ĐSQ Việt Nam cùng bà con cộng đồng người Việt tại Ba Lan đón Tết Bính Tân tại Chùa Nhân Hòa (Ba Lan)
Trên
đất khách, đời sống tâm linh luôn đóng vai trò quan
trọng đối với kiều bào ta. Mỗi độ Xuân sang, nỗi
niềm xa quê hợp cùng tiếng vọng thiêng liêng của Tổ
Quốc, trước chốn linh thiêng càng thêm thắm lại.
Đáng mừng là hiện nay ở Châu Âu, nhiều cụm công trình văn hóa, tâm linh mang bản sắc Việt Nam đã và đang được nhiều cộng đồng phát tâm xây dựng, như Chùa Phổ Đà, Chùa Linh Thứu, Chùa Quán Thế Âm,… tại Đức, Chùa Nhân Hòa, Chùa Thiên Phúc,… tại Ba Lan, và nhiều chùa chiền, phật đường ở các nước khác. Đại đức Thích Pháp Nhẫn, Trụ trì chùa Phổ Đà tại Berlin từng cho biết “Những ngày lễ lớn, liên quan đến văn hóa dân tộc như Tết, lễ Vu Lan,…, các nghi thức hướng về Tổ Quốc, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ dân tộc vẫn thường được Sư và các phật tử tại Chùa Phổ Đà và nhiều nơi khác thực hiện rất thành kính”. Nghe Sư nói vậy, dẫu biết rằng Phật giáo Việt Nam vẫn luôn song hành cùng quá trình dựng nước và giữ nước, nhưng ở nơi đất khách xa xôi này, tôi cảm nhận được điều đó càng mang ý nghĩa thiêng liêng, cao cả.
Dĩ nhiên, trong quá trình phát triển, mở rộng, ngay cả với những tôn giáo chính thống cũng không hề thiếu các trang đen tối và những mảnh ghép “què quặt”. Ông Trần Quốc Quân, nhà văn(tác giả tiểu thuyết Tuyết Hoang nổi tiếng gần đây), đồng thời là doanh nhân tiêu biểu tại Vác-sa-va trao đổi một cách thẳng thắn: “Bản thân tôi là người có đức tin, nhưng tôi thực hành niềm tin tâm linh theo nhận thức của tôi, tự tâm. Có những người đến với các địa chỉ tâm linh, tôn giáo bằng động cơ vụ lợi, thiếu trong sáng. Họ đến đó nhằm cầu xin phúc, lộc và sự bao che cho bản thân chứ không hoàn toàn vì tâm đức, thiện nguyện. Họ đến cúng tiến một phần hòng mưu cầu nhận lại hơn gấp bội từ Thần, Phật và các bậc linh thiêng thì chẳng khác gì ý thức của những người đi hối lộ. Chưa nói đến có những kẻ đầu tư vào các công trình tâm linh với những mục đích thấp kém khác”. Quả thực khi đi đến một số nơi, ở trong cũng như ngoài nước, tôi từng nghe không ít bà con phàn nàn, trăn trở về những khía cạnh thiếu lành mạnh trong các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng. Hơn nữa gần đây, nhiều hành vi phản văn hóa tại các lễ hội linh thiêng diễn ra khá phức tạp và phổ biến, khiến những người có lương tâm và trách nhiệm không khỏi thấy ái ngại cho đời sống tâm linh, tín ngưỡng trong xã hội ta.
Các Phật tử tại chùa Thiên Phúc - Ba Lan
Ô. Nguyễn Hoàng Tuyển thay mặt đạo hữu chùa Thiên Phúc (BL) đọc văn tế tại Đại lễ cầu siêu, tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma (14-3-2016).
Từ
góc nhìn của một Phật tử, ông Nguyễn Hoàng Tuyển, Chủ
tịch HĐQT Công ty Vinatapol tại Vác-sa-va có cách tiếp cận
khá báo dung về vấn đề này: “Những người đã đến
với các tôn giáo chính thống và những niềm tin tâm linh
lành mạnh, dù chưa toàn tâm toàn ý thì ít nhiều họ
cũng đang khởi tâm hướng thiện. Ngay trong một con người
nếu muốn tiễu trừ tà tâm cũng cần phải trải qua quá
trình tu tập công phu mới mong thành tựu. Do đó, chúng ta
không nên đánh giá vội vàng, cũng không nên vì những
hành vi tiêu cực của ai đó mà làm ảnh hưởng đến
niềm tin tâm linh của mình”. Cách nhìn nhận này có lẽ
cũng là suy nghĩ của nhiều mạnh thường quân khác trên
đất khách.
Khung cảnh trong khuôn viên chùa Phổ Đà (Berlin)
Bà
Trịnh Thị Mùi, chủ tịch HĐQT Trung tâm thương mại Thái
Bình Dương tại Berlin, người đã chủ trì xây dựng Chùa
Phổ Đà (Berlin) tâm sự: “Khi xây dựng chùa Phổ Đà,
nhiều người lúc đầu chưa hiểu tâm nguyện của tôi và
cộng đồng phật tử nên nhìn bằng ánh mắt đầy hoài
nghi. Thậm chí, có người còn cố ý phao tin thất thiệt
hòng làm mất uy tín của tôi và nhà chùa. Tuy nhiên, đến
nay thì hầu hết mọi người đều đã nhận ra, đã chung
tay góp sức để vun vén cho chốn tâm linh, tín ngưỡng
đậm đà bản sắc dân tộc này”. Chúng tôi hiểu và
rất cảm phục nỗ lực, cũng như tâm huyết của bà
Trịnh Thị Mùi. Và hy vọng, ngày càng có nhiều người
làm được những điều tương tự.
Tại các nước khoa học phát triển hàng đầu như Mỹ, Úc, Đức, Anh,…, các tôn giáo chính thống như Cơ đốc giáo, Phật giáo, Hồi giáo,… luôn đóng một vai trò, vị trí nhất định trong xã hội. Mặc dù, nhận thức về các tôn giáo, tín ngưỡng đang có những điều chỉnh nhất định, nhưng có lẽ, dù nhân loại phát triển đến đâu thì đời sống tâm linh, tín ngưỡng vẫn luôn song hành và đóng một vai trò nhất định. Ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch liên hiệp các hội doanh nghiệp VN tại châu Âu, chủ đầu tư Trung tâm thương mại ASG tại Vác- sa-va nhận định: “Với sự phát triển như vũ bão, khả năng kiểm soát của con người trước những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại sẽ ngày càng khó khăn. Vì thế, nếu có một niềm tin tâm linh, tôn giáo tốt thì sẽ góp phần điều hòa và kiềm chế bớt những nguy cơ đột biến, gây nguy hiểm cho nhân loại”. Một chính khách nổi tiếng của Ba Lan – đất nước theo đạo Thiên chúa, cũng từng cảnh báo: “Chúng ta chỉ biết được một điều chắc chắn, đó là thế giới chúng ta đang sống không hề chắc chắn”. Tôi nghĩ, lo ngại của các ông đều xuât phát từ những nguy cơ tiềm ẩn mà con người đang ngày càng phải đối diện rõ hơn. Và, cách tiếp cận về vai trò của tôn giáo ở khía cạnh này không phải là không có cơ sở.
Mong rằng, kiều bào ta, cũng như đồng bào trong nước, sẽ sớm bài trừ được những hủ tục mê tín dị đoan và những hành vi phản văn hóa trong các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng để xây dựng một đời sống tinh thần lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc trên đất khách xa xôi này.
Chùa Thiên Ân tại CH. Séc
Nguyễn Thức Tuấn (NCS tại Ba Lan)
Bình luận