2017-04-27 09:24:48

Mê tín, Tín ngưỡng và Tôn giáo (Tiếp theo kì trước)

Đạo Phật:


Khác với các tôn giáo đã nói ở trên, Phật giáo khuyên người sùng đạo thờ Phật nhưng không sùng bái Phật như là một vị thần hay một Đấng tối cao có quyền phán xét hay có toàn quyền sinh sát. Phật Đà, vị giáo chủ của đạo Phật là người đã sống thực. Đức Phật Đà nguyên là Thái tử Tất Đạt Đa, sinh vào khoảng năm 624 trước Công nguyên (và qua đời khi 80 tuổi) trong một gia đình hoàng tộc thuộc dòng Thích-ca tại Ca-tì-la-vệ thuộc Nepal ngày nay. Theo tương truyền và sử liệu, Thái tử đã tự tìm hiểu sự vận hành của thế giới, giác ngộ viên mãn và tự giải thoát khỏi quy luật sinh tử luân hồi. Người đã truyền bá kinh nghiệm giác ngộ của mình cho các đồ đệ của mình và sau đó là cho mọi người để mong chấm dứt khổ đau của họ. Những lời giáo pháp của Thái tử trong thời gian đi truyền bá đã đặt nền tảng cho sự hình thành Phật pháp. Sau khi thành đạo,Thái tử Tất Đạt Đa có danh hiệu là Thích Ca Mâu Ni và được tôn thờ là Phật Đà.

Cốt lõi cơ bản trong triết lí của Đạo Phật là Nhân Quả  Luân hồi. Nhân Quả nghĩa là chúng sinh gieo Nhân nào sẽ gặt Quả đó, không thể nào lẩn tránh được. Luân hồi nghĩa là chúng sinh không phải chỉ có một kiếp hiện tại mà đã và sẽ sinh ra, chết đi vô lượng kiếp dưới nhiều xác thân khác nhau. Luật Nhân Quả luôn theo sát quá trình Luân hồi. Mỗi người tự làm chủ số phận của mình bằng Nhân Quả hay Nghiệp lực (những hành động và việc làm có chủ tâm) của mình tạo ra. Không một ai ngoài bản thân có thể phán xét, cứu vớt, xóa tội cho mình. Muốn giải thoát khỏi Luân hồi sinh tử chỉ có một con đường tu tập theo sự chỉ dạy của Phật. Con đường giải thoát là khách quan, có sẵn không lệ thuộc vào Phật. Phật chỉ là người đi trước, đã thành công và giải thoát. Vì vậy mọi chúng sinh đều có thể đi theo con đường của Phật để tự giải thoát và thành Phật. Các vị  Tăng hay các vị Phật, Bồ Tát chỉ là người dẫn đường, bảo vệ hoặc gia hộ cho chúng sinh tự tìm cách giải thoát.

Mục tiêu tu hành trong giáo lí của Phật gồm 3 điều: 1.Chấm dứt làm các việc xấu, việc ác; 2. Siêng năng làm các việc lành, thiện; 3. Nỗ lực thực hành các pháp môn tu tập để tâm thức đạt được tới cảnh giới thanh tịnh.

Những luật căn bản của đạo Phật là 5 giới, 10 điều thiện.

Giới ở đây được hiểu là điều răn, là hàng rào ngăn cấm những việc xấu trong hành động, lời nói và suy nghĩ của con người. Năm giới mà Phật tử (tín đồ của Phật) phải thọ (thực hiện tốt) là :

không sát sinh: Bao gồm không giết hại từ con người đến súc vật lớn như voi, ngựa, trâu, bò v.v…, cho đến các loài nhỏ bé như côn trùng, sâu bọ, kiến v.v… Không những không giết hại mà còn không làm tổn thương đau đớn con người và các loài.

không trộm cắp: Không trộm cướp của người khác, từ nhà cửa, ruộng vườn, của cải, tiền bạc cho đến các vật tư hữu nhỏ bé dù là của tư hay của công.

không tà dâm: không ép buộc người khác phải thỏa mãn tình dục với mình, không hãm hiếp đàn bà, con gái. không dụ dỗ hay dùng thủ đoạn để cướp vợ người khác. Người Phật tử không được xui bảo, bày mưu cho người khác làm việc tà dâm.

không nói dối: Nói dối là nói láo, nói không đúng sự thật, chuyện có nói không, chuyện không nói có làm cho người nghe hành động sai, thù ghét lẫn nhau. Nói lời thêu dệt, thêm bớt cũng là nói dối.

không uống rượu: Uống rượu say có thể gây phạm bốn giới cấm nêu ở trên là sát sinh, cướp của, nói dối, hiếp dâm. Uống rượu làm cho con người mất sáng suốt minh mẫn, mê dại.


Mười điều thiện là dựa trên 5 giới rồi mở rộng:

- Thân (hành động): không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.

- Khẩu (lời nói): không nói dối, không nói 2 lưỡi (gặp người này nói xấu người kia và ngược lại), không nói thêu dệt, không nói lời thô ác.

- Ý (suy nghĩ): không tham lam, không sân hận (đem lòng oán hờn người khác, hận đời), không si mê.

Phật giáo tin rằng, trừ những tội cực nặng đã phạm như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, đại vọng ngữ (tự xưng mình là Thánh) phải tùy nghiệp mà thụ báo, còn các tội khác đều có thể dựa vào phương pháp do Phật quy định mà tiến hành sám hối. Tác dụng của sám hối là hoàn toàn thành khẩn, tự mình tu tỉnh, tự mình kiềm chế, phát nguyện từ nay về sau không còn tái phạm nữa. Sám hối được thì tâm sẽ được bình tịnh, cởi bỏ được mặc cảm của lỗi lầm.

Phật giáo cho rằng tất cả chúng sinh, trừ các bậc đã giải thoát khỏi sinh tử hay là tự chủ đối với sinh tử (các vị A La Hán, Bồ Tát), còn thì tất cả đều ở trong vòng sinh tử luân hồi. Phạm vi luân hồi bao gồm sáu cõi sống, còn gọi là 6 đạo, kể từ trên xuống là cõi Trời, cõi Người, cõi Tu La (thần đạo), cõi súc sinh, cõi quỷ, cõi địa ngục. Trong mỗi cõi sống như vậy, hưởng hết phúc, hay là chịu hết tội báo là chấm dứt một chu kì sinh tử, mở ra một chu kì sinh tử khác. Luân chuyển trong sáu cõi sống rồi chết như vậy gọi là luân hồi.

Đặc biệt, Phật giáo tin rằng, phạm vi luân hồi sinh tử tuy là có 6 cõi, nhưng cõi người là chủ đạo. Chỉ ở cõi người chúng sinh mới vừa có thể gieo các nhân thiện hay ác nghiệp, vừa chịu quả báo. Còn ở các cõi sống khác, chúng sinh chỉ có một chiều hướng phúc báo, không có cơ hội tạo nghiệp mới.

Phật giáo cho rằng, con người khi chưa thoát khỏi giới hạn của sinh tử luân hồi thì đều có khả năng sống ở thiên đường và địa ngục. Chịu khổ báo hết rồi, chúng sinh  địa ngục vẫn có thể sinh lên thiên đường. Ở thiên đường, hưởng phúc báo hết rồi, chúng sinh  thiên đường lại có thể xuống địa ngục. Vì vậy, Phật giáo cho rằng thiên đường tuy là cảnh giới sung sướng, nhưng không phải là nơi an lạc cứu kính, địa ngục tuy là cảnh giới khổ, nhưng cũng có ngày thoát khổ.

Một Phật tử chân chính, sùng bái Phật, quyết không phải là để được phúc tránh họa. Nếu định nghiệp của người nào đó đã đến và hiện hành thì dù có cầu nguyện đến mấy Phật cũng không làm gì được. Nhưng nếu biết dựa vào chính Pháp của Phật giảng mà hành động, như bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, nỗ lực, tu định, phát huệ thì có khả năng thay đổi nghiệp lực quá khứ, tội nặng nhưng chịu quả báo nhẹ; tội nhẹ thì được khỏi quả báo; bởi vì „nghiệp lực hành thụ báo”, nghĩa là những hành động của mình sẽ được báo đáp.

Những người muốn trở thành Phật tử thì trước hết phải biết và cố gắng thực hiện được 5 giới như đã nói ở trên. Theo đạo Phật, Phật tử không nhất thiết phải thọ cả 5 giới nhưng nếu đã hứa thọ giới nào thì phải giữ lời hứa.

Điều quan trọng nhất và có tính chất bắt buộc để được công nhận là Phật tử là phải Quy y. Quy y có nghĩa là hoan hỷ (vui vẻ) chấp nhận sự hướng dẫn của Tam Bảo (Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo). Nói một cách dễ hiểu, Phật tử khi đã được Quy y phải tuyệt đối kính Phật, chịu sự hướng dẫn của giáo pháp nhà Phật và Tăng đoàn (những chư Tăng đã ly gia, cắt ái, đang tu hành thanh tịnh trong chùa) để tu hành.

Những Phật tử đã quy y, nguyện thọ 5 giới cũng được khuyên bảo là nên ăn chay. Trong trường hợp có trở ngại trong gia đình hay vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nào đó mà không ăn chay liên tục được thì cũng nên ăn chay một tháng hai lần hoặc bốn lần. Ngoài ra, đã là Phật tử thì không được tự mình sát sinh hay yêu cầu người khác sát sinh.

Phần III. Mê tín dị đoan trong Tín ngưỡng và Tôn giáo

Trong một bài phân tích từ Hán âm Việt có nói: „Mê” có nghĩa là thiếu sáng suốt hay là lầm lẫn, „tín” có nghĩa là tin hay là không ngờ vực. Tuy nhiên, đức tin trong mê tín và tín ngưỡng vẫn luôn hấp dẫn và hữu ích cho cuộc sống con người dù những niềm tin đó nhiều khi vô căn cứ, dựa trên sự thiếu hiểu biết hay sợ hãi. Nhưng khi những niềm tin đó trở thành những suy nghĩ sùng bái cực đoan, hoặc được tác động bởi những con người tự xưng là thay mặt cho Thần,Thánh, Thiên Chúa hay Phật, làm những điều tai hại cho sức khỏe, tinh thần của mình và cho cộng đồng thì đức tin trở thành bất lợi, thậm chí gây hiểm họa cho cuộc sống con người, các nhà nghiên cứu gọi đó là mê tín dị đoan.

Cho đến nay vẫn có rất nhiều định nghĩa hay quan niệm khác nhau về Mê tín dị đoan (Superstition). Không có dân tộc nào trên thế giới không chịu ảnh hưởng bởi mê tín dị đoan. Một kết quả thống kê cho thấy khoảng 2/3 dân số thế giới nhận rằng họ ít nhiều tin và thực hành những điều được gọi là mê tín dị đoan. Họ tin và thực hành bởi vì họ quan niệm đó không phải là mê tín dị đoan hoặc là những điều đó diễn ra thường xuyên bên cạnh họ, trở thành một phần quá quen thuộc trong cuộc sống của họ nên họ không thể nào phân biệt và nhận thức chúng là mê tín dị đoan nữa. Mê tín dị đoan thường được thể hiện với các niềm tin liên quan tới may mắn, lời tiên tri và thần linh.

Tín ngưỡng

Tìm hiểu tín ngưỡng trong cộng đồng người Việt có thể thấy mê tín dị đoan ở các hình thức như sau:

Những nghi thức xuất phát từ truyền thống hay thói quen: Đó là những nghi thức được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhiều khi mang tính truyền thống gia đình như: Đi xin xâm, bói bài, bói chân gà, xem chỉ tay, xem tướng, tử vi, đốt giấy tiền vàng trong ngày lễ, tết vv…Những kẻ bói toán có rất nhiều kĩ xảo để làm cho người ta tin tưởng một cách mù quáng. Những mê tín dị đoan dưới dạng này thường được núp sau danh nghĩa „phong tục cổ truyền” hay „tín ngưỡng dân gian”.

Dưới dạng những điều có ý mang lại tốt lành hoặc những điều cần kiêng cữ để tránh hiểm họa. Đó là: Chọn giờ, ngày lành, tháng tốt để xuất hành đi xa, cất nhà, khai trương tiệm quán, cưới hỏi vv…Người ta tin rằng nếu chọn được ngày giờ tốt (hoàng đạo) thì sẽ thành công, vợ chồng hạnh phúc, làm ăn phát đạt mặc dù không có cơ sở gì để chứng minh. Những điều kiêng cữ thì có rất nhiều, thí dụ người bán hàng kị người mở hàng buổi sớm có vía xấu, nhiều người kiêng đàn bà có chửa xông đất buổi đầu năm hay dự cỗ đám ma, đám cưới. Người Việt cũng cố tránh chọn vợ, chọn chồng không hợp tuổi vv…

Dưới dạng những điềm tiên báo mang đến những vận tốt hay hạn xấu: Nhiều người tin rằng sẽ gặp điềm gở khi chim cú đến nhà, gương vỡ, ra đường gặp mèo đen chạy ngang qua trước mặt, mèo lạ đến nhà. Nhưng nếu có chó lạ tự đến nhà mình, nằm mộng thấy quan tài thì lại cho đó là điềm may.

Dưới những hình thức lễ bái, cúng tế, cầu xin: Cúng cô hồn, lên đồng, cúng sao giải hạn, cầu tài lộc, cầu tự, cầu tình duyên, cắt tình duyên vv…Việc gọi hồn, nói chuyện với vong linh để tìm ra nguyên nhân những điều lành dữ xảy ra trong gia đình hoặc để tìm mộ người đã chết mà không biết chính xác nơi chôn cũng là những dạng mê tín dị đoan.

Dưới hình thức chữa bệnh bằng ma thuật: Mời thày cúng đến nhà hoặc đưa bệnh nhân đến nơi có thày cúng để chữa bệnh. Làm lễ cúng trừ tà ma, đồng bóng, dùng thư yểm bùa để trị bệnh. Trong một số trường hợp thày cúng còn đánh đập người bệnh với lí do làm cho ma quái trong người bệnh sợ hãi hay đốt lá bùa bắt bệnh nhân uống.


Tôn giáo

Như trên đã nói, tôn giáo bắt nguồn từ mê tín. Mà đã là mê tín thì không thể tránh khỏi những hiện tượng huyễn hoặc và cuồng tín. Mỗi tôn giáo đều mang những bản sắc đó cho nên mới có chuyện một hiện tượng không thể giải thích xảy ra trong một tôn giáo nào đó, người theo tôn giáo này cho đó là một „phép mầu”, trong khi hiện tượng giống hệt như vậy xảy ra trong tôn giáo khác, thì họ lại coi là „điều huyễn hoặc”. Thế nhưng, mỗi tôn giáo đều tự cho rằng tôn giáo của mình không mê tín dị đoan vì họ có „bằng chứng” để hỗ trợ cho những lễ nghi, giáo điều, tín ngưỡng vv… của họ. Bằng chứng duy nhất vẫn chỉ là „đức tin” của họ. Theo họ, „đức tin” là một ý niệm không cần phải giải thích được bằng những kiến thức khoa học hiện thời, không có khái niệm „phản khoa học” đối với „đức tin” trong tôn giáo. Chính vì vậy, trong bài viết này sẽ không bàn đến khái niệm mê tín dị đoan trong tôn giáo mà chỉ nói đến những điều huyễn hoặc và những hiện tượng thái quá hay pha tạp giữa triết lí của tôn giáo với những quan niệm về thánh, thần.

1. Thiên Chúa giáo:

Triết lí của Thiên Chúa giáo đều coi Chúa Trời (Thiên Chúa), là đấng tối cao tồn tại vĩnh hằng cho dù không thể chứng minh được sự tồn tại đó bằng những lí thuyết khoa học. Xét từ quan niệm đó, các tôn giáo này đã thể hiện một sự huyền bí. Ngoài ra, đức tin mà mỗi tôn giáo đặt ra cho mình đều dựa trên những triết lí do một người hoặc một nhóm người đề xướng. Những triết lí đó luôn mang tính chủ quan của người đã nghĩ ra nó. Qua dòng chảy của thời gian, các triết lí này lại được những người khác thêm thắt, sửa đổi, được thần thánh hóa. Chính vì vậy mà nhiều đức tin được triết gia này, tôn giáo này chấp nhận nhưng lại bị triết gia khác, tôn giáo khác phản đối. Thí dụ, nền tảng đức tin của Do Thái giáo gồm 13 nguyên tắc, được đưa ra bởi triết gia Maimonides (nhà Triết học và nhà Thiên văn học người Do Thái ,SN 1135), có nội dung như sau:

  1. Thiên Chúa thực hữu.

  2. Thiên Chúa là duy nhất và khác biệt với muôn vật.

  3. Thiên Chúa không có thân thể theo vật lý.

  4. Thiên Chúa là vĩnh cửu.

  5. Chỉ cầu nguyện với một mình Thiên Chúa mà thôi.

  6. Lời của các tiên tri là chân thật.

  7. Những lời tiên tri của Moses (người phát ngôn của Thiên Chúa) là chân thật và ông là tiên tri vĩ đại nhất trong số các tiên tri.

  8. Bộ Torah được ghi chép thành văn tự và bộ Torah khẩu truyền (về sau được chép lại thành bộ Talmud) đều do Thiên Chúa phán truyền cho Moses.

  9. Sẽ không có một bộ Torah nào khác hơn là bộ Torah truyền thống.

  10. Thiên Chúa biết hết các tâm tưởng và việc làm của loài người.

  11. Thiên Chúa sẽ thưởng người tốt và phạt người xấu.

  12. Đấng Messiah sẽ đến.

  13. Người chết sẽ được sống lại.

Những nguyên tắc này đã gây nhiều tranh cãi ngay từ lần đầu đưa ra (thế kỉ XII). Nhiều triết gia cũng đã phê bình các nguyên tắc này chứa quá nhiều điều không phải. Đáng chú ý là một số nguyên tắc đức tin được xem là rất quan trọng mà những ai phản kháng đều có thể bị xếp vào loại dị giáo.

Do Thái giáo có trước Ki-tô giáo và Hồi giáo. Ba tôn giáo này cùng có chung quan điểm về Thiên Chúa, nhưng lại có nhiều bất đồng về nhiều mặt khi xét về đức tin.

Do Thái giáo và Hồi giáo đều tôn thờ duy nhất một Thiên Chúa. Ngoài Thiên Chúa, những vị khác chỉ được gọi là Thiên thần, được Thiên Chúa dựng nên để làm sứ giả gửi đến chăm sóc con người. Đối với Do Thái giáo, Mô-sê là sứ giả “cao cấp”, vì qua Mô-sê mà Thiên Chúa mặc khải các điều răn và giáo huấn, nền tảng của giao ước được Thiên Chúa thiết lập với dân Ix-ra-en trên Núi Sinai. Đối với Hồi giáo, Muhammad là sứ giả được Thiên Chúa mặc khải kinh Koran (đọc, kể), sách thánh mà các tín đồ Hồi giáo tôn kính là Lời Chúa và là mặc khải cuối cùng truyền lại cho nhân loại (Muhammad được người Hồi giáo coi là tiên tri cuối cùng làm phát ngôn viên của Chúa nói với nhân loại).

Các đạo Ki-tô giáo thì tôn thờ Thiên Chúa và Đức Chúa Giê-su (Jesus Christ). Kinh thánh nói rằng Giê-su là con của Đức Chúa Trời và Đức mẹ đồng trinh Maria, là ngôi Chúa thứ 2 và chịu đóng đinh trên Thập giá để cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi. Cũng chính vì vậy, Chúa Giê-su được tín đồ các đạo này xưng tụng là Đấng Cứu Thế.

Do Thái giáo và Hồi giáo không công nhận Giê-su là con của Đức Chúa trời vì cho rằng Thiên Chúa không thể có con khi ngài không hề có người bạn đường. Hồi giáo coi Chúa Giê-su chỉ là một sứ giả vĩ đại chứ không là gì hơn còn Do Thái giáo coi Chúa Giê-su là một tiên tri giả. Hai tôn giáo này không coi Chúa Giê-su là Đấng cứu độ, không là thần linh, không sống lại được. Các tôn giáo này còn cho rằng Ki-tô giáo đã sai lầm khi đặt Giê-su (sinh ra trên trái đất) ngang hàng với Thiên Chúa. Còn theo các học giả thì Giê-su là một người Do Thái vùng Galilee, sinh vào khoảng đầu thế kỷ thứ nhất và qua đời trong khoảng từ năm 30 đến 36 sau Công Nguyên tại xứ Judea.

Ở một khía cạnh khác của đức tin, Do Thái giáo không đồng ý với Hồi giáo về việc tin Muhammad là sứ giả thật, hoặc kinh Koran là mặc khải thật. Do Thái giáo không đồng ý với việc Hồi giáo nói rằng kinh Koran không có sai lầm và làm ra là để “sửa” các lỗi có trong Kinh Thánh của Do Thái giáo.

Công giáo và Chính thống giáo đều thờ Thiên chúa Ba ngôi: Chúa Cha, Chúa Con (Đức Giê-su) và Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, Công giáo và Chính thống giáo lại khác nhau trong quan niệm về Chúa Thánh Thần. Công giáo nói rằng „Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra”, trong khi Chính thống giáo không công nhận điều đó. Ngoài ra, Chính thống giáo còn không công nhận các tín điều về Đức mẹ Đồng trinh là mang thai không rõ nguyên nhân (Immaculate conception) và lên trời cả hồn và xác, mặc dù vẫn tôn kính Đức Mẹ.

Đạo Tin lành cho rằng mẹ Maria đã sinh thêm con cái sau khi sinh Chúa Giê-su, nên họ chỉ tin Đức mẹ Maria là đồng trinh cho đến khi sinh Chúa Giê-su mà thôi. Các giáo phái Tin lành cũng như Chính thống giáo đều không công nhận Đức Giáo hoàng (tại Roma) là đại diện duy nhất của Chúa Giê-su trong sức mạng chăn dắt con chiên của Người trên trần thế. Ở góc độ thần học, Tin lành không chấp nhận vai trò trung gian của Giáo hội Công giáo trong việc hòa giải con người với Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa tín đồ Tin lành coi Giám mục, Linh mục là người không có quyền tha tội nhân danh chúa Giê-su cũng như thi hành mọi sứ vụ thiêng liêng khác như rửa tội, thêm sức, thánh thể, xức dầu thánh, chứng hôn…Các tín đồ Tin lành cho rằng những Thánh vật, sự hiện thân của Đức mẹ Đồng trinh, sự cầu nguyện cho người chết, nước Thánh vv…cũng như hầu hết những nghi lễ của Công giáo đều là mê tín dị đoan. Trong khi đó Công giáo và Chính thống giáo cho phép Giám mục và Linh mục được thi hành các sứ vụ đó vì nói rằng Giám mục, Linh mục đã được truyền chức thánh.

Quan niệm rửa tội để tẩy sạch tội lỗi đã mắc và tái sinh vào sự sống mới cũng là một điều thần bí. Trong khi Công giáo chỉ dùng nước vẩy lên đầu hay trán của người được rửa tội thì Chính thống giáo lại có nghi thức dìm người được rửa tội xuống nước (immersion) ba lần.

Đạo Tin lành tôn thờ 5 đức tin (còn gọi là 5 tín lý duy nhất) và coi đó là những cải cách đối với các đức tin của Công giáo:

Cứu rỗi (giải cứu một linh hồn ra khỏi tội lỗi và hậu quả của nó) là do Thiên Chúa Ban cho chứ không phải từ nỗ lực của con người. Chỉ cần tin vào Thiên Chúa con người sẽ thoát khỏi bệnh tật hoặc trở nên vô tội mà không phải tự chữa bệnh hoặc tự chuộc lỗi. Đây là một điều quan trọng trong học thuyết cải cách do Martin Luther đề xướng.

Kinh Thánh là lời Thiên Chúa, là thẩm quyền duy nhất đến từ Thiên Chúa ban cho mọi người, cho nên chỉ cần tu theo Kinh Thánh.

Chúa Giê-su là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người. Ngoài ra, Đức mẹ Maria, các Thánh và các Linh mục không thể đem đến sự cứu rỗi cho mọi người.

Mọi vinh hiển đều dành cho Thiên Chúa vì sự cứu rỗi là công việc tự tay Người làm.

Theo các học giả, hai đức tin đầu đi ngược với giáo lí của Công giáo và những tôn giáo khác. Ba đức tin sau cùng cho thấy chỉ cần tin vào Chúa là có thể tránh, hoặc được mọi sự. Trong khi đó Thiên Chúa được tôn vinh như một vị Thần tối cao, là một hình ảnh trìu tượng. Tín đồ Tin lành coi tin Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa nhưng Kinh Thánh thực ra cũng chỉ là những điều được các nhà triết học và thần học soạn ra, chưa kể rất nhiều những lời „mặc khải” của Thiên Chúa về vũ trụ, nhân sinh đã chứng tỏ là sai lầm trước những chứng cứ khoa học ngày nay.

Về đức tin, Anh giáo có một số điều khác biệt so với Công giáo:

Công giáo tin có luyện ngục để được thanh tảy sau khi chết, còn Anh giáo thì không.

Công giáo tin rằng bánh và rượu sau khi truyền phép trở thành mình máu Chúa thật trong Thánh Thể, còn Anh giáo thì không.

Anh giáo không tin vào điều Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội. Họ cũng không nhận là Đức Mẹ được đưa về trời cả hồn lẫn xác. Họ cũng không tin sự đồng công cứu chuộc của Đức Mẹ với Chúa Giêsu.

Công giáo thì không cho phép ly dị và tái hôn; nhưng Anh giáo thì được phép.

Trong Công giáo thì việc ngừa thai nhân tạo bị cấm, mặc dầu nhiều người xử dụng phương pháp này. Với Anh giáo thì đây là vấn đề riêng tư cá nhân chứ không còn là vấn đề của tôn giáo nữa.

Công giáo cấm phá thai còn Anh giáo thì cho với điều kiện...


2. Phật giáo:

Trước tiên cần phải kể đến những huyền bí về Phật được những người truyền đạo và người đời truyền miệng từ bao nghìn năm nay. Những người bình thường nếu không được nghiên cứu hoặc được giảng giải đúng những triết lí của đạo Phật đều có suy nghĩ Phật cũng giống như Thánh, Thần, có phép mầu để giúp người tốt và trị kẻ ác. Nhiều tăng ni và Phật tử đã thêu dệt thêm các điều huyền bí, biến chế ý tưởng cơ bản của Phật pháp và pha trộn thêm vào đó những ý tưởng của tín ngưỡng dân gian để tạo nên những phương cách hành đạo theo ý của họ. Vì phục tùng Tam bảo nên Phật tử và người mộ đạo luôn tin rằng các vị tăng ni không những có đạo đức hơn người thường mà còn có những quyền phép đặc biệt để cứu độ người khác. Do vậy, nhiều khi các chư tăng đã lạm dụng Phật pháp để phục vụ lợi ích riêng như tạo dựng uy quyền, chính trị, kiếm tiền thậm chí hưởng lạc.

Trong đạo Phật, „luật nhân quả” và triết lí về „nghiệp” cũng là những khái niệm huyền bí mặc dù được nhiều người tin và coi như những đức tin có ích. Nhưng nhiều khi người ta lại vin vào đó để đánh giá việc cúng dường và đến chùa. Trong khi những việc cần làm như Phật pháp đã dạy là phải tự tu thân tích đức, thọ 5 giới không được thực hiện hoặc sao nhãng thì người ta lại quan niệm cúng dường càng nhiều, đi chùa càng siêng, tụng kinh càng nhiều thì sẽ càng được nhiều phúc đức hoặc sẽ được Phật phù hộ độ trì cho tai qua, nạn khỏi, làm ăn phát đạt, gia đình êm ấm, tình duyên thuận lợi. Người ta đến chùa xì xụp bái lạy trước các tượng Phật, đặt các lễ đắt tiền, mang cả rượu, bia đặt dưới chân tượng để mong cầu được, ước thấy. Người ta rải tiền những nơi đặt bàn thờ Phật, gài tiền vào tay tượng Phật để mong được các ngài ra tay cứu độ. Người ta chăm lo sắp lễ, siêng năng đến chùa, đặc biệt là những khi chuẩn bị cho việc thăng quan tiến chức với suy nghĩ Phật nhìn thấy „tấm lòng kính Phật” của họ mà giúp cho chồng, con của họ được toại nguyện. Nhiều người không biết khấn vái thế nào chỉ nói câu „kính Phật phù hộ độ trì cho chúng con”, nhiều người có tiền hoặc cẩn thận hơn thì thuê người khác cúng Phật hộ. Tất cả những việc làm đó đều xuất phát từ lòng tham lam và ngu xuẩn của con người chứ đâu gọi là tu tỉnh. Phật pháp dạy rằng: „Tự mỗi người phải hành đạo để giải thoát mình vì không ai, kể cả Phật, có thể cứu độ ai khác được”.

Nhiều hiện tượng phi Phật pháp đang được phổ biến ở nhiều chùa là các lễ cúng sao giải hạn, cầu vong, cầu phúc, xin xâm, xem tuổi vv.. được các tăng ni giúp đỡ. Bên cạnh chùa là những hoạt động bói toán, cúng đốt vàng mã vv… do các nhóm người „ăn theo” chùa điều hành. Nhiều gia đình còn mời tăng ni đến nhà để làm các lễ trên thay cho các thày cúng. Tại nhiều địa phương, các tăng ni ra giá cho các buổi lễ tạ đó với giá cao ngất ngưởng. Tất cả những điều đó đều không đúng với những triết lí cơ bản của đạo Phật.

Chúng ta cùng xem xét một ví dụ:

- Cúng Sao giải hạn: Theo các sách về tử vi của Trung Quốc và sau đó được truyền bá vào Việt nam thì hàng năm, mỗi tuổi âm lịch chịu ảnh hưởng của một vì sao gọi là sao chiếu mạng. Theo đó con người theo chu kì sẽ gặp Sao tốt hoặc Sao xấu. Tốt và xấu ở đây được các nhà chiêm tinh học Trung Quốc đặt ra và gọi tên từ hàng nghìn năm trước. Những ảnh hưởng tốt xấu đến con người được đánh giá theo xác suất và được các thày bói, thày cúng truyền đạt theo nhiều cách cốt để thu phục lòng tin cho người khác. Nếu có phần nào đúng với những gì xảy ra thì điều đó sẽ được khuyếch đại lên qua miệng của các thày, còn nếu không đúng thì người ta cho đó là có điều gì huyền bí mà thày còn chưa thể biết được. Triết lí đạo Phật không nói đến những Sao tốt và Sao xấu, càng không khảng định có thể cầu khấn Phật mà giải được hạn. Tuy vậy các lễ này càng ngày càng phổ biến trong các chùa, đặc biệt là vào dịp rằm tháng giêng. Bàn về vấn đề này có nhà nghiên cứu cho rằng có lẽ do người Việt đang chịu nhiều ảnh hưởng của tín ngưỡng văn hóa đa thần nên các vị chư tăng ngày nay cũng đành phải „tùy duyên hóa độ” mà tổ chức các buổi lễ này. Mặc dù biết việc cúng sao giải hạn là không phù hợp với Phật pháp nhưng vẫn duy trì vì lo ngại Phật tử sẽ đi sang chùa khác hay theo thầy bói, hay cúng mà tội nghiệp. Cũng có người cho rằng, do thời thế thay đổi, triết lí của đạo Phật cũng cần phải hay đổi để phù hợp với cuộc sống mới, rằng những lễ tạ đó nhiều khi cũng mang lại sự yên bình cho người đã chết và cho người đang sống.

Thay cho lời kết

Đời sống tâm linh của con người là một chuỗi dài những vấn đề phức tạp và khó lí giải. Nhiều đức tin được duy trì từ đời này sang đời khác làm cho người ta tưởng đó là những tiên đề bất khả xâm phạm. Thí dụ đức tin được hầu hết các tôn giáo chấp nhận là tồn tại Thiên đường và Địa ngục. Cả ba đạo của Thiên chúa giáo cùng có đức tin là sẽ có ngày Thiên Chúa cho người chết được sống lại và có cuộc phán xét các linh hồn. Những tín đồ làm tốt các điều răn sẽ được hưởng phúc trường sinh trên Thiên đàng, còn những người không nghe theo lời Chúa, không làm tốt các điều răn sẽ bị phạt đời đời dưới Hỏa ngục. Thuyết luân hồi của đạo Phật cũng đề cập đến Thiên đường và địa ngục với những nội dung tương tự, chỉ có thiếu vai trò của Thiên Chúa.

Cho đến thời đại văn minh như hiện tại, còn rất nhiều người vẫn cảm thấy bất lực và vô vọng trước những đau khổ của mình và những thảm họa của đồng loại. Từ đó những hứa hẹn được thương yêu, chăm sóc, bảo vệ trong kiếp này và một cuộc sống tươi đẹp vĩnh hằng ở kiếp sau luôn mang lại một ảo giác an lành khó gì sánh được, cho dù ảo giác này chỉ tạm bợ, mơ hồ thậm chí giả tạo. Mê tín dị đoan nhiều khi trở thành những thói quen phiền toái, tốn kém. Tuy vậy, đây là „những thiệt thòi” người ta sẵn sàng đánh đổi để họ cảm thấy an tâm và „an toàn” hơn. Cái cảm giác an tâm vì được bảo vệ, sự khao khát được an toàn đã trở nên quá to lớn làm người ta không dám, và không muốn bước ra ngoài vòng của những đức tin tôn giáo mà họ đang sẵn có. Ngoài ra, con người luôn bám víu vào tín ngưỡng tôn giáo, coi đó như một bức tường rào bảo vệ. Thí dụ như con người vẫn tiếp tục cầu khẩn xin Phật, Chúa giúp đỡ họ trong khi chính họ cũng thấy rằng việc cầu khẩn này không phải lúc nào cũng thành công. Tuy nhiên họ an phận với điều này vì theo họ dù cầu khẩn chỉ đem đến một chút hy vọng thành công cũng vẫn còn tốt hơn là không có gì hết.

Do những tính chất đặc biệt và phức tạp, trong mọi thời đại Tín ngưỡng và Tôn giáo đều bị các thế lực, kể cả những thế lực tự coi là Tinh hoa của xã hội lợi dụng để cai trị, ngu muội và đàn áp người dân. Bản thân các thế lực lãnh đạo các tôn giáo do vì muốn độc tôn hay thắng thế trong cuộc tranh giành địa vị trong xã hội cũng đã gây ra biết bao cảnh chém giết, huynh đệ tương tàn. Vì tin tưởng một cách mù quáng, nhiều người đã tự giết mình, giết người khác mà vẫn tưởng đó là việc làm vì Chúa, theo Chúa. Những kẻ lợi dụng quyền lực, lợi dụng Phật, Thánh, Thần cũng nhờ những sự cuồng tín của người dân để kiếm tiền bất chính. Ở một khía cạnh khác, nhiều tín đồ tôn giáo vì thiếu hiểu biết và tham lam nên đã bị những kẻ tự xưng là thay mặt cho Chúa, cho Phật dẫn dắt làm những việc ngu muội, mà kết quả chỉ đem lại sự tiêu tán tài sản và sức khỏe.


Vác-sa-va tháng 4/2017

Xuân Nguyên


Sửa lần cuối 2017-04-27 07:34:19

Bình luận

Bình luận qua Facebook