này được người Pháp đưa vào trồng từ cuối thế kỉ 19. Ở miền Bắc Việt Nam, súp-lơ chỉ được trồng vào mùa đông. Trên các vùng núi cao của Tây nguyên, đặc biệt là Đà Lạt, súp-lơ được trồng nhiều nhất. Người Việt đã quen với các món súp-lơ xào với hành tây, cà rốt và bóng trong các mâm cỗ hoặc mâm cơm ngày tết. Ngày nay súp-lơ được dùng phổ biến hơn với các món như súp-lơ xào thịt bò, súp-lơ xào lườn gà, canh súp-lơ với đậu phụ, canh sườn súp-lơ vv...
Thật thú vị, không cần nhiều gia vị và các kiến thức kỹ thuật nhà bếp phức tạp, món súp-lơ luôn ngon miệng, bổ và luôn làm hài lòng gia đình và khách của bạn.
Xuân Nguyên (Sưu tầm)
Bình luận