Theo quan điểm sinh học, những người già đi nhanh hơn có nguy cơ tử vong sớm hơn và có khả năng dễ mắc các bệnh liên quan đến độ tuổi cao hơn. Nhìn chung, mỗi người già đi với các tốc độ khác nhau, tùy thuộc vào gen của chúng ta nhưng cũng phụ thuộc rất nhiều vào những gì chúng ta ăn hàng ngày, thời gian tập thể dục và những độc tố có môi trường mà chúng ta tiếp xúc. Với mỗi người, cần phân biệt hai loại tuổi: tuổi đời (hay tuổi thời gian) xác định một người bao nhiêu tuổi theo ngày sinh và tuổi sinh học là tuổi xác định sự phát triển của cơ thể ở mỗi giai đoạn của cuộc đời. Nói cách khác, tuổi sinh học là thước đo mức độ tốt hay xấu mà cơ thể bạn đang vận hành so với tuổi thực theo năm sinh của bạn.
Tuổi sinh học liên quan đến những vấn đề như tuổi răng (mức độ mòn của răng), tuổi xương (mức độ khoáng hóa xương), tuổi sinh lý (thường được xác định theo tuổi, nhưng cũng có tính đến trạng thái hiệu quả sinh lý của các cơ quan chức năng trong cơ thể) , chỉ số đo BIA (khối lượng mỡ trong cơ thể tính bằng % so với trọng lượng toàn bộ cơ thể). Trong khi tuổi đời không thể thay đổi, tuổi sinh học có thể bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống, lối sống, cách kiểm soát bệnh tật. Và do đó bạn có thể "trẻ hóa" nhiều năm so với những người có cùng tuổi đời. Chẳng hạn, bạn có tuổi đời là 65, nhưng do có lối sống lành mạnh và năng động, về mặt sinh lý, cơ thể bạn giống với người có độ tuổi 55. Khi đó, tuổi sinh học của bạn sẽ là 55.
Đây không phải là những phát minh hoàn toàn mới, bởi đã có nhiều người, trong nhiều thế hệ áp dụng lối sống này. Nhưng đây là một kết quả nghiên cứu với đối tượng là bản thân mình, của một giáo sư Di truyền học tại Đại học Y Harvard (Hoa Kỳ).
(TS David Andrew Sinclair, giáo sư di truyền học tại Trường Y Harvard)
Giáo sư TS David Sinclair thừa nhận rằng trước tuổi 30 ông ấy bị thừa cân và thường uống rượu nhiều. Nhà sinh vật học sau đó đã bắt đầu tập theo lối sống lành mạnh. Đến nay, dù đã 53 tuổi, nhưng các xét nghiệm cho thấy cơ thể của ông vẫn như người 43 tuổi. Ông cho biết trong một công bố khoa học: "Tuổi sinh học theo tính toán của tôi đã giảm đến mức tôi được dự đoán sẽ sống lâu hơn ít nhất một thập kỷ. Tất cả những gì cần làm không bao giờ là quá muộn". Theo ông, 4 lời khuyên quý giá dưới đây có thể "đảo ngược" quá trình lão hóa, đặc biệt đối với những người đang ở tuổi trung niên.
1. Tập thể dục ba lần một tuần
Nền tảng của hầu hết các thủ thuật chống lão hóa là tập thể dục. Vận động đúng cách giúp ta duy trì vóc dáng cân đối, cải thiện sức khỏe và giảm số cân nặng không cần thiết. Ngoài ra, vận động giúp ta cải thiện tình trạng của tim và giảm nguy cơ viêm nhiễm trong cơ thể. Thể dục cũng giúp chúng ta cải thiện tâm trạng do cơ thể tiết ra endorphin và được giao tiếp với thiên nhiên. Tiến sĩ Sinclair cho biết ông cố gắng tập thể dục có bài bản ít nhất ba lần một tuần. Các buổi tập bao gồm bơi lội, đi xe đạp, chèo thuyền, đi bộ nhanh hoặc chạy. Còn trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị tất cả người lớn nên tập thể dục có kế hoạch theo các cách ít nhất 150 phút mỗi tuần hoặc 30 phút mỗi ngày.
2. Nhịn ăn gián đoạn
Theo TS Sinclair, mọi người nên thử nhịn ăn gián đoạn để làm chậm quá trình lão hóa. Giảm lượng calo của bạn xuống chỉ vài giờ mỗi ngày có thể làm tăng độ nhạy insulin, bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường và giúp tế bào của bạn có thời gian để loại bỏ các chất thải có thể gây ra những thay đổi có hại. Nhà sinh vật học Harvard tiết lộ rằng để tránh lão hóa, ông luôn giới hạn lượng thức ăn của mình vài giờ trong mỗi ngày.
3. Uống matcha hai lần một ngày
Tiến sĩ Sinclair uống hai tách trà xanh matcha mỗi ngày. Loại trà truyền thống của Nhật Bản này ( cũng giống như trà móc câu Việt Nam) chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp hạn chế tổn thương tế bào. Nhà sinh vật học giải thích rằng matcha có đặc tính chống viêm. Ngoài ra, ông uống khoảng hai viên resveratrol (một loại thực phẩm chức năng) mỗi ngày để làm chậm quá trình lão hóa. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của ông cho thấy rằng hoạt chất Resveratrol có trong rượu vang đỏ, quả việt quất, quả mâm xôi, dâu tawmg, lạc, nước ép nho và ca cao có thể làm giảm viêm và kích hoạt các protein liên quan đến tuổi thọ. Tuy nhiên, khả năng resveratrol giúp cải thiện tuổi thọ vẫn đang là vấn đề cần phải nghiên cứu sâu hơn.
(Resveratrol là chất có nhiều trong nho và rượu vang)
4. Tránh căng thẳng và nóng nảy
Chuyên gia từ Harvard gợi ý rằng sự lo lắng và cáu kỉnh liên tục do tiếp xúc với "những kẻ gàn dở" sẽ rút ngắn tuổi thọ. Điều này là do những cảm xúc tiêu cực mạnh dẫn đến căng thẳng mãn tính, có thể gây viêm mãn tính trong cơ thể và làm tăng nguy cơ phát triển nhiều bệnh nghiêm trọng, bao gồm các bệnh về tim, mạch và đường ruột, dạ dày. Căng thẳng mãn tính cũng có thể gây ra những thay đổi trong tế bào, đẩy nhanh quá trình lão hóa của chúng. Để khắc phục điều này, Tiến sĩ Sinclair dành một chút thời gian mỗi ngày để "bình tĩnh lại". Ông tiết lộ rằng thiền định rất có tác dụng để tăng tuổi thọ.
(David Andrew Sinclair là một nhà sinh vật học và học giả người Mỹ gốc Úc nổi tiếng với các nghiên cứu về lão hóa và sinh học. Ông là giáo sư di truyền học tại Trường Y Harvard và là đồng giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Sinh học về Lão hóa Paul F. Glenn).
Xuân Nguyên (Nguồn: Medonet.pl)
Bình luận