2023-01-25 09:09:59

Ở Ba Lan, quần áo cũ quyên góp ở các thùng đựng sẽ đi đâu?

Ở Ba Lan, nếu có quá nhiều quần áo không mặc tới, bạn có thể đem gửi vào các thùng nhận quần áo cũ để chia sẻ cho ai cần hoặc đem đi tái chế. Nếu vứt thẳng vào thùng rác, khả năng cao chúng sẽ bị đem đi đốt, gây hại nghiêm trọng cho môi trường sống.

Các thùng này bắt đầu xuất hiện tại Ba Lan từ những năm 1990, chủ yếu được quản lý bởi Hội Chữ thập đỏ Ba Lan (PCK), được đánh dấu bằng logo chữ thập đỏ đặc trưng. Về sau, chúng trở nên phổ biến và các tổ chức khác như Eco Textil cũng tham gia và có thùng đựng của riêng mình. Tuy nhiên, đôi khi bạn sẽ bắt gặp những thùng thu gom không có logo của bất cứ tổ chức nào. Đối với các thùng này, rất khó xác định ai là chủ sở hữu, quần áo gửi vào sẽ đi về đâu và có được xử lý đúng cách để giảm thiểu tác động tới môi trường hay không.

Ảnh: GG/zyciepabianic.pl

Chuyện gì sẽ xảy ra sau khi quần áo cũ được bỏ vào thùng?

Sau khi được gửi vào các thùng này, quần áo sẽ được đem đi phân loại theo mức độ lành lặn. Những bộ quần áo tốt nhất, còn sử dụng được sẽ được bán ở các cửa hàng đồ cũ.

Những bộ có chất lượng thấp hơn thì phần lớn trong số đó (70-90%) sẽ được đưa đến nhà máy tái chế. Ở đây, chúng sẽ được xử lý thành vải vụn hoặc dùng làm nhiên liệu thay thế.

Mặc dù quần áo quyên góp sẽ không được tặng trực tiếp cho những người có nhu cầu, nhưng lợi nhuận thu được từ việc bán đồ second-hand và tái chế sẽ được dùng cho mục đích từ thiện. PCK và Eco Textil ký thỏa thuận với các đối tác để nhận về số tiền tỉ lệ với số lượng quần áo thu được. Đối với PCK, lợi nhuận thu được sẽ dành để giúp đỡ trẻ em từ các gia đình nghèo, hỗ trợ người bệnh, thực hiện các chương trình gió dục, vân vân. Còn Eco Textil thì gây quỹ mua xe lăn cho người khuyết tật.

Cần lưu ý điều gì khi bỏ quần áo cũ vào các thùng này?

  • Thật ra các thùng này không chỉ giới hạn ở quần áo, mà còn có thể tiếp nhận các loại hàng dệt may khác. Bạn có thể cho giày dép, ga giường, chăn, khăn tắm hay thậm chí cả đồ chơi nhồi bông vào đây. Đồ đạc không nhất thiết phải trong tình trạng hoàn hảo, quan trọng là phải sạch sẽ. Tuy nhiên, một số thùng nhận có thể ghi rằng họ không nhận quần áo sờn, rách, mà chỉ nhận đồ lành. Hãy đọc kỹ hướng dẫn dán trên thùng để tránh sai sót.
  • Nếu thùng chứa đã đầy, không nên để túi quần áo ở bên cạnh vì có thể bị động vật phá hủy hay bị lấy mất.
  • Tốt nhất, hãy bỏ vào các thùng có dán logo của tổ chức quản lý, ví dụ như PCK hay Eco Textil. Nếu bắt gặp một thùng chứa không có nhãn mác hay để sai nơi quy định, hãy báo cáo với cơ quan quản lý đường bộ của thành phố (Zarządowi Dróg Miejskich).
Cuối cùng, quyên góp quần áo cũ qua thùng chứa chưa phải cách duy nhất để giúp đỡ người khác. Bạn có thể trực tiếp đem cho, bán hay tái chế. Để hạn chế lượng quần áo thải bỏ, hãy chọn mua những loại làm từ chất liệu tốt và bền bỉ, có màu sắc và phong cách trung tính, dễ mặc.

An Vu

Theo: https://eko360.pl/kontenery-na-odziez-uzywana-czy-wiesz-o-nich-wszystko/?fbclid=IwAR2tHT8ta8SSYOAq6cPsO53MAeGT7_X75CEaqrZMTOx_ILWFHRUrOnZFW18

Sửa lần cuối 2023-01-25 08:12:43

Bình luận

Bình luận qua Facebook